Có Chúa: đó là chọn lựa tốt nhất

 

Có Chúa: đó là chọn lựa tốt nhấtThăm viếng là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người. Có những cuộc thăm viếng đem lại cho ta niềm vui. Vui, vì người đến thăm viếng, họ đem cho ta niềm vui và hy vọng. Cũng có những cuộc thăm viếng để lại nơi ta nỗi buồn. Buồn, vì người thăm viếng để lại nơi ta những âu sầu, lo lắng.

Nói tới sự viếng thăm,  mà không nói tới sự hiếu khách, quả là một sự thiếu xót. Kinh Thánh đã có lời khuyên: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13, 2).

Ông Gióp, một nhân vật nổi tiếng thời Cựu Ước,  chính là mẫu người điển hình về lòng hiếu khách. Bất cứ ai, dù là người xa lạ, ông ta vẫn tỏ lòng hiếu khách “mở cửa đón mời”, khi họ đến viếng thăm. (G 31, 32).

Với người Việt Nam, lòng hiếu khách được thể hiệu rất thịnh tình, “khách đến nhà không gà cũng vịt”.  Có khách đến nhà, quen hay lạ, thân hay sơ… chủ nhà dù nghèo khó cũng tiếp đón chu đáo và tiếp đãi một cách thịnh tình, với quan niệm, đói năm chứ không đói bữa…

Là người Ki-tô hữu, sự thăm viếng và lòng hiếu khách là điều rất nhị. Thánh Luca, qua câu chuyện hai chị em Mác-ta và Maria, không chỉ cho chúng ta thấy rõ điều đó, mà còn như là một kim chỉ nam cho đời sống đức tin của mình.  (x.Lc 10, 38-42)

Chuyện được kể lại rằng: Hôm đó,  trong lúc Đức Giêsu cùng các môn đệ đang rảo bước đi trên đường, bỗng nhiên, có một người phụ nữ tiến đến, người phụ nữ này tên là Mác-ta. Cô ta ngỏ ý mời “Người vào nhà”. Việc cô Mác-ta mời Đức Giêsu vào nhà mình cứ tưởng rằng sẽ đem lại cho cô ta niềm vui và hạnh phúc.

Thế nhưng, thực tế lại không phải là như thế. Niềm vui Chúa đến và hạnh phúc được phục vụ Chúa đã biến cô Mác-ta cứ như một “con rối”.

Thật vậy, hôm đó, nào có phải chỉ một Thầy Giêsu đến, còn cả những người môn đệ của Ngài nữa, có tới cả mười hai người, quả là một gánh quá nặng, thế mà cái con bé Maria lại cứ thản nhiên “ngồi bên chân Chúa” chẳng màng đến bà chị đang “tất bật (ngược xuôi như con rối) lo việc phục vụ”.

Như giọt nước tràn ly, Mác-ta đến bên Đức Giêsu than thở:  “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?”.

Phụng phịu… Vâng,  Mác-ta, rất có thể đã  đến bên Đức Giê-su với khuôn mặt phụng phịu, nói: “Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”

Đáng tiếc thay! Lời cầu cứu của Mác-ta không được đáp ứng. Trái lại,  nó  bộc lộ  nơi cô nàng một sự mệt mỏi, nản lòng, nếu không muốn nói là tức giận.

“Mác-ta! Mác-ta ơi!” Sự thăm viếng của Thầy Giê-su trở thành gánh nặng của cô sao? Để tỏ lòng hiếu khách, hà tất phải mân cao cỗ đầy!

Kìa đấy! hãy nhìn ông Dakêu, khi được Đức Giêsu thổ lộ rằng “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”, đâu thấy ông ta “tất bật” lo việc cơm nước cho Đức Giêsu! Trái lại, Dakêu vẫn có thể  tỏ lòng hiếu khách của mình thật chân tình chỉ bằng những giây phút “ta với ta” bên Ngài.

Vâng, nói tới giây phút ta-với-ta, có lẽ không ai trong chúng ta lại không nhớ đến nhà thơ Nguyễn Khuyến. Qua một bài thơ, một bài thơ đã đi vào lịch sử văn học, ông ta cho chúng ta nhìn thấy lòng hiếu khách của mình rất chân thật và dễ thương làm sao.

Thơ rằng: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà, Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;  Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ;  Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không có, Bác đến chơi đây, ta với ta”.

Vâng, Dakêu không biết Nguyễn Khuyến, nhưng ông ta biết cách tỏ lòng hiếu khách của mình với Đức Giê-su “y chang” cung cách của Nguyễn Khuyến. Nghĩa là  chỉ ngồi bên Đức Giêsu “ta với ta”, ấy vậy mà, qua những giây phút tâm tình đó,  Đức Giêsu không chút phàn nàn về ông ta, trái lại, Ngài nói với Dakêu rằng “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (x. Lc 19, 9).

“Mác-ta! Mác-ta ơi!” Không phải Thầy không thấy Mác-ta “đầu tắt mặt tối”. Không phải Thầy muốn “đì” Mác-ta nên không đả động gì đến lời yêu cầu của cô…

Bảo nó giúp một tay ư! Ai lại làm thế! Nó đang “ngồi bên chân Chúa”, nó cũng đang tỏ lòng hiếu khách với Thầy bằng cách ngồi bên Thầy tâm tình “ta với ta”, kia mà! Hôm đó, Đức Giêsu đã cho Mác-ta biết rằng, Maria – cô em gái của nàng, “đã chọn phần tốt nhất”.

Qua câu chuyện này, đừng nghĩ rằng Đức Giê-su coi thường sự phục vụ. Chính Ngài đã nói “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;  ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 43).

