Quintilian nói: “Tất cả mọi thứ đều có một sự khởi đầu đến một sự kết thúc”. Đức tin Ki-tô giáo cũng vậy, cũng có một sự khởi đầu, khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn loài muôn vật, và đến một kết thúc, đó là ngày tận thế.
Khởi đầu khi nào, chúng ta đã biết. Kết thúc khi nào? Vâng, đó là câu hỏi không ít người muốn có câu trả lời. Khi nói về ngày tận thế, một thống kê tương đối cho biết, tại Hoa Kỳ, có một số tín đồ của một giáo phái nọ, họ đã làm công việc “tiên đoán” về ngày tận thế tổng cộng năm lần, cả năm lần đều được công bố trong thế kỷ 20, vừa qua.
Còn các nhà khoa học ư! Theo họ, một ngày nào đó sau hàng tỷ năm, thế giới chúng ta sẽ qua đi, vì mặt trời, nguồn năng lượng của nó, sẽ cạn kiệt nhiên liệu.
Với Hội Thánh Công Giáo, có lời giáo huấn, rằng, không một ai “…biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại… Chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị…” (x.Hiến chế về Mục Vụ trong thế giới ngày nay, số 39)
Ngày tận thế ư! Đó là điều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì là chương trình của Thiên Chúa, cho nên ngày đó sẽ đến, không phải theo cách hoặc thời điểm mà một số các giáo phái thường tiên báo hay các nhà khoa học tưởng là…
Với Đức Giêsu, Ngài đã cho mọi người biết rằng, sự cần thiết để biết “bao giờ sẽ tận thế” không quan trọng cho bằng “đến Ngày phán xét (mọi người) sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói (hay đã làm)”, mới là điều cần quan tâm đến. Và, trong một lần khác, khi có người hỏi “bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra”, Đức Giê-su có lời truyền dạy, lời truyền dạy đó được thánh Luca ghi lại như sau.
Một hôm, nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”.
Đây không phải lần đầu tiên Đức Giê-su nói về Đền Thờ. Đã có lần, nhìn Đền Thờ bị con người lạm dụng cho việc kinh doanh buôn bán, Đức Giê-su đã xua đuổi họ, và sau đó Ngài tuyên bố, “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Hôm đó, họ không hiểu ý “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.
Và, hôm nay, khi nghe những lời tiên báo đầy bi quan, họ lại càng hoang mang. Có người liền chất vấn Đức Giê-su: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”.
Trước việc họ muốn được nghe một lời giải đáp khả dĩ, Ngài có lời cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘chính ta đây’, và ‘Thời kỳ đã đến gần’: anh em chớ theo họ” (Lc 21, 8). Điềm gì báo trước ư! Thưa, hôm đó Ngài nói: “Khi anh em nghe có chiến tranh thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước.”
Cũng “sẽ có động đất, ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”. Thê thảm hơn nữa, “người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em và bỏ tù v.v…”
Và để khép lại cuộc chất vấn, Đức Giêsu không nói với họ ngày nào “sẽ tận thế”, Ngài chỉ khuyên, rằng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21, 19). Những lời tiên báo của Đức Giê-su đã ứng nghiệm.
Ứng nghiệm về Đền Thờ, niềm tự hào của người Do Thái. Ngày 9/8/70, hùng binh La Mã đã triệt hạ và thiêu hủy Đền Thờ. Ngày nay, dấu tích Đền Thờ chỉ còn một bức tường, người Do Thái gọi là “bức tường than khóc”. Ứng nghiệm về sự “ngược đãi, bắt bớ, tù đầy, chết chóc và thù ghét”.Thì đây, suốt chiều dài lịch sử Ki-tô giáo, có biết bao nhiêu người Ki-tô hữu rơi vào thảm trạng này.
Thánh Têphanô như là vị tử đạo tiên khởi. Chỉ vì rao giảng một “Giêsu người Nadaret”, ngài đã bị người ta chống đối “xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá”. Chuyện kể rằng: “Họ ném đá ông, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này’. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7, 60).
Tiếp đến là thánh Giacôbê, ông ta đã bị con cáo già Hêrôđê chém đầu. Sách Công Vụ tông đồ cho biết, khi thấy việc làm đó vừa lòng người Do Thái, “nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa”.
Rồi đến Việt Nam, tiêu biểu là một trăm mười tám vị tử đạo (118), là những vị hôm nay chúng ta kính nhớ. Các vị cũng chính là điển hình cho lời tiên báo của Đức Giêsu về sự “ngược đãi, bắt bớ, tù đầy, chết chóc và thù ghét” xưa kia, nay đã trở thành hiện thực.
Nhắc lại những biến cố lịch sử này để làm gì? Thưa, trước hết là để xem các vị đó như là tấm gương mẫu mực cho sự kiên trì trong đời sống niềm tin, một niềm tin vì “danh Thầy Giê-su” của mình, và sau là để nhìn lại đời sống niềm tin của chúng ta, hôm nay.
Vâng, hãy nhìn lại và tự hỏi lòng mình rằng, “vì danh Thầy Giêsu” chúng ta cũng sẽ “noi gương” các ngài! Noi gương không ở việc cũng sẽ “tử đạo” như các ngài, nhưng là noi gương ở sự kiên trì trong vai trò chứng nhân của Đức Ki-tô?
Với sứ mạng của một nhà giáo hoặc của một bác sĩ, hay của một nữ y tá và cũng có thể là một linh mục v.v… mà Chúa giao phó, tôi có sự kiên trì cho sứ mạng đó!
Còn nữa, “vì danh Chúa”, chúng ta sẽ xử sự ra sao khi phải đối diện trước những nhà cầm quyền áp đặt những luật lệ, như luật cho phép phá thai, cho phép hôn nhân đồng tính, nói tóm lại là những đạo luật đi ngược lại luật Thiên Chúa? Ta sẽ bỏ phiếu tán đồng! Hay tôi vẫn kiên trì trong đức tin truyền thống của Giáo Hội “cấm phá thai – cấm hôn nhân đồng tính”!
Đừng làm ngơ trước lời ngôn sứ Malakhi đã nói: “Ngày ấy đến, đốt cháy như hỏa lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy sẽ đến thiêu rụi chúng – ĐỨC CHÚA các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào. Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3, 19-20)
Làm sao để “ngày ấy đến”, chúng ta được diễm phúc “mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo tia sáng chữa lành bệnh”?
Phải chăng là đừng bao giờ để mất đi sự kiên trì trong việc gánh vác sứ mạng Chúa đã trao phó (nêu trên)! Thưa, đúng vậy.
Thế nên, đừng bao giờ đi ngủ, trước khi ta ngước lên thánh giá Chúa Kitô và cầu xin với Người, dĩ nhiên, cầu xin Người “Ơn Kiên Trì”, vì đó là điều Đức Giê-su đã truyền dạy: “có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
Đừng quên, với sự kiên trì, hành trình của ba nhà đạo sĩ xưa, dù phải gặp nhiều gian nan hiểm nguy, các vị đó đã diễm phúc gặp được “Hài Nhi Giê-su”.
Cũng vậy, với ta hôm nay, nếu cuộc hành trình của ta trên con đường về Nước Trời cũng có “sự kiên trì” như thế, lẽ nào ta không diễm phúc ở bên “Cứu Chúa Giê-su”! Vậy, cớ gì hôm nay, chúng ta không “xin ơn kiên trì”!
Petrus.tran