Lũ đã qua nhưng tương lai vẫn tối
Lược ghi chuyến đi cha bề trên chánh xứ Đaminh,
chiều 23 và sáng 24.10, cùng các thày chủng viện Vinh Thanh,
thăm các giáo xứ Thổ Hoàng, Kẻ Vang và Trang Nứa, .
Hương Khê bên dòng nước Ngàn Sâu.
Đúng 12 giờ trưa thứ bảy 23.10, cùng với tám thày Đại chủng viện, chúng tôi vượt 80 cây số đường dài, theo lối Bến Thủy, Nam Đàn, qua khu vực sông Ngàn Sâu, để đến giáo xứ Thổ Hoàng và Kẻ Vang, thuộc giáo hạt Ngàn Sâu.
Đặc biệt chuyến đi có sự đồng hành của cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm, giáo sư Đại chủng viện. Ngài đón chúng tôi tại Kẻ Vang, là quê quán của ngài và cung cấp nhiều thông tin quý giá. Cũng nên biết Thổ Hoàng là quê hương của hai vị Giám mục Vinh và quê hương của cha giám tỉnh Giuse Ngô Sỹ Đình.
Có lẽ ngay tên gọi Ngàn Sâu cũng đủ cho chúng ta cảm giác vùng này trũng sâu đến mức nào. Nhiều bài viết đã gọi đây là vùng rốn của lũ, vì là một trong những nơi lũ hoành hành nhất trong tỉnh Hà Tĩnh. Quả thế, đây là khu vực hầu như “năm nào cũng lũ”… Người dân đã chuẩn bị sống chung với lũ. Đa số các gia đình đều làm sàn sát mái để có chỗ ẩn trú khi lũ tới, cũng như dự trữ lương thực, quần áo và một số vật thiết thân nhất.
Được cung cấp ủng để lội bùn
Nhưng có ai ngờ cơn hồng thủy năm nay lại vượt tất cả những cơn lũ trước. Đã thế lũ này chưa qua thì lũ khác lại đến. Sau cơn lũ ngày 4 đến 7.10, đất chưa kịp khô, dân chúng tại đây đã phải gánh chịu những cơn mưa như trút nước suốt bốn ngày liền (từ ngày 17 đến 20.10). Nước sông Ngàn Sâu vượt mức báo động ba đến gần ba thước. Chính lúc người dân tưởng đã an toàn trên sàn ẩn trú, nước vẫn không ngừng dâng lên, và dâng lên nữa. Cuối cùng chỉ còn cách trổ nóc để ra ngoài, vẫy tay chờ ca nô đến cứu. Cứu được người đã là may, kể chi của cải…
Quả thế, người dân kinh hoàng kể lại. Những ngày 18 đến 20, nước phủ kín cả vùng mênh mông như đại dương, hầu hết các căn nhà đều chìm sâu dưới nước. Đường xe lửa khu vực này được thiết kế cao hơn nhà dân đến hai mét, mà nước còn ngập vượt quá đầu người. Tất cả các cột điện đều nằm sâu dưới nước. Dọc đường chúng tôi còn thấy tại nhiều cột điện, những cọng rơm còn vương lại sau khi nước rút.
Đến Thổ Hoàng, phái đoàn chúng tôi đã gặp cha Gioan B. Nguyễn Huy Tuấn, là cha xứ cả hai giáo xứ Thổ Hoàng và Kẻ Vang. Cha cho biết phòng khách nhà xứ cũng ngập lút trong nước. Những bức ảnh chân dung các đức cha, các cha quê Thổ Hoàng treo trên tường đều ngập nước, mỗi vị quay một phía, chưa có giờ xếp lại …
Sau khi gửi lại ngân khoản chia sẻ với hai giáo xứ, chúng tôi được cha xứ dẫn đi thăm một số gia đình tại Thổ Hoàng, và cha Tâm dẫn đến thăm một số gia đình tại Kẻ Vang. Chúng tôi đã thấy tận mắt những ngôi nhà sụp đổ hoàn toàn, giờ chỉ còn đám gỗ mục lẫn với bùn, những mái nhà tróc nóc, những viên ngói xộc xệch khoe ra giàn rui kèo yếu ớt. Tại nhà một tín hữu, chúng tôi thấy những cuốn vở được nhét vội trên khe sát nóc nhà. Chủ nhà cho biết : “Khi nước đang dâng lên, các cháu cố cứu lấy sách vở để đi học, nhưng nào có được, vì nước dâng phủ kín và phá toang một góc mái nhà…”
Sách vở trốn lũ… trốn chẳng nổi
Tổng kết tình hình bà con tại đây, tuy không thiệt hại về nhân sự, nhưng của cải thì gần như trắng tay. Các thứ máy móc như ti vi, quạt điện … đến nay vẫn chưa khô, và chưa dám cắm điện xài. Quần áo có người chỉ còn một bộ trên mình. Nhà có lúa, nay lớp thì thối mục, lớp đã nảy mậm. Có nhà thu hoạch được đậu xanh, khi định bán thấy giá rẻ nên tiếc, cất đi chờ lên giá, đến nay chúng đều “lên giá” trong bao cả rồi.
