Ta là chứng nhân của Chúa

 

 

Ta là chứng nhân của ChúaHai phần ba  Mùa Vọng đã trôi qua. Rảo qua những khu phố đông người Công Giáo cư ngụ, chúng ta có thể nhìn thấy sự tất bật của việc người người làm hang đá Belem, nhà nhà dựng cây thông, bên cạnh là ông già Noel với chiếc xe do những con tuần lộc kéo v.v… Đẹp, phải nói là có rất nhiều “mẫu mã” được thiết kế rất đẹp. Nói theo ngôn ngữ của các bạn trẻ hôm nay thì, rất hoành tráng.

Điều này thật đáng mừng, mừng vì những hậu duệ của thánh Phan-xi-cô thành Assisi, (được cho là người đầu tiên có sáng kiến thiết kế hang đá), ngày càng sáng tạo trong công việc tái lập một hang đá Belem đầy sinh động.

Tuy nhiên, nếu chỉ có thế… nếu chỉ dừng lại nơi vẻ hào nhoáng bên ngoài của những chùm đèn, của những trái châu lấp lánh, e rằng chưa đủ. Đón mừng ngày kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh, sẽ chỉ có ý nghĩa khi chúng ta còn phải “trang trí” tâm hồn mình một “Tinh Thần Giáng Sinh”.

Tinh thần đó, (cụ thể) đó là: sự tỉnh thức và sẵn sàng, là sự sám hối, và quan trọng nhất: phải là sứ giả, là chứng nhân cho một Đức Giê-su “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Giáo Hội, trong suốt chiều dài lịch sử, không chỉ nhắc nhở mọi người tín hữu phải là người chứng nhân của Đức Giê-su, mà còn đưa ra nhiều tấm gương chứng nhân như là mẫu mực, để mọi người  noi theo. Một trong những tấm gương không thể không nhắc đến, chính là ông Gio-an Tẩy Giả.

Nói về gương chứng nhân của ông, Kinh Thánh có ghi  một câu chuyện về ông rất đáng để chúng ta noi theo. Chuyện kể rằng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin”.

Hồi ấy, những lời chứng của ông như một trái bom tấn, nó đã gây tiếng vang tại miền Giu-đê, lan đến tận vùng ven sông Giodan và cuối cùng là Giêrusalem.

Có không ít người tìm đến ông. Họ đến để “thú tội” và xin ông  “làm phép rửa cho họ”. Thế nhưng, ở Giêrusalem thì ngược lại. Tại đây, họ cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đi điều tra sự việc. Khi diện đối diện với ông Gio-an, họ hỏi: “Ông là ai?”

Ông Gioan là ai ư? Vâng, có lẽ nhóm tư tế này giả mù sa mưa. Lý lịch ông Gio-an rành rành ra đó. Là hậu duệ nhà Aharon, là tư tế, là thầy Lêvi, thế mà các ông ấy lại (giả bộ) không biết người bạn đồng chức vụ “tư tế thuộc nhóm Avigia tên là Dacaria; vợ ông là Êlisabet cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon”, có một người con tên là Gioan sao? Hôm đó, ông Gioan đáp lời rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô”.

Thế nhưng, câu trả lời đó, có vẻ như chưa thỏa mãn những người được Giê-ru-sa-lem cử đến. Họ hỏi ông thêm một lần nữa: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?”.

Ôi! trời ạ… một câu hỏi thật “xách mé”, xách mé là bởi, theo một số nhà chú giải nói, nếu dựa vào bản dịch từ bản Kinh Thánh Vulgata, thì câu hỏi sẽ là “Quid ergo? – Vậy ông là cái quái gì nào?”

Đúng, ông Gioan chẳng là cái quái gì cả. Không phải là Ê-li-a cũng chẳng phải là một ngôn sứ nào hết, như chính lời ông khằng định, rằng: “Tôi không phải… Không Phải… Không.”

“Đi không há lẽ trở về không!”… Hôm ấy, các vị tư tế và mấy thầy Lê-vi không muốn trở về với một mớ hỗn độn về thân thế  ông Gio-an, thế nên, họ hỏi ông thêm một lần nữa, rằng: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”

Rất ngắn gọn và minh bạch, hôm đó, Ông Gioan đã nói về chính ông rằng: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”(x.Ga 1, 23).

Vâng, câu trả lời của ông Gioan Tẩy Giả  được trích dẫn từ lời ngôn sứ Isaia. Nhưng có vẻ như phái bộ của giáo quyền Giêrusalem không bận tâm đến.

Điều họ muốn, đó là “dùng quyền phủ quyết” bắt buộc ông Gioan chấm dứt ngay mọi hành động mà ông đang làm “tại Bêtania, bên kia sông Giodan”. Họ “ngứa mắt” khi một người “không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là Elia hay vị ngôn sứ” mà lại ngang nhiên “làm phép rửa”.

Đôi mắt các tư tế và mấy thầy Lêvi đã bị che phủ bởi một tấm màn đố kỵ và ganh tỵ, đố kỵ và ganh tỵ bởi đã nhìn thấy “từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem”, từng đoàn người đã lũ lượt “kéo đến với ông”.

