Đức TGM Paglia tái khẳng định nói “không” với cái chết êm dịu và trợ tử

Ngày 24/4/2023, Hàn lâm viện Toà Thánh có một tuyên bố, nói rõ về những nhận xét không đúng đối với bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia về chủ đề chăm sóc cuối đời trong một cuộc hội thảo vào tuần trước.

Trong bài phát biểu, đề cập đến pháp luật Ý quy định về vấn đề này, Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh nói vào năm 2019, Toà Hiến pháp Ý đã ra phán quyết rằng, trong một số điều kiện và trường hợp nhất định, một người có thể yêu cầu bác sĩ trợ giúp kết thúc cuộc đời. Nghĩa là trợ tử vẫn là một tội phạm, nhưng sẽ không bị hình sự hoá nếu hội đủ các điều kiện.

Hàn lâm viện Toà Thánh tuyên bố, với trích dẫn này của Đức Tổng Giám mục không có nghĩa là sự thoả hiệp pháp lý cũng là sự thay đổi quan điểm đạo đức luân lý đối với việc trợ tử. Tuyên bố viết: “Không cần phải giải thích thêm nữa. Ở cấp độ khoa học và văn hoá, Đức Tổng Giám mục luôn ủng hộ sự cần thiết đồng hành với người bệnh ở giai đoạn cuối đời, sử dụng phương pháp xoa dịu và quan tâm chăm sóc, nhằm đảm bảo không ai phải đối diện với đau khổ và bệnh tật trong cô đơn, cũng như không phải một mình trước những quyết định khó khăn ở giai đoạn cuối đời”.

Trong những lần phát biểu trước đây, Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh luôn nhấn mạnh đến giáo lý của Giáo hội Công giáo về chăm sóc cuối đời. Như vào năm 2019, ngài nói: “Là những người tin chúng ta phải nhớ rằng sau cái chết, cuộc sống vẫn tiếp tục. Tôi tin rằng việc đồng hành với người hấp hối là một nhiệm vụ cao cả mà mỗi tín hữu phải cổ võ. Các Kitô hữu phải đấu tranh với văn hoá trợ tử”. Và ngài kết luận: “Tự kết liễu cuộc đời luôn là một thất bại lớn và chúng ta không bao giờ biến điều này thành một chọn lựa khôn ngoan. Đó là một thất bại lớn của chúng ta”.

Ngọc Yến – Vatican News

ĐTC Phanxicô: đau khổ như nơi gặp gỡ với sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa

Theo Đức Thánh Cha, chủ đề của Đại hội thường niên năm nay liên quan đến tất cả mọi người, những người có đức tin cũng như những người không có đức tin. Bởi vì, “bản tính con người, bị tội lỗi làm tổn thương, mang trong mình thực tại của những giới hạn, của sự mong manh và chết chóc.” Và ngài cho biết ngài đặc biệt quan tâm đến chủ đề này, bởi vì theo lối suy nghĩ hiện đại, “bệnh tật và sự hữu hạn thường bị xem là một sự mất mát, một thứ không có giá trị, một mối phiền toái phải được giảm thiểu, phản đối và loại bỏ bằng bất cứ giá nào.”

Cái nhìn của đức tin trước đau khổ thử thách

Trước đau khổ, con người đứng trước hai con đường: hoặc để cho đau khổ khiến mình co cụm vào chính mình, đến mức tuyệt vọng và nổi loạn; hoặc có thể đón nhận nó như một cơ hội để trưởng thành và nhận thức rõ những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, cho đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.

Cách thứ hai là viễn tượng đức tin mà chúng ta tìm thấy trong Sách Thánh. Đức Thánh Cha giải thích rằng trong Cựu Ước, các tác giả Thánh vịnh đối diện với bệnh tật bằng cách không ngừng hướng về Thiên Chúa, phó thác cho Người, xin Người chữa lành và hoán cải trở về với Người. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã mặc khải tình yêu thương xót của Chúa Cha, đặc biệt qua việc Người chữa lành bệnh tật hoặc xua trừ ma quỷ. Lòng thương xót của Chúa Giêsu và những hoạt động chữa lành của Người là dấu chỉ Thiên Chúa viếng thăm dân Người.

