Tòa Thánh công bố chỉ nam về thủ tục xử lý những vụ lạm dụng

 

Tòa Thánh công bố chỉ nam về thủ tục xử lý những vụ lạm dụngHôm 16/7/2020, Bộ giáo lý đức tin đã công bố tập chỉ nam về cách thức xử lý những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Tập chỉ nam dài hơn 30 trang, chia làm chín chương, trả lời cho các câu hỏi chính yếu liên quan đến một số điểm trong thủ tục xử lý những vụ lạm dụng. Đây không phải là một bản qui luật hoặc luật lệ mới, nhưng là một tài liệu giúp các vị Bản quyền và các viên chức giáo luật thi hành cụ thể các qui định giáo luật, liên quan đến “những tội nặng (delicta graviora), gây thương tổn cho toàn thể Giáo hội, là vết thương sâu đậm và đau thương đòi phải được chữa lành”.

Lai lịch chỉ nam

Tập chỉ nam này đáp ứng yêu cầu của các vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục thế giới trong khóa họp hồi tháng Hai năm 2019, tại Vatican về vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội.

Sẽ được cập nhật thêm

Tập chỉ nam này mang số 1.0 vì Bộ giáo lý đức tin dự kiến sẽ cập nhật theo định kỳ, dựa theo những thay đổi qui luật hiện hành hoặc đường lối thực hành của Bộ giáo lý đức tin. Điều gì cấu thành tội phạm, làm thế nào thực hiện cuộc điều tra sơ khởi, đâu là những thủ tục hình sự. v.v.

Bốn khía cạnh trong chỉ nam

Có bốn đòi hỏi được trình bày trong tập chỉ nam:

Trước tiên là bảo vệ con người. Giáo quyền được yêu cầu làm sao để nạn nhân và gia đình họ được đối xử xứng đáng và được tôn trọng. Cần đón tiếp, lắng nghe, đồng hành, kể cả với những dịch vụ chuyên biệt và trợ giúp về tinh thần, y khoa và tâm lý, tùy theo trường hợp. Cần áp dụng thái độ như vậy đối với người bị cáo.

Khía cạnh thứ hai là cần phải kiểm chứng kỹ lưỡng và chính xác bất kỳ thông tin nào mà vị Bản quyền nhận được về một vụ lạm dụng. Cho dù không có lời tố cáo chính thức, hoặc tin về lạm dụng chỉ được phổ biến qua các phương tiện truyền thông, kể cả qua các mạng xã hội, và cho dù nguồn tin là vô danh, chỉ nam cũng đề nghị cứu xét kỹ lưỡng mọi thông tin nhận được và đào sâu nó. Dĩ nhiên, việc giữ bí mật tòa giải tội luôn luôn phải tuân hành: trong trường hợp đó, cha giải tội hãy thuyết phục hối nhân đưa tin về vụ lạm dụng qua những con đường khác.

Khía cạnh thứ ba liên quan đến việc thông tin: trong nhiều điểm, tập chỉ nam nhắc nhớ nghĩa vụ phải tôn trọng “bí mật nghề nghiệp” (do chức vụ), tuy cũng nhấn mạnh rằng, trong cuộc điều tra sơ khởi, nạn nhân và các nhân chứng không “bó buộc phải giữ im lặng về các sự kiện”. Tuy nhiên, nên yêu cầu họ tránh mọi phổ biến những thông tin không thích hợp và bất hợp pháp, nhất là trong giai đoạn điều tra sơ khởi, để tránh tạo ra cảm tưởng các sự việc đã được xác định, chứng thực. Có một khoản nói về những thông cáo chính thức phải được phổ biến trong cuộc điều tra sơ khởi: trong những trường hợp như vậy, nên thận trọng và dùng những hình thức “cốt yếu và nghiêm ngặt”, không đưa ra những thông báo “giật gân”, không xin lỗi nhân danh Giáo hội, vì làm như thế tức là đưa ra những phán quyết trước về các sự việc.

Khía cạnh thứ tư và sau cùng là tầm quan trọng của sự cộng tác giữa Giáo hội và chính quyền. Ví dụ, chỉ nam nhấn mạnh rằng “cho dù luật pháp không bắt buộc, giáo quyền cũng nên trình bày sự tố cáo ấy cho nhà chức trách dân sự có thẩm quyền mỗi khi thấy là cần để bảo vệ người bị thương tổn hoặc các trẻ vị thành niên khác, chống lại nguy cơ xảy ra những hành vi tội phạm khác. Đồng thời, chỉ nam cũng nhắc nhớ rằng “việc điều tra phải được diễn ra trong sự tôn trọng luật pháp dân sự của mỗi nước”.

Các biện pháp thận trọng

Chỉ nam cũng nói đến những biện pháp thận trọng ngay từ đầu cuộc điều tra sơ khởi, để bảo vệ thanh danh những người liên hệ và công ích, hoặc để tránh gương mù, che đậy bằng chứng hoặc những đe dọa đối với nạn nhân. Các biện pháp thận trọng này có thể được thu hồi, khi chấm dứt những nguyên nhân hoặc chấm dứt cuộc xét xử. Nhưng cần phải làm một cách thận trọng và khôn ngoan.

Trong giai đoạn điều tra sơ khởi, chỉ nam khuyên không nên dùng thành ngữ “treo chén”, “huyền chức thánh” (sospensione a divinis), vì trong giai đoạn đó, chưa phải là hình phạt, nên không thể đề ra các biện pháp chế tài như vậy. Đúng hơn, nên dùng từ “cấm” (divieto) thi hành thừa tác vụ. Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra sơ khởi, nên tránh thuyên chuyển giáo sĩ liên hệ.

(Vatican News Service 16-7-2020)

G. Trần Đức Anh, O.P.

 

Trả lời