Ngày 01.10.2023: Đức Mẹ Mân Côi

Ngày 01.10.2023: Đức Mẹ Mân Côi

Ngày 01-10-2023

Chúa Nhật Kính Trọng Thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi

(Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bổn mạng các xứ truyền giáo)

Lời Chúa: Lc 1,26-38

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Ngày 01.10.2023: Đức Mẹ Mân Côi

Gợi ý suy niệm

Hôm nay chúng ta mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta có thể gọi lễ này là Mân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi… tất cả có cùng một ý nghĩa: đó là những bông hồng đẹp, những bông hoa quý dâng kính Đức Mẹ, tuỳ theo thói quen và sở thích của mỗi người. Nhân dịp lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa kinh Mân Côi.

Hằng ngày chúng ta vẫn đọc kinh Mân Côi từng cá nhân hay trong gia đình, nhưng trong tháng 10 này, Hội thánh thúc giục chúng ta gia tăng việc đọc kinh Mân Côi, vì là tháng được dành riêng cho việc tôn sùng Đức Mẹ qua việc lần hạt Mân Côi.

Chuỗi Mân Côi là chuỗi gồm 50 hạt. Mỗi hạt là một kinh Kính Mừng và sau 10 hạt lại có thêm một hạt nữa để chỉ kinh Lạy Cha. Những kinh Kính Mừng đó được coi như những bông hồng kết thành vòng hoa dâng kính Đức Mẹ.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thừa biết lần chuỗi Mân Côi là để tỏ lòng kính yêu và cầu xin cùng Đức Mẹ. Nhưng kinh Mân Côi có giá trị cao quý, trổi vượt hơn các kinh khác, bởi vì chuỗi Mân Côi là một cách thức cầu nguyện dựa trên nền tảng Thánh kinh: từ kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng cho đến 20 mầu nhiệm cứu chuộc đều được trích ra trong sách Tin mừng.

Kinh Lạy Cha mở đầu cho mỗi chục kinh Kính Mừng, là lời kinh cao quý nhất, vì là kinh Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện. Khi dạy chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta những tâm tình và cách sống làm sao cho đáng gọi Thiên Chúa là Cha (x. Mt 6,9; Lc 11,2).

Rồi mỗi khi lặp đi lặp lại 50 hay 200 kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời chào của thiên sứ Gabriel và lời chúc tụng của thánh nữ Élizabeth, Mẹ của thánh Gioan Tẩy giả, để chào Đức Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”, là “người có phúc hơn các người nữ”, là “Mẹ Thiên Chúa (x. Lc 1,26-38). Trước những tước hiệu cao quý ấy của Đức Mẹ, chúng ta tự nhận mình là những con người tội lỗi, và khiêm tốn kêu xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại, và nhất là trong giờ lâm tử.

Kinh Sáng Danh sẽ nối kết những chục kinh Lạy Cha, Kính Mừng này để dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, lời ca khen chúc tụng muôn đời.

Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta suy gẫm về cuộc đời Chúa Giêsu đã được ghi lại trong Tin mừng. Chúng ta suy niệm 5 hay 20 mầu nhiệm cứu độ: Năm sự Vui, năm sự Thương, năm Sự Sáng và năm sự Mừng. Hay nói cách khác, chúng ta suy niệm mầu nhiệm Giáng sinh – Rao giảng – Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu; đồng thời kèm theo một lời nguyện chúng ta được biết cải hoá đời sống để sống phù hợp với gương mẫu của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria. Thật đúng như lời Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Chuỗi Mân Côi là bản tóm lược toàn bộ Tin mừng”.

Tràng chuỗi Mân Côi là cuốn sách Tin mừng, được rút gọn, dễ hiểu, dễ đọc, dễ nhớ và được suy niệm trong tâm tình kết hợp với Đức Trinh nữ Maria là Đấng đã từng sống những mầu nhiệm ấy với Chúa Kitô, như Tin mừng đã nói: “Đức Maria đã ghi nhớ tất cả những biến cố ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,35).

Chúng ta có có thể đọc chục 50 kinh Kính Mừng, hoặc một chục kinh vừa suy niệm một mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Hoặc chỉ đọc đi đọc lại kinh Kính Mừng cũng được, nhất là khi đi đường hay nằm trên giường không ngủ được. Mỗi khi đọc “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” là chúng ta lặp lại lời thiên sứ Gabriel chào Mẹ, để cảm tạ Chúa và nói lên hồng ân cao cả mà Chúa đã ban cho Mẹ.

Đọc kinh Mân Côi không phải là việc đạo đức tầm thường, mà là một chuỗi tình yêu, một phương cách cầu nguyện theo Tin Mừng, nhằm giúp chúng ta cải thiện đời sống.

Ước gì chuỗi Mân Côi là kinh nguyện của mỗi gia đình và mỗi người chúng ta. Ước gì mỗi người chúng ta tìm được sự an ủi, khích lệ và an bình nhờ sự lần chuỗi, nhất là trong những lúc gặp gian nan thử thách, như lời Đức Thánh Cha Piô X nhắn nhủ các gia đình Công giáo: “Khi gia đình anh chị em không được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban sự an vui hòa thuận yêu thương. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ tạo bầu khí cảm thông, tha thứ…”

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu là Con Đấng Tối cao, con mường tượng phút giây Chúa trở thành một mầm sống trong cung lòng Mẹ Maria. Chúa đã đáp ứng lại niềm trông đợi trải dài suốt thời Cựu ước. Mẹ Maria chính là điểm cuối cùng; chuỗi mong đợi tưởng chừng như vô hạn đó nay đã chín và niềm mong đợi đã tròn. Mầm sống yếu ớt đang nảy nở trong lòng. Mẹ chính là chồi non cứu độ sẽ mang lại cho thế giới bộ mặt hoàn toàn mới, tràn trề yêu thương và chứa chan hy vọng. Mẹ Maria là Đấng Diễm Phúc, là tạo vật đáng yêu của Chúa, được Chúa tín cẩn trao cho vai trò tiên phong trong kế hoạch cứu độ nhân loại. Mẹ là tạo vật đẹp lòng Chúa và đại diện cho con người đón nhận Chúa. Lời xin vâng của Mẹ cũng là lời Mẹ thưa lên thay cho cả trần gian. Ngay từ giây phút ấy, Mẹ đã trở nên Evà mới, trở nên Mẹ hiền của đoàn con trần thế.

Lạy Chúa, tất cả những điều kỳ diệu ấy đều do tình yêu thương vô cùng của Chúa. Con tôn vinh Mẹ và trên hết con cảm tạ Chúa. Con cảm tạ Chúa vì Chúa đến cứu độ chúng con và ban Mẹ cho chúng con. Chúa biết chúng con sinh ra từ nguồn mạch tội nguyên, vốn yếu đuối, cuộc đời là những vướng lụy triền miên, nên Chúa đã cho chúng con một sự bảo trợ vững chắc. Xin Chúa dạy con biết xin vâng như Mẹ, và xin cho con luôn bước theo Mẹ, trông cậy vào sự bảo trợ của Mẹ.

Amen.