Sứ điệp của Đức Mẹ Fatima là một dấu ấn lịch sử của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, dù đã hơn một Thế Kỷ nhưng biến cố ấy chưa bao giờ phai nhạt, chưa bao giờ bị quên lãng… do bởi Mẹ Maria đã dành cho con cái một tình thương bao la vô bờ bến, chắc chắn ngôn ngữ loài người không thể diễn tả hết được và vì lẽ đó mà Sứ điệp Fatima luôn được nhắc tới trong rất nhiều bài giảng, trong những lời kinh nguyện.
Hơn 100 năm qua, người Công Giáo khắp nơi trên thế giới và cách riêng con dân Việt Nam luôn sống tâm tình sùng kính Đức Mẹ Maria rất sâu đậm, nơi đâu có Mẹ nơi đó đều có sự hiện diện của rất nhiều thành phần dân Chúa quy tụ. Có lẽ vì thế, từ nhiều năm nay, để tưởng nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, vào ngày 13 hàng tháng và đặc biệt vào tháng Năm – tháng hoa kính Đức Mẹ và tháng Mười – tháng Mân Côi hầu hết các nhà thờ, giáo xứ trong và ngoài Giáo Phận Sài Gòn đều tổ chức thánh lễ và rước kiệu kính nhớ Đức Mẹ Maria.
Hôm nay, trong tâm tình con thảo kính nhớ Mẹ hiền, cũng là một truyền thống tốt đẹp đã được duy trì trong nhiều năm qua, giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba Chuông lại tổ chức trọng thể Thánh lễ đồng tế và rước kiệu biệt kính Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Đúng 19g30, ngay sau lời kinh Truyền Tin của cộng đoàn vừa dứt, đoàn rước tiến vào cung thánh bắt đầu Thánh lễ biệt kính Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, chủ tế thánh lễ hôm nay là cha Bề trên chánh xứ Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam cùng hiệp dâng thánh lễ có sự hiện diện của quý cha, quý thầy trong Tu viện, quý nữ tu Đa Minh… các Hội đoàn cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Tôma Aquinô đã gợi lại cho công đoàn những nét đẹp của Tin Mừng hôm nay, một áng văn thân thuộc, một áng văn được nghe rất nhiều lần trong những ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ, trong mùa Vọng và những ngày cận Giáng Sinh, áng văn đẹp từ nội dung đến ngôn từ, đẹp trong cung cách Thiên Chúa ngỏ lời với nhân loại và đẹp trong cách thế con người đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa…
Từ những nét đẹp của áng văn cha chủ tế dẫn dắt cộng đoàn nhìn lại hình ảnh Thiên Chúa ngỏ lời mời gọi các vị Ngôn sứ trong thời Cựu Ước, các ông đều rất lo sợ và thoái thác, thật khác với hình ảnh của một trinh nữ trong bài Tin Mừng, trinh nữ ấy còn rất trẻ nhưng chỉ sau những lời giải thích ngắn gọn của Thiên Thần, trinh nữ ấy đã cúi đầu nói tiếng xin vâng với tất cả tấm lòng khiêm hạ, với tất cả tấm lòng phục tùng.
Thế nhưng, với tiếng xin vâng nghe ra có vẻ dễ dàng dứt khoát ấy lại thật sự lại không dễ dàng do bởi trước khi được Thiên Thần truyền tin, trinh nữ ấy chính là Đức Maria đã kết hôn với Thánh Giuse, khi thốt lên tiếng xin vâng Đức Mẹ đã chấp nhận khép lại tất cả những dự định cho tương lai, cho gia đình … cũng chính tiếng xin vâng ấy đã đẩy Mẹ vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn, khó xử và vô cùng tế nhị làm sao phải giải thích cái bào thai trong lòng mình với Thánh Giuse, người bạn đời, làm sao giải thích với họ hàng khi chưa về chung sống với nhau và càng nguy hiểm hơn nếu bị tố cáo Mẹ có thể bị ném đá cho đến chết theo luật của người Do Thái…
Tiếng xin vâng của Mẹ còn thể hiện một thái độ, cung cách sống trong suốt cuộc đời của Đức Mẹ, lời xin vâng ấy kéo dài trong nhiều biến cố, suốt cuộc hành trình của Chúa Giêsu và cả chính Mẹ nữa. Lời xin vâng ấy đã đưa Mẹ vào những cuộc thanh luyện bắt đầu từ lời tiên báo của cụ già Simeon: một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, những cuộc thanh luyện bởi các biến cố xảy ra trong đời mình Mẹ không hiểu hết ý nghĩa nhưng Mẹ lại luôn có một thái độ tuyệt vời là ghi nhận, lắng nghe và giữ những điều ấy trong lòng và suy đi ngẫm lại, nhất là cuộc thanh luyện sau cùng khi Mẹ theo chân Chúa Giêsu lên đỉnh đồi Golgotha, khi chứng kiến người con yêu dấu của mình chết đau đớn tủi nhục trên thập giá… Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý của Thiên Chúa trong những lần thanh luyện ấy nên Mẹ được diễm phúc Thiên Chúa ban cho Mẹ được lên Trời cả hồn lẫn xác.
Có lẽ đến với Mẹ, chúng ta không chỉ nhìn thấy nơi Mẹ như một bông hoa tuyệt vời, một tạo vật thanh khiết Thiên Chúa đã dựng nên mà chúng ta còn được mời gọi hãy bắt chước noi gương Mẹ và ghi nhớ, suy ngẫm và thực hiện các Sứ điệp mà Mẹ đã truyền lại cho chúng ta. Mẹ là Đấng bảo trợ, Mẹ còn can thiệp trong lịch sử của nhân loại, của Giáo Hội, của thế giới trong những giờ phút khó khăn, tăm tối… và chúng ta phải tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta đang có một người Mẹ luôn đồng hành che chở trong hành trình đức tin, trở thành một mẫu gương, một ánh sao dẫn đường cho mỗi người chúng ta đến với Chúa Giêsu, con Mẹ…
Ngày nay những khó khăn tăm tối, những mưu chước của ác thần, cám dỗ của ma quỷ đang lan tràn khắp nơi trên thế giới thế nên chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tha thiết mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện với Tổng lãnh Thiên Thần Micae, xưa kia đã chiến đấu và chiến thắng ác thần cùng với binh đoàn của nó, cầu nguyện với Tổng lãnh Thiên Thần Micae để xin ngài trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến đấu hàng ngày chống lại sự dữ, ác thần với những mưu thâm chước độc của nó, Đức Thánh Cha Phanxicô lại tiếp tục mời gọi xin các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày để nhờ thần lực của kinh Mân Côi cùng với lời cầu nguyện với Tổng lãnh Thiên Thần Micae xin Thiên Chúa dùng sức mạnh và quyền năng của Ngài xua đuổi bóng đêm, ma quỷ, sự dữ,…ra khỏi đời sống của chúng ta và của Giáo Hội.
Chắc chắn đây là những lời mời gọi vô cùng tha thiết của Đức Thánh Cha bởi vì khi nhìn lại cuộc sống của chính mình, của gia đình, của cộng đoàn,… luôn có những bóng tối, mưu chước của satan, của ma quỷ rình rập…những khi ấy hãy chạy đến với Mẹ, cùng với Mẹ suy ngẫm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi để chúng ta có đủ sức mạnh và cũng xin Tổng lãnh Thiên Thần Micae trợ giúp chúng ta trong hành trình đức tin quyết tâm đoạn tuyệt với tội lỗi, những cám dỗ… để theo gương Mẹ sống tín thác, sống hai tiếng xin vâng trong suốt hành trình đức tin của chính mình!
Sau thánh lễ là phần cung nghinh kiệu Đức Mẹ ra sân nhà thờ trước tượng đài Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Đoàn người trên tay cầm một bông hoa và cây nến thắp sáng, trật tự đi theo sau kiệu vừa đi vừa hát ca tụng Đức Mẹ, qua từng chặng đường, cộng đoàn lại cất lên lời kinh “Kinh mừng Maria…”. Tất cả khoảng không gian của khuôn viên thánh đường tối hôm nay đều được lấp đầy bởi những lời kinh, tiếng hát, những ánh nến, những cành hoa thành tâm thiện chí dâng lên Đức Mẹ.
Trước khi ban phép lành cuối lễ, Cha Bề trên Chánh xứ Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam đã thay lời cho quý cha, quý thầy và cộng đoàn nói lên lời cảm ơn tất cả mọi người đặc biệt là Hội đồng Mục vụ đã cộng tác, nỗ lực chuẩn bị hết sức chu đáo để việc tổ chức thánh lễ và nghi thức cung nghi Đức Mẹ Fatima được nghiêm trang sốt sắng.
Thánh lễ khép lại, nhưng trong lòng mỗi người đều cảm nhận được tình yêu tuyệt hảo của một người Mẹ rất đỗi yêu dấu nhân loại, những âu lo, vất vả của kiếp người dường như đã bị cuốn trôi đi, tất cả đều cảm thấy nhẹ nhàng và tự tin hơn trong cuộc sống vì có Mẹ luôn kề bên, Mẹ sẽ thêm ơn giúp sức cho mỗi người hết lòng tin tưởng phó thác nơi Mẹ, Mẹ chính là nguồn an ủi vô biên khi con người khi gặp đau khổ, thất vọng, Mẹ là nơi nương tựa vững chắc, là ánh sáng soi rọi cho thế giới, cho Giáo hội và mỗi chúng ta trên hành trình đức tin quá nhiều trắc trở gập ghềnh của những sự dữ, những tăm tối bởi bất công, vô cảm, thù ghét, bạo lực, những cám dỗ, mưu chước của ác thần rình rập, đe dọa lôi kéo con người xa lìa Thiên Chúa…
Lời chị Lucia đã cảnh báo: “Fatima luôn luôn mang tính cách thời sự cao điểm của nó.” bởi vì, đối với Thiên Chúa, thời giờ là vô hạn nhưng đối với nhân loại thời giờ luôn có giới hạn của nó. Chính vì giới hạn mà không ai biết được dài ngắn, lâu mau và chưa bao giờ biết được mình sẽ được sinh ra lúc nào và sẽ chết lúc nào. Ngày tận cùng của mỗi người sẽ xảy đến một cách bất chợt, tương tự như một kẻ trộm vậy “Các con phải canh chừng, phải tỉnh thức, vì các con không biết khi nào thời ấy đến!” (Mc 13, 33). Sự tỉnh thức sẽ không vô vị, sẽ thật có ý nghĩa, đầy sáng tạo và là một sự tỉnh thức chờ đợi đầy năng động mà Mẹ Maria đã chỉ dạy cho con cái Mẹ tại Fatima cách đây hơn một Thế Kỷ qua Sứ Điệp Fatima: Mỗi người phải ăn năn sám hối và cải thiện cuộc sống cá nhân của mình, Hãy siêng năng và sốt sắng lần hạt Mân Côi và Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Nếu được thế, thế giới sẽ được hòa bình, nhiều dân tộc sẽ tránh khỏi cảnh bị diệt vong và nhiều linh hồn sẽ không bị trầm luân trong hỏa ngục đời đời.
Giờ đây, chúng ta hãy lắng nghe tiếng gọi Fatima để thay đổi đời sống của chính mình và đó cũng là tiếng gọi của Giáo hội mời gọi tất cả con cái của Mẹ sống tâm tình với chuỗi Mân Côi mỗi ngày, bởi lẽ chuỗi Mân Côi chính là vũ khí bảo vệ cho chúng ta trước sự gian ác đang vây hãm chúng ta. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu cho thế giới và cho nhân loại hôm nay biết xây dựng hòa bình, sống trong tình hiệp nhất và yêu thương nhau!
Maria PTH – Ban Truyền Thông