Chúa đi đâu, chúng con biết đường rồi

Trong những ngày còn tại thế, một ngày nọ, khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ “đi tới các làng xã vùng Cesara Philipphe”, Ngài đã hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Nghe thế, Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Ðấng Kitô”.

Tháng hoa, nhớ Mẹ MARIA

Hàng năm, cứ vào ngày Chúa Nhật tuần thứ hai của tháng năm, Hoa Kỳ và một số nước Phương Tây tổ chức một ngày lễ  được gọi là The Mother’s Day – Ngày Hiền Mẫu. Ngày này được đặt ra với chủ đích để con cái nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của người mẹ đối với mình.

Với lịch phụng vụ Công Giáo, tháng năm  được gọi là “tháng hoa”, và đó cũng là  tháng Giáo Hội dành riêng để nhớ đến một người Mẹ, và người Mẹ đó chính là Mẹ Maria.

Để đối phó với cảm giác tức giận

WHĐ (03.5.2023) – Có ai trong chúng ta chưa từng một lần cảm thấy tức giận? Những khi giận dữ chúng ta thường có phản ứng như thế nào? Khi bình tĩnh lại, chúng ta có nhận thấy mình tức giận là đúng, là cần thiết, và hữu ích hay là ngược lại?

Giận dữ là một trong những cảm xúc được khơi lên cách thầm kín nhưng lại có thể ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách: từ việc nổi cơn thịnh nộ bất ngờ, đến việc có một ngọn lửa âm ỉ bên trong khiến chúng ta luôn sẵn sàng bùng nổ, đôi khi chỉ vì một lý do rất nhỏ, hoàn toàn không đáng là gì so với sự phản ứng giận dữ bộc phát của chúng ta.

Sau khi trải nghiệm sự giận dữ của chính mình hoặc của người khác, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, sự tức giận không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân của người tức giận mà còn ảnh hưởng đến những người chung quanh.

Vậy chúng ta phải làm gì để đối phó với cảm giác tức giận?

Theo kinh nghiệm của Thánh Phanxicô Salêsiô, phương thuốc tốt nhất để chống lại cơn nóng giận là thực hành sự dịu dàng mỗi ngày và canh chừng cảm xúc trong tâm hồn mình.

Một khi nhận ra cơn giận và kiềm chế bằng sự điềm tĩnh chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát và không để sự nóng giận bùng phát. Thánh nhân khuyên rằng, “Khi có dấu hiệu đầu tiên của sự tức giận, hãy trấn tĩnh một cách nhẹ nhàng và nghiêm túc, đừng hấp tấp hoặc bốc đồng”.

Ngoài ra, những lời Kinh thánh dưới đây sẽ giúp chúng ta suy tư về vai trò của sự tức giận và nhận ra mối nguy hiểm của loại cảm xúc này. Đồng thời, cũng giúp chúng ta ý thức rằng, ngay cả khi sự tức giận là chính đáng, thì điều quan trọng là chúng ta luôn phải phản ứng dưới sự soi dẫn của Chúa.

Hậu quả của sự tức giận:

Dừng cơn phẫn nộ và chớ mãi nổi xung, đừng nổi giận kẻo sinh ra tội lỗi”. (Tv 37, 8)

Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan, lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ”. (Cn 15, 1)

Người chậm giận thì đầy sáng suốt, kẻ nóng tính để lộ cái dại khờ”. (Cn 14, 29)

Để phản ứng lại sự tức giận:

Nếu người trên có đùng đùng nổi giận, bạn cũng chớ bỏ đi, vì thái độ bình tĩnh giúp tránh được biết bao lỗi lầm”. (Gv 10, 4)

Anh em nổi nóng ư? Ðừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn”. (Ep 4, 26)

Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc” (1 Tim 2, 8)

Được gợi hứng từ chính Chúa:

Ước gì ơn bình an của Ðức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân”. (Cl 3, 15)

Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín”. (Tv 86, 15)

***

Trong phận người với những bất toàn, chúng ta rất dễ bất nhẫn để chiều theo sự giận dữ khi gặp phải sự bất đồng, hoặc khi cảm thấy bất mãn, và vì thế, càng làm cho cuộc sống của chúng ta thêm bất an.

