Chúa sẽ luôn luôn to toan…

 

Chúa sẽ luôn luôn to toan…Cuộc sống của con người là một cuộc hành trình với biết bao gian lao và thử thách. Và, dù chúng ta có là ai đi chăng nữa, những gian lao và thử thách đó vẫn như một con đỉa đói đè nặng trên cuộc sống của chúng ta.

Rồi, khi những gian lao thử thách liên lỉ xảy ra trong cuộc đời chúng ta, có phần chắc chúng ta sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi và chán chường. Cuối cùng, khi mệt mỏi và chán chường dâng cao, chúng ta sẽ nản chí và tuyệt vọng.

Điều này thật nguy hiểm, nguy hiểm vì nản chí và tuyệt vọng sẽ dẫn đến  những suy nghĩ  tiêu cực, và cuối cùng dẫn đến hành vi tiêu cực, đó là hành vi tự vẫn có nguy cơ xảy ra.

Là một Ki-tô hữu, chắc chắn chúng ta không có quyền tự vẫn. Vậy, chúng ta phải  làm gì khi cuộc sống của mình có quá nhiều gian lao thử thách? Thưa, HÃY ĐẾN CÙNG CHÚA GIÊ-SU.

 

Vâng, hãy đến cùng Đức Giê-su.  Bởi vì Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng,  ngoài những lời truyền dạy có tính cách bắt buộc, như lời truyền dạy: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, Ngài còn có những lời truyền dạy như là một lời mời gọi, một lời mời gọi hầu đem đến cho con người bớt âu lo, thêm sức mạnh, trước những gian lao thử thách giữa cuộc đời.  Những lời mời gọi của Đức Giê-su, nếu được phép, có thể nói như là một điệp khúc của bản tình ca mang tên “lòng Chúa thương xót”.

Ta hãy nghe có thương xót không, khi Ngài mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi…”. Đến-cùng-tôi rồi sao nữa nhỉ! Thưa: “tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Và, để minh chứng cho lòng thương xót của mình, Đức Giê-su đã có lời tuyên phán  rất chân tình, rằng:  “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì  tôi  có lòng hiền hậu và khiêm nhường, Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi dễ chịu và gánh tôi nhẹ nhàng” (x.Mt 11, 28-30)

 

Hãy-đến-cùng-Ta… Vâng, không chỉ là năm xưa, nhưng hôm nay, đó cũng là lời mời gọi dành cho mỗi chúng ta. Đó là một lời mời gọi của lòng thương xót, lòng thương xót cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng ta, cho những ai đang phải đối mặt với gian lao thử thách.

Mà, hôm nay, có ai trong chúng ta lại không phải đối mặt với gian lao thử thách, nhỉ. Kìa , hãy nhìn xem thế giới hôm nay, một thế giới dù đã rất tiến bộ, dù đã rất văn minh, nhưng vẫn còn đó biết bao sự bất an và bất ổn.

Vâng, có bất an không, khi mà dịch bệnh ‘viêm phổi VUHAN’ vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới! Có bất an không khi mà lũ lụt, động đất, hạn hán, nạn châu chấu phá hoại mùa màng v.v… vẫn là những tiềm ẩn đe dọa đời sống chúng ta!

Và, ai dám khẳng định là không có bất ổn, khi Tuần Dương Hạm, Thiết Giáp Hạm, Hàng Không Mẫu Hạm v.v… đang lượn lờ như lá thu rơi tại Biển Đông, chờ chực khai hỏa! Tình hình như thế, ai dám nói rằng, cuộc sống của chúng ta hôm nay, không phải đối mặt với bát an và bất ổn, với gian lao và thử thách!

Còn gian lao và thử thách nào đè nặng trên cuộc sống của chúng ta nữa nhỉ! Phải chăng là một thất bại ề chề nơi thương trường! Phải chăng là sự đau khổ vì một mối tình tan vỡ! Phải chăng là nỗi buồn ‘người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ’ v.v…!

Rồi khi  phải đối diện với bất công, với bạo lực, với sự tham lam và hung hãn, với thói ích kỷ, với sự kiêu căng của con người, thì sao… không  là những gian lao và thử thách ư!  Và, còn đó là những gian lao của tương lai, một tương lai rằng: “khi ta không còn nữa, sẽ lấy được những gì, về bên kia thế giới.”

