Vài tuần trước, trên xe từ sân bay vào thành phố Baghdad, tôi đã được chiêm ngưỡng vô số ông già Noel và cả rừng cây Giáng sinh bằng nhựa trong vùng đất sa mạc này, thật là trớ trêu. Đôi khi anh em Đa Minh của tôi quy tụ với những người bạn Hồi giáo Dòng Shi’a xung quanh những cây đó và cùng nhau ôn lại biến cố Chúa Giáng Sinh, nhưng đối với hầu hết những người ở Iraq thì hình ảnh của ông già Noel với bộ râu trắng và áo khoác đỏ không có ý gợi lại hình ảnh một vị Thánh Giám mục nhân ái ở Trung Đông – Thánh Nicholas; mà chỉ đơn giản là một biểu tượng trêu ngươi của chủ nghĩa tiêu thụ phương Tây đối với hầu hết những con người ở đất nước nhiều dầu mỏ nhưng nghèo này.
Theo lời mời của Dòng Nữ Đa Minh Thánh Catherine tại Iraq, tôi đã đến đó với Brian Pierce, một người anh em Đa Minh ở Texan. Có 140 người trong số họ là người Công giáo Syriac và Công giáo Chaldean. Điều này phản ánh tình yêu của Anh Chị Em Đa Minh danh cho vùng đất Mesopotamia đa nguyên văn hóa và tôn giáo này. Trong thế kỷ qua, các anh em đã dịch các sách Phúc Âm sang tiếng Kurd và thiết lập một chủng viện trong đó các người Công giáo Syriac và Chaldean cùng học.
Lần gần đây nhất, Brian và tôi đã đến thăm Iraq cách đây không lâu sau khi IS chiếm được Mosul và hàng trăm ngàn Kitô hữu Iraq đã phải chạy trốn khỏi vùng đồng bằng Ni-ni-vê vì sự an toàn tạm thời của người Kurd. Nhiều người đã phải bỏ lại xe đến bốn dặm từ biên giới của người Kurd và đi bộ dưới ánh mặt trời rực nóng, nên Erbil đã bị tắc nghẽn khủng khiếp bởi đủ các loại xe của những người tị nạn mà không được phép mang vào. Chị Hanna, một nữ tu Đa Minh, đã nói với tôi rằng chị đã đến thủ đô Kurd an toàn, nhưng lại nghe tin cha của chị đã bị bỏ lại phía sau. Chị ấy đã lấy một chiếc xe ngựa và quay trở lại đón cha mình đến chỗ an toàn. Sau đó, chị được cho biết rằng có một cụ già người Hồi giáo đã không thể đi tiếp được, và thế là một lần nữa chị quay trở lại: lần này chị đã thấy mình thật sự mạnh mẽ khi vượt tám dặm đường khó khăn lôi kéo và đưa ông cụ ấy đi dưới trời nhiệt độ 50 C, đó là dấu chỉ của một tình bạn liên tôn mà ngay cả IS không thể dập tắt được.
Sau đó, sơ bề trên và các Anh Em Đa Minh, đã dành ưu tiên quan tâm chăm sóc những người tị nạn. Giờ đây, các nữ tu Đa Minh mời gọi chúng ta cùng với họ đối diện thách thức mới, sau khi trở về từ khu vực kiểm soát của người Kurd tới nhà họ vùng Đồng bằng Ni-ni-ve. Thật ngạc nhiên khi họ kêu gọi các công dân của hai nước Mỹ và Anh, những người đã từng thực hiện những cuộc tàn phá trên đất của họ, cùng tham gia trong chuyến phiêu lưu tiếp theo, đầy căng thẳng.
Mosul và những ngôi làng ở vùng đồng bằng Ni-ni-vê được giải phóng khỏi IS. Trong khi các binh lính nước ngoài đã rời đi, thì hầu hết các quân nhân người Iraq đã cạo râu và hòa nhập dần vào đời sống người dân. Bầu khí bao trùm cả nước dày đặc với nỗi sợ hãi và bất an. Chúng tôi đã cảm nhận được điều này ở Baghdad khi đi bộ mỗi ngày từ nhà của các Anh Em cách một dặm rưỡi đến nhà các nữ tu và ngược lại. Riêng đối với các nữ tu, làm cuộc hành trình hàng ngày này được xem như là một dấu chỉ rằng nỗi sợ hãi sẽ không thống trị được đời sống của cộng đoàn.
Tại thành phố Kirkuk cổ xưa, 148 dặm về phía bắc Baghdad, các bức tường tu viện của các nữ tu vẫn còn lỗ chỗ bởi lỗ đạn và một vụ nổ lựu đạn từ một nỗ lực của IS để đột nhập vào giết họ. Ở phía bên kia đường là một nhà tế bần nhỏ cho nữ sinh viên đại học thuộc mọi tôn giáo. Những kẻ khủng bố đã đột nhập; tám cô gái đã trốn dưới giường trong bảy giờ liền, sững sờ lắng nghe trong sự im lặng khi những người theo học thuyết đạo Hồi mô tả những gì họ sẽ làm với các cô gái khi họ quay trở lại. Cuối cùng bọn khủng bố đã rút đi và các cô gái đã được giải thoát. Một số nữ tu đã tiếp tục giảng dạy tại Đại học Mosul, nhưng họ phải đối mặt với những quấy rối và xâm hại hàng ngày. Nhiều sinh viên, đặc biệt là từ phía Nam của Iraq, đã giả định rằng bất kỳ phụ nữ nào không đội khăn trùm đầu đều là vô đạo đức hoặc khuyến khích sự chú ý từ nam giới.
Chúng tôi đã quay trở lại Qaraqosh, phía đông của Mosul, nơi gần những tàn tích của thành phố cổ Assyrian ở Ni-ni-vê. Đây là nơi sống tập trung lớn nhất của các Kitô hữu Syriac, nơi phát sinh nhiều ơn gọi Đa Minh. Trên đường vào thành phố, chúng tôi đi ngang qua vô số trạm kiểm soát, được điều khiển bởi các nhóm khác nhau. Trong vòng nửa dặm chúng tôi đã tìm được những người Iran, Iraqi dòng Shi’a, bởi những người lính Kitô giáo Iraq. Đi theo hướng khác là một hàng dài những chiếc xe tải chở phế liệu của Mosul.
Tu viện và trường học của các nữ tu ở Qaraqosh đã bị phá hủy bằng bom xe. Ưu tiên trước mắt là xây dựng lại trường mẫu giáo và trường học. Các nữ tu thì sống rải rác, ba và bốn người tá túc trong các ngôi nhà của người thân. Cho đến nay, khoảng một phần ba dân số đã quay trở lại. Một giáo viên đã nói với tôi: “Vì các nữ tu đã quay trở lại, nên chúng tôi cũngtrở lại.” Các học sinh đã dán lên những bức tường của trường bằng hình ảnh về sự trở lại từ lưu vong, cho thấy những người giữ chìa khóa của thị trấn. Một giáo viên nói với chúng tôi, “Ngay cả khi cây trông có vẻ khô cằn thì vẫn có một nhánh màu xanh lá cây.” Bà ấy muốn ám chỉ các nữ tu.
Họ biết rằng sự tái sinh của Iraq phụ thuộc vào giáo dục. Dạy trẻ nhỏ thuộc mọi tín ngưỡng biết suy nghĩ là trách nhiệm đầu tiên tới các khẩu hiệu đơn giản của chủ nghĩa cơ yếu, cho dù đó là não trạng tôn giáo cực đoan của Da’esh và bạn bè của họ, hoặc những tiếng nói nhỏ lẻ mang nhiều mầu sắc chính trị thời hiện đại. Tôi đã thật sự bối rối trước sự dấn thân của các nữ tu nhằm cho các ơn gọi mới của họ có được sự đào tạo tốt nhất, về thần học, khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, mọi thứ, từ đó các nữ tu có thể giúp đỡ đào tạo một thế hệ mới của người Iraq những tín hữu, và bất cứ ai , chín chắn và thông minh. Biểu tượng của trường đại học của các Anh Em ở thủ đô – Học Viện Khoa học Nhân văn Baghdad – là tấm khiên Đa Minh truyền thống, với một dấu hỏi được thêm vào. Ở đây, không có câu hỏi nào bị cấm. Người sáng lập, nay là Đức Tổng Giám mục của Kirkuk, Yousif Mirkis OP, giải thích: “chúng ta cần bầu khí đối thoại cởi mở”.
Trên khắp vùng đồng bằng Ni-ni-vê, các nữ tu đang mở lại nhiều trường học. Các bậc cha mẹ người Hồi giáo đang thiết tha muốn cho con cái họ được tham gia vì từ lâu rồi hệ thống giáo dục Iraq ngày càng tụt dốc. Nhưng các nữ tu đã bị một số cha mẹ chế giễu, những người này nói rằng chẳng bao lâu nữa các chị nữ tu sẽ phải ra đi và các trường học sẽ thuộc về họ. Giáo dục những đứa trẻ thật là khó khăn, nhất là khi cha mẹ của chúng đang nhìn bạn với đôi mắt thiếu kiên nhẫn và ghen tị. Gương mặt của những đứa trẻ hằn lên sự sợ hãi và kiệt sức. Một số hoan nghênh khi chúng tôi đến; những người khác thì thu mình lại dưới bàn làm việc trong khi hai bàn tay của họ thì áp lên che đôi tai như sợ tiếng ồn. Lắm lúc những học sinh Công giáo đã bị những người bạn Hồi giáo của mình buông những lời quở trách là “những kẻ ngoại đạo” sẽ sớm biến mất. Nhưng chúng tôi cũng chứng kiến những đứa trẻ Hồi giáo và Công giáo đang chơi với nhau. Ở Baghdad, có một lớp học các cô bé tuổi teen đảm bảo với chúng ta rằng tình bạn của họ, vượt qua được rào cản tôn giáo, sẽ tồn tại lâu bền. Tại thị trấn Alqosh, 31 dặm về phía bắc Mosul, một nhóm các sinh viên Yazidi hỏi liệu họ có thể thăm tu viện hay không, bởi vì “Đây là nhà của Thiên Chúa.”
