Thánh lễ kính Đức Mẹ Fatima Ngày 13 tháng 10 năm 2023

Thánh lễ kính Đức Mẹ Fatima

Ngày 13 tháng 10 năm 2023

Sứ điệp của Đức Mẹ Fatima như một dấu ấn lịch sử của Giáo hội Công Giáo hoàn vũ, dù đã 106 năm trôi qua, nhưng biến cố ấy như vẫn còn như rất mới mẻ vì luôn được nhắc tới trong rất nhiều bài giảng, trong những lời kinh nguyện… Mẹ Maria dành cho con cái loài người một tình thương bao la vô bờ bến. Ngôn ngữ loài người không gì có thể diễn tả hết về Đức Mẹ .

Hơn 100 năm qua, người Công Giáo khắp nơi trên thế giới và cách riêng con dân Việt Nam luôn sống tâm tình sùng kính Đức Mẹ Maria rất sâu đậm, nơi đâu có Mẹ, nơi đó đều có sự hiện diện của rất nhiều thành phần dân Chúa quy tụ. Có lẽ vì thế, từ nhiều năm nay, để tưởng nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, vào ngày 13 hàng tháng và đặc biệt vào tháng Năm – tháng hoa kính Đức Mẹ và tháng Mười – tháng Mân Côi, hầu hết các nhà thờ, giáo xứ trong và ngoài Giáo Phận Sài Gòn đều tổ chức thánh lễ và rước kiệu kính nhớ Đức Mẹ Maria. Hôm nay, trong tâm tình con thảo kính nhớ Mẹ hiền, cũng là một truyền thống tốt đẹp đã được duy trì trong nhiều năm qua, giáo xứ thánh Đa minh – Ba chuông tổ chức trọng thể Thánh lễ đồng tế và rước kiệu biệt kính Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Thánh lễ kính Đức Mẹ Fatima Ngày 13 tháng 10 năm 2023

Thánh lễ bắt đầu lúc 19g00, chủ tế thánh lễ hôm nay là cha Bề trên Chánh xứ: Giuse Ngô Mạnh Cường, OP. Cùng hiệp dâng thánh lễ có sự hiện diện của quý cha, quý thầy trong Tu viện, quý nữ tu … các Hội đoàn cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ.

Mở đầu thánh lễ, cha Bề Trên Chánh xứ: Giuse Ngô Mạnh Cường, OP tâm tình với cộng đoàn về ý nghĩa ngày lễ: Đức Mẹ nhắn nhủ cho các Kitô hữu thực hiện ba mệnh lệnh: Hãy ăn năn cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân côi, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ để cứu vãn thế giới khỏi nạn diệt vong…. Khi các tín hữu thực hiện các mệnh lệnh này, Mẹ hứa sẽ ban cho thế giới một nền hòa bình, ban cho từng người có được sự bình an viên mãn.