Nói tới điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta hãy nghĩ tới gánh nặng và thử thách của tội lỗi mà chúng ta phải đối mặt. Đừng quên, chính gánh nặng tội lỗi đã đưa chúng ta đến chỗ chết. Và, ai sẽ cất gánh nặng tội lỗi cho chúng ta, nếu không phải là ĐỨC KI-TÔ…

Hãy nghe thánh Phao-lô nói: “…nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống…”

Thế nên, hãy tự hỏi mình  rằng, gian lao nào đang đè nặng trên cuộc đời tôi? Thử thách  nào đang làm mệt mỏi đôi vai tôi? Tôi sẽ làm gì để tháo bớt những gánh nặng sầu thương, những gánh nặng của tội lỗi,  trên cuộc đời mình? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên nhìn vào tấm gương vua David, một tấm gương mẫu mực về  lòng  phó  thác  trong tay Chúa .

Vâng, là một người đã từng mang những gánh nặng sầu thương trên con đường đời của mình. Là một người đã từng vất vưởng nặng lòng trong tội lỗi, gánh nặng trị quốc, gánh nặng gia đình, con cái phản nghịch. Nhưng, từ khi David trao cho Đức Chúa những gánh nặng sầu thương của mình, ông đã được sự nâng đỡ của Đức Chúa. Sự từng trải đó đã được ông chia sẻ rằng: “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay CHÚA. Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ” (Tv 55, 23).

Sự trải nghiệm của vua David là thế đó. Chúng ta có tin không? Nếu tin, ‘Hãy đến cùng Chúa’.  Hãy đến, thưa quý vị.  Dù Chúa không làm cho gánh nặng biến mất, không cất bỏ những vấn đề nan giải trong đời sống chúng ta, nhưng Ngài đã khẳng định rằng: “Tâm hồn anh  em sẽ được yên nghỉ”. Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta, làm cho gánh nặng của chúng ta trở nên “êm ái và nhẹ nhàng”.

Thánh Augustino có nói: “Chúa dựng nên ta không cần có ta nhưng để cứu chuộc ta, Chúa cần sự cộng tác của ta”. Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta nhìn lại bản thân mình, và tự hỏi rằng: “sự cộng tác của ta” với Chúa hiện ở mức độ nào?

Ở mức độ: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi”? Hay chỉ là mức độ ‘hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh’? Vâng, nếu chỉ ở  mức độ này, thưa quý vị, nguy hiểm lắm, Chúa sẽ ‘mửa’ chúng ta ‘ra khỏi miệng Ngài’.

Không thực sự ‘cộng tác’ với Chúa, dù chúng ta có  đi nhà thờ, dù chúng ta có cầu nguyện,  chúng ta vẫn cảm thấy bất an, chúng ta vẫn không bình an, vẫn không giải quyết được nhưng nan giải trong cuộc đời mình, vẫn cảm thấy cuộc đời mình như “sinh lầm thế kỷ”.

Tại sao? Thưa, là bởi, chúng ta đến nhà thờ theo tập quán, sợ lỗi luật giữ ngày Chúa Nhật mà không chịu “học cùng Chúa”, học sự “hiền lành và khiêm nhường” của Ngài, một cái học chứng tỏ đã cộng tác Ngài một cách thực sự.

Chỉ khi chúng ta thấm nhuần những bài học Đức Giê-su đã dạy, chúng ta mới có thể nói như  Ngài đã nói, làm như Ngài đã làm, sống như Ngài đã sống. Và, khi chúng ta  nói như Ngài đã nói, làm như Ngài đã làm, sống như Ngài đã sống, đó là lúc chúng ta đã ‘cộng tác’ với Đức Giê-su một cách tuyệt đối.

Cộng tác với Ngài tuyệt đối như thế, dù cuộc sống của chúng ta có phải đối diện với gian lao thử thách cỡ nào đi nữa, hãy tin, Đức Giê-su sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Trái lại, Ngài sẽ luôn luôn lo toan, cho chúng ta.

Vâng, chúng ta hãy nghe thêm một lần nữa lời dạy của Thánh Augustino: “Chúa dựng nên ta không cần có ta nhưng để cứu chuộc ta, Chúa cần sự cộng tác của ta”.

Chúa cần, cần sự cộng tác của chúng ta, vì đó là điều cần thiết để chúng ta được: “Chúa lo toan”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời