Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp…

 

 

Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp…Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, trong một lần giảng, có kể một câu chuyện, đó là chuyện sinh hoạt đời thường của mình. Ngài kể rằng: Hồi sống ở Giê-ru-sa-lem để nghiên cứu Kinh Thánh. Một hôm, có việc phải đổi tiền Do Thái để tiêu xài. Khi đến quầy thu đổi ngoại tệ, và sau khi giao dịch xong, ngài trở về. Thế nhưng, trên đường về, thì biết rằng, người nhân viên giao dịch đưa dư một số tiền khá lớn. Thế là, ngài quay trở lại và trả lại số tiền dư.

Người nhân viên sau một phút ngạc nhiên, ông ta thốt lên hỏi: “Có phải ông là người Công Giáo!” Thay cho câu trả lời, Lm. Ánh hỏi lại ông ta: “Tại sao ông lại hỏi như vậy?” Ông ta đáp: “Vì tôi thấy, thường chỉ có người Công Giáo mới làm những việc tốt như vậy.”

Lm. Ánh hỏi tiếp: “Vậy ông theo đạo nào?”. Ông ta đáp: “Đạo Hồi”. Lm Ánh lại hỏi: “Đạo Công Giáo tốt, sao ông không theo?”. Ông ta trả lời: “Tôi biết chứ. Nhưng đạo Công Giáo không cho lấy nhiều vợ. Theo đạo Hồi, tôi được phép lấy bẩy vợ”…

Đúng, đạo Công Giáo có nhiều người tốt. Theo đạo (CG) không có chuyện “năm thê bảy thiếp”, chỉ được phép “một vợ một chồng”, và không được ly dị. Theo đạo (CG), hay nói đúng hơn, theo Chúa còn được dạy phải có tâm hồn nghèo khó, sống hiền lành và khao khát nên người công chính. Đối với tha nhân, phải có lòng “xót thương người”, phải “yêu người như chính mình ta vậy” v.v…

Vâng, theo Chúa, có thể nói tóm gọn trong bốn chữ, đó là: “phải vào cửa hẹp”.    Phải-vào-cửa-hẹp… vâng, đó chính là lời truyền dạy của Đức Giê-su trong một dịp Ngài “đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy”.

Hôm ấy, không hẹn mà gặp, có một người đến gặp Đức Giê-su. Người này đến gặp Ngài để làm gì? Thưa, người này tìm đến không phải để tranh luận hay xin Đức Giêsu làm một phép lạ nào đó, nhưng là để hỏi Ngài một vấn đề có liên quan đến sự cứu độ.

Khi đã diện đối diện với Đức Giê-su,  người này cất tiếng  hỏi rằng “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (x.Lc 13, 23).

Tại sao người này lại nghĩ “người được cứu thoát thì ít?”  Thưa, là bởi, đối với người Do Thái xưa, họ nghĩ rằng, chỉ có dân tộc của họ, một dân tộc được Thiên Chúa chọn làm  “dân riêng” của Người,  mới là những người được hưởng ơn cứu thoát.

Thế nhưng, với Đức Giê-su, đó không phải là điều  Ngài truyền dạy. Thiên Chúa, qua lời truyền dạy của Ngài, là một Thiên Chúa của tình yêu, “…yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Thiên Chúa, mà Đức Giê-su rao giảng, là một Thiên Chúa, “…sẽ tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của (Người)” (x.Is 66, 18)

Hỡi người Israel kia ơi! Thiên Chúa, qua lời Ngôn sứ  Isaia, là một Thiên Chúa như thế đấy. Tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ (để) họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Người,  cớ sao lại dám nghĩ rằng “người được cứu thoát thì ít”!

Không, “ơn cứu độ” không là của riêng ai, không chỉ là sự độc quyền của dân tộc Israel, nhưng còn là cho “tất cả thiên hạ, (họ) sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13, 29). Hôm đó, thay vì trả lời nhiều hay ít, Đức Giê-su nói với người đã tìm đến gặp mình, rằng: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào…”

Còn chuyện những người được cứu thoát, “nếu ít” ư! Đức Giê-su cho biết: vì họ “tìm cách vào mà không thể được”. Không thể, chỉ vì họ là “những quân làm điều bất chính”.

“Cửa hẹp”… Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, “cửa hẹp” mà Đức Giê-su nói ở đây, hẹp cỡ nào? Có lẽ, không gì tốt hơn là hãy tìm đến “bác thợ mộc Giê-su” và chúng ta sẽ có câu trả lời.

