Ngày 04 tháng Giêng năm 2022, Sứ điệp của Đức Thánh cha Phanxicô nhân ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 30, đã được công bố với chủ đề: “Các con hãy có lòng thương xót như Cha các con trên trời là Đấng Thương Xót” (Lc 3,36). Đặt mình cạnh người đau khổ trên một hành trình bác ái”.
Ngày Thế giới các Bệnh nhân do Đức Thánh cha Gioan Phaolô II thiết lập và cử hành vào ngày 11 tháng Hai hằng năm, nhằm lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức. Năm nay, vì đại dịch, nên sẽ được cử hành tại Đền thờ thánh Phêrô ở Roma, thay vì tại thành phố Arequipa bên Peru, như đã ấn định ban đầu.
Trong Sứ điệp, Đức Thánh cha đặc biệt trình bày Chúa Giêsu là lòng thương xót của Chúa Cha, nhất là sự quan tâm đặc biệt của Ngài đối với các bệnh nhân, đến độ sự quan tâm này trở thành hoạt động chính yếu của các tông đồ, được Thầy sai đi loan báo Tin mừng vừa săn sóc những người đau yếu (Lc 9,2). Đức Thánh cha nhắc đến “đông đảo các bệnh nhân, trong thời đại dịch này, đã sống trong cô đơn tại những khu vực điều trị khẩn trương giai đoạn cuối cùng của cuộc đời. Chắc chắn họ được những nhân viên y tế quảng đại săn sóc, nhưng ở xa tình thương mến của những người thân yêu nhất và những người quan trọng nhất trong đời sống trần thế của họ. Vì thế, điều quan trọng là có bên cạnh những chứng nhân về tình thương của Thiên Chúa, theo gương Chúa Giêsu, họ đổ trên các vết thương của các bệnh nhân dầu an ủi và rượu hy vọng”.
Các nhân viên y tế
Đức Thánh cha cũng nhấn mạnh rằng: “Lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy có lòng thương xót như Chúa Cha có một ý nghĩa đặc biệt đối với các nhân viên y tế. Tôi nghĩ đến các bác sĩ, y tá, các kỹ thuật viên phòng thí ngihệm, những người săn sóc và trợ giúp các bệnh nhân cũng như nhiều người thiện nguyện dành thời giờ quí báu của mình cho các bệnh nhân. Anh chị em nhân viên y tế thân mến, việc phục vụ của anh chị em cạnh các bệnh nhân, được thi hành với tình thương và khả năng chuyên môn, vượt lên trên những ranh giới nghề nghiệp để trở thành một sứ mạng… Anh chị em hãy ý thức về phẩm giá cao trọng của nghề anh chị em, cũng như trách nhiệm đi kèm”.
Quan tâm đến bệnh nhân
Đức Thánh cha chúc tụng Chúa vì những tiến bộ trong ngành y khoa trong thời gian gần đây, những kỹ thuật mới những lợi ích lớn lao cho các bệnh nhân, những nghiên cứu tiếp tục đóng góp quí giá vào việc đánh bại các bệnh cũ và mới, nhưng ngài cũng cảnh giác rằng “tất cả những điều ấy không bao giờ được làm cho chúng ta quên sự đặc thù của mỗi bệnh nhân, với phẩm giá và sự mong manh của họ. Bệnh nhân luôn quan trọng hơn bệnh của họ và vì thế, mỗi phương pháp trị liệu không được tách rời khỏi sự lắng nghe bệnh nhân, lịch sử, những lo âu sợ hãi của họ. Cả khi không thể chữa lành, chúng ta vẫn luôn có thể an ủi, làm cho bệnh nhân cảm thấy sự gần gũi, sự quan tâm của chúng ta tới con người bệnh nhân trước khi tới bệnh của họ. Vì thế, Đức Thánh cha viết: “tôi cầu mong rằng hành trình huấn luyện giúp các nhân viên viên y tế có khả năng lắng nghe và có chiều kích tương quan với bệnh nhân”.
Vai trò của các nhà thương
Trong Sứ điệp, Đức Thánh cha cũng nói đến vai trò của các nhà thương, là những nhà của lòng thương xót và ngài đặc biệt nghĩ đến dân chúng tại những vùng nghèo trên trái đất, nhiều khi phải đi rất xa mới tìm được những nhà thương. Con đường vẫn còn dài và tại một số nước việc nhận được sự chữa trị thích hợp vẫn còn là một điều xa xỉ. Bằng chứng là tại những nước nghèo nhất còn thiếu các vắcxin chống Covid-19, và càng thiếu hơn các sự chăm sóc các bệnh cần những thuốc men thông thường. Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh cha tái khẳng định tầm quan trọng của cac nhà thương Công giáo, đó là một kho tàng quí giá cần phải giữ gìn và hỗ trợ. Sự hiện diện của các nhà thương ấy đã nổi bật trong lịch sử Giáo hội sự gần gũi các bệnh nhân nghèo nhất và những tình trạng bị quên lãng nhất”.
(Rei 4-1-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA