Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhật Bản

 

(Từ 23/11 đến 26/11/2019)

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhật BảnSáng ngày 2/10/2019, Văn phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô ĐTC đến Nhật Bản: Ngày 23/11, lúc 9:30 sáng, từ Bangkok, ĐTC sẽ bay đến Tokyo. Ngày 24/11, từ Tokyo, ĐTC sẽ bay đến hai thành phố Nagasaki và Hiroshima. Ngày 25/11, ĐTC gặp các nạn nhân của ba trận tai ương động đất, sóng thần và tai nạn nguyên tử năm 2011. Trưa ngày 26/11, ĐTC sẽ trở về Roma.

Nhìn lại những chuyến tông du của ĐTC kể từ năm 2013, sau khi được chọn làm Giáo hoàng, ngài đặc biệt quan tâm đến vùng đất Châu Á, thế nên ngài đã thực hiện các chuyến viếng thăm Sri Lanka, Philippines, Myanmar và các nước Á châu khác và nhận định này càng rõ ràng hơn ngay trong tháng 11 này, trước chuyến viếng thăm đến Nhật Bản, ngài sẽ đến Thái Lan, quê hương của hơn 90 % dân số theo Phật giáo. ĐTC Phanxicô tin rằng với Á châu, nhân loại có thể xây dựng một trật tự toàn cầu bằng cách xem xét các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau.

Chính vì thế, cách đây năm năm, vào tháng 11/2014,  ĐTC Phanxicô đã từng nói: “Loài người chưa học được gì từ Hiroshima hay Nagasaki”. Chính ĐTC cũng đã đưa ra lời tố cáo mạnh mẽ lên án việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Tháng giêng năm 2018, ngài đã cho phân phát tấm thiệp trên đó có hình một bé trai đang cõng em đã chết trên lưng, xếp hàng đợi hỏa táng. Tấm hình được chụp sau vụ ném bom nguyên tử vào Nagasaki.

Hơn 70 năm qua, các vụ bỏ bom nguyên tử khủng khiếp trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, sau bao nhiêu năm biến cố thê thảm này vẫn còn dấy lên sự kinh hoàng và nhờm gớm. Nó đã trở thành biểu tượng của sức mạnh tàn phá vô độ của con người, khi con người sử dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật một cách sai lạc, và nó là một lời cảnh cáo trường kỳ cho nhân loại, để nhân loại luôn luôn khước từ và bài trừ các vũ khí nguyên tử và mọi vũ khí tàn phá hàng loạt. Ước chi từ mọi miền đều dấy lên một tiếng nói duy nhất: “Không” với chiến tranh và bạo lực và “có” với đối thoại, “có” với hòa bình. Với chiến tranh người ta luôn luôn mất mát, cách duy nhất để chiến thắng một cuộc chiến là đừng gây chiến tranh.

Sứ điệp các nước tham dự Hội nghị của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tiến hành tại New York từ ngày 27 đến 31/3/2017, nhắm thương lượng về một văn kiện pháp lý, có tính chất bó buộc, về sự cấm các võ khí hạt nhân, để đi tới sự hoàn toàn loại trừ thứ võ khí này. ĐTC cũng nhận xét rằng “chủ trương trang bị võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, đó là điều không thích hợp, vì nó không đáp ứng hữu hiệu những thách đố và những đe dọa chính đối với nền hòa bình và an ninh của thế giới trong thế kỷ 21 này như nạn khủng bố, các cuộc xung đột không đối xứng (conflitti asimetrici), an ninh tin học, các vấn đề môi trường, nghèo đói. Ngoài ra, việc sử dụng võ khí hạt nhân còn gây nên những hậu quả thê thảm về nhân mạng và môi trường, với những hậu quả tàn phá bừa bãi trong thời gian và không gian. Thêm vào đó, việc trang bị võ khí hạt nhân còn đưa tới sự phí phạm tài nguyên, lẽ ra được sử dụng cho những ưu tiên quan trọng hơn, như thăng tiến hòa bình và phát triển nhân bản toàn diện, chiến đấu chống nghèo đói và thực hiện chương trình hành động 2030 do LHQ đề ra để phát triển dài hạn”.

Theo ĐTC, về mặt chính trị, Nhật Bản đã đạt được sự ổn định và hòa bình, nhưng cần phải quan tâm đến vấn đề môi trường và người tị nạn. Hơn nữa, vào tháng 12 năm 2017 trong một video thảo luận với sinh viên Nhật, ĐTC cảnh báo chống lại sự cạnh tranh quá mức tại Nhật Bản. Với chủ đề chuyến viếng thăm “Bảo vệ tất cả sự sống”; trong một tuyên bố Tòa Thánh cho biết Nhật có những “vấn đề dai dẳng” như thảm họa hạt nhân Fukushima, vì vậy những phát biểu của ĐTC chắc chắc sẽ là điểm chú ý cho toàn thế giới.

Và cũng trong dịp tông du của ĐTC đến Nhật Bản một bài hát dựa theo chủ đề chuyến tông du cũng được phát hành: “ Bảo vệ tất cả sự sống”, được trích dẫn ở phần cuối “Lời cầu nguyện cho trái đất chúng ta” trong Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô về “CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG” (được công bố vào năm 2015). Mỗi người trong chúng ta đều được được trao ban sự sống là hình ảnh của Thiên Chúa, và được dẫn dắt tiến đến quê hương vĩnh cửu cùng với toàn thể nhân loại. Thế giới này cũng được Thiên Chúa thiết kế và duy trì “để được sống trong” (Is. 45,18). Bởi vậy để “bảo vệ trọn vẹn sự sống”, chúng ta không chỉ tôn trọng nhân phẩm mà cả môi trường nữa. Bài hát chủ đề này sẽ được sử dụng làm nền tại mỗi địa điểm và sẽ được trình bày cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại các buổi lễ được tổ chức tại Tokyo và Nagasaki.

Quả thế, Trái đất “ngôi nhà chung của chúng ta” đang bị con người chà đạp và đang rên rỉ vì đau đớn, những tiếng kêu than này quyện lẫn với đau khổ của những người bị bỏ rơi trên thế giới. Hiện nay, ở Nhật cũng vậy, bên cạnh những vấn đề kinh tế, môi trường, quan hệ với các nước láng giềng, có rất nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống và hòa bình. Ngoài ra, việc khôi phục những hậu quả do thiên tai và nhà máy hạt nhân vẫn còn là vấn đề dai dẳng. Giáo hội Nhật Bản đang nỗ lực bảo vệ mọi sự sống và đáp ứng các vấn đề liên quan đến cuộc sống con người. Chủ đề chuyến viếng thăm này của ĐTC Phanxicô thể hiện quyết tâm loan báo Tin Mừng của chúng ta về một cuộc sống do Chúa ban tặng, cầu nguyện và làm việc cho hòa bình của Chúa Kitô.

Trong thời đại chúng ta, trái đất bị ngược đãi và cướp phá đang kêu than và những tiếng than trách đó đang hiệp với những tiếng rên xiết của những người bị bỏ rơi trên thế giới này. ĐTC Phanxicô mời chúng mình hãy lắng nghe họ, tất cả và từng người, cá nhân hay tập thể (gia đình, quốc gia và cộng đồng quốc tế) hãy chung tay ‘’hoán cải về môi sinh”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để “săn sóc ngôi nhà chung”. Đồng thời, ĐTC Phanxicô nhìn nhận: “Người ta nhận thấy có sự nhạy cảm ngày càng gia tăng đối với môi trường và việc săn sóc thiên nhiên, và thành tâm lo lắng những gì đang xảy ra cho hành tinh chúng ta” thế nên vì “Con người đã tàn phá sự tạo thành của Thiên Chúa với nhiều phương cách sinh học ; con người đã phá hoại sự toàn vẹn của trái đất, gây nên sự biến đổi khí hậu, bóc lột trái đất từ những cánh rừng tự nhiên hay tàn phá những vùng ẩm ướt ; con người đem đến những tai họa cho kẻ khác, gây bệnh hoạn vì làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những chất độc hại – đó là tội lỗi” (Thượng Phụ giáo chủ Barthôlômêô)  do vậy “một tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chính chúng ta và là một tội lỗi chống lại Thiên Chúa”(Laudato Si, s.8).

Lạy Thiên Chúa toàn năng
Chúa luôn hiện diện trong vũ trụ
và ngay trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Chúa.
Chúa đã phủ đầy lòng ưu ái trên tất cả những gì hiện hữu,

Xin gieo vào lòng chúng con sức mạnh của tình yêu Chúa,
để chúng con bào vệ cuộc sống và vẻ đẹp muôn loài.
Xin đổ tràn bình an của Chúa vào lòng chúng con,
để chúng con có thể sống như anh em, chị em với nhau,
không tác hại cho bất cứ người nào…

Lạy Thiên Chúa tình yêu,
xin cho chúng con thấy vị trí của chúng con trong thế giới này
như khí cụ tình yêu của Chúa
đối với tất cả sinh vật trên trái đất này,
mà không tạo vật nào lại quên Chúa.

Tổng hợp từ https://www.vaticannews

Maria PTH – Ban Truyền Thông

 

 

 

 

 

Trả lời