Xin cho lời Chúa theo bước đời ta

 

Xin cho lời Chúa theo bước đời taNhư chúng ta được biết, trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su có tuyển chọn mười hai tông đồ, “…Mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.” (Lc 6, 14)

Mười hai vị  tông đồ đã được “ở với Người, và được Người sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” Ở với Đức Giê-su, chứng kiến nhiều “dấu lạ” Ngài làm, cùng với quyền phép trừ quỷ, các môn đệ luôn nghĩ đến một kết thúc đẹp cho việc mình đã “bỏ hết mọi sự mà đi theo Ngài”.

Thế rồi, cho đến khi Đức Giê-su tiên báo cuộc thương khó của Ngài, mười hai tông đồ, đặc biệt là tông đồ Phê-rô đã thất vọng và hết sức can ngăn. Hành động của Phê-rô đã bị Đức Giê-su khiển trách.  Ngài đã nói với ông Phê-rô rằng: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Khiển trách, nhưng Đức Giê-su vẫn tìm mọi cách để cho Phê-rô cũng như các người môn đệ khác hiểu được cuộc thương khó của Ngài, là một cuộc thương khó phải xảy ra. Vì đó chính là “tư tưởng của Thiên Chúa”.

Và rồi, vào một ngày nọ, Đức Giê-su đã cho Phê-rô và hai người bạn đồng môn thấy và biết. Ba ông đã thấy và đã biết, rằng:  Đức Giê-su chính là người được “tuyển chọn”, được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện cuộc thương khó. Và, các ông phải “Vâng nghe lời Người”. Vâng, biến cố  này được ghi trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 9, 28b-36)

Theo thánh Luca  ghi lại: Hôm ấy “Đức Giê-su lên núi cầu nguyện”. Ngài: “đem theo các ông Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê”. Lên núi cầu nguyện là một việc Đức Giê-su thường thực hiện. Và, sẽ chẳng có gì để nói nếu hôm ấy không xảy ra một hiện tượng, một hiện tương chưa từng xảy ra từ trước tới giờ.

Đó là, hôm ấy, đang lúc Đức Giê-su cầu nguyện, “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”. Cùng lúc đó, “có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia”. Rất linh thiêng, “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (x.Lc 9, 31)

Phê-rô và hai người bạn đồng môn, đâu rồi! Thưa, thánh sử Luca cho biết: “Ông Phê-rô và đồng bạn ngủ mê mệt”. Ngủ-mê-mệt, thưa quý vị.

Có một số người sau khi đọc xong chi tiết này, trách các ông. Tuy nhiên, nếu nghĩ thêm một chút, việc các ông ngủ mê mệt cũng là điều tự nhiên thôi. Tự nhiên là bởi, rất có thể sau khi “leo lên núi” các ông mệt. Đi biển là nghề của chàng, còn leo núi đâu phải là sở trường của các ông!

(Hồi xưa, người viết là một Hướng Đạo Sinh. Một Chúa Nhật đẹp trời, Thiếu Đoàn làm một chuyến “trại bay”, từ Saigon bay lên núi Châu Thới Biên Hòa. Đạp xe đạp từ Saigon lên Biên Hòa đã là một hành trình vất vả. Tới nơi, đeo chiếc ba-lô nặng hai chục ký (đúng hai chục ký nha), leo lên đỉnh núi, nhận một bản Semaphore, rồi leo xuống. Phải nói là “ná thở”. Rất mệt, thưa quý vị.) Thế nên, chúng ta hãy thông cảm cho ông Phê-rô và hai bạn đồng môn về chuyện ngủ-mê-mệt, nhé!

Trở lại ngọn núi nơi Đức Giê-su đàm đạo với Mô-se và Ê-li-a. Hôm ấy, sau khi ba chàng ngự lâm có một vài phút mơ màng với “Trăm con chim mộng. Về bay đầu giường”, các ông bừng tỉnh. Và, “khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người” (x.Lc 9, …32)

Thánh sử Luca, người ghi lại biến cố này, tuy không nói ra, nhưng chúng ta có thể tin rằng, ba vị môn đệ, chắc hẳn rất kinh ngạc vô cùng. Vâng, làm sao không kinh ngạc cho được! Hai nhân vật đứng bên Đức Giê-su là Mô-sê và Ê-lia ư! Hai vị này là những người, vào thời các ông, chỉ được biết đến “qua Kinh Thánh” Sao… sao hôm nay, trước mắt mình, họ lại đang “nói lời từ biệt”, với ông Thầy của mình!

