Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa MinhVATICAN. ĐTC mời gọi các tu sĩ dòng Đa Minh trở thành những chứng nhân về sự âu yếm dịu dàng của Thiên Chúa và sống kết hợp với Chúa để lời giảng có hiệu năng.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây sáng ngày 4-8-2016 trong buổi tiếp kiến dành cho cha Bề trên Tổng quyền Bruno Cadoré, và 70 thành viên Tổng tu nghị của dòng, kết thúc ban chiều cùng ngày, sau 3 tuần nhóm tại Bologna, cạnh mộ của Thánh Đa Minh (cách Roma 400 cây số). Trong số các tham dự viên có 3 vị người Việt Nam: Cha Vinh Sơn Hà Viễn Lự, Tổng phụ tá Bề trên Cả đặc trách vùng Á châu Thái Bình Dương, Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Đức Hòa và Cha Phêrô Phạm Văn Hương, Bề trên Phụ Tỉnh Đa Minh Việt Nam ở Bắc Mỹ.

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

Năm nay có một ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình dòng anh chị em: kỷ niệm 800 năm từ khi ĐGH Honorio III châu phê Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Nhân dịp Năm Vui Mừng này, tôi hiệp với anh chị em cảm tạ Chúa vì những hồng ân dồi dào đã nhận lãnh trong thời gian ấy. Ngoài ra tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Dòng vì sự đóng góp quan trọng dành cho Giáo Hội và vì sự cộng tác với Tòa Thánh, trong tinh thần trung thành phục vụ, mà Dòng đã duy trì từ khởi đầu cho đến ngày nay.

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

Trong bài huấn dụ bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC cám ơn sự đóng góp của dòng Đa Minh cho Giáo Hội trong 800 năm qua và ngài nhắn nhủ các tu sĩ của dòng sống kết hiệp với Chúa, nghiên cứu học hỏi nghiêm túc, rao giảng Lời Chúa và làm chứng nhân về tình yêu thương xót của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi chào anh chị em và cám ơn lời chào mừng mà Cha Bruno Cadoré, Bề trên Tổng Quyền của dòng, gửi đến tôi nhân danh bản thân và tất cả những người hiện diện nơi đây, nhân dịp Tổng tu nghị của Dòng tại Bologna sắp kết thúc, qua đó anh chị em muốn làm cho căn cội của dòng tái sinh động bên cạnh mộ Thánh Sáng Lập.

Năm nay có một ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình dòng anh chị em: kỷ niệm 800 năm từ khi ĐGH Honorio III châu phê Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Nhân dịp Năm Vui Mừng này, tôi hiệp với anh chị em cảm tạ Chúa vì những hồng ân dồi dào đã nhận lãnh trong thời gian ấy. Ngoài ra tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Dòng vì sự đóng góp quan trọng dành cho Giáo Hội và vì sự cộng tác với Tòa Thánh, trong tinh thần trung thành phục vụ, mà Dòng đã duy trì từ khởi đầu cho đến ngày nay.

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

Dịp kỷ niệm 800 năm làm chúng ta nhớ đến những người nam nữ đức tin và học giả, chiêm niệm và thừa sai, tử đạo và tông đồ bác ái, đã mang sự âu yếm và dịu dàng của Thiên Chúa đến mọi nơi, làm cho Giáo Hội được phong phú và chứng tỏ có những cơ may mới để thể hiện Tin Mừng qua sự giảng thuyết, làm chứng tá và bác ái: đó là ba cột trụ nâng đỡ tương lai của Dòng, giữ cho đoàn sủng của Đấng Sáng Lập được tươi mát.

Thiên Chúa đã thúc đẩy thánh Đa Minh lập một ”Dòng Anh Em Giảng Thuyết”, vì giảng thuyết là sứ mạng mà Chúa Giêsu ủy thác cho các Tông Đồ. Chính Lời Chúa nung nấu từ bên trong và thúc đẩy đi ra ngoài để rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho mọi dân tộc (Xc Mt 28, 19-20). Cha Sáng Lập đã nói: ”Trước tiên là chiêm niệm, rồi sau đó giảng dạy”. Được Thiên Chúa giảng dạy Tin Mừng, để loan báo Tin Mừng. Nếu không có sự kết hiệp nồng nhiệt với Chúa, thì việc giảng thuyết có thể là rất hoàn hảo và hợp lý, và đáng ngưỡng mộ, nhưng sẽ không đánh động tâm hồn là điều phải thay đổi. Một điều thiết yếu nữa, đó là việc nghiên cứu nghiêm túc và chăm chỉ về các vấn đề thần học, cũng như tất cả những gì giúp chúng ta đến gần thực tại và lắng nghe Dân Chúa. Nhà giảng thuyết là một người chiêm niệm Lời Chúa và cũng có thái độ như vậy đối với Dân Chúa, đang mong đợi được hiểu (Xc Evangelii Gaudium, 154).

