Các Bà Mẹ Công Giáo
Giáo xứ Đaminh
Gà Trống Nuôi Con …
Mùa Noel đã qua, không khí lành lạnh của những ngày cuối đông, mọi người như rộn rã tất bật hơn, một cái tết gần kề… nhắc nhở chúng tôi phải thực thi kế hoạch đã dự định : thăm Mái ấm của xứ nhà, nơi nuôi dạy một số em mồ côi.
Chúng tôi đang loay hoay phân công, tìm đường đi nước bước : ba cặp đôi với xe hai bánh, đến điểm hẹn tại ngã tư đèn đỏ dưới chân cầu Tham Lương gặp thày Giuse Công …, cũng ái ngại vì sợ đi lạc. Cũng may, nhờ chị Tĩnh tình nguyện làm tài xế, thầy Công dẫn đường, ông Huân dẫn lối, chúng tôi được đi xe bốn bánh, nên thật phấn khởi và an tâm lên đường.
Đến nơi, nhìn bên ngoài với cánh cổng to có vẻ khá khang trang. Bên trong là dãy nhà hình chữ U, thấp lè tè. Lý do khi đường bên ngoài được nâng cao, nhà nâng nền mà không nâng mái nên thấp và nóng… nhưng nền lát gạch men và có trần đàng hoàng… Dầu sao đây cũng là công trình mồ hôi của Hội đồng Mục vụ trong năm 2010 đấy.
Thầy Công nhanh nhẹn mở cổng, các em ùa ra đón chúng tôi, vừa khoanh tay vừa hát chào thật dễ thương. Không khí như dịu mát lại khi chúng tôi tập trung các em dưới chân đài Đức Mẹ La-vang, bên gốc cây Sakê xanh lá, ánh mắt Mẹ hiền từ và bao la, hình như muốn ôm tất cả đàn con thân yêu, bé nhỏ và tội nghiệp trong vòng tay mẹ. Những cành cây phía trước Mẹ đầy những trái, thật lạ. Cây này thân đã mục, tưởng phải đốn bỏ, nhưng nhờ bàn tay chăm bón, kiên trì, yêu thương mà cây đã hồi sinh. Nhìn các em thưởng thức ngon lành những chiếc bánh giò còn nóng hổi trông thật dễ thương. Các em lớn tập trung thưởng thức bên cái bàn đá trước tượng đài thánh Martino, có lẽ là một thói quen của các em. Các em nhỏ chọn ngồi dưới gốc cây. Các mẹ bón, đút cho các em từng muỗng bánh, nhìn các em ăn say sưa thích thú, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Nhà tình thương này thuộc Giáo xứ Đaminh, hiện nuôi dạy 12 em mồ côi từ các nơi : Kontum, Đồng Nai, Miền Tây, Thành Phố … em lớn nhất mười tuổi, em bé nhất chỉ hơn hai tuổi, đều là những bé trai. Nhà dòng trao cho thày Phêrô Tâm OP phụ trách, gần đây thêm thầy Giuse Công OP phụ tá, và “bố Châu”, một giáo lý viên thâm niên của giáo xứ Đaminh chăm sóc trực tiếp, người hiểu được tính tình, cá tính của từng em. Chỉ bốn em đủ tuổi đến trường, còn lại được hai thầy dạy tại chỗ, thêm một vài sinh viên phụ giúp. Mỗi em mỗi cảnh đời : có em không biết bố mẹ là ai, em thì mẹ bị sét đánh chết, bố bỏ rơi, em thì mẹ buôn heroin bị kêu án mấy mươi năm, bố bỏ trốn, có em chẳng có bố có mẹ …
Các em với nét mặt ngây thơ, thật dễ thương. Bảy em ở Kontum với những đôi mắt to tròn, hàng mi cong thật đẹp, có lẽ là gốc người dân tộc. Các em này đã từng khiến các thầy khốn đốn trong thời gian mới đến, các em cứ “cho ra” thoải mái trong phòng, rải rác quanh sân, trây trét bốc mùi… làm các thầy phải vất vả trong việc “tẩy uế”, làm vệ sinh. Chỉ hai thầy lo cho các em tất cả, từ việc dạy dỗ, cơm nước, giặt giũ. . . . . .
Chúng tôi tranh thủ tham quan bếp ăn của các em. Thật nể phục hai “anh nuôi ”, đảm đang và khéo léo hơn cả các bà mẹ. Nhà bếp sạch bóng, ngăn nắp, thứ tự. Thực đơn của các em hôm nay là : canh dưa chua, tép rang … món ăn đơn sơ nhưng nhờ tài nấu nướng, nêm nếm nên thật ngon (chúng tôi đã lén nếm thử). Các phòng gọn nhỏ, sạch sẽ, đồ chơi đủ thứ nhưng không có cái nào được nguyên vẹn cả, cái thì sứt đầu cái thì gẫy gọng. Các em có thời gian biểu rõ ràng, kể cả giờ đọc kinh cầu nguyện : buổi tối trong nhà nguyện, buổi sáng ngoài đài.
Các em lớn với chuỗi tràng hạt trên cổ, có lẽ các thầy mong muốn đây sẽ là mối dây gắn kết các em với tiếng chuông nhà thờ, mong các em đi tu hay ít ra cũng được làm thầy.
Tình cờ nhóm Lêgio do anh trưởng Thời hướng dẫn cũng đến thăm các em. Không khí sôi nổi hơn với những bài hát, trò chơi, kể chuyện … và cả hình chụp nữa. Mục này, các anh chị Legio hơn hẳn CBM chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết gần gũi, chuyện trò, âu yếm, thăm hỏi các em dù là những giây phút ngắn ngủi. Chúng tôi muốn bù đắp một phần những mất mát, thiếu thốn cho các em dù nó chỉ rất nhỏ nhoi.
Nhìn các em ngây thơ hồn nhiên vui chơi, chúng tôi se lòng tự hỏi : tương lai các em sẽ về đâu ? Nhà xứ, Xã Hội sẽ cưu mang các em được bao lâu nữa ? Có lẽ sẽ mãi cần, rất cần những tấm lòng nhân ái, những vòng tay rộng mở, yêu thương, những tấm lòng quảng đại
Chúng tôi chia tay các em, lòng bồi hồi cảm xúc, duy chỉ còn một niềm an ủi : dù sao so với các trại mồ côi khác, các em nơi đây cũng có được sự ấm áp, gần gũi, thân thương như một mái ấm gia đình trong sự chăm sóc, yêu thương, đùm bọc của các thầy trong cảnh Gà Trống Nuôi Con.
V. T. T
GX Đaminh, 08.01.2011