Trong bài thuyết giảng, Cha Giuse Nguyễn Duy Linh, OP chia sẻ với cộng đoàn mẫu gương tinh thần sống hiệp hành trọn hảo nhất của Đức Mẹ Maria. Khởi đi từ Lời Chúa trong Tin Mừng theo Thánh Luca, một cuộc bàn thảo đối thoại rất đẹp: Thiên sứ đối thoại với Trinh nữ Maria, Thiên Chúa đối thoại với con người, một Thiên Chúa cho phép con người được đi vào trong tương quan ngôn từ với Thiên Chúa. Thánh Bernado đã dùng những ngôn từ hết sức thi vị để diễn tả biến cố Truyền Tin của Đức Mẹ: Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ đã nghe báo tin rằng Mẹ sẽ thụ thai và hạ sinh một Con Trai không phải do con người nhưng là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thần sứ đã chờ đợi câu trả lời của Mẹ, cả chúng con, cả nhân loại đang hồi hộp nín thở để chờ đợi câu trả lời của Mẹ, vì thế lạy Đức Trinh Nữ xin hãy trả lời, xin mau trả lời cho thần sứ… trả lời cho Thiên Chúa qua sứ thần, xin Mẹ đáp lời và cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa… Nhìn lại cuộc đối thoại giữa Sứ Thần Gabriel và Đức Maria, chúng ta sẽ cảm nghiệm được Đức Maria không phải là một công cụ thụ động trong tay Thiên Chúa nhưng lại là một cuộc đối thoại song phương giữa Mẹ và Thiên Chúa: Thiên Chúa ngỏ lời, Ngài muốn bàn tính với con người về một kế hoạch cứu chuộc nhân loại, thật đẹp biết bao khi Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người, Ngài mong muốn sự đáp trả phải bằng chính sự tự do của con người, chúng ta có thể nhận ra được từ những cuốc đối thoại. Một nét đẹp nơi tiệc Cuới Cana, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Đức Maria: bàn thảo với Chúa khi tiệc cưới hết rượu Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Sau cuộc đối thoại kín đáo đó, niềm vui của buổi tiệc cưới lại ngập tràn. Và, trong sứ vụ cuối đời của Đức Kitô, khi Ngài hấp hối trên thập giá, Mẹ đã theo sát Người Con yêu dấu của Mẹ, Mẹ đi cùng Chúa đến tận đồi Golgotha, một lần nữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã có những đối thoại hết sức xúc động: Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, … Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Không một lời đối thoại nào nghe được từ Đức Mẹ với Chúa Giêsu hoặc từ Đức Mẹ với Thánh Gioan, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng trên môi Đức Mẹ đang mấp máy những lời đầy xác tín xin vâng qua hơn ba mươi năm Mẹ đã đáp lại lời truyền tin của Sứ Thần, ắt hẳn Đức Mẹ cũng đã đáp lại ý nguyện của Đức Giêsu Này, Mẹ là Mẹ của con, Mẹ sẽ đồng hành với Gioan, với cả Giáo Hội… và những năm tháng sau đó, Mẹ đã đồng hành với người môn đệ được Chúa Giêsu trối lại, Mẹ sẽ có rất nhiều điều để kể, để dạy bảo, để hướng dẫn người môn đệ trong sứ vụ mà Chúa Kitô đã để lại cho vị tông đồ và cho cả Giáo hội nữa… Từ biến cố truyền tin đến tận đồi Calve, Mẹ Maria đã nêu gương mẫu cho chúng ta về lối sống hiệp hành, Mẹ đã cùng đi với Chúa Giêsu và bàn hỏi với Chúa trong mọi biến cố, khi chiêm ngắm Mẹ, mục đích cuối cùng của chúng ta là phải đến gần hơn với Chúa Giêsu, vì thế khi đọc kinh Mân Côi, mỗi khi dừng lại suy niệm ở một mầu nhiệm, là một chặng đường mà chúng ta được mời gọi hiệp hành với Đức Giêsu, bước vào con đường Chúa Giêsu đang đi để thân thưa với Người những cách mà Đức Mẹ đã làm. Chúa Giêsu trong suốt những năm sứ vụ Ngài cùng đi với biết bao người, cùng đi với đám đông dân chúng, đến các môn đệ thân tín… trên những con đường bộ hành đó từ vùng này sang vùng khác, Chúa và con người có bao nhiêu chuyện để nói với nhau, dù xã hội và tôn giáo Do Thái thời Chúa Giêsu không giành chỗ cho một số thành phần, không coi trọng trẻ em, người nghèo, người ta loại trừ khỏi cộng đoàn các tội nhân, thu thuế, dân ngoại, thậm chí những người đau khổ tật nguyền cũng bị coi là hình phạt của Thiên Chúa. Thế nhưng, Đức Giêsu đến bày tỏ cho thấy khuôn mặt của một Thiên Chúa thích nói chuyện với con người, một Thiên Chúa không loại trừ ai, một Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi và những kẻ bị loại ra bên lề xã hội… đó chính là con đường hiệp hành mà Chúa Giêsu đã sống dù phải trả bằng giá máu. Gương mẫu của Chúa Giêsu và Đức Maria là mẫu mực cho chúng ta về một lối sống tinh thần cùng đi với nhau, cùng bàn hỏi với nhau, mà hôm nay vẫn còn là giấc mơ của Hội Thánh. Hội Thánh ngày hôm nay nhấn mạnh đến tính hiệp hành, cũng là để nhắc nhở mỗi Kitô hữu về tinh thần cùng bước đi với nhau, bàn hỏi cùng nhau trong mọi sự liên quan đến phụng vụ của Hội Thánh. Hội Thánh không chỉ là các vị lãnh đạo, Đức Thánh Cha, các Giám Mục, các Linh mục, tu sĩ nam – nữ , Hội Thánh còn là mỗi chúng ta, cộng đoàn Hội Thánh không chỉ là Vatican, là các Tòa Giám Mục nhưng Hội Thánh được cụ thể hóa nơi cộng đoàn gia đình, Hội Thánh được thể hiện nơi cộng đoàn giáo xứ… Vì thế, khi nói đến tinh thần hiệp hành của Hội Thánh là cùng đi, cùng bàn thảo với nhau, chúng ta được mời gọi diễn tả lối sống mà Hội Thánh đang nhắm tới. Có khi chúng ta cùng sống với nhau dưới một mái nhà, cùng ngồi với nhau trong một thánh đường, cùng làm với nhau trong một công việc phục vụ, nhưng buồn thay, lắm khi chúng ta không nói chuyện, không bàn hỏi được với nhau, không lắng nghe nhau được, như thế chúng ta chỉ mới đang hiệp hành với nhau bằng thể lý bên ngoài mà chưa hiệp hành với nhau về mặt tâm tình bên trong. Hiệp hành quả là không bao giờ dễ dàng, sẽ khó có thể thực hiện được nếu chúng ta không biết khiêm nhường để lắng nghe người khác để đối thoại, góp ý chân thành với nhau với những thành phần rất đa dạng khác biệt trong cộng đoàn Giáo Hội. Mẹ Maria chính là một mẫu gương hiệp hành, xin Mẹ giúp cộng đoàn chúng ta bước đi được với nhau trong tinh thần hiệp nhất và hiệp thông để qua đó những người chưa biết Chúa, có thể nhận ra được chúng ta, tất cả con người trên thế giới này đều là anh chị em với nhau của một Cha trên Trời.