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

Việc thông truyền hữu hiệu Lời Chúa đòi phải có cuộc sống chứng tá: phải là những thầy dạy trung thành với chân lý và là những chứng nhân can đảm của Tin Mừng. Chứng nhân thể hiện giáo huấn, làm cho nó trở nên cụ thể, thu hút, và không dửng dưng đối với một ai; mang lại cho chân lý niềm vui của Tin Mừng, niềm vui được biết Chúa yêu thương chúng ta và có lòng thương xót vô biên đối với chúng ta.

Thánh Đa Minh nói với các môn đệ Ngài: ”Với đôi chân không, chúng ta ra đi rao giảng”. Điều này gợi lại cho chúng ta đoạn nói về bụi gai cháy đỏ, khi Chúa bảo Ông Môisê: ”Hãy cởi dép khỏi chân ngươi, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Xh 3,5). Nhà giảng thuyết tốt ý thức rằng mình đang đi trên đất thánh, vì Lời Chúa mà nhà giảng thuyết mang theo là thánh, và những người nghe giảng cũng là thánh. Các tín hữu không những cần đón nhận Lời Chúa trọn vẹn, nhưng còn cần cảm nghiệm chứng tá cuộc sống của người rao giảng (Xc Evangelii gaudium, 171). Các thánh đã đạt được thành quả dồi dào, vì qua cuộc sống và sứ mạng, các vị nói bằng ngôn ngữ con tim, thứ ngôn ngữ không bị các hàng rào cản trở, và mọi người có thể hiểu được.

Sau cùng, nhà giảng thuyết và chứng nhân cũng phải hành động trong đức bác ái. Nếu không có bác ái, thì họ sẽ là những người đáng bị tranh luận và khả nghi. Thánh Đa Minh đã đứng trước một tình trạng khó xử vào lúc ban đầu, và ảnh hưởng tới trọn cuộc sống của Ngài: ”Làm sao tôi có thể học với những mảnh da chết, khi mà thân mình của Chúa Kitô đang chịu đau khổ”. Chính thân mình của Chúa Kitô sống động và chịu đau khổ, đang kêu vị giảng thuyết và không để vị ấy yên hàn. Tiếng kêu của những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề, và làm cho nhà giảng thuyết hiểu sự cảm thông của Chúa Giêsu đối với dân chúng (Mt 15,32).

Khi nhìn chung quanh chúng ta, chúng ta cảm thấy rằng con người nam nữ ngày nay đang khao khát Thiên Chúa. Họ là thân mình sống động của Chúa Kitô, đang kêu lên ”Tôi khát” bằng một tiếng kêu chân thực và có sức giải thoát, họ đang khao khát một cử chỉ huynh đệ và dịu dàng. Tiếng kêu này đang gọi hỏi chúng ta và phải là cột sống của sứ mạng và mang lại sức sống cho các cơ cấu và chương trình mục vụ.

Anh chị em hãy nghĩ đến điều này khi suy tư về sự cần thiết phải điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Dòng để phân định về câu trả lời cần mang lại cho tiếng kêu ấy của Thiên Chúa. Hễ ta càng ra đi để thỏa mãn cái khát của tha nhân, thì chúng ta càng trở thành những nhà rao giảng chân lý, chân lý được loan báo bằng tình yêu và lòng thương xót, mà thánh nữ Catarina Siena đã nói (Xc Libro della Divina Dottrina, 35). Trong cuộc gặp gỡ với thân mình sinh động của Chúa Kitô chúng ta được loan báo Tin Mừng và tìm được lòng hăng say để trở thành nhà giảng thuyết và chứng nhân về tình yêu của Chúa.

Anh chị em thân mến! Với tâm tình biết ơn vì những thiện ích Chúa đã ban cho dòng của anh chị em và cho Giáo Hội, tôi khích lệ anh chị em hãy vui mừng theo đuổi đoàn sủng của Thánh Đa Minh và đã được bao nhiêu vị thánh nam nữ của gia đình dòng Đa Minh sống với nhiều sắc thái khác nhau. Tấm gương của Thánh Nhân là động lực để đương đầu với tương lai trong niềm hy vọng, vì biết rằng Thiên Chúa luôn đổi mới mọi sự .. và không làm chúng ta thất vọng. Xin Đức Trinh Nữ Mân Côi, Mẹ của chung ta, chuyển cầu và bảo vệ anh chị em, để anh chị em là những nhà rao giảng và chứng nhân can đảm về tình yêu Thiên Chúa.”

 G. Trần Đức Anh OP

 

Để lại một bình luận