NHỊ THẬP TỨ HIẾU
Xin giới thiệu 24 Mẫu Gương Hiếu Thảo của người xưa, do Lý Văn Phức (1785-1849) lược dịch theo thể thơ song thất lục bát.
Xin gửi đến các gia đình, các bạn trẻ, đặc biệt các bạn thiếu nhi loạt phim Nhị Thập Tứ Hiếu “hoạt hình”, lấy từ Youtube.
Bộ Tranh 24 bức của Họa sĩ Trần Thiếu Mai.
+ Giới Thiệu Tác Phẩm
1- Ngu Thuấn : hiếu cảm động trời
2- Văn Đế : tự mình nếm thuốc
3- Tăng Tử : mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót
4- Mẫn Tử Khiên : hiếu với mẹ kế
5- Trọng Do (Tử Lộ) : gánh gạo nuôi cha mẹ
6. Diễm Tử: sữa hươu phụng dưỡng mẹ cha
7- Lão Lai Tử : đùa giỡn cho cha mẹ vui
8- Đồng Vĩnh : bán thân chôn cha
9- Quách Cự : chôn con nuôi mẹ
10- Khương Thi : suối chảy cá nhảy
11- Thái Thuận : nhặt dâu cho mẹ
12- Đinh Lan : Khắc tượng thờ cha mẹ
13- Lục Tích : Giấu quýt cho mẹ
14- Giang Cách : làm thuê nuôi mẹ
15- Hoàng Hương : quạt gối ấm chăn
16- Vương Thôi : nghe sấm khóc mộ
17- Ngô Mãnh : chịu muỗi thay cha mẹ
18- Vương Tường : nằm băng chờ cá chép
19- Dương Hương : giết hổ cứu cha
20- Mạnh Tông : khóc đến khi măng mọc
21- Du Kiềm Lâu : nếm phân lo âu
22- Đường Thị : cho mẹ chồng bú sữa
23- Châu Thọ Xương : bỏ chức quan tìm mẹ
24- Hoàng Đình Kiên : tự tay rửa bô …
Cây có cội, nước có nguồn, làm người ai cũng có Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ. Người Việt nam xem đây là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, và không giờ phút nào lại không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục cù lao của Cha Mẹ :
“Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Nhắc đến ơn Cha cao như núi, nghĩa Mẹ như nước chảy từ nguồn. Người xưa đã dạy : “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”, trong muôn đức hạnh của con người, Hiếu là đức hạnh trọng yếu thứ nhất. Cha Mẹ, hy sinh tất cả đời sống của mình cho con, mong con khi khôn lớn sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội sau này :
“Công cha bao năm tình thương lai láng,
Nghĩa mẹ đậm đà, chín tháng cưu mang,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Biết lấy gì đền đáp nghĩa khó khăn… .”
Tác giả Lý Văn Phức tự là Lân Chi, hiệu là Khắc Trai, người làng hồ khẩu, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội, sinh vào năm ất Tỵ (1785). Ông thi đỗ cử nhân vào năm 1819, niên hiệu Gia Long thứ 18. Ông trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức.
Trong cuộc đời làm quan, ông bị nhiều lần thăng giáng, và được cử đi công cán nhiều nước ở Viễn đông. Năm 1849, ông bị bệnh mà mất, nhà vua liền cho truy thụ Lễ Bộ Hữu Thị Lang.
Để giới thiệu truyện Nhị Thập Tứ Hiếu, Lý Văn Phức đã nói về sự hiếu thuận là trọng trong đạo làm người. Con người quên công sinh thành của cha mẹ không còn xứng đáng đứng trong trời đất nữa:
Người tai mắt đứng trong trời đất,
Ai là không cha mẹ sinh thành,
Gương treo đất nghĩa trời kinh,
Ở sao cho xứng chút tình làm con.
Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết
Thì suy ra trăm nết đều nên,
Chẳng xem thuở trước Thánh Hiền,
Thảo hai mươi bốn, thơm nghìn muôn thu.
Ông tóm tắt những ý chính trong bao nhiêu truyện của các bậc hiếu tử, từ những người đỗ đạt ra làm quan cho đến những hạng thứ dân, không ai có thể vượt qua đạo lý cổ nhân, và không ai quên được Tam cương và Ngũ thường. Cho nên, mọi người đều phải xem chữ hiếu là trọng:
Bấy nhiêu cổ tích cổ nhân về trước.
Cách nghìn xưa như tạc một lòng,
Kể chi kẻ đạt người cùng,
Lọt lòng ai trốn khỏi vòng di luân,
Buổi công hạ cảm thân dày đội,
Xa hương quan gần cõi Thánh Hiền,
Trông vào những thẹn bóng đèn,
Muốn lưu gia phạm, nên truyền quốc âm.