Chiếc bè vượt lũ cứu người, với các phi nhựa
Tràng Nứa một trong những nạn nhân bất ngờ
Vì ít thời gian, sáng chúa nhật 24.10, chúng tôi chọn thăm giáo xứ Tràng Nứa. Tràng Nứa chỉ cách chủng viện khoảng ba cây số, cũng là một địa chỉ có lịch sử rất lâu đời và oanh liệt. Khác với Hương Khê hầu như năm nào cũng lũ, những giáo xứ thuộc giáo hạt Xã Đoài năm nay đối diện với cơn lũ bất ngờ. Những người cao tuổi nhất ở đây đã khẳng định, cả đời chưa từng gặp cơn lũ như thế này bao giờ. Trong số các giáo xứ thuộc Xã Đoài, Tràng Nứa là vùng thấp nhất.
Cha xứ Tràng Nứa
Do ít bị lụt nên dân chúng tại đây khá chủ quan. Những cơn mưa xối xả các ngày 17 và 18.10 đã để lại những ấn tượng sâu sắc, nhiều người đến nay chưa hết bàng hoàng. Bất ngờ nước dâng lên đến bụng, rồi đến đầu, lên đến mép cửa, và dâng lên nữa… nhận chìm hàng ngàn ngôi nhà trong vùng. Do thiếu chuẩn bị, ghe thuyền không có, áo phao lại càng không, trừ vài người dân ở xóm thuyền chài (sông Bùi Chu), bà con phải tự chế các bè nổi, rồi xóm trên xóm dưới hô hào nhau đi cứu người.
Theo cha xứ Giuse Trần Đức Ngợi kể lại. Mấy ngày liền, có đến gần năm trăm người trọ ngay trong nhà thờ. Lúc nước dâng cao hơn thì chen chúc trên gác hát và hai cánh gà phía hông cung thánh. Xoay xở miếng ăn đã khó, chuyển mì khô qua cơm hay cháo là cả một nỗ lực, rồi vấn đề nước sạch và bao thứ họ phải thải ra mỗi ngày nữa.
Frère Vinh và cha xứ Thổ Hoàng
Nhiều tín hiệu vui nhưng tương lai vẫn tối
Có điều đáng mừng, tại điểm lũ như Thổ Hoàng, Hương Khê chiều nay, chúng tôi gặp được nhiều tấm lòng cảm thông. Trưa nay, phái đoàn của đức cha Thanh Hóa đã ghé thăm. Một nhóm tín hữu thiện chí do một sư huynh hướng dẫn từ Huế đến với nhiều phần quà. Đặc biệt một số bạn nhóm “Bảo vệ sự sống” và các bạn sinh viên của giáo phận Vinh, đem theo rau và gạo, nấu cơm ở lại vài ngày để giúp dọn dẹp, sửa chữa và dựng lại vài căn nhà bị sập.
Kiểm tra những miếng gỗ nào còn dùng được
Ông chủ tịch HĐMV chia sẻ một cách khá lạc quan : “Thật an ủi và ấm lòng, khi thấy các bạn trẻ nhiệt tình phục vụ vô vị lợi mà vui tươi đến thế. Tạ ơn Chúa là không có ai thiệt mạng. Cha xứ vẫn nhắc nhở chúng con : dù mất tất cả, nhưng đừng bao giờ mất niềm tin và hy vọng, vì còn người thì mọi thứ đều có thể …”.
Lý thuyết là thế nhưng với nhiều nạn nhân, khi gia tài nhỏ bé đã bị dòng nước cuốn trôi. Làm sao để sống trong những tháng ngày tới ? Tìm đâu ra giống má để gieo trồng ? Làm sao có thể lo cho con cái đến trường ? Có thể di dời chỗ ở hoặc có biện pháp nào để phòng chống lũ trong tương lai ? Biết bao câu hỏi khó tìm ra câu trả lời. Còn cần rất nhiều sự hỗ trợ của mọi người từ mọi nơi.
Một ít quà chia sẻ, chẳng thấm tháp vào đâu. Đôi lời an ủi, tìm mãi chẳng ra lời. Nhưng dầu sao, chúng tôi đã đến đây, hiện diện thay cho các tấm lòng quảng đại, xin xiết chặt tay mọi người biểu lộ sự đồng cảm sâu sắc. Cầu chúc tất cả vững tin vượt qua cơn thử thách, và mau chóng ổn định trong cuộc sống hàng ngày.