Cô Maria đã phục vụ. Tuy nhiên, nếu cô ta, nói theo cách nói của tông đồ Phê-rô, “tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca”, thì hay biết mấy. (x.1Pr 4, 9).

Vâng, đó là một điều khó thực hiện. Hãy thử tưởng tượng, trong một cộng đoàn luôn xảy ra cảnh “ông nói gà bà nói vịt”, ai trong chúng ta có thể phục vụ cộng đoàn đó mà không-lẩm-bẩm-kêu-ca! Phục vụ cho những người già khó tính, hoặc những bệnh nhân aids hay bộc lộ tính khí thất thường v.v… thật khó để mà không có những lúc “lẩm bà lẩm bẩm”, phải không, thưa quý vị!

Phải làm sao để vượt qua thách thức này? Thưa, không gì tốt hơn là học lấy kinh nghiệm của thánh Phaolô.

Trước những khó khăn và vất vả cho việc phục vụ dân ngoại, với kinh nghiệm bản thân, ngài chia sẻ, rằng: “Tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (x.Cl 1, 24). Vâng, khi phục vụ, hãy nhớ rằng: tất cả là vì “lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”.

Trở lại với cô Maria. Thánh sử Luca cho biết, “Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”.

Chúa đã truyền dạy điều gì với Maria? Thưa, thánh sử Luca không ghi lại. Tuy nhiên, qua cách diễn tả tư thế “ngồi bên chân Chúa”của cô Maria, thánh sử muốn nói với mọi người rằng, cô ta đang ngồi trong tư thế của một người môn đệ lắng nghe lời dạy dỗ và sẵn sàng đón nhận lệnh truyền của Thầy mình.

Khởi đầu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, trải qua bốn mươi ngày trong hoang địa, bị Satan cám dỗ về miếng ăn, Đức Giê-su nói “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Thế nên, đến với gia đình Mác-ta và Maria, chúng ta có thể tin rằng, Đức Giê-su đã nói với Maria về những gì có liên quan đến Lời Chúa. Hơn thế nữa, Ngài còn muốn biến cuộc thăm viếng của mình thành một bữa đại tiệc, “Đại Tiệc Lời Chúa”.

Và, như chúng ta đã thấy, Maria đã không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức bữa đại tiệc này, thế nên, hỏi sao Đức Giê-su không thể không nói “Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Muốn bày tỏ tinh thần phục vụ (đức ái) tốt nhất ư! Vâng, Lời Chúa sẽ như là “ngọn đèn”, sẽ như là “ánh sáng” chỉ đường dẫn lối, để chúng ta thực hiện.

Cùng với cảm nghiệm này, tác giả Duy Thạch DVD, qua bài viết tựa đề “Chọn lựa nào là tốt nhất”, chia sẻ rằng:  “Mọi hành động của chúng ta đều phải dựa trên nền tảng của Lời Chúa thì mới đạt kết quả tốt đẹp. Nếu mỗi người chúng ta không có những giây phút lắng nghe, suy gẫm Lời Chúa thì làm sao biết được sự hướng dẫn của Chúa? Chúa Giêsu không phủ nhận mọi công lao vất vả của Mácta. Người cũng không dạy chúng ta cứ đến nhà thờ cầu nguyện suốt ngày và không cần làm gì cả. Người dạy chúng ta phải biết để tâm nghe tiếng Người, để cho lời Người hướng dẫn mọi hoạt động của chúng ta”.

Giờ đây, với chúng ta, chúng ta hãy tự hỏi: tôi cũng đã chọn phần tốt nhất như cô Maria, xưa kia? Tôi cũng sẵn sàng “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”.

Đức Giê-su của hôm nay, Ngài vẫn luôn hiện diện nơi ngôi làng Bê-ta-ni-a, một Bê-ta-ni-a mới, đó chính là ngôi nhà thờ.  Vâng, với tư tưởng này, Lm Charles E. Miller chia sẻ rằng: “Theo một ý nghĩa thẳm sâu, Anh chị em phải hiểu rằng, trong thánh lễ, chúng ta cũng ngồi bên chân Chúa Giêsu ở phần phụng vụ Lời Chúa. Công Đồng Vatican II đã dạy rằng: ‘Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong nhà thờ” (Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 7).

Chưa hết, điểm khác biệt nơi ngôi làng Bê-ta-ni-a mới này, Chúa Giê-su là người phục vụ ta, chứ không phải ta là người phục vụ Chúa. Thật vậy, tiếp tục lời chia sẻ, Lm Charles E. Miller cho biết “nơi bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu phục vụ chúng ta “Mình và Máu Đức Kitô, không phải do Macta dọn ra mà do chính Người dọn ra”. Còn nơi bàn tiệc Lời Chúa ư! Vâng,  Ngài dạy chúng ta “lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29)

Có lòng hiền hậu và khiêm nhường, có cuộc viếng thăm nào lại không đem lại niềm vui và sự hy vọng cho mọi người! Có lòng hiền hậu và khiêm nhường, có sự phục vụ nào lại  không để lại dấu ấn tình yêu thương!

Có niềm vui, có sự hy vọng và nhất là có tình yêu thương. Vâng, nhất là có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời. Có Đức Chúa Trời, đó chính là “chọn lựa tốt nhất”, tốt nhất cho chính cuộc đời của mỗi chúng ta.

Cuối cùng, có Đức Chúa Trời trong chính cuộc đời ta, hãy tin, trong ngày phán xét, Thầy Giê-su sẽ nói với ta rằng: “Đó là chọn lựa tốt nhất”.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận