Là tín hữu Công Giáo, chúng ta được dạy rằng: Đạo Đức Chúa Trời có bảy phép bí tích. Thứ nhất là bí tích Rửa tội. Thứ hai là bí tích Thêm sức. Thứ ba là bí tích Mình Thánh Chúa. Thứ bốn là bí tích Giải tội. Thứ năm là bí tích Xức dầu thánh. Thứ sáu là bí tích Truyền chức thánh. Thứ bảy là bí tích Hôn phối
Trong bảy bí tích, có thể nói rằng: bí tích Mình Thánh Chúa (Thánh Thể) chính là bí tích của “trung tâm điểm đời sống đức tin” của mỗi người Công Giáo chúng ta.
Khi nói tới Bí Tích Thánh Thể (Mình Thánh Chúa), Lm Charles E.Miller chia sẻ: “Số lượng sách viết về Bí Tích Thánh Thể còn nhiều hơn cả sáu bí tích kia gộp lại, món quà kỳ diệu này của Thiên Chúa quả hết sức phong phú. Từ Eucharist – Thánh Thể – còn có nghĩa là tạ ơn, nhắc đến hành vi thánh lễ. Thế nhưng, nếu có một từ phải được gắn liền với Thánh Thể, thì hẳn đó là sự sống”.
Ngài Lm Charles chia sẻ tiếp: “…Trong Bí Tích này, Chúa Giê-su tự hiến mình làm hy lễ dưới hình bánh và hình rượu – thức ăn thức uống – bởi lẽ Người là của dinh dưỡng thiêng liêng cho sự sống phần hồn của chúng ta”.
Không phải tự nhiên mà Lm Charles E. Miller chia sẻ như thế. Chính Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài đã tuyên bố rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Vâng, lời tuyên phán này được thánh Gio-an ghi lại trong bối cảnh như sau: Hôm ấy, sau nhiều ngày qua lại Biển Hồ Galilê rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu trở về Caphacnaum.
Đây không phải là lần đầu tiên Ngài đến đây. Nhớ, lần trước, khi đến Ca-pha-na-um, Đức Giê-su đã gây sửng sốt cho mọi người qua việc chữa lành một kẻ bại liệt.
Còn hôm nay, vị thần y Giê-su đã không đặt nặng việc chữa bệnh “phần xác”, nhưng là chữa bệnh “phần hồn”. Nói rõ hơn, Ngài muốn gửi đến mọi người một chân lý mới, đó là sự cứu rỗi, một sự cứu rỗi mang đến “sự sống đời đời”. Vâng, trong ba năm rao giảng Tin Mừng, hai trong số những lời rao giảng được Đức Giêsu đặt trọng tâm chính, đó là “sự cứu rỗi” và “sự sống đời đời”.
Về “sự cứu rỗi ”, qua cuộc đàm luận với ông Nicôđêmô, Ngài đã tỏ bày rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Thế còn “sự sống đời đời”! Đức Giêsu đã nói gì?
Xin thưa, hôm đó, bầu khí trong hội đường ở Caphacnaum chẳng khác nào một đàn ong vỡ tổ khi nghe lời tuyên bố của Đức Giêsu rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Bánh từ trời xuống ư! Có thể nói, lời tuyên bố này đã đưa Đức Giêsu vào tình trạng “tứ bề thọ địch”.
Xưa nay, có bánh nào từ trời xuống ngoài “man-na”! Và có ai đã dám nói “Bánh tôi bạn tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51)? Nhiều lời tranh luận đầy nghi ngờ của người Do Thái vang lên: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.
Dẫu vậy, Đức Giêsu vẫn dõng dạc tuyên phán: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời…”
Chúa Nhật hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe lại lời tuyên phán của Đức Giê-su khi xưa: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. Vâng, hôm nay, có lẽ không còn cần thiết để thêm gì nữa, có lẽ không cần tranh luận gì nữa về lời Đức Giêsu đã tuyên phán. Bởi vì “Đây là mầu nhiệm đức tin”.
Vấn đề là chúng ta có đáp lời mời gọi của Thiên Chúa rằng: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế” hay không? (x.Cn 9, 5)
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng hãy nhớ rằng, vì mình còn là một con người Ki-tô hữu, thế nên, chúng ta không chỉ nuôi dưỡng thể xác qua việc ăn uống thường ngày, mà còn phải nuôi dưỡng linh hồn nữa.
Về điều này, Lm. Charles E. Miller có lời dạy: “Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được sinh ra trong nước và Thần Khí, như con cái của Thiên Chúa. Ngài là Cha chúng ta, và ta được thông dự vào sự sống thần linh của Ngài. Để duy trì sự sống này trong chúng ta, mọi người đều cần có một loại thức ăn dinh dưỡng thiêng liêng, và Thiên Chúa là Cha ban cho ta thứ báu trọng nhất có thể: Mình và Máu của chính Con Ngài”.
Vâng, ngài Lm Charles không “tưởng tượng” đâu! Bời, chính Đức Giê-su đã tuyên phán: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.
Chính vì thế, hôm nay, vâng theo lệnh truyền của Đức Giê-su: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”, Giáo Hội – qua Bí Tích Thánh Thể, tiếp tục mời gọi mỗi chúng ta hãy đến bàn Tiệc Thánh: “Cầm lấy mà ăn… Ăn Chúa”.
Hãy nhớ rằng, chính việc ‘”Ăn Chúa” (có Chúa trong ta), sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để vượt qua những thách thức của những cơn cám dỗ. Đức Giê-su như một điển hình. Vâng, hôm ấy, hôm ở trong hoang địa ăn chay suốt bốn mươi đêm ngày, nhờ “tràn đầy Thánh Thần” (có Chúa), Ngài đã chiến thắng tất cả những thách thức satan đem tới.
Chưa hết, chính việc tham dự bữa tiệc Thánh Thể, Lm.Charles E. Miller chia sẻ cảm nghiệm của mình rằng: “(Nó) là sức mạnh giúp ta vượt qua hệ quả của tội và chữa lành hẳn các vết thương”.
Vâng, trong suốt cuộc đời Ki-tô hữu của mình, thánh Phao-lô cũng đã có một trải nghiệm rất đáng để chúng ta noi theo, đó là: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”(Gl 2, 20). Làm thế nào để có được sự trải nghiệm này? Thưa, hãy tham dự “Bí Tích Thánh Thể”, hằng ngày. Hãy “Ăn Chúa” hằng ngày.
Cuối cùng, “Bí Tích Thánh Thể – Ăn Chúa”, như đã trích dẫn ở trên, đồng nghĩa với “Sự Sống”. Sự sống này không phải là sự sống mà ta đang sống. Sự sống này không kết thúc bằng cái chết.
“Sự sống” này, nhờ “ăn Chúa”, giúp chúng ta “thông dự vào sự sống đời đời của Thiên Chúa”, một sự sống được chính Đức Giê-su hứa ban: “Ai ăn… sẽ được sống muôn đời” (x.Ga, 6, 58)
Ai sẽ ăn…! Ai đó là tôi? Ai đó có tôi? Vâng, câu trả lời dành cho mỗi chúng ta. Nhưng đừng quên, Đức Giê-su có lời hứa rằng: “Ai ăn…. tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”. Vâng, Chúa Giê-su đã phán hứa: “Ai ăn… Tôi sẽ cho”
Petrus.tran