Đức Thánh Cha gặp gỡ các Thừa Sai Lòng Thương Xót

 

Đức Thánh Cha gặp gỡ các Thừa Sai Lòng Thương XótVATICAN. Sáng ngày 10-4-2018, ĐTC đã tiếp kiến 550 LM thừa sai lòng thương xót, từ các nơi tựu về Roma tham dự 3 ngày gặp gỡ và tham dự Thánh Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa hôm chúa nhật 8-4 vừa qua. Trong số các vị cũng có một vài linh mục người Việt.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cho biết ngài đã nhận được nhiều chứng từ về những cuộc hoán cải nhờ hoạt động của các thừa sai Lòng Thương Xót. Điều này  chứng tỏ lòng thương của Chúa thật là vô biên và Giáo hội không thể và không được phép đặt những hàng rào hay những khó khăn cản trở hối nhân tìm đến ơn tha thứ của Chúa Cha.

ĐTC cũng nhắn nhủ các thừa sai rằng: “là cộng tác viên lòng thương xót của Chúa, trước tiên đòi phải sống tình yêu thương xót mà chúng ta đã cảm nhận được trước đó, và không thể làm khác được. Đó cũng là điều Thánh Phaolô đã cảm nghiệm và nhắn nhủ môn đệ Timôtheo của ngài. Các thừa sai lòng thương xót cũng phải khởi hành từ điểm đó, từ xác tín: “Thiên Chúa đã xử với tôi theo lòng thương xót của Chúa. Đây chính là chìa khóa để trở thành những cộng sự viên của Chúa. Ta cảm nghiệm lòng thương xót để trở thành những thừa tác viên của lòng thương xót.”

ĐTC nhắc nhở các cha giải tội đừng hạch hỏi hối nhân khi họ đến xưng tội. Ngài nói: “Khi một hối nhân đến gặp chúng ta, điều quan trọng và yên ủi là nhìn nhận chúng ta có trước mặt thành quả đầu tiên của cuộc gặp gỡ đã xảy ra với tình thương của Thiên Chúa. Với ơn thánh, Chúa đã mở lòng hối nhân và làm cho họ sẵn sàng hoán cải. Con tim LM của chúng ta phải nhận thấy phép lạ của một người đã gặp Chúa và đã cảm nghiệm hiệu năng của ơn thánh Chúa. Không thể có sự hòa giải đích thực nếu không đi ơn thánh do cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đi trước cuộc gặp gỡ với chúng ta là các cha giải tội”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: “Không được làm cho hoạt động ơn thánh của Thiên Chúa trở nên hư vô, nhưng phải nâng đỡ và để cho hoạt động ấy được viên mãn. Đáng tiếc là nhiều khi xảy ra là linh mục, qua thái độ của mình, thay vì làm cho hối nhân đến gần thì lại làm cho họ xa lìa. Ví dụ để bảo vệ sự toàn vẹn của lý tưởng Tin Mừng, các linh mục lơ là với những bước đường mà một người đang làm ngày qua ngày. Làm như thế, LM không nuôi dưỡng ơn thánh của Chúa. Nhìn nhận sự thống đối của tội nhân có nghĩa là đón nhận họ với vòng tay rộng mở, để bắt chước người cha trong dụ ngôn người con trai hoang đàng trở về nhà (Xc Lc 15,20); có nghĩa là người cha không để người con ấy nói hết những lời đã chuẩn bị sẵn để xin lỗi (Xc C. 22), vì cha giải tội đã hiểu mọi sự, biết rõ nhờ kinh nghiệm mình cũng từng là một người tội lỗi…”

Thánh lễ

Sau cuộc gặp gỡ, các linh mục đã đồng tế thánh lễ với ĐTC lúc 12 giờ trưa tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, ĐTC khẳng định rằng “Giáo Hội cũng như thế giới ngày nay đang cần Lòng Thương Xót để sự hiệp nhất mà Thiên Chúa mong muốn trong Chúa Kitô được trổi vượt hơn hoạt động tiêu cực của ma quỷ, chúng lợi dụng bao nhiêu phương thế hiện nay, tự nó là tốt, nhưng khi sử dụng sai trái, chúng gây chia rẽ thay vì hiệp nhất. Chúng ta xác tín rằng “sự hiệp nhất thì cao cả hơn xung đột” (Ev. Gaudium 228), nhưng chúng ta cũng biết rằng nếu không có Lòng Thương Xót thì nguyên tắc ấy chẳng có sức mạnh để được thể hiện trong đời sống cụ thể và trong lịch sử”.

Sau cùng, ĐTC khích lệ các thừa sai lòng thương xót, sau khi được củng cố nhờ lòng tín thác mình là những người đầu tiên được kêu gọi tái sinh từ trên cao, từ tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng được củng cố trong sứ vụ cống hiến cho tất cả mọi người dấu hiệu của Chúa Giêsu “được nâng cao” khỏi đất để cộng đoàn trở thành dấu chỉ và là dụng cụ hiệp nhất giữa lòng thế giới” (Rei 10-4-2018)

G. Trần Đức Anh OP

 

Trả lời