Ngày 30.09.2023: “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”

 

Ngày 30.09.2023: "Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời"

Ngày 30-09-2023

Thứ Bảy Tuần 25 Mùa Thường niên

Thánh Giêrônimô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Lời Chúa: Lc 9,43b-45

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

43b Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, thì Người nói với các môn đệ rằng: 44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

++++++++++++

Memorial of Saint Jerome, Priest and Doctor of the Church

Gospel: Lk 9:43b-45

While they were all amazed at his every deed, Jesus said to his disciples, “Pay attention to what I am telling you. The Son of Man is to be handed over to men.”  But they did not understand this saying; its meaning was hidden from them so that they should not understand it, and they were afraid to ask him about this saying.

Ngày 30.09.2023: "Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời"

Gợi ý suy niệm

1. Nhận thấy mọi người, trong đó có các môn đệ, kinh ngạc trước việc chữa lành đứa trẻ bị kinh phong mà nguyên nhân bởi quỷ ám. Đức Giêsu, một đàng sợ dân chúng ngộ nhận Ngài là Đấng Cứu Thế theo kiểu trần thế; đàng khác, Ngài muốn nhờ cơ hội này, để giáo huấn các môn đệ ngõ hầu từng bước một họ sẽ hiểu chính xác về công việc cứu thế của Ngài, nên Ngài đã loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.

2. Các môn đệ đang say sưa và hãnh diện về lời rao giảng và quyền năng của Thầy mình, thì đột ngột Đức Giêsu loan báo về cuộc thương khó sẽ xảy đến cho Ngài làm các ông ngỡ ngàng và không thể hiểu được.

          Tại sao Thầy uy quyền, làm được những phép lạ lớn lao như thế thì ai có thể bắt được ?

          Tại sao Thầy chí thánh làm những việc thiện và cứu người lại bị nộp ?

          Nếu Thầy bị bắt thì sứ mạng Đấng Cứu Thế ở đâu?

Bởi vì từ lúc chọn theo Đức Giêsu cho đến lúc trước Phục sinh, các môn đệ chỉ nhìn Đức Giêsu với cái nhìn của con người. Họ nghĩ Ngài mang sứ mạng chính trị, dùng quyền lực giải phóng Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, lên ngôi vua Israel. Từ đó các môn đệ cũng được chia phần vương giả. Chính vì thế mà Đức Giêsu dần dần dạy các ông hiểu về con đường cứu độ của Ngài là giải phóng toàn nhân loại khỏi ách nô lệ của ma quỷ, khỏi tội lỗi và sự chết. Con đường cứu độ này chỉ được thực hiện bằng giá máu.

3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với đau khổ, nếu đau khổ là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của đau khổ hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với đau khổ, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Đau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.

Đức Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tuỳ con người có biết đón nhận đau khổ với tình yêu hay không.

4. Ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể hành sự như các Tông đồ xưa, chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong đời sống của chúng ta, không hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của chính mình. Không hiểu, chúng ta ngại không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa, ngại ngùng trước việc tìm hiểu biết Chúa, ngại ngùng lên tiếng xin Chúa trợ giúp cho ta hiểu biết Ngài trong việc cầu nguyện và tiếp xúc với Lời Chúa và đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng đến với Chúa và xin Ngài mạc khải cho chúng ta được hiểu về Ngài mỗi ngày một sâu rộng hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vui sướng ai cũng thích, và khổ đau ai cũng sợ.

Thấy vui tìm đến, thấy khổ tháo lui.

Con bây giờ cũng thế, mà các tông đồ thuở xưa cũng vậy, lúc Chúa biến hình vinh quang, khi Chúa làm phép lạ diệu kỳ…, các tông đồ phấn khởi tin theo Chúa.

Ngược lại, lúc tiên báo cuộc khổ nạn, lòng các Ngài như bị che khuất, chẳng hiểu và cũng không muốn hiểu.

Lạy Chúa, Chúa đến không phải được hầu hạ nhưng là để hầu hạ mọi người.

Làm vua theo tinh thần của Chúa không phải là nghênh ngang trên kiệu vàng, mà là chịu khổ đau với thần dân.

Điều đó trái với sự chờ đợi của mọi người.

Xin cho con được hiểu rằng: theo Chúa là sẵn lòng bước đi trên con đường hẹp đòi hỏi nhiều từ bỏ hy sinh, và đón nhận một thập giá trên vai mình.

Chúa có hứa ban kho tàng trên trời cho kẻ từ bỏ mình vì Chúa.

Xin cho con đừng trông chờ sự giàu sang trần thế.

Chúa có hứa ban sức mạnh tâm hồn cho kẻ theo Chúa.

Xin cho con đừng thất vọng khi yếu đau sầu khổ.

Chúa có hứa ban vinh quang bất diệt mai sau.

Xin cho con đừng ngỡ ngàng khi bị sỉ nhục vì Danh Chúa.

Xin cho con thêm lòng tin cậy mến để con can đảm bước vào con đường hẹp và theo Chúa tới phục sinh vinh quang.

Amen.