Kinh Thánh không xem đau khổ là số phận

Từ những suy tư này, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Kinh Thánh không đưa ra một câu trả lời tầm thường và không tưởng cho câu hỏi về bệnh tật và cái chết, cũng không đưa ra một câu trả lời mang tính định mệnh, vốn biện minh cho mọi thứ bằng cách quy nó cho sự phán xét khó hiểu của thần thánh, hoặc tệ hơn, cho một định mệnh không thể thay đổi mà con người chỉ có thể cúi đầu chấp nhận mà không hiểu được. Đúng hơn, con người của Kinh Thánh cảm thấy được mời gọi đối diện với tình trạng đau đớn phổ quát như một nơi gặp gỡ với sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, người Cha nhân lành, Đấng với lòng thương xót vô biên chữa lành, hồi sinh và cứu rỗi các thụ tạo bị thương tích của mình.”

Liên đới cách nhân văn và theo tinh thần Kitô giáo

Đức Thánh Cha nói rằng trong Chúa Kitô đau khổ được biến đổi thành tình yêu. Do đó, kinh nghiệm đau khổ dạy chúng ta sống tình liên đới nhân văn và Kitô giáo, theo phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, thương xót và dịu dàng. (CSR_1564_2023)

Hồng Thủy – Vatican News

Người môn đệ vô danh là tôi… 

Đức Giê-su Phục Sinh chính là hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Với chúng ta hôm nay, khi nói tới chuyện  Đức Giê-su Phục Sinh, chắc hẳn ai ai cũng thốt lên rằng: Chúng con Tạ Ơn Chúa. Thế nhưng, với các môn đệ xưa thì không như thế. Bị tác động bởi nhiều cảm xúc cộng với những yếu tố ngoại cảnh, do vậy các ông mang tâm trạng lo lắng, sợ hãi, bồn chồn và hồi hộp.

Tuy Kinh Thánh không ghi rõ, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, chính sự lo lắng, sợ hãi, bồn chồn và hồi hộp đã khiến các môn đệ “buồn hiu hắt buồn”.

Và, bởi vì quá u buồn trước biến cố Thầy mình bị giết chết, thế nên hầu hết các môn đệ đều thất vọng, chán nản, tuyệt vọng và mất dần các hứng thú đối với cuộc sống. Không còn hứng thú với những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình, thế nên, đã có hai vị  bỏ Giê-ru-sa-lem về quê “cắm câu”.  Đây là một câu chuyện, một câu chuyện rất ly kỳ, câu chuyện này được ghi trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 24, 13-35)

**

Tin Mừng thánh Luca ghi lại rằng: “Cùng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau.”

Hai người môn đệ này là ai? Thưa, hai ông rất có thể  thuộc nhóm bảy mươi hai, một nhóm đã được Đức Giê-su “chọn thêm”, chọn thêm để “sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.” Hồi ấy các ông đã ra đi, ra đi và được Thầy Giê-su dặn dò rằng, hãy nói cho mọi người biết: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9)

Triều Đại Thiên Chúa đến là một ước mơ lớn. Các ông từng ước mơ rằng, Thầy Giê-su sẽ xây  dựng một Triều Đại Mới, một Triều Đại sẽ đem lại cho Israel, cho gia đình, cho mọi người thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma.

Vì thế, ba năm theo Thầy Giê-su cũng là ba năm các ông mong đợi cho “Triều Đại” ấy mau đến. Hy vọng một khi Triều-Đại-Thầy đến, tệ lắm các ông cũng được một chức vụ gì đó trong Triều Đại của Thầy mình.

Than ôi ! sự việc lại không như mong muốn. Thê thảm quá ! Thật không thể hiểu nổi một người đầy quyền năng, đầy lòng nhân ái như “sư phụ”, thế mà lại có một kết cục bi đát!  Thầy Giêsu đã bị giết chết. Bước qua ngày thứ ba rồi. Thế là chấm hết! Thế là “mộng vàng tan mây”!

Kinh Thánh có chép rằng “Giấc mộng chưa thành làm trái tim khắc khoải” (Cn 12,13). Ôm trái tim khắc khoải sầu thương  “về tất cả những sự việc vừa mới xảy ra” cho Thầy Giêsu, hai ông “nhọc nhằn lê gót chân buồn” trở về Emmau.