Thánh lễ tiếp tục với phụng vụ Thánh Thể.

Sau thánh lễ là phần cung nghinh kiệu Đức Mẹ ra sân nhà thờ trước tượng đài Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đoàn người bước theo Mẹ trên tay cầm một bông hoa và cây nến thắp sáng, vừa đi vừa xướng kinh Kính Mừng và hát ca tụng Đức Mẹ.

Thánh lễ kết thúc với ước nguyện dâng tất cả những suy tư của cá nhân, của gia đình cũng như của cộng đoàn giáo xứ và như lời một ý khấn hôm nay cầu cho Giáo Hội Việt Nam luôn được hiệp nhất yêu thương và bình an. Mẹ Maria cũng đang đứng đó nhìn mỗi người chúng ta, và Mẹ cũng nói với chúng ta rằng nếu muốn gia đình, muốn quê hương, muốn thế giới được bình an, hãy cải thiện đời sống, hãy siêng năng lần hạt Mân côi và hãy tôn sùng trái tim Đức Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường… Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa. Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly. Xin giữ chúng con luôn đi trên “Đường Giêsu”, để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Giờ đây, chúng ta hãy lắng nghe tiếng gọi Fatima để thay đổi đời sống của chính mình, và đó cũng là tiếng gọi của Giáo hội mời gọi tất cả con cái của Mẹ sống tâm tình với chuỗi Mân Côi mỗi ngày, sống tâm tình hiệp hành như Mẹ qua từng mầu nhiệm. Bởi lẽ chuỗi Mân Côi chính là vũ khí bảo vệ cho chúng ta trước sự gian ác đang vây hãm chúng ta. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu cho thế giới và cho nhân loại hôm nay biết xây dựng hòa bình, sống trong tình hiệp nhất và yêu thương nhau!

Maria PTH – Ban Truyền thông

– Một số hình ảnh Thánh Lễ :