“Sự thánh thiện của Giáo hội được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau qua những con người khác nhau” (CĐ. Vaticanô II). Thực vậy, trong Giáo hội, các vị thánh là những người có đời sống rất đặc biệt, chính đời sống đó đã dệt nên những hình ảnh sống động về sự thánh thiện khiến người ta mến phục ngay khi còn đang sống và được tôn kính ngay khi họ qua đời. Đời sống thánh Đa-minh trở nên sống động trong Giáo hội, không với tư cách một cá nhân nổi bật, nhưng nơi công việc rao giảng Tin Mừng của ngài để lại qua hội dòng mà ngài đã thiết lập.
Sinh ra trong một gia đình quý tộc, cuộc đời của ngài có nhiều triển vọng sẽ trở nên một người có công danh, có địa vị trong xã hội. Nhưng ngài đã khước từ, sống âm thầm lặng lẽ, đi khắp nơi đem Chúa cho mọi người. Thánh nhân đã rảo khắp các nẻo đường từ Toulouse tới Rôma, từ Rôma tới Bologna, từ Bologna tới Paris, từ Paris tới Madrid. Đó chỉ là những chuyến du hành lớn. Ngài đã dùng thời gian này để cầu nguyện. Với ngài, đường đi là nơi đặc biệt để thể hiện sức mạnh của tâm hồn, của tinh thần khổ chế, lòng yêu mến chiêm ngắm và lòng nhiệt thành rao giảng.
Ngài hằng mong mỏi được tận hiến cả cuộc đời để phục vụ Tin Mừng như Chúa Kitô đã hiến thân trọn vẹn cho đến chết để cứu độ trần gian. Theo Thánh Đa-minh, cách tốt nhất để rao giảng Tin Mừng trong thời đại của ngài là mô phỏng theo cách thức của các Tông đồ. Cũng theo ngài, đã hẳn một nhà giảng thuyết cần được Giáo hội tiến cử, nhưng không có lý do gì mà một nhà giảng thuyết chính thức lại xử sự như một quan chức thế tục. Ngài dứt khoát khước từ bất cứ địa vị nào ở trên người khác và thi hành quyền bính trên họ. Thánh nhân quan niệm, nhà giảng thuyết đến với dân chúng như một người hành khất van xin Thiên Chúa ban lời cho mình để rao giảng và nài xin con người cho cơm bánh để nuôi mình. Chính qua khẩu hiệu “Contemplata aliis tradere” “Chiêm niệm và trao cho tha nhân điều mình chiêm niệm” cho ta thấy được mối bận tâm của ngài là chiêm niệm và thông chuyển cho người khác những gì mình đã chiêm niệm. Bắt chước các Tông đồ theo cách thức sống hiệp thông huynh đệ cộng đoàn và sống khó nghèo Tin Mừng, ngài đã sống triệt để tinh thần đó. Chính vì thế, khi phong thánh cho ngài, Đức Giáo hoàng Gregorio IX nói: “Tôi đã biết một người thực hành trọn vẹn luật của các Tông đồ”.
Thánh nhân không chỉ giảng bằng lời nói suông, nhưng còn bằng việc làm. Ngài đã thức suốt đêm để thuyết phục người ngoại đạo trở lại cùng Chúa. Ngài sẵn sàng bán bộ sách quý để giúp người đói, sẵn sàng bán mình làm nô lệ để người khác được sống tự do, và dâng hiến cả cuộc đời của mình để rao giảng “vì lợi ích các linh hồn”. Thánh nhân ra đi không mỏi mệt, nhiệt thành rao giảng không gì ngăn cản nổi, tất cả đều qui hướng về sứ mệnh làm vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Thánh Ða-minh đã hằng đêm không ngừng cất lên lời cầu nguyện sốt sắng: “Lạy Chúa, các người tội lỗi rồi sẽ ra sao ?”
Trong thế giới tục hóa hôm nay, việc loan báo Tin Mừng chỉ trở nên hữu hiệu khi những chứng nhân sống đúng tinh thần Tin Mừng. Thánh Đa-minh đã khám phá ra sự rao giảng lữ hành trong tinh thần khó nghèo, sống nghèo một cách thực tế, đặt trọn niềm tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, dấn thân trong sự ra đi, cho dù bấp bênh, nguy hiểm, dám đi đến biên cương trong tâm tình phó thác như Chúa Giêsu, sai các tông đồ đi từng hai người một, không bao bị gậy gộc, tiền bạc (x. Mt 10, 9-10).
Ngài luôn ấp ủ ước mơ đi loan báo Tin Mừng cho những dân tộc xa xôi, hoặc những người “Cumans” ở Trung Âu hoặc những người Sarazins. Anh Rodolpho xác nhận: “Cha Đa-minh khát khao ơn cứu độ cho mọi linh hồn, cả người Sarazins lẫn người Kitô hữu, nhất là những người Cumans và các dân ngoại khác”.
Khát vọng ấy, Thánh Đa-minh không thể thực hiện tới cùng. Nhưng hội dòng của người luôn ghi khắc mối quan tâm phải vượt qua biên giới của quốc gia, để đi đến với những người chưa được nghe Tin Mừng. Bao lâu công việc này chưa kết thúc, con cái của Thánh Đa-minh vẫn lên đường với một tâm hồn thấm nhuần những giá trị Tin Mừng để đến với mội biên cương, sống cho Lời và phục vụ Lời.
Tx Vi Ân