Theo lịch Phụng Vụ, hàng năm, sau lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Chúa Thánh Thần là ai? Thưa, giáo lý Công Giáo dạy rằng, “Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy”
Khi nói đến Chúa Thánh Thần, có một thực tế là, một số tín hữu Công Giáo, dường như chỉ biết đến Chúa Thánh Thần trong ngày “lễ thêm sức”, rồi sau đó, khi trưởng thành thì thường lãng quên vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của mình.
Lãng quên Chúa Thánh Thần, hay nói rõ hơn: “Không có Chúa Thánh Thần”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Chúng ta là người ngoại đội lốt Ki-tô hữu”.
“Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tái sinh từ những giới hạn và từ sự chết nơi chúng ta. Chúng ta cần dành cho Người một vị trí trong cuộc đời mình”. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh như thế trong bài giảng, do ngài chủ tế trong một thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Ngài cũng nhắc nhớ rằng: “Không thể sống đời Kitô hữu nếu không có Chúa Thánh Thần”
Tất cả những điều giảng dạy của Đức Thánh Cha (nêu trên), cũng là những điều đã được Đức Giê-su giảng dạy, trong những ngày Ngài còn tại thế.
Thật vậy, theo Phúc Âm thánh Gio-an, một lần nọ, trong một cuộc gặp gỡ với một vị thủ lãnh Do Thái tên là Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đã nói đến một “Thần Khí”, một Thần Khí Chúa ban ơn tái sinh, để người được ơn tái sinh “có thể thấy Nước Thiên Chúa”.
Với các môn đệ, trong bữa tiệc ly, trước giờ tử nạn, Đức Giêsu cũng đã nói đến một Chúa Thánh Thần, một Chúa Thánh Thần chính là “Đấng Bảo Trợ”, rằng, Ngài “…Sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.
Lời phán hứa đó đã được Đức Giêsu thực hiện ngay sau khi Ngài phục sinh. Vâng, hôm đó, đúng “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, Đức Giêsu đã hiện đến với các môn đệ trong một ngôi nhà “các cửa đều đóng kín”. Các ông đóng kín cửa vì sợ người Do Thái.
Lúc đó, thế quyền Roma và thần quyền Do Thái vẫn tiếp tục toa rập nhau để tìm cách hãm hại các ông. “Truyền thông nhà nước” vẫn ra rả vu khống các ông đã lợi dụng ban đêm lén đến: “lấy trộm xác” rồi phao tin rằng Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết. (Mt 28, 13).
Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu hiện đến. Sự hiện đến của Ngài không chỉ làm tan biến những lời huyền hoặc mà còn làm cho các môn đệ, từ chỗ bất an, nay, cảm nhận được sự “Bình An”, một sự bình an do chính Đức Giê-su ban cho: “Bình An cho anh em”. Và rồi, trong niềm bình an đó, Đức Giêsu “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (x.Ga 20, 22).
Các môn đệ đã nhận lấy Thánh Thần. Thánh Luca tác giả sách Công Vụ Tông Đồ ghi chép lại biến cố này rất chi tiết.
Vâng, tác giả sách Công Vụ ghi lại, rằng: Hôm đó, đúng vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ “đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”. Và rồi tiếp đó, các môn đệ thấy “xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (x.Cv 2, 2).
Các môn đệ “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”. Và, một trong các ơn rõ nét nhất, đó là “ơn biến đổi”.
Thánh Thần Chúa đã biến đổi ngôn ngữ của các môn đệ. Các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”. Hôm đó, thật không thể tin được “các dân thiên hạ” đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Dù là: “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay người Ảrập”. Tất cả mọi người đều được nghe các môn đệ: “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11).
Thánh Thần Chúa còn biến đổi con người các ông, từ một kẻ nhát đảm thành một con người can đảm, dám hiên ngang “chứng thực sứ mạng của Đức Giêsu” cho mọi người nghe.
Thánh Thần Chúa, như lời Đức Giêsu đã nói “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính” (Ga 16, 8).
Thật vậy, ơn Thánh Thần Chúa, qua miệng lưỡi các tông đồ, đã cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”.
Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Thánh Thần Chúa đã tác động tâm hồn “khoảng ba ngàn người”, họ đã được “tái sinh”, từ người không theo đạo, họ trở thành “người theo đạo” (Cv 2,…41).
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Vâng, đây không phải là ơn dành riêng cho các môn đệ mà cũng là ơn dành cho mỗi chúng ta, là những người Kitô hữu.
Hơn thế nữa, một Kitô hữu không chỉ nhận lấy Chúa Thánh Thần nhưng còn phải “đầy dẫy Chúa Thánh Thần” (Ep 5,18).
Tại sao phải đầy dẫy Chúa Thánh Thần? Thưa, bởi vì có Chúa Thánh Thần và đầy dẫy Chúa Thánh Thần là hai sự kiện khác nhau. Thật sai lầm khi nghĩ rằng, có Chúa Thánh Thần là đủ, không cần thiết phải ‘đầy dẫy Chúa Thánh Thần”.
Người có Chúa Thánh Thần, thì mới chỉ là “những trẻ nhỏ trong Đức Kitô”. Còn người đầy dẫy Chúa Thánh Thần, thì “sống theo Thần Khí”.
Thế nên, thật quan trọng để chúng ta tự hỏi mình, rằng: Là một Ki-tô hữu, tôi đã nhận lấy Chúa Thánh Thần? Tôi đã có ân điển của Chúa Thánh Thần?
Nếu chưa? Quả là một sự tệ hại cho đời sống Ki-tô hữu của chúng ta.
Thật vậy, không có Chúa Thánh Thần, làm sao chúng ta có được “Ơn khôn ngoan” để mà phân biệt đâu là lẽ phải, đâu là điều gian ác!
Làm sao chúng ta có được “Ơn hiểu biết” để mà nhận biết đâu là lẽ thật để được hưởng sự sống đời đời!
Làm sao chúng ta có được “Ơn sức mạnh – Ơn thông minh” để mà vượt qua những cám dỗ, những cạm bẫy tràn lan trong một xã hội duy vật vô thần như hôm nay!
Làm sao chúng ta có được “Ơn đạo đức – Ơn kính sợ Thiên Chúa” để mà tôn kính sự công bằng và quyền phép của Người?
Có phần chắc, ai trong chúng ta cũng đã chịu “phép thêm sức” và như vậy, chúng ta đã có “Chúa Thánh Thần”.
Có Chúa Thánh Thần, đừng quên lời khuyên của tông đồ Phao-lô: “Hãy để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em”.
Nếu xưa kia, “tâm trí” chúng ta cứ loanh quanh lẩn quẩn bên những thú vui trần thế, những thú vui dẫn đến bệnh hoạn chết chóc, đại loại như: “dâm bôn, phóng đãng, say sưa, chè chén, v.v…”, thì nay, hãy nghe lời khuyên (nêu trên) của thánh Phao-lô. Bởi vì, nếu chúng ta cứ sống trong tình trạng “Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn”, thì rồi có lúc chúng ta sẽ phải cất tiếng ca: “Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì”.
Vâng, phải để Thần Khí đổi mới tâm trí chúng ta, một tâm trí hướng về sự tiết độ, lòng trung tín. Phải để Thần Khí đổi mới tâm trí chúng ta, một tâm trí hướng về lòng bác ái, tính nhẫn nhục, sự từ tâm và hiền hòa.
Mà, nếu không để Thần Khí Chúa đổi mới, có khác gì chúng ta làm phiền lòng Chúa Thánh Thần? Cũng là tông đồ Phao-lô với lời khuyên: “Chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa”.
Làm sao để Thần Khí Chúa có thể đổi mới tâm trí chúng ta? Thưa, chúng ta hãy nghe lời khuyên của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, ngài khuyên rằng: “Chúng ta phải tự hỏi mình: đâu là vị trí của Ngài trong đời sống chúng ta, ‘bởi vì bạn không thể bước đi trong đời Kitô hữu nếu không có Chúa Thánh Thần’. Chúng ta phải xin Thiên Chúa ban ơn để hiểu thông điệp này: bạn đồng hành của chúng ta là Chúa Thánh Thần”.
Như vậy, trả lời cho câu hỏi “làm sao” nêu trên, câu trả lời là: “Chúa Thánh Thần phải là bạn đồng hành của chúng ta”.
Petrus.tran