Căng thẳng và lo âu, lo âu và căng thẳng là tình trạng phổ biến và hầu như mọi người sống trên thế gian này đều phải đối diện. Khi nói về một ai đó đang trong tình trạng căng thẳng, chúng ta thường nói: Ồ! người ấy bị stress.
Người-ấy-bị-stress. Vâng, stress đang là một vấn nạn đối với con người hôm nay. Stress xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Stress tại nơi làm việc. Stress trong đời sống hôn nhân. Stress nơi học đường. Stress trong việc mưu sinh. Stress do dịch bệnh. Stress do chiến tranh v.v…
Chưa hết… Stress còn xảy ra trong Giáo Hội. Khi luận bàn về stress trong Giáo Hội, Lm. Charles E.Miller thổ lộ: “Hiện đang có nhiều căng thẳng trong gia đình Giáo Hội, nhất là ở nhiều khía cạnh về phụng vụ.”
Tuy nhiên, sự căng thẳng này không phải là không giải quyết được. Điều “căng thẳng” đáng nói, và đã được Lm. Charles nói, đó là: “Đức Giê-su cảnh báo giáo lý của Người có thể mang lại một sự căng thẳng và sẽ kết thúc với tình trạng chia rẽ, ngay cả trong gia đình.”
Thật vậy sao! Thưa, đúng vậy.Trong những ngày còn tại thế, không ít người đã căng thẳng khi nghe giáo lý Đức Giê-su truyền dạy. Không ít người “căng” đôi tai nghe giáo lý Ngài truyền dạy, và sau đó là những câu hỏi trong lòng mình, rằng “sao lại là thế!” Sao lại phải “yêu thương kẻ thù nghịch!” Sao lại phải “tha đến bảy mươi lần bảy!”
Đã có nhiều người bỏ đi khi Đức Giê-su tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51)
Còn… còn rất nhiều điều đã được Đức Giê-su tuyên bố, đã được Ngài giảng dạy và đã làm cho những người nghe phải căng thẳng. Những điều này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.
Vâng, theo tuần tự những gì thánh Luca ghi lại: Hôm ấy, sau khi khuyến cáo các môn đệ rằng: “chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”, Đức Giê-su nói với các ông về ước mong của mình: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.
Chưa kịp ngỡ ngàng về ước mong của Đức Giê-su, các môn đệ nhận thêm một ngỡ ngàng khác đến từ Thầy mình: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51).
Đem-sự-chia-rẽ thế nghĩa là gì! Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su bạch hóa lời mình nói như sau: “Từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.
Đấy! Thật “hết biết” khi Thầy Giê-su tuyên bố như thế, nhỉ! Có quá “căng thẳng” khi phải nghe những lời tuyên bố này!
Vâng, rất căng thẳng. Căng thẳng là bởi những lời tuyên bố này nghe sao “hiếu chiến” quá. Nghe sao có vẻ như mâu thuẫn với những lời tuyên bố khác, như có lần Thầy Giê-su đã tuyên bố: “Hãy yêu thương kẻ thù…”
Thật ra, sự căng thẳng (nếu có) sẽ được hóa giải. Đúng vậy, sẽ được hóa giải nếu chúng ta biết được vì sao Đức Giê-su tuyên bố như thế.
Vì sao Ngài đã có lời tuyên bố như thế? Thưa, đây là thời điểm Đức Giê-su chuẩn bị lên Giê-ru-sa-lem chịu thương khó, và trong một tương lai gần, các môn đệ sẽ phải đối diện với những cuộc bách hại vì-danh-Thầy. Có một ngày nọ, Đức Giê-su đã chẳng nói với các môn đệ rằng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”, đó sao!
Sẽ có nhiều người thù ghét các môn đệ. Và, những người đó có thể là chính những người trong gia đình. Có thể người đó là cha, là mẹ, là con trai, là con gái.
Thế nên, khi Đức Giêsu nói “nhưng là đem sự chia rẽ”, thì Ngài không có ý nói rằng, đó là mục đích của việc Ngài đến trần gian. Việc Đức Giê-su đến trần gian và kêu gọi mọi người: “Hãy theo Ta”, điều đó sẽ dẫn đến một sự chia rẽ tất nhiên giữa những người theo Ngài và những người chống lại Ngài.
Như vậy, những lời tuyên bố của Đức Giê-su quá rõ ràng. Không có gì khiến chúng ta “stress” về lời tuyên bố đó, phải không, thưa quý vị! Không có lý do gì để chúng ta nghĩ rằng “lửa” mà Đức Giê-su “ném vào mặt đất” là lửa-hận-thù. Đó là lửa-tình-yêu.
Đó là lửa tình yêu, một thứ tình yêu cao quý “người liều mạng sống vì người mình yêu”. Không, Đức Giê-su không “ném lửa hiếu chiến” vào mặt đất này. Trái lại, Ngài đã truyền ngọn lửa tình yêu, rằng: “Anh em đã nghe dạy: ‘mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em; đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 38).
Chính cái chết của Đức Giêsu trên đồi Golgotha, với lời cầu nguyện rằng “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”, đã làm rõ nghĩa cho những lời Ngài tuyên bố.
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Hôm nay, lời tuyên bố này hết hiệu lực chăng! Thưa không, vẫn còn tính thời sự đối với chúng ta.