Con đường chỉ “chừng mười một cây số”, nhưng hai ông vẫn cảm thấy “như (sao) đường về quá xa.” Và rồi, trong lúc hai ông “trò chuyện”, trò chuyện rằng: Ước gì… ước gì: “Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con”, thì bất ngờ Đức Giêsu xuất hiện.

Vâng, chính là Đức Giê-su. Ngài “tiến đến gần và cùng đi với các ông”. Thế mà, chẳng hiểu vì sao “mắt (hai ông)… bị ngăn cản, không nhận ra Người.”

Thôi kệ! Cũng chẳng sao! Thêm người thêm vui. Thế là, đường về Em-mau, bây giờ người ta thấy có ba người. Ba người, thì “một người đi với một người”, còn người kia, người kia “đi với nụ cười hắt hiu.”  Ai cười hắt hiu? Thưa, ông Cơ-lê-ô-pát.

Vâng, hôm ấy, sau khi Đức Giê-su hỏi hai ông: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau chuyện gì vậy?” Chuyện kể rằng: “Họ dừng lại vẻ mặt buồn rầu.”

Với vẻ mặt buồn rầu, ông Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” – Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?”

Trời ạ! “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình và đã đóng đinh Người vào thập giá.” Ông-không-biết-sao!

“Phần chúng tôi” Cơ-lê-ô-pát với nụ-cười-hắt-hiu, nói tiếp: “trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.”

Nhìn “ông bạn đường” không hẹn mà gặp, Cơ-lê-ô-pát tiếp tục kể lể: “Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra và bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói, còn chính Người thì họ không thấy.”

Trước nỗi buồn hiu, thất vọng, nghi nan của hai môn đệ, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”.

Để cho hai môn đệ không còn chìm trong tâm trạng “lặng lẽ buồn hiu đứng nhìn”, Đức Giê-su “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.”

Hôm ấy, khi gần tới làng hai môn đệ muốn đến, chuyện kể rằng: “Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.” Thấy thế, hai môn đệ “nài ép Người” ở lại với họ. Họ nói: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.”

Đức Giê-su đã ở lại. Và rồi, khi đồng bàn với hai môn đệ, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”. Tiếc thay! Đức Giê-su, sau đó “Người lại biến mất”.

Sau vài giây phút “ra ngẩn vào ngơ”, hai môn đệ thì thầm với nhau, rằng: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy sao?”

Đúng vậy, lòng hai ông bừng cháy mãnh liệt, mãnh liệt đến độ hai ông, ngay lập tức: “quay trở lại Giê-ru-sa-lem gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.”

Nhóm Mười Một cho biết: “Chúa trổi dậy thật rồi và đã hiện ra cho ông Si-môn.” Còn hai người môn đệ, họ “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (x.Lc 24, 35).

***

Chúng ta vừa nghe lại câu chuyện “Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau”.  Đây không phải là chuyện “thần tiên – giả tưởng”. Đây là một câu chuyện có thật, một sự thật là Cơ-lê-ô-pát và người bạn đồng hành của ông đã “nhận ra Chúa”

Tiến trình nhận-ra-Chúa của hai ông là một tiến trình tiệm tiến. Thoạt tiên hai ông “gặp” Đức Giê-su và cùng đồng hành với Ngài. Tiếp đến, khi cùng đồng hành với Ngài, các ông được “nghe” Ngài giải thích Lời Chúa. Cuối cùng là hai ông “đón” chính con người Phục Sinh của Đức Giêsu “mời Ngài ở lại”, nhờ đó qua việc “cùng đồng bàn với họ”, hai môn đệ “nhận” ra Thầy Giêsu của mình, qua việc  Người  “bẻ bánh và trao cho các ông”.

Nói tắt một lời, nhờ “đón” nên hai ông “nhận” ra Đức Giê-su Phục Sinh, qua việc cùng đồng bàn với Ngài.

Chia sẻ về sự kiện hai môn đệ được diễm phúc đồng-bàn-với-Chúa, Lm. Charles E.Miller có lời rằng: “Chúa Giê-su cũng tiếp tục làm (như thế) cho chúng ta.”

“Đó là”, ngài Lm. Charles nói tiếp: “Khi chúng ta bảo toàn tập quán thánh của mình là cùng nhau tham dự thánh lễ Chúa Nhật, thì nhà thờ trở thành con đường Em-mau của chúng ta. Chúa Giê-su nói với chúng ta qua lời Kinh Thánh (phần phụng vụ Lời Chúa).

