Bạn muốn trở thành người nổi tiếng? Điều đó là chắc rồi. Không ai trong chúng ta lại không muốn như thế. Nhưng, nói vui vậy thôi. Làm người nổi tiếng, khổ lắm…
Này nhé! Khi trở thành người nổi tiếng cũng là lúc có biết bao nhiêu sự phiền toái nảy sinh. Thật vậy, người nổi tiếng luôn là đề tài, là đích ngắm cho giới truyền thông. Từ nguồn gốc gia đình cho tới lời nói việc làm của họ luôn bị dư luận xã hội săm soi một cách đặc biệt.
Cứ nhìn vào những nhân vật nổi tiếng thời cận đại, (công nương Diana như một điển hình), chúng ta sẽ thấy rõ. Bà ta đã chết bởi tai nạn xe hơi cũng chỉ vì sự “săm soi” quá kỹ của những tay thợ săn ảnh paparazzi…
Vâng, nói tới việc bị dư luận xã hội săm soi, Đức Giê-su khi còn tại thế, Ngài cũng là một nhân vật trong tầm ngắm của dư luận. Thật vậy, theo những gì Kinh Thánh cho biết, cuộc sống của Ngài là một cuộc sống luôn phải đương đầu với rất nhiều luồng dư luận, tốt cũng như xấu.
Có những luồng dư luận phát xuất từ nơi bà con dòng họ, quê quán. Và, cũng có những luồng dư luận phát xuất giữa cuộc đời thường của Ngài. Đức Giêsu biết, nhưng, Ngài vẫn giữ một thái độ thinh lặng. Cho đến một hôm…
Vâng, cho đến một hôm… hôm Đức Giê-su cùng các môn đệ của Người có một cuộc hành trình tới các làng mạc vùng Xê-da-rê Phi-lip-phê. Chuyện kể rằng: dọc đường, Người đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”
Người ta nói Thầy… vâng Thầy ạ! Dư luận đồn ầm lên về Thầy khắp hang cùng ngõ hẻm, từ Galilê cho đến Giêrusalem, từ Betsaiđa lan tỏa ra khắp cả Palestina… thế mà Thầy không biết gì ư! Có lẽ… có lẽ, mười hai người môn đệ cùng một suy nghĩ như thế.
Mà thật vậy, kể từ khi theo Đức Giê-su, có thể nói, chưa có lúc nào bầu không khí trong nhóm các môn đệ lại sôi động như lúc này. Sôi động là bởi, câu hỏi của Ngài thật hợp lúc.
Vâng, dư luận trong dân chúng lúc này rất có thiện cảm với Đức Giê-su. Nhất là, sau biến cố Ngài hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn no nê. Hôm đó, sau một vài phút trầm ngâm, một vài tiếng nói trong nhóm các ông đã thốt lên rằng: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả… có kẻ lại bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ nào đó”.
Lời tường trình của các môn đệ hợp lý đấy chứ, phải không, thưa quý vị? Này nhé, hãy nhớ xem Đức Giêsu đã giảng dạy những gì? Phải chăng là kêu gọi mọi người “hãy sám hối”? Thưa đúng vậy.
Vâng, nếu ta đem so sánh với lời kêu gọi của Gioan Tẩy giả “hãy sám hối”, thì dư luận trong dân chúng nghĩ về Ngài là Gioan tẩy giả, nào có sai!
Rồi, ta hãy thử so sánh phép lạ Đức Giê-su đã “hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana” và cải tử hoàn sinh “cho con trai của một bà góa tại thành Nain”, với phép lạ do ngôn sứ Êlia đã làm cho một bà góa ở Xarépta… Phải chăng cũng có vài điểm giống nhau!
Vâng, Kinh thánh ghi lại rằng: ngày xưa, tại nơi đó, ngài Êlia đã nhờ lời cầu nguyện với Đức Chúa mà “hũ bột và vò dầu” của một bà góa ở Xarepta “không vơi và chẳng cạn”. Con trai của bà “bệnh tình trầm trọng đến nỗi đã tắt thở” cũng đã được “Đức Chúa nghe tiếng ông kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống” (1V 14,22). Thế nên, hỏi sao người ta không nghĩ Đức Giê-su là Ê-li-a tái thế! Hợp lý là vậy, nhưng không thấy Đức Giê-su xác nhận hay phủ nhận.
Hôm ấy, hướng ánh mắt về các môn đệ, Đức Giê-su đã gửi đến các ông một câu hỏi, hỏi rằng: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Hôm đó, sau câu hỏi của Đức Giê-su, mười hai người môn đệ với mười hai đôi mắt nhìn nhau không nói nên lời.
Rất may, có một Phê-rô, một Phêrô như là đại diện cho nhóm mười hai, nói với Đức Giêsu rằng: “Thầy là Đấng Kitô”.
“Thầy là Đấng Kitô”.
Thật ra, không phải chỉ ông Si-mon Phêrô mới có lời tuyên xưng này. Tại Giêrusalem, dân chúng Israel cũng đã có những tranh luận về “Con Người” của Đức Giêsu. Có người coi Ngài như một vị ngôn sứ không hơn không kém. Nhưng cũng có người nói Ngài chính “là Đấng Kitô” (Ga 7, 41).
Tuy nhiên, giữa lời tuyên xưng của ông Si-mon Phê-rô và lời nhận định của một số người Do Thái tại Giê-su-sa-lem hoàn toàn khác.
Với người Do Thái tại Giê-su-sa-lem, họ tuyên bố trong sự “nghi ngờ”. Thật vậy, chính một số người trong nhóm của họ đã tuyên bố: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?” (Ga 7, 41).