Đức Giê-su vẫn sẽ tuyên bố với chúng ta, như thế. Vẫn còn không ít kẻ “thù ghét” người Ki-tô hữu. Những kẻ thù ghét đó cũng có thể là cha, là mẹ, là con trai, là con gái… của chúng ta.
Nói theo cách nói đức tin, kẻ thù ghét người Ki-tô hữu chính là Satan. Khi nói đến Satan, chúng ta sẽ hiểu rõ nghĩa hơn về lời tuyên bố của Đức Giê-su.
Đức Giê-su, khi tuyên bố điều này (nêu trên), không phải là để chia rẽ giữa con người với con người, nhưng chính là để “rẽ” con người ra khỏi Satan. Con người, như lời thánh Phao-lô mô tả, luôn bị giằng co giữa thiện và ác. Và ngài Phao-lô, với kinh nghiệm bản thân mình, đã chứng minh: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(x.Rm 7, 19)
Đừng ngạc nhiên vì sao con người lại có sự giằng co như thế. Chúng ta cùng nghe lời thánh Phao-lô giải thích, đó là do: “tội vẫn ở trong tôi”. Thế nên, Đức Giê-su khi nói “đem chia rẽ đến” thế gian, chính là để “rẽ” con người ra khỏi vũng lầy tội lỗi, để nhờ đó, con người, như lời tác giả thư Do Thái nói, “cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”(x.Dt 12, ..1)
Nói tắt một lời, lời tuyên bố của Đức Giê-su không ngoài mục đích mời gọi những ai đến với Ngài, phải có một sự lựa chọn. Giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, giữa công bằng và bất công, giữa thật thà và dối trá, giữa yêu thương và hận thù v.v… phải lựa chọn.
Phải lựa chọn, dù sự lựa chọn đó có phải rơi vào tình trạng căng thẳng, căng thẵng đến độ “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.
Như đã nói ở trên, lời tuyên bố của Đức Giê-su vẫn còn tính thời sự đối với chúng ta. Và đó là lý do chúng ta cần hỏi, rằng: chúng ta đã “rẽ” ra khỏi Satan, ra khỏi “gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”?
Vâng, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, là người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta đã rẽ-ra-khỏi “những việc do tính xác thịt gây ra như:dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén”?
Hay chúng ta cho rằng: là phàm nhân rẽ-ra-khỏi những việc do tính xác thịt gây ra, khó quá Chúa ơi! Đúng vậy, khó lắm. Satan và bè lũ con cái của nó có rất nhiều “mưu ma chước quỷ” cám dỗ chúng ta.
Thế nên, không gì tốt hơn là chúng ta hãy ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô và mượn lời thánh Phao-lô, khẩn nguyện ba lần, như thánh nhân đã khẩn nguyện, với Chúa rằng: “Xin Chúa cho (con) thoát khỏi nỗi khổ này.” (x.2Cor 12, 8)
Thưa quý vị, Chúa đã trả lời cho Phao-lô. Và, Chúa cũng sẽ trả lời cho chúng ta. Vâng, Ngài sẽ trả lời rằng: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”
Vâng, chúng ta rất yếu đuối, nhưng đừng sợ. Chính sự yếu đuối, thánh Phao-lô nói: “sức mạnh của Đức Ki-tô (sẽ) ở mãi trong (ta)”. Nói cách khác, chính sự yếu đuối của chúng ta, Chúa sẽ ban “Ơn của Ngài” cho chúng ta.
Do vậy, đừng chủ bại mà nghĩ rằng, tôi chỉ là người trần mắt thịt đầy yếu đuối, trước một xã hội hôm nay đầy cám dỗ và quyến rũ, đầy mưu ma chước quỷ của Satan, nên tôi không thể thổi “bùng lên” ngọn lửa tình yêu, điều mà Thầy Giê-su mong ước.
Để có thể vượt qua thách thức này, tác giả thư gửi Do Thái có lời khuyên: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.”
Phải. Mắt chúng ta “phải” hướng về Thầy Giê-su. Ơn của Thầy Giê-su sẽ giúp chúng ta “thắp bùng lên”. Ơn của Thấy Giê-su, sẽ giúp chúng ta thắp bùng lên ngọn lửa yêu thương. Ơn của Thầy Giê-su sẽ giúp chúng ta thắp bùng lên ngọn lửa công bằng. Ơn của Thầy Giê-su sẽ giúp chúng ta thắp bùng lên ngọn lửa trung tín, ngọn lửa nhẫn nhục, ngọn lửa nhân hậu, ngọn lửa từ tâm, ngọn lửa hiền hòa. Cuối cùng, ơn của Thầy Giê-su sẽ giúp chúng ta thắp bùng lên ngọn lửa hòa bình, điều mà thế giới hôm nay mong muốn hơn bao giờ hết.
Hãy nhớ, Đức Giê-su đã tuyên bố: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. (Mt 5, 9) Mà, khi chịu Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, rồi mà! Thế thì… thế thì có lý do gì chúng ta không cùng nhau thắp bùng lên, thắp bùng lên “những ước mong” của Thầy Giê-su.
Vâng, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta hãy thắp bùng lên ước mong của Chúa.
Petrus.tran