Với tâm tình của Thánh Phanxicô Salêsiô, vị thánh nổi danh về sự hiền hoà, điềm tĩnh trước mọi cảnh huống, chúng ta cùng cầu nguyện với lời cầu nguyện mà ngài từng dâng lên Chúa mỗi ngày:

Lạy Chúa, với sự trợ giúp Chúa, con muốn thực hành sự dịu dàng trong những cuộc gặp gỡ và phiền toái hàng ngày. Ngay khi nhận thức được cơn giận đang bùng lên trong con, con sẽ trấn tĩnh mình, không phải bằng sức mạnh, mà là bằng sự nhẹ nhàng, và con sẽ cố gắng khôi phục trái tim mình bằng sự bình an.

Biết rằng con chẳng thể tự mình làm được điều gì, con sẽ luôn cần đến sự cứu giúp của Chúa, như các Tông đồ xưa kia đã làm khi bị sóng biển cuồng nộ xô đẩy và nhấn chìm.

Xin dạy con biết dịu dàng với tất cả mọi người, kể cả với những người xúc phạm đến con hoặc chống đối con. Và thậm chí, con biết dịu dàng với chính con, đừng để cho sự tức giận trở thành gánh nặng vì những lỗi lầm của bản thân.

Khi con vấp ngã, bất kể những nỗ lực, con sẽ nhẹ nhàng đứng dậy và tự nhủ: “Này, tâm hồn tội nghiệp của tôi ơi, hãy đứng dậy và rời bỏ cái hố này mãi mãi. Nào ta hãy chạy đến với Lòng thương xót của Thiên Chúa, và Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta”. Amen.

Xin Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nâng đỡ chúng ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Cerith Gardiner

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm  (Chuyển ngữ)
Theo: aleteia.org (29. 4. 2023)(21. 01. 2023)

Người môn đệ vô danh là tôi… 

Đức Giê-su Phục Sinh chính là hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Với chúng ta hôm nay, khi nói tới chuyện  Đức Giê-su Phục Sinh, chắc hẳn ai ai cũng thốt lên rằng: Chúng con Tạ Ơn Chúa. Thế nhưng, với các môn đệ xưa thì không như thế. Bị tác động bởi nhiều cảm xúc cộng với những yếu tố ngoại cảnh, do vậy các ông mang tâm trạng lo lắng, sợ hãi, bồn chồn và hồi hộp.

Tuy Kinh Thánh không ghi rõ, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, chính sự lo lắng, sợ hãi, bồn chồn và hồi hộp đã khiến các môn đệ “buồn hiu hắt buồn”.

Và, bởi vì quá u buồn trước biến cố Thầy mình bị giết chết, thế nên hầu hết các môn đệ đều thất vọng, chán nản, tuyệt vọng và mất dần các hứng thú đối với cuộc sống. Không còn hứng thú với những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình, thế nên, đã có hai vị  bỏ Giê-ru-sa-lem về quê “cắm câu”.  Đây là một câu chuyện, một câu chuyện rất ly kỳ, câu chuyện này được ghi trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 24, 13-35)

**

Tin Mừng thánh Luca ghi lại rằng: “Cùng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau.”

Hai người môn đệ này là ai? Thưa, hai ông rất có thể  thuộc nhóm bảy mươi hai, một nhóm đã được Đức Giê-su “chọn thêm”, chọn thêm để “sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.” Hồi ấy các ông đã ra đi, ra đi và được Thầy Giê-su dặn dò rằng, hãy nói cho mọi người biết: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9)

Triều Đại Thiên Chúa đến là một ước mơ lớn. Các ông từng ước mơ rằng, Thầy Giê-su sẽ xây  dựng một Triều Đại Mới, một Triều Đại sẽ đem lại cho Israel, cho gia đình, cho mọi người thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma.

Vì thế, ba năm theo Thầy Giê-su cũng là ba năm các ông mong đợi cho “Triều Đại” ấy mau đến. Hy vọng một khi Triều-Đại-Thầy đến, tệ lắm các ông cũng được một chức vụ gì đó trong Triều Đại của Thầy mình.

Than ôi ! sự việc lại không như mong muốn. Thê thảm quá ! Thật không thể hiểu nổi một người đầy quyền năng, đầy lòng nhân ái như “sư phụ”, thế mà lại có một kết cục bi đát!  Thầy Giêsu đã bị giết chết. Bước qua ngày thứ ba rồi. Thế là chấm hết! Thế là “mộng vàng tan mây”!

