Hãy thi hành ý muốn của Chúa…

 

Hãy thi hành ý muốn của Chúa…Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta ai nấy đều có những mối quan hệ khác nhau. Trong những mối quan hệ khác nhau đó, có một mối quan hệ ai ai cũng có, đó là mối quan hệ gia đình.

Tất cả chúng ta đều có một gia đình. Chúng ta có cha mẹ. Chúng ta có anh chị em. Chúng ta có cô dì chú bác. Chúng ta có bà con họ hàng.

Những mối quan hệ này, tuy không là mối quan hệ đời đời, vì chúng ta còn phải đối diện với sự chia ly: đó là cái chết, nhưng rất quan trọng đối với cuộc đời của chúng ta.

Và, đó là lý do nhạc sĩ Ngọc Lễ đã thốt lên: “Lung linh lung linh tình mẹ tình cha. Lung linh lung linh cùng một mái nhà. Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui. Lunh linh lung linh hai tiếng gia đình.

Vâng, khi nói tới “hai tiếng gia đình”, người tín hữu Công Giáo còn một gia đình khác, đó là “Gia Đình Nước Trời”.

Gia-Đình-Nước-Trời, đó không phải là trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng là do Đức Giê-su, khi còn tại thế, đã tuyên bố như thế. Hôm ấy, đó là hôm mừng Lễ Vượt Qua, Ngài đã tuyên bố với các môn đệ, rằng: “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh  em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.

Gia Đình Nước Trời đó là một thực tế mà Đức Giê-su đã công bố. Gia Đình Nước Trời đó là nơi Ngài đã hứa dành cho các môn đệ của mình.  Gia Đình Nước Trời, tất nhiên, cũng là nơi dành cho mỗi chúng ta, là một Ki-tô hữu.

Tuy nhiên,  để được hiện diện trong “Gia Đình Nước Trời”, Đức Giê-su đã đặt ra một “tiêu chuẩn” nhất định, tiêu chuẩn đó đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Vâng, hôm ấy, trong bối cảnh Đức Giê-su đang có sự căng thẳng với nhóm Pha-ri-sêu về quyền năng trừ quỷ, thì “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến”.

Sự hiện diện của những người thân, trong đó có người Mẹ của Đức Giê-su, phải chăng là để bênh vực Ngài trước áp lực của những kẻ quá khích là những ông kẹ Pha-ri-sêu? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nói, chỉ thấy ngài Mác-cô cho biết những thân nhân của Đức Giê-su “đứng ở ngoài, cho gọi Người ra”.

Và rồi, câu chuyện được kể tiếp rằng: “Đám đông đang ngồi chung quanh Người (khi thấy thân nhân của Đức Giê-su), có kẻ nói với Người rằng: Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”.

Phản ứng của Đức Giê-su khi được thông báo có người thân đến tìm ra sao? Thưa, không một chút do dự, Ngài đã đáp lại rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”

Tiếp đó, Đức Giê-su rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi”. Hôm ấy, rất rõ ràng, Đức Giê-su đưa ra lời phán quyết: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

Vâng, qua lời tuyên bố này, chúng ta có thể nghĩ rằng, một “Gia Đình Nước Trời” đã được Đức Giê-su thiết lập, và “tiêu chuẩn” để trở thành thành viên (là anh em, là  chị em…) trong Gia Đình Thiên Quốc này, đó là “Thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Đức Giê-su có một gia đình ở thế gian này. Ngài đã có một người Mẹ là Đức Maria, một người cha (nuôi) là thánh Giuse.

Gia đình của Đức Giê-su (cũng như của mỗi chúng ta) ở thế gian này, cũng chỉ tạm thời. Và, cái gia đình nhỏ bé này rồi cũng sẽ không còn theo thời gian.

Đức Giê-su, qua lời phán truyền nêu trên, Ngài muốn nói đến một gia đình khác cao cả hơn, một gia đình vĩ đại hơn, một gia đình vĩnh viễn, mà người Cha chính là Thiên Chúa.

Thế nên, đừng nghĩ rằng Đức Giê-su “coi thường” những người thân, trong đó có Mẹ của mình, khi nói: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”.

Trong bài viết mang tên: “Những con chiên khác không thuộc đàn chúng ta”, ngài Rolheiser OMI đã giải thích: “khi Chúa Giêsu hỏi câu: ‘Ai là mẹ, là anh, là chị, là em của Ta?’, Người trả lời bất kỳ ai thực hiện ý Chúa thì đó là người mẹ đích thực, người anh đích thực, người chị đích thực, người em đích thực của tôi. Nhưng, như các tác giả Phúc âm đã hết sức nhấn mạnh, người mẹ huyết thống của người, Maria, là người đầu tiên phù hợp với định nghĩa đó. Vì vậy, không phải là Người đã hạ thấp mẹ ruột, mà đã tái lập giá trị và tầm quan trọng của bà ở một mức độ cao hơn”.

Nhắc lời giải thích của ngài Rolheiser OMI để làm gì? Thưa, là để chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc “Thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Thì đây, chúng ta hãy nhìn lại gia đình nguyên tổ, một gia đình đầu tiên của nhân loại. Khi gia đình này không “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”, và đã phạm tội bất tuân, điều gì đã xảy ra? Thưa, Kinh Thánh cho biết, đó là “cái chết”.

Còn đây, chúng ta hãy nhìn chính Đức Giê-su, khi Ngài tuyên bố (và thực tế là đã thực thi) “Tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 36), thì điều gì đã xảy ra? Thưa, đó chính là “Ơn cứu độ chứa chan nơi Ngài” đã đến với nhân loại.

Vâng, như đã nói ở trên, tất cả chúng ta đều có một gia đình. Chúng ta có cha mẹ. Chúng ta có anh chị em. Chúng ta có cô dì chú bác. Chúng ta có bà con họ hàng.

Chúng ta muốn gia đình mình hạnh phúc? Nếu muốn, chúng ta phải làm gì? Phải chăng là theo lời khuyên của Đức Giê-su: “(Hãy) thi hành ý muốn của Thiên Chúa”? Thưa, đúng vậy. Đúng, là bởi, nếu chúng ta theo “ý đời”, thì đời “chỉ là bể khổ”.

Thì đây, “ý đời” có lời khuyên “Say sưa nghĩ cũng hư đời! Hư thời hư vậy, say thời cứ say”. Hổng dám đâu! Say thời cứ say có ngày bay luôn gia đình. Kinh nghiệm cuộc sống của nhiều người (nếu chúng ta chịu khó theo dõi trên internet),  đã chứng minh điều đó. Say thời cứ say có ngày bay cả người vào xe đò mười bánh.

Trong cuộc sống gia đình, nếu chúng ta cứ làm theo “ý đời” như: phá thai, ly dị, sống thử, sống đời sống vợ chồng ngoài hôn nhân v.v… hạnh phúc sẽ ngoài tầm tay và có phần chắc sự hối tiếc sẽ đeo đẳng ta như đỉa đói.

Còn nếu chúng ta theo lời khuyên của Đức Giê-su! Thưa, có phần chắc, hạnh phúc sẽ ngự trị trong gia đình chúng ta.

Thì đây, nếu chúng ta: “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” sống “trung tín, hiền hòa, tiết độ” có phần chắc, gia đình chúng ta “vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Nếu chúng ta sống “nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm”, có phần chắc, gia đình chúng ta “anh em hòa thuận”.  Nếu chúng ta sống “bác ái”, có phần chắc những người làng giềng nơi gia đình chúng ta cư ngụ, sẽ là “láng giềng thân thiết”.

Gia đình “vợ chồng ý hợp tâm đầu, anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết”… ai … ai dám phủ nhận, gia đình đó là một gia đình hạnh phúc!

Chưa hết, Kinh Thánh còn cho biết, một gia đình “vợ chồng ý hợp tâm đầu, anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết”, đó chính là một gia đình “đẹp lòng Thiên Chúa” (x.Hc 25, 1)

Một gia đình “đẹp lòng Thiên Chúa”, hãy tin, gia đình đó sẽ  được hiện diện trong “Gia Đình Nước Trời”, mai sau.

Thưa Bạn, bạn có một gia đình, và bạn muốn gia đình mình hạnh phúc? Và, thưa bạn, bạn muốn gia đình mình sẽ  được hiện diện trong “Gia Đình Nước Trời”, mai sau?

Nếu muốn, ngay hôm nay, chúng ta… vâng, gia đình chúng ta hãy là một gia đình luôn “thi hành ý muốn Thiên Chúa”.

Petrus.tran

 

Trả lời