Thì đây, với bác thợ mộc Giê-su, “cửa hẹp” mà Ngài đã nói đến, không phải là cánh cửa bằng gỗ, nhưng nó được thiết kế bằng chính trạng thái tâm hồn của ta. Tâm hồn ta có sẵn sàng bước qua cánh cửa “hạ mình xuống”, hay không? Có chấp nhận bước qua  cánh cửa mang hình dáng “nên như người phục vụ”? Có vui vẻ  sơn lên cánh cửa đó  màu hồng của lòng thương xót: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”, hay không?

Cửa-hẹp, với nhà thiết kế Giê-su, nó còn được trang trí  bởi những chùm hoa-thánh-linh, hoa “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”.

Nói một cách tổng quát, “cửa hẹp” mà chúng ta sẽ bước qua, đó chính là cánh cửa “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).

Người được chọn không ít đâu! Vấn đề của chúng ta hôm nay, đó là, tôi có sẵn sàng “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”, hay không? Mà, dù muốn hay không, trong cuộc sống, như lời Louis Evely nói: “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, còn có sương mù và giá lạnh nữa”.

Sương mù và giá lạnh đó  là gì? Phải chăng là “cửa hẹp” trong đời ta? Thưa, đúng vậy, cửa hẹp đó, có thể là một căn bệnh nan y, có thể là sự  “ra đi” của một người thân nào đó trong gia đình mình. Và có thể là một sự đổ vỡ trong hôn nhân “thôi là hết em đi đường em, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”…

Cửa hẹp đó, cũng có thể là một cuộc làm ăn thất bại, và không thể không nói tới những bất công, những thói xấu, sự  trịch thượng của một ai đó, gây ra cho ta, nơi ta sinh sống, hay nơi ta làm việc, hằng ngày v.v… Chúng ta sẽ làm gì, phản ứng ra sao khi phải bước vào những cánh cửa-hẹp nêu trên?

Chán nản tuyệt vọng, than thân trách trời, trách Chúa… Chúa ơi! Sao con khổ thế này!? Đừng… đừng nản lòng, với niềm tin, hãy coi những biến cố đó như là những lời “sửa dạy” của Thiên Chúa, trong cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta.

Thật vậy, tác giả thư Do Thái, với cảm nghiệm của bản thân, đã cho lời khuyên, rằng: “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh  em như với những người con.Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?”

Đừng… đừng tuyệt vọng… “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng”.  Vì, như lời tác giả thư Do Thái đã khuyên, rằng:  “Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải  tùng phục Cha trên trời để được sống”.

Và, cuối cùng, ngài cho thêm một lời khuyên: “Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người.”

Thế nên, hãy coi việc bước vào những cánh cửa hẹp đó, như là một cuộc “rèn luyện”, một cuộc rèn luyện mà Kinh Thánh gọi là rất cần thiết để “gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Dt 12, …11) Có được sự bình an và công chính, đó chính là hành trang để chúng ta bước vào cửa hẹp.

Vì vậy, đừng  vì bất cứ lý do gì mà chúng ta không thực hiện lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào…”

Hãy tin, trong cuộc chiến đấu này, chúng ta không đơn độc. Qua việc tham dự bàn Tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su vẫn cùng đồng hành với chúng ta, một sự đồng hành “làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, (của chúng ta), nên mạnh mẽ”. (x.Dt 12, 13).

Cũng là cuộc chiến đấu này, Lm. Charles E. Miller thêm cho  chúng ta một lời khuyên, ngài khuyên rằng: “chúng ta phải là những người trung tín, luôn kết hiệp với Đức Ki-tô trong nhiệm thể của Người là Giáo Hội. Đây là cách bảo đảm rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi cuộc tranh chấp, mọi điều phiền toái  trên cõi đời này, để bước vào vương quốc vĩnh cửu trên trời”.

Vâng, rất bảo đảm, bảo đảm trong ngày phán xét, Đức Giê-su, người mục tử nhân lành, sẽ không nói với chúng ta “Các anh đấy ư! Ta không biết các anh từ đâu đến”. Trái lại, Ngài sẽ nói: Các anh đấy ư! Hãy cùng đồng bàn với “Apraham, Isaac và Giacop cùng tất cả các ngôn sứ trong Nước Thiên Chúa”.

Thưa Bạn… Bạn có muốn được như thế không? Nếu muốn, tôi và bạn, chúng ta hãy ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô và cùng khấn nguyện, rằng: “Lạy Chúa, xin Ngài cùng đồng hành với chúng con trong cuộc “chiến đấu để qua cửa hẹp”,  cánh cửa hẹp mà Ngài đã truyền dạy chúng con hãy bước vào. Amen.

Petrus.tran

 

 

Trả lời