Kinh Thánh có chép rằng “Giấc mộng chưa thành làm trái tim khắc khoải” (Cn 12,13). Ôm trái tim khắc khoải sầu thương  “về tất cả những sự việc vừa mới xảy ra” cho Thầy Giêsu, hai ông “nhọc nhằn lê gót chân buồn” trở về Emmau.

Con đường chỉ “chừng mười một cây số”, nhưng hai ông vẫn cảm thấy “như (sao) đường về quá xa.” Và rồi, trong lúc hai ông “trò chuyện”, trò chuyện rằng: Ước gì… ước gì: “Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con”, thì bất ngờ Đức Giêsu xuất hiện.

Vâng, chính là Đức Giê-su. Ngài “tiến đến gần và cùng đi với các ông”. Thế mà, chẳng hiểu vì sao “mắt (hai ông)… bị ngăn cản, không nhận ra Người.”

Thôi kệ! Cũng chẳng sao! Thêm người thêm vui. Thế là, đường về Em-mau, bây giờ người ta thấy có ba người. Ba người, thì “một người đi với một người”, còn người kia, người kia “đi với nụ cười hắt hiu.”  Ai cười hắt hiu? Thưa, ông Cơ-lê-ô-pát.

Vâng, hôm ấy, sau khi Đức Giê-su hỏi hai ông: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau chuyện gì vậy?” Chuyện kể rằng: “Họ dừng lại vẻ mặt buồn rầu.”

Với vẻ mặt buồn rầu, ông Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” – Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?”

Trời ạ! “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình và đã đóng đinh Người vào thập giá.” Ông-không-biết-sao!

“Phần chúng tôi” Cơ-lê-ô-pát với nụ-cười-hắt-hiu, nói tiếp: “trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.”

Nhìn “ông bạn đường” không hẹn mà gặp, Cơ-lê-ô-pát tiếp tục kể lể: “Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra và bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói, còn chính Người thì họ không thấy.”

Trước nỗi buồn hiu, thất vọng, nghi nan của hai môn đệ, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”.

Để cho hai môn đệ không còn chìm trong tâm trạng “lặng lẽ buồn hiu đứng nhìn”, Đức Giê-su “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.”

Hôm ấy, khi gần tới làng hai môn đệ muốn đến, chuyện kể rằng: “Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.” Thấy thế, hai môn đệ “nài ép Người” ở lại với họ. Họ nói: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.”

Đức Giê-su đã ở lại. Và rồi, khi đồng bàn với hai môn đệ, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”. Tiếc thay! Đức Giê-su, sau đó “Người lại biến mất”.

Sau vài giây phút “ra ngẩn vào ngơ”, hai môn đệ thì thầm với nhau, rằng: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy sao?”

Đúng vậy, lòng hai ông bừng cháy mãnh liệt, mãnh liệt đến độ hai ông, ngay lập tức: “quay trở lại Giê-ru-sa-lem gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.”

Nhóm Mười Một cho biết: “Chúa trổi dậy thật rồi và đã hiện ra cho ông Si-môn.” Còn hai người môn đệ, họ “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (x.Lc 24, 35).

***

Chúng ta vừa nghe lại câu chuyện “Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau”.  Đây không phải là chuyện “thần tiên – giả tưởng”. Đây là một câu chuyện có thật, một sự thật là Cơ-lê-ô-pát và người bạn đồng hành của ông đã “nhận ra Chúa”

Tiến trình nhận-ra-Chúa của hai ông là một tiến trình tiệm tiến. Thoạt tiên hai ông “gặp” Đức Giê-su và cùng đồng hành với Ngài. Tiếp đến, khi cùng đồng hành với Ngài, các ông được “nghe” Ngài giải thích Lời Chúa. Cuối cùng là hai ông “đón” chính con người Phục Sinh của Đức Giêsu “mời Ngài ở lại”, nhờ đó qua việc “cùng đồng bàn với họ”, hai môn đệ “nhận” ra Thầy Giêsu của mình, qua việc  Người  “bẻ bánh và trao cho các ông”.

Nói tắt một lời, nhờ “đón” nên hai ông “nhận” ra Đức Giê-su Phục Sinh, qua việc cùng đồng bàn với Ngài.

Chia sẻ về sự kiện hai môn đệ được diễm phúc đồng-bàn-với-Chúa, Lm. Charles E.Miller có lời rằng: “Chúa Giê-su cũng tiếp tục làm (như thế) cho chúng ta.”