Từ kinh ngạc, ba vị môn đệ chuyển qua sự bối rối. Và, bối rối nhất chính là người “anh cả” Phê-rô. Vâng, hôm đó, trước hiện tượng “khó tin nhưng có thật”, anh cả Phê-rô bối rối nói với Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay. Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, một cho ông Ê-li-a”… nói xong, ông Phê-rô “không biết mình đang nói gì”…

Trong lúc “ông còn đang nói”, một sự kiện vô tiền khoáng hậu xảy ra, đó là “có một  đám mây bao phủ các ông. (Và) khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ”.

Vâng, các ông hoảng sợ vì: “Từ đám mây có tiếng phán rằng: ‘Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9, 35)

Từ bối rối cho đến hoảng sợ,   thánh Luca cho biết: “Các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông  không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy” (Lc 9, …36). Đúng… ba vị môn đệ đã nín thinh. Thế nhưng, sau khi thực sự không còn là những “tay lưới cá”, mà đã trở thành những “tay lưới người”, các ông không còn nín thinh nữa.

Người anh cả Phê-rô đã lớn tiếng khẳng định rằng: “Khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người : Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến ” (2 Pr 1,16-17). Thánh Phê-rô khẳng định rằng “Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.

Đức Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” chúng ta phải  “Vâng nghe lời Người”, đó không phải là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh, một lệnh truyền từ Thiên Chúa.

Chính vì  thế, sau này, tông đồ Phêrô mạnh dạn lớn tiếng trước các vị thượng tế rằng “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Còn với người tông đồ Gio-an ư! Vâng, ngài cũng đã làm chứng rằng : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).

Tông đồ Phê-rô đã chứng thực cho những điều ngài thấy. Tông đồ Gio-an “đã thấy và đã nghe”. Đã thấy và đã nghe, và rồi các ông đã “loan báo cho cả anh em nữa”.

Cho-cả-anh-em-nữa,  phải chăng là cho cả chúng ta, hôm nay! Vâng, chắc chắn là vậy. Và, đó là lý do để chúng ta tự hỏi mình rằng: Bao nhiêu năm là một Ki-tô hữu, chúng (đã) vâng-nghe-lời-Chúa?  Mà, có lý do gì chúng ta không vâng nghe, nhỉ! Tác giả sách Thánh Vịnh chẳng phải là đã nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi”, đó sao! (Tv 119, 105)

Thánh Phê-rô đã vâng nghe lời Chúa  cho đến chết, một cái chết để vẽ lại “dung mạo” một Giê-su, một Giê-su đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.

Còn về thánh Gia-cô-bê, ngài cũng đã “vâng nghe lời Chúa” đến nỗi chấp nhận đổ máu ra để minh chứng cho Chúa Giêsu phục sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I. (x.Cv 12, 2)

Với thánh Gio-an, việc vâng nghe Lời Chúa đã đem đến cho ngài ơn thị kiến, để  “viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra, và những gì sẽ xảy ra sau này…”(Kh 2, 19)

Hôm nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục “phán truyền” đến mỗi chúng ta. Những lời phán truyền của Người không còn phát xuất từ trời cao, trên một ngọn núi nào đó, nhưng là ở trong Thánh Lễ.

Trong Thánh Lễ, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe những lời phán truyền của Người. Trong Thánh Lễ, qua linh mục chủ tế, chúng ta được nghe những lời dạy dỗ của Người. Trong Thánh Lễ, chúng ta được “hiệp thông với nhau” qua việc tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể.

Nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, một lần nữa Đức Giê-su hiển dung và vinh quang của Ngài tỏ hiện qua lời truyền phép của linh mục chủ tế: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”.

“Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta là thông phần vào mầu nhiệm này, bắt đầu nhờ Bí Tích Rửa Tội. Cùng với Đức Ki-tô, ta chết cho tội lỗi, ngõ hầu có thể bắt đầu một sự sống mới. Đây là một sự ‘biến đổi’ dành cho chúng ta. Ta được mặc chiếc áo trắng, nhắc nhở là mình đã nên giống Chúa Giê-su lúc Người thay hình đổi dạng. Vì sự hiển dung của Chúa Giê-su báo trước Người sẽ sống lại, phép Rửa cũng đưa chúng ta đến một sự kiện tương lai: được thông phần vào vinh quang phục sinh của Đức Ki-tô”. Lm. Charles E. Miller đã chia sẻ như thế.