Có lẽ ở các lớp học này, hạt giống của một Iraq mới đang được gieo. Giống như người gieo giống trong dụ ngôn, các nữ tu và những giáo viên không chuyên nơi đây đã gieo rắc hạt giống; một số rơi trên đất đá hoặc giữa bụi gai, nhưng với một lượng nhỏ rơi trên đất màu mỡ, chắc chắn Chúa sẽ ban cho một mùa gặt dồi dào ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Đào tạo cho lớp trẻ lối suy nghĩ không chịu đựng bạo lực vô nghĩa.
Chúng tôi đã nhận ra những sự nhập nhằng (mơ hồ) tương tự trong bệnh viện của các nữ tu ở Baghdad. Khu Hộ sản được điều hành bởi sơ Bushra OP, người đã đỡ đẻ trung bình 30 bé mỗi ngày. Bà được biết đến như là “người mẹ của Iraq”. Brian cúi xuống ẵm lấy một đứa trẻ sơ sinh. Anh ta nhìn tôi và nói: “Timothy, tôi đang nắm giữ tương lai của Iraq trong vòng tay.” Một y tá đã nhắc nhở chúng tôi giữ im lặng với một giọng buồn: “Không ai giữ Iraq trong vòng tay của họ.” Vì có vẻ như nữ tu Bushra và nhân viên của bà đã làm vậy. Khu Hộ sản của Nữ tu Bushra OP có trang thiết bị tốt nhất, được hỗ trợ bởi các tổ chức như Hiệp Hội Tương Trợ Cho Giáo Hội Cần Giúp Đỡ. Ở đây cũng được xem như là nơi bắt nguồn sự hình thành tình hữu nghị có thể sinh ra một nước Iraq mới. Những bậc cha mẹ Hồi giáo, Công giáo và Yazidi chia sẻ những hoàn cảnh của cuộc sống mới. Nhưng cũng tại nơi đây, vẫn có nỗi bất an rằng một số nhân viên chỉ là chờ dịp cho các nữ tu dời đi, để họ có thể chiếm hữu.
Nhưng các nữ tu vẫn kiên gan, ngay cả khi gia đình họ đã trốn sang phương Tây hoặc đang chờ đợi hộ chiếu Jordan và Li Băng cho chuyến đi của họ. Niềm tín trung vững bền của các nữ tu là một dấu chỉ của người tôi trung của Thiên Chúa, như những lời sau cùng Ngài đã hứa: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế” (Mt 28,20). Họ không phê phán những người đã đi. Có lẽ họ không có lựa chọn nào khác. Nhưng chấp nhận ở lại là một bằng chứng đơn giản cho niềm hy vọng của họ rằng ánh sáng đức tin Kitô giáo của chúng ta sẽ được tiếp tục tỏa sáng nơi đây, nơi mà các Kitô hữu đã sống từ thưở ban đầu. Một vài Kitô hữu cũng đang trở lại. Tại Kirkuk, chúng tôi đã gặp một người đàn ông đã kết hôn, ông đã từng tìm được nơi ẩn náu ở Thụy Điển nhưng rồi ông đã quay trở về nhà, ông muốn con mình lớn lên trên mảnh đất của tổ tiên của họ. Ông ấy sắp được trao tác vụ phó tế vĩnh viễn.
Các nữ tu không chỉ không chùn bước mà bất chấp tất cả. Ở khắp mọi nơi chúng tôi đã được thưởng thức món masguf, cá chép nướng là món ăn đặc sản của dân tộc. Quả thế, chúng tôi đã từng chứng kiến một quốc gia kiệt quệ do tình trạng bạo lực mà chưa bao giờ dịu bớt đi kể từ cuộc chiến Iran / Iraq nổ ra vào năm 1980, nó gần như bị tan hoang bởi những khó khăn của sắc lệnh trừng phạt, kế đó là hai cuộc chiến tranh vùng vịnh, và cuối cùng là sự nổi dậy, dù chỉ là tạm thời, rồi sụp đổ của IS. Vâng, một đất nước hầu như không giữ lại cho nhau, chia rẽ do bởi có quá nhiều sự căng thẳng về tôn giáo và sắc tộc. Vâng, điều đó hẳn là một khoảnh khắc của cuộc khủng hoảng đối với số giáo dân đang giảm dần. Nhưng ở khắp mọi nơi chúng tôi vẫn bắt gặp niềm vui lan truyền của các nữ tu của chúng ta. Dòng Nữ Đa Minh này đã sống sót qua những cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn, chẳng hạn như cuộc chiến tranh Hồi giáo chống lại các Kitô hữu năm 1915, dẫn đến sự tử đạo của bảy chị em; tàn tích vẫn còn đấy. Sự nhẫn nại, dấn thân của các nữ tu đối với giáo dục và chăm sóc bệnh nhân, và trên hết là niềm vui của họ, đó là dấu chỉ của niềm hy vọng vào Thiên Chúa của chúng ta, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Tu sĩ Timothy Radcliffe, op
Xuất bản lần đầu trong TABLET ngày 13 tháng 1 năm 2018
Chuyển ngữ: Nhóm dịch BC