“Đó là”, ngài Lm. Charles nói tiếp: “Khi chúng ta bảo toàn tập quán thánh của mình là cùng nhau tham dự thánh lễ Chúa Nhật, thì nhà thờ trở thành con đường Em-mau của chúng ta. Chúa Giê-su nói với chúng ta qua lời Kinh Thánh (phần phụng vụ Lời Chúa).

Đôi lúc, có lẽ chúng ta không cảm nhận được mấy ảnh hưởng về những gì chúng ta nghe, nhưng khi mở rộng lòng đón nhận ơn sủng Chúa Thánh Thần, tác giả đích thực của các sách Tin Mừng, Lời Chúa có sức mạnh thấm nhập vào con người chúng ta. Bấy giờ, chúng ta sẽ nhận ra chính Chúa Giê-su đang nói với chúng ta.”

Chính Chúa Giê-su sẽ nói với chúng ta và chúng ta sẽ nghe Chúa nói, nếu chúng ta cùng nhau tham dự thánh lễ Chúa Nhật. “Nhà thờ”, như Lm. Charles đã nói: “trở thành con đường Em-mau của chúng ta.” Và, khoảng cách từ nhà chúng ta đến nhà thờ làm gì tới “mười một cây số”! Thế nên, với phương tiện cơ giới ngày nay, chúng ta đừng vắng mặt như ông Tô-ma đã vắng mặt ngày thứ nhất trong tuần.

Đừng vắng mặt, bởi vì, đến nhà thờ, chúng ta còn có thể gặp Đức Giê-su Phục Sinh nơi Bàn Tiệc Thánh Thể.

Cũng là Lm. Charles E.Miller,  khi nói tới Bàn Tiệc Thánh Thể, ngài có lời chia sẻ: “Nhìn lên bàn thờ trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta tận mắt thấy hành động của Chúa Giê-su, và tận tai nghe lời Người,  (qua Lm. chủ tế), y hệt như hai môn đệ xưa kia tại bàn ăn ở nhà các ông: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và bắt đầu trao cho họ.”

Có một chi tiết, tưởng chúng ta nên chú ý. Trong hai người môn đệ, thánh sử Luca chỉ cho chúng ta biết tên một người:  ông Cơ-lê-ô-pát. Thế còn ông kia tên gì? Thưa, nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng, chính chúng ta là người môn đệ vô danh đó.

Vâng, phải là chúng ta. Bởi vì, người môn đệ vô danh năm xưa không còn nữa. Và, chúng ta phải là hiện thân của người môn đệ vô danh đó.

Phải là hiện thân người môn đệ vô danh đó là bởi, sứ vụ “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.” vẫn còn đó.

Phải là hiện thân người môn đệ vô danh đó còn để, tiếp nối Chúa Giê-su Phục Sinh, cùng-đồng-hành với: “những kẻ nghèo đói – những người ăn xin hèn yếu”.

Phải là hiện thân người môn đệ vô danh đó còn để, tiếp nối Chúa Giê-su Phục Sinh,  quan tâm đến: “người phu xe gầy vai… người lao công cùng đi”

Chưa hết, chúng ta còn phải quan tâm đến những trẻ em cơ nhỡ, những kẻ đau yếu tật nguyền, những người già không chốn nương thân v.v…

Cuối cùng, có trở thành người môn đệ vô danh đó, chúng ta mới có hy vọng “Chúa vào và ở lại với chúng ta (và) cùng đồng bàn với chúng ta.”

Vâng, Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn tiếp tục gửi đến chúng ta những lời mời gọi yêu thương:  “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy , và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (x.Kh 3, 20)

Chúng ta muốn được diễm phúc như thế không! Nếu muốn, nếu muốn chúng ta chỉ cần xác định, xác định rằng: “người môn đệ vô danh là tôi.”

Petrus.tran

Đừng bỏ lễ Chúa Nhật

“Mừng Chúa Phục Sinh – Chúa đã Phục Sinh – Mừng Chúa sống lại – Happy Easter.”  Vâng, trong suốt một tuần qua, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không nhìn thấy những dòng chữ này. Đây là những dòng chữ được viết, được vẽ, nói chung là được thiết kế rất, rất đẹp, và được treo trang trọng trước cổng những ngôi thánh đường.

Tôi là tôi đã thấy.

Mầu nhiệm Đức Giê-su Phục Sinh là nền tảng đức tin Ki-tô giáo. Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô xác quyết: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cor 15, 14)