Chân lý và lẽ thật là đây. Chân lý và lẽ thật đã được Đức Giê-su bảo chứng khi Ngài nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”. Hãy ghi khắc trong con tim mình lời bảo chứng này. Và hãy xem đó như là nguồn cảm hứng để chúng ta vâng-nghe-những-lời-Chúa đã truyền dạy.

Chính việc vâng-nghe-những-lời-Chúa đã truyền dạy, chúng ta sẽ không bao giờ dẹp bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, như có một nhóm người đã dẹp bỏ khỏi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Chính việc vâng-nghe-những-lời-Chúa đã truyền dạy: “Chớ giết người”, chúng ta sẽ không bao giờ phá thai.

Chính việc vâng-nghe-những-lời-Chúa đã truyền dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”, gia đình chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện ly dị.

Chính việc vâng-nghe-những-lời-Chúa đã truyền dạy: “Chớ muốn vợ chồng người”, chúng ta sẽ không phạm tội ngoại tình. Chính việc vâng-nghe-những-lời-Chúa đã truyền dạy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình”, chúng ta sẽ không có những hành động gây hấn kẻ khác. Chúng ta sẽ không bao giờ cậy mạnh hiếp yếu. Chúng ta (nếu là lãnh tụ) sẽ không bao giờ cậy nước lớn xâm lược nước nhỏ.

Nhiều… nhiều lắm. Rất nhiều lời Chúa truyền dạy (được ghi trong Kinh Thánh) nếu chúng ta vâng-nghe-lời-Người, có phần chắc “láng giềng (sẽ) thân thiết, anh em (sẽ) hòa thuận, vợ chồng (sẽ) ý hợp tâm đầu”.

Vâng, như xưa kia, ba vị tông đồ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê được mời gọi “Hãy vâng nghe lời Người”, hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi như thế.

Như xưa kia, ba vị tông đồ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê đã vâng-nghe-lời-Người. Hôm nay, là một Ki-tô hữu, cũng là người môn đệ của Đức Giê-su, có lẽ nào chúng ta không vâng-nghe-lời-Người!

Thế giới hôm nay như là một sân khấu. Nơi người ta diễn kịch. Nơi người ta giả dối. Nơi người ta lừa bịp… Nơi đang có rất nhiều người không vâng-nghe-lời-Chúa. Nơi rất nhiều người “nói không” với lời Chúa.

Nói không với Lời Chúa, đó là một thảm họa. Thảm họa là nhiều ngôi nhà, “ngôi nhà tâm hồn”, đang bị người ta xây-trên-cát. Xây nhà trên cát, chúng ta biết rồi, “gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đỗ, sụp đổ tan tành.”

Cũng vậy với ngôi nhà đức tin. Nếu ngôi nhà đức tin không được xây dựng  trên nền tảng “lời Chúa”, ngôi nhà ấy làm sao chịu đựng nổi khi gặp những cơn mưa-cám-dỗ, những cơn-bão-đam-mê v.v…

Nói tắt một lời, là một Ki-tô hữu, ngôi nhà tâm hồn của chúng ta, ngôi nhà đức tin của chúng ta phải được xây trên đá.

Được-xây-trên-đá, đó là cách Đức Giê-su nói về những người vâng-nghe-lời-Chúa, những người “nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành” (x.Mt 8, 24)

Thánh Phao-lô, trong thư gửi cộng đoàn Ê-phê-sô, có viết: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ, đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2, 8)

Vâng, với sức con người, chúng ta thật khó để mà vâng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Phải nhờ đến ân-huệ-của-Thiên-Chúa. Nói cách khác, đó là nhờ ơn Chúa. Mà, làm sao có thể nhờ-ơn-Chúa, nếu chúng ta không cầu xin.

Thế nên, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá Chúa Ki-tô mà nguyện xin, xin rằng: “Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con lúc lẻ loi… Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con trong cuộc sống. Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài từng theo bước đời con”.

Vâng, một lời nguyện xin đầy nguồn cảm hứng để chúng ta dễ dàng vâng-theo-lời-Chúa.  Bởi vì, khi lời-Chúa-từng-theo-bước-đời-ta, chẳng phải là chúng ta đang vâng-theo-lời-Người, sao! Một lần nữa, chúng ta cùng nguyện xin: “Xin cho lời Chúa, theo bước đời ta.”

Petrus.tran