Đôi lúc, có lẽ chúng ta không cảm nhận được mấy ảnh hưởng về những gì chúng ta nghe, nhưng khi mở rộng lòng đón nhận ơn sủng Chúa Thánh Thần, tác giả đích thực của các sách Tin Mừng, Lời Chúa có sức mạnh thấm nhập vào con người chúng ta. Bấy giờ, chúng ta sẽ nhận ra chính Chúa Giê-su đang nói với chúng ta.”

Chính Chúa Giê-su sẽ nói với chúng ta và chúng ta sẽ nghe Chúa nói, nếu chúng ta cùng nhau tham dự thánh lễ Chúa Nhật. “Nhà thờ”, như Lm. Charles đã nói: “trở thành con đường Em-mau của chúng ta.” Và, khoảng cách từ nhà chúng ta đến nhà thờ làm gì tới “mười một cây số”! Thế nên, với phương tiện cơ giới ngày nay, chúng ta đừng vắng mặt như ông Tô-ma đã vắng mặt ngày thứ nhất trong tuần.

Đừng vắng mặt, bởi vì, đến nhà thờ, chúng ta còn có thể gặp Đức Giê-su Phục Sinh nơi Bàn Tiệc Thánh Thể.

Cũng là Lm. Charles E.Miller,  khi nói tới Bàn Tiệc Thánh Thể, ngài có lời chia sẻ: “Nhìn lên bàn thờ trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta tận mắt thấy hành động của Chúa Giê-su, và tận tai nghe lời Người,  (qua Lm. chủ tế), y hệt như hai môn đệ xưa kia tại bàn ăn ở nhà các ông: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và bắt đầu trao cho họ.”

Có một chi tiết, tưởng chúng ta nên chú ý. Trong hai người môn đệ, thánh sử Luca chỉ cho chúng ta biết tên một người:  ông Cơ-lê-ô-pát. Thế còn ông kia tên gì? Thưa, nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng, chính chúng ta là người môn đệ vô danh đó.

Vâng, phải là chúng ta. Bởi vì, người môn đệ vô danh năm xưa không còn nữa. Và, chúng ta phải là hiện thân của người môn đệ vô danh đó.

Phải là hiện thân người môn đệ vô danh đó là bởi, sứ vụ “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.” vẫn còn đó.

Phải là hiện thân người môn đệ vô danh đó còn để, tiếp nối Chúa Giê-su Phục Sinh, cùng-đồng-hành với: “những kẻ nghèo đói – những người ăn xin hèn yếu”.

Phải là hiện thân người môn đệ vô danh đó còn để, tiếp nối Chúa Giê-su Phục Sinh,  quan tâm đến: “người phu xe gầy vai… người lao công cùng đi”

Chưa hết, chúng ta còn phải quan tâm đến những trẻ em cơ nhỡ, những kẻ đau yếu tật nguyền, những người già không chốn nương thân v.v…

Cuối cùng, có trở thành người môn đệ vô danh đó, chúng ta mới có hy vọng “Chúa vào và ở lại với chúng ta (và) cùng đồng bàn với chúng ta.”

Vâng, Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn tiếp tục gửi đến chúng ta những lời mời gọi yêu thương:  “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy , và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (x.Kh 3, 20)

Chúng ta muốn được diễm phúc như thế không! Nếu muốn, nếu muốn chúng ta chỉ cần xác định, xác định rằng: “người môn đệ vô danh là tôi.”

Petrus.tran

Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski đến thăm và dâng Thánh lễ tại Giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba Chuông

Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski –
Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam
đến thăm và dâng Thánh lễ tại Giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba Chuông
(Chúa Nhật Thứ 3 Phục Sinh, ngày 23 Tháng 04 năm 2023)

Vào lúc 10g30 ngày 23/04/2023, Đức Tổng Giám Mục (TGM) Marek Zalewski – Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam đã đến thăm và dâng Thánh lễ tại Giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba Chuông trong sự đón tiếp nồng hậu của Cha Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam, OP. – Bề trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, Cha Giuse Ngô Mạnh Cường, OP. – Bề trên Chánh xứ, Cha Phao lô Nguyễn Cao Thắng, OP. – Quản đốc Thánh Đường.

Videos Giảng lễ Chúa Nhật 03 Phục Sinh Năm A – 2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.