Sứ điệp Mùa Chay năm 2020 của Đức Thánh cha

 

Sứ điệp Mùa Chay năm 2020 của Đức Thánh chaTrong sứ điệp Mùa Chay, công bố hôm 24/02/2020, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu đón nhận mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa để hoán cải, cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa, dấn thân trong đời sống cầu nguyện, đồng thời cảm thương những vết thương của Chúa Kitô nơi bao nhiêu nạn nhân vô tội.

Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh cha có chủ đề, là lời thánh Phaolô: “Nhân danh Chúa Kitô, tôi nài xin anh chị em hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Sứ điệp được Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, giới thiệu trong cuộc họp báo sáng ngày 24/02/2020, tại Vatican. Hiện diện trên bàn chủ tọa còn có cha Bruno Marie Duffé, Tổng thư ký của Bộ, và Bà Marielle Enoc, Chủ tịch Bệnh Viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng Giêsu của Tòa Thánh.

Tín thác nơi lòng thương xót của Chúa

Đức Thánh cha nhắc lại điều ngài đã viết cho giới trẻ trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit): “Hãy nhìn vòng tay mở rộng của Chúa Kitô chịu đóng đanh, hãy để cho bạn luôn được cứu rỗi. Khi bạn đến gần để xưng thú các tội lỗi, hãy tin chắc nơi lòng thương xót của Chúa giải thoát bạn khỏi tội lỗi. Hãy chiêm ngắm máu Chúa đổ ra với bao nhiêu tình thương và hãy để cho bạn được thanh tẩy bằng máu Chúa. Như thế, bạn luôn có thể được tái sinh” (n.123). “Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu không phải là một biến cố quá khứ: do quyền năng của Chúa Thánh Linh, Lễ Vượt Qua ấy luôn thời sự và giúp chúng ta nhìn được, động chạm bằng đức tin thân mình của Chúa Kitô nơi bao nhiêu người đau khổ” (2).

Hoán cải và gặp gỡ Chúa Kitô

Sau khi nhắc lại sự cấp thiết cần hoán cải và gặp gỡ Chúa Kitô trong kinh nguyện dưới nhiều hình thức khác nhau, “để cho mình được tâm tình biết ơn đối với Chúa đánh động, kéo ra khỏi tình trạng ngái ngủ”, Đức Thánh cha viết: “Mặc dù có sự hiện diện, nhiều khi bi thảm của sự ác trong đời sống chúng ta, cũng như trong đời sống của Giáo hội và thế giới, cơ hội được cống hiến cho chúng ta để đổi hướng, biểu lộ ý chí kiên trì của Thiên Chúa, không cắt đứt cuộc đối thoại cứu độ với chúng ta. Trong Chúa Kitô chịu đóng đanh, “Đấng mà Thiên Chúa đã biến thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21), ý chí ấy của Thiên Chúa đã lên tới mức độ đổ mọi tội lỗi của chúng ta trên Con của Ngài…”

Cảm thương những vết thương của Chúa Kitô

Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy “đặt Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống của mình, nghĩa là cảm thương đối với những vết thương của Chúa Kitô chịu đóng đanh đang hiện diện nơi bao nhiêu nạn nhân vô tội vì chiến tranh, vì những lạm dụng chống lại sự sống, từ các thai nhi cho đến người già, những hình thức bạo lực, các thảm họa môi trường, sự phân phối bất công các tài nguyên của trái đất, những vụ buôn bán người dưới mọi hình thức và sự miệt mài tìm kiếm lợi lộc vô độ, vốn là một hình thức tôn thờ thần tượng”.

Kêu gọi chia sẻ

Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Cả ngày nay, điều quan trọng là nhắc nhớ những người nam nữ thiện chí hãy chia sẻ của cải của mình với những người túng thiếu nhất, qua việc làm phúc bố thí, như hình thức đích thân tham gia vào việc xây dựng một thế giới công bằng hơn. Sự chia sẻ trong tinh thần bác ái làm cho con người có tình người hơn; sự tích trữ có nguy cơ làm cho con người trở nên hung bạo, khép kín họ trong sự ích kỷ. Chúng ta có thể và phải dấn thân hơn nữa, khi cứu xét những chiều kích cơ cấu của nền kinh tế”.

Đức Thánh cha cho biết, cũng vì lý do đó, trong Mùa Chay này, từ ngày 26 đến ngày 28/03 tới đây, ngài triệu tập, tại Assisi, khóa họp các nhà kinh tế trẻ, các chủ xí nghiệp và những người cải tiến kinh tế, với mục đích góp phần vạch ra một nền kinh tế công bằng và bao gồm hơn nền kinh tế hiện nay. Như Giáo hội đã nhiều lần lập lại, chính trị là hình thức trổi vượt của đức bác ái (Xc. Piô 11, Diễn văn cho FUCI, 18/12/1927). Cũng vậy, khi tiến hành một nền kinh tế với tinh thần Tin Mừng như thế, đó là tinh thần các Mối Phúc Thật”.

(Sala Stampa 24-2-2020)

G. Trần Đức Anh, O.P.

 

Trả lời