Ông có làm phép rửa đó. Nhưng, như lời ông nói,  chỉ là  “phép rửa trong nước”. Điều Gioan Tẩy giả quan tâm và muốn công bố cho các ông tư tế và mấy thầy Lêvi biết, đó là “Có một vị đang ở giữa các ông…”. Vâng, chính vị đó “Người sẽ làm phép rửa…  trong Thánh Thần và lửa”.

“Người”, ông Gioan Tẩy giả nói: “tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người”.  Thật đáng tiếc! Thế mà “các ông không biết”. Rồi ông Gioan khẳng định “Người sẽ đến sau tôi”(Ga 1, 26-27).

Thật ra, ông Gioan chính là một vị ngôn sứ, như lời cha ông là tư tế Dacaria đã được “đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 2, 67…76)

Sau này, Đức Giêsu cũng đã nói với một nhóm đông người về ông, rằng “nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến” (Mt 11, 14). Và trước khi nói điều này, Đức Giêsu còn nói về ông Gioan rằng “đây còn hơn cả ngôn sứ nữa”.

Đúng vậy, ông Gioan còn hơn cả ngôn sứ nữa. Ngôn sứ chỉ nói tiên tri về Đấng Cứu Thế. Còn ông Gioan, ông không nói tiên tri nhưng ông là “chứng nhân đích thực” của Đấng mà ông đã nói “Người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi”.

Hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được chiêm ngưỡng đôi nét về chứng  nhân Gioan Tẩy Giả. Chiêm ngưỡng ông, không phải để suýt xoa đôi lời khen ngợi, nhưng là để học nơi ông cung cách một người chứng nhân của Chúa Giêsu.

Chúng ta sẽ học nơi ông điều gì? Phải chăng là sự từ bỏ? Thưa, đúng vậy. Ông đã từ bỏ mọi sự, bỏ mọi sự vinh hoa phú quý, nhung gấm lụa là, vào hoang địa “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, là những biểu hiện của tinh thần nghèo khó.

Chúng ta sẽ học nơi ông điều gì nữa? Phải chăng là sự khiêm nhường? Thưa, đúng vậy. Ông đã không tự kiêu tự đại, không khoe khoang mình thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Trái lại, ông một mực hạ mình xuống, tự nhận mình là kẻ “không đáng cởi quai dép cho Người”.

Cuối cùng, điều đáng học nhất nơi ông Gio-an Tẩy Giả, đó là tất cả lời chứng của ông đều “quy chiếu” về Đức Giê-su – “Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi”. Tất cả… tất cả chỉ là Giê-su, mà thôi. Và, bây giờ hãy nhìn vào chính chúng ta và tự hỏi, Giáng Sinh năm nay tôi sẽ làm gì? Làm gì để chứng tỏ tôi là chứng nhân của Chúa Giêsu?

Phải chăng, tôi sẽ làm chứng về Chúa trước bàn dân thiên hạ qua việc thiết kế một hang đá với những dây đèn rực rỡ. Có tượng thiên thần bé nhỏ quỳ bên tượng Chúa Hài Đồng Giêsu. Có cây thông cao vút với những trái châu lung linh muôn sắc muôn màu!

Tốt, vì đó là cách làm chứng rất trực quan sinh động. Hơn nữa, đó là một truyền thống tốt đẹp lâu nay của người Công Giáo chúng ta.

Thế nhưng, nên chăng, bên cạnh việc làm đó, chúng ta cũng sẽ cùng với ông Gio-an Tẩy Giả, làm chứng bằng chính đời sống của mình, một đời sống dám “từ bỏ”, từ bỏ  một chút gì đó, một chút chi tiêu cho bữa tiệc “réveillon”, một chút tiền bạc cho chiếc bánh Buche De Noël ba tầng, bằng chiếc bánh một tầng?

Nên chăng, chúng ta từ bỏ một chút gì đó của những thói hư tật xấu,  như say sưa, chè chén… như hận thù, bất hòa, ghen tuông… như tranh chấp, chia rẽ, bè phái v.v…!

Câu trả lời do mỗi chúng ta. Nhưng, một điều chắc rằng, những điều nêu trên, nếu chúng ta  từ bỏ, thì, sự từ bỏ đó có thể được ví như chúng ta đã “sửa đường (con đường tâm hồn của ta), cho thẳng”. Những điều nêu trên, nếu chúng ta từ bỏ, đó… đó chính là chúng ta đã “sửa lối”, lối sống của chúng ta.

Nói cách khác, sửa  đổi tâm hồn mình,  sửa lối sống mình, theo cung cách ông Gio-an Tẩy Giả, đó chính là lúc chúng ta  trở thành người chứng nhân đích thực của Đức Giê-su.

Như đã nói ở trên,  mừng ngày kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh, sẽ chỉ có ý nghĩa khi chúng ta còn phải “trang trí” tâm hồn mình một “Tinh Thần Giáng Sinh”. Tinh Thần đó chớ gì, đó chính là tinh thần của ông Gio-an Tẩy Giả, đó chính là tinh thần người chứng nhân của Đức Giê-su.

Vâng, Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa khi chúng ta là “người chứng nhân của Đức Giê-su”.

Petrus. tran

 

Để lại một bình luận