Đừng để con nói: Cha đâu?  

 

Đừng để con nói: Cha đâu?  Như một truyền thống đẹp, sau lễ Giáng Sinh, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng kính Lễ Thánh Gia.

Khi nói đến lễ Thánh Gia, tưởng chúng ta nên biết, “Việc tôn kính Thánh Gia trong Giáo Hội Công Giáo chính thức bắt đầu vào thế kỷ thứ 17, bởi Giám mục chân phước François de Laval, người Canada gốc Pháp, vị Giám mục đầu tiên của Québec.

Lễ Thánh Gia bắt đầu trước tiên từ Canada, dần dần lòng sùng mộ Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu. Thời kỳ này, người ta nhận thấy các gia đình bị tục hóa, nhiều gia sản thiêng liêng, các giá trị của gia đình bị tiêu tán. Có nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn. Vì vậy tín hữu tìm tới gia đình gương mẫu Thánh Gia để giúp các gia đình Công Giáo sống đạo và sống ơn Bí Tích hôn phối”(nguồn: internet)

Dòng Đa Minh và dòng Phanxicô cũng đã góp một phần lớn vào phong trào sùng kính Thánh Gia.

Sùng kính Thánh Gia, vâng, Lm. Charles  E. Miller có lời chia sẻ rằng: “Xin đừng quên Thánh Giu-se”.

Tại sao lại đừng quên Thánh Giu-se? Thưa, ngài Lm. Charles chia sẻ tiếp: “Một gia đình thường gồm ít nhất là ba người: cha, mẹ và con cái. Có đúng không? Nhưng ngày nay, người ta nói đến nhiều gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, và trong đa số các trường hợp này, bậc sinh thành duy nhất (chỉ) là người mẹ. Thế thì người cha ở đâu? Ngay trong vài gia đình có đủ cả cha lẫn mẹ, đôi lúc các bé chợt hỏi: Ba-đâu-hả-mẹ?”

“Ba đâu hả mẹ?” Nghe có đau lòng không, thưa quý vị! Vâng, gia đình Thánh Gia, một gia đình có đầy đủ cha, mẹ và con cái, đó là: Thánh Giu-se, Đức Maria và Thánh tử Giê-su.

Chưa… chưa bao giờ, hay nói đúng hơn, Kinh Thánh không có chỗ nào tường thuật rằng Thánh Tử Giê-su đã đặt câu hỏi với Đức Maria câu hỏi nêu trên, câu hỏi rằng: “Cha đâu hả Mẹ?”

Mà, làm sao Đức Giê-su đặt câu hỏi đó cho được nhỉ! Bởi vì ngài Giu-se luôn luôn hiện diện trong gia đình. Ngài hiện diện trong gia đình từ “cái thuở ban đầu lưu luyến” ấy, cái ngày mà ngài “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”, cho đến những ngày “lang thang trên đồi vắng, qua rừng sâu” tại miền đất Belem, để tìm bằng được một chỗ cho nàng Maria sinh nở.

Và… và cái ngày đáng nhớ hơn cả, đó là ngày bạo chúa Hê-rô-đê lên kế hoạch truy sát Hài Nhi Giê-su.

Ngày đó, ngài Giu-se ở đâu nhỉ? Thưa, ngài hiện diện ngay trong gia đình. Trong âm thầm, trong thinh lặng, ngài Giu-se “đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-Cập”. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 2, 13-23)

**

Câu chuyện được kể lại rằng: “Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: ‘Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”.

“Ơ hay! Sao lại thế nhỉ! Mới hồi năm ngoái, chính ngài nói với cô Maria rằng:  nàng sẽ sinh hạ một con trai… Đức Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận, vậy tại sao hôm nay lại phải chạy trốn?” Nếu, nếu là chúng ta, phải chăng chúng ta sẽ “cự lại” với sứ thần Chúa như thế?

Chỉ là… chỉ là một chút tưởng tượng theo lối suy nghĩ người đời. Chứ, với ngài Giu-se thì… thì sao nhỉ! Thưa, hôm ấy, ngài Giu-se “liền trỗi dậy và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang  Ai-cập”.

Ngày ấy, ông Giu-se đã đi… đi trong tâm tình như lời một bài thánh ca mô tả về ông rằng: “Một đời thánh đức, Giuse âm thầm hiến dâng. Một đời yêu mến, Giuse vâng phục ý Chúa. Một đời trung trinh qua bao gian khổ hy sinh. Giuse một niềm cậy tin yêu mến Chúa Trời”.(trích nhạc phẩm: Giuse Trong Âm Thầm).

Hồi ấy, ngài Giu-se đã không một lời than thân trách phận, không một lời than vãn nỉ non, nỉ non rằng: “Ta đi bơ vơ bên ghềnh đá, trên sườn non chân ngựa hoang bước mơ hồ. Ta đi lang thang theo ngày tháng,
theo đời hoang mang buồn đi bốn phương trời”.

Không, ngài Giu-se chỉ một lòng một dạ: “âm thầm hiến dâng, vâng phục ý Chúa, một niềm cậy tin”, thưa quý vị.

Rồi chuyện gì đã xảy ra? Thưa, khi tới Ai Cập, câu chuyện được kể tiếp rằng: “Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, ngài ở đó là ở đâu! Và, gia đình ngài Giu-se đã ở Ai Cập trong bao lâu?

Vâng, theo truyền thống, “Gia đình ngài đã sống ở Ai Cập bốn năm. Và, địa điểm dừng chân đầu tiên của gia đình ngài là Farma, phía đông sông Nile. Sau đó các ngài tiếp tục đi đến Mostorod, một thành ở phía bắc Cairo. Sau đó gia đình dừng chân ở Sakha, và là địa điểm có một tảng đá có in dấu chân của bé Giê-su.

Sau đó gia đình tha hương tiếp tục đến Cairo Cổ và ngược lên Maadi, tại đây các ngài phải đi thuyền đến Deir El Garnous và tiếp theo đến Gabal Al-Teir. Điểm dừng chân chính của gia đình ngài là Gebel Qussqam. Người ta tin rằng các ngài đã ở đây khoảng sáu tháng. Trước khi trở về quê hương các ngài đã dừng chân ở Assiut và sau đó ngược trở về Đất Thánh”. (Nguồn: aleteia)

Gia đình ngài Giuse có đi thăm kim tự tháp không? Tôi không biết! Nhưng thôi, chúng ta trở lại với lời tường thuật của thánh sử Mát-thêu: “Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai Cập”.

Và… và bây giờ là một tin vui. Hôm ấy, sứ thần Chúa báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”.

Ôi! quả đúng là một tin vui. Hôm ấy, sau khi nghe xong lời báo đó, chuyện kể tiếp rằng: “Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel”. (x.Mt 2, 21)

Câu chuyện tới đây chấm hết. Và, chúng ta có thể kết luận rằng: mọi sự kết thúc tốt đẹp. Tốt đẹp vì không có chuyện con hỏi mẹ “Cha đâu hở mẹ?”.

***

Câu chuyện này tuy đã xảy ra hơn hai ngàn năm, nhưng có vẻ như chuyện này vẫn đang xảy ra nhan nhản khắp nơi, trong xã hội chúng ta đang sống, hôm nay.

Thật vậy, hôm nay, vẫn còn đó những tên bạo chúa Hêrôđê-thời-đại, để thỏa hiệp, để giữ vững chức tước quyền hành, những tên bạo chúa đó không ngần ngại ban hành những luật lệ, những sắc lệnh “cho phép phá thai”, tước đi quyền làm người, quyền được sống của con trẻ, của hài nhi.

Hôm nay, vẫn còn đó những tên bạo chúa Hêrôđê-thời-@, chỉ vì đồng lương, những tên bạo chúa đó không ngần ngại truy sát tập thể những con trẻ ngây thơ, bởi những game show phản giáo dục, bởi những chương trình truyền hình rất mất dạy , không tiện kể ra ở đây.

Hôm nay, vẫn còn đó những tên bạo chúa Hêrôđê-thời-internet, chỉ vì những mối lợi tiền bạc, những tên bạo chúa đó không ngần ngại truy sát tập thể những con trẻ ngây thơ, bởi những game online bạo lực, bởi những website-đen… đen như mõm chó v.v…

Vâng, hãy tự hỏi, gia đình chúng ta có bao giờ bị một trong những tên bạo chúa Hê-rô-đê nêu trên, truy sát con em mình!?

Hãy tự hỏi, nếu có, chúng ta sẽ làm gì? Thánh Giuse xưa, khi nhận ra con-tàu-gia-đình đang mắc nạn bởi những vũng lầy của gian nan trắc trở, bởi những vũng lầy của bạo lực và chết chóc, ngài đã nhanh chóng “trỗi dậy”, trỗi dậy trong vai trò thuyền trưởng, để đem con tàu gia đình mình đến bến bờ của sự trông cậy, của bình an, và hơn hết, của tình yêu hiệp nhất.

Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Mỗi khi con tàu gia đình chúng ta trôi không định hướng, chúng ta cũng phải “trỗi dậy”… phải trỗi dậy trong vai trò thuyền trưởng, một thuyền trưởng theo mẫu mực thánh Giuse, mẫu mực theo thánh Giuse đó là: lắng nghe lời sứ thần Chúa và thực thi lời sứ thần truyền.

Nói cách khác, lắng nghe lời sứ thần Chúa, với thực tế của hôm nay, không phải là lắng nghe qua những giấc mộng, nhưng là lắng nghe qua việc đọc Kinh Thánh, qua việc công bố Lời Chúa trong Thánh Lễ, mỗi ngày, mỗi tuần.

Với việc lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày, mỗi tuần, chúng ta mới có thể có được: “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại”.

Chính khi chúng ta có được những đức tính đó (nêu trên), hãy tin rằng, chúng ta đủ sức để đưa con em mình ra khỏi những vũng lầy chết chóc đó, những vũng lầy do những tên bạo chúa Herode thời đại hôm nay, bủa vây.

Một văn hào phương tây đã viết “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới này là căn phòng của cha nó”. Nhắc lại điều này để làm gì? Thưa, là để chúng ta ý thức về sự hiện diện của mình bên cạnh con em chúng ta.

Hiện diện bên cạnh con em chúng ta, dĩ nhiên, không ở trong vai trò công an, một thứ công an động tý là huýt còi, nhưng là để “sẵn sàng trỗi dậy”, trỗi dậy, trước là đưa con em chúng ta về lại gia đình, một gia đình có cha, có mẹ và có anh em. Sau nữa là “về đất Israel”, một Israel-Trời Mới Đất Mới.

Cuối cùng, qua việc luôn ở bên con cái mình, chúng ta sẽ có một niềm vui lớn ngay hiên tại, đó là con cái chúng ta sẽ không bao giờ cất tiếng hỏi mẹ của nó, rằng: “Cha đâu hả mẹ?”

Vâng, đừng để con nói: Cha đâu?

Petrus.tran

 

Trả lời