Còn với ông Phê-rô, đó là một lời tuyên xưng, một lời tuyên xưng với tất cả niềm tin, tin thật vào “Con Người thật” của Đức Giê-su, một “Con Người” mà ông và những người bạn của ông đã dám “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”. Tại sao chúng ta có thể suy nghĩ về ngài Phê-rô như thế? Thưa, đó là dựa vào lời nhận định của chính Đức Giê-su.
Đúng vậy, lời tuyên xưng của ông Phê-rô không phải là một thứ “thông tin”, không phải là dựa vào một lời “đồn đãi”, như những thông tin, những lời đồn đãi đời thường. Trái lại, lời tuyên xưng của ông đã được Đức Giêsu nhìn nhận là một lời tuyên xưng không phát xuất do “phàm nhân mặc khải” nhưng là do Cha của Ngài “Đấng ngự trên trời” đã mặc khải. Điều này đã được thánh sử Mát-thêu ghi nhận. (x.Mt 16, 17)
Trở lại câu chuyện do thánh sử Mác-cô ghi lại. Hôm ấy, sau lời tuyên xưng của tông đồ Phê-rô, chuyện kể tiếp rằng: “Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (x.Mc 8, 30). Tại sao Đức Giê-su lại cấm? Thưa, cấm là bởi, việc Phê-rô nhận thức Ngài là Đấng Ki-tô vào lúc đó, rất có thể là một nhận thức theo quan niệm đời thường.
Quan điểm của đời thường cho rằng Đấng Ki-tô được nói đến là một Ki-tô thế tục, một Ki-tô sẽ làm vua Israel, một Ki-tô sẽ đứng lên chống lại đế quốc Roma, một đế quốc đang cai trị Israel, để tái lập lại đất nước Israel mới. Có vẻ như Tông đồ Phê-rô cũng có cùng suy nghĩ như những người Do Thái thời đó…
Mà, thật vậy, hôm ấy, khi Đức Giê-su tiếp tục nói với các ông, rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”, phản ứng của Phê-rô sau lời tuyên bố của Đức Giê-su là “trách Người”.
“Thầy là Đấng Ki-tô”. Đúng, một Đấng Kitô là vua, nhưng chỉ là vua, sau khi “từ cõi chết trỗi dậy”. Thế nên, hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với ông Phêrô cùng nhóm môn đệ rằng: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Là một Ki-tô hữu, chúng ta nghĩ gì về câu hỏi mà Đức Giê-su đã hỏi các tông đồ, năm xưa? Nói rõ hơn, nếu hôm nay Đức Giê-su hiện ra và cũng hỏi chúng ta với cùng một câu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Chúng ta sẽ trả lời như thế nào?
Phải chăng, chúng ta sẽ trả lời “y chang” như dân chúng, cũng như các môn đệ xưa? Thưa, nếu chúng ta trả lời như thế, không chừng, Đức Giê-su sẽ khen rằng: “Ồ! Anh chàng này thuộc Kinh Thánh”!
Nếu chúng ta trả lời như tông đồ Phê-rô xưa, cũng không sai, nhưng nó chỉ nói lên được một điều duy nhất, rằng, niềm tin của người trả lời chưa đủ trưởng thành, và không khéo, người trả lời sẽ bị mang tiếng là có một niềm tin của một “con vẹt”.
Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, nhưng không phải là một Ki-tô đoạt giải Oscar, không phải là một Ki-tô đoạt huy chương vàng của một Thế Vận Hội nào đó. Lại càng không phải một Ki-tô “chiến thắng bằng sức mạnh của họng súng”.
Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Một Ki-tô “phải được giương cao”, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Một Ki-tô “Yêu thương kẻ thù”, một Ki-tô “cho chiên được sống và sống sung mãn”. Câu trả lời của chúng ta , nên chăng, là như thế!
Câu trả lời của chúng ta , nên chăng, là hãy sống một đời sống phản ảnh trung thực đúng lời truyền dạy của Đức Giêsu, lời truyền dạy rằng “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu”? Câu trả lời của chúng ta, nên chăng, là dám “từ-bỏ-chính-mình, vác thập giá mình hằng ngày”, thập giá của tình yêu thương “không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù”! (1Cor 13, 4-5)
Hãy thử nghĩ xem, nếu ai trong chúng ta đều có một đời sống “không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù” thì, điều gì sẽ xảy ra?
Thưa, có phần chắc, trong gia đình sẽ không thể có chuyện đâm-cha-chém-chú, sẽ không thể chỉ vì chút khó khăn, chút buồn phiền mà vợ hoặc chồng phải cất lên tiếng ca “Thôi là hết em đi đường em… Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi” v.v…
Trái lại, gia đình chúng ta sẽ là một gia đình “Anh em hòa thuận. Vợ chồng ý hợp tâm đầu”. Còn ngoài xã hội thì sao! Có phần chắc mọi người quanh ta sẽ là “láng giềng thân thiết”.
Có thể kết luận rằng, thực hiện những điều nêu trên, đó là câu trả lời sống động nhất, một câu trả lời mang nhãn hiệu “Mến Chúa – Yêu người”, điều mà chính Đức Giê-su mời gọi. Nói cách khác, đó chính là câu trả lời tuyệt hảo nhất cho câu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Vâng, là một Ki-tô hữu, tất cả chúng ta, không ai là ngoại trừ, đều được Đức Giê-su gửi đến câu hỏi nêu trên: “Anh em bảo Thầy là ai?”
Petrus.tran