Theo lời Giáo Hội truyền dạy, Thiên Chúa ban cho Đức Maria bốn đặc ân. Và đây cũng là bốn tín điều buộc người Công Giáo phải tin. Bốn tín điều đó, thứ nhất: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Thứ hai: Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Thứ ba: Đức Maria trọn đời đồng trinh. Thứ tư: Đức Maria hồn xác lên trời.
Trong bốn tín điều này, tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa được công bố sớm nhất. Đó là năm 431. “Công Ðồng Êphêsô (431) công bố rằng, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa để bảo đảm thiên tính của Ðức Kitô, lúc đó đang bị Nestoriô, Giám Mục Constantinople đả kích. Ông ta dạy rằng Ðức Kitô có hai cá thể với hai bản tính khác nhau, và Mẹ Maria chỉ là mẹ của con người Ðức Kitô mà thôi.” (nguồn: internet)
Về ba tín điều kia, Giáo Hội cũng đã ghi lại ngày, tháng, năm được công bố như sau: Tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyện tội được ĐTC. Pio IX công bố ngày 8/12/1854 rằng: “Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu tiên chịu thai, nhờ ơn riêng và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn Năng, qua việc thấy trước công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ vết của Tội Nguyên Tổ.” (Ineffabilis Deus, 29)
Ðể chuẩn y Tín Ðiều này, Đức Maria đã hiện ra cùng thánh Bernadette tại Lộ Ðức vào năm 1858 và cho thánh nữ biết rằng Mẹ là “Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Tín điều Đức Maria trọn đời đồng trinh được Công Đồng Lateran (649) chính thức xác nhận là Tín Ðiều ở Ðiều Thứ Ba của Công Ðồng này.
Cuối cùng là tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đó là vào ngày 1 thánh 11, năm 1950, ÐTC Piô XII đã công bố. Khi nói về bốn tín điếu này, một tác giả ký tên là Phaolo, trong bài viết tựa đề là: “Các Tín Điều về Đức Mẹ”, đã viết: “Tất cả những gì Hội Thánh muốn chúng ta tin về Ðức Mẹ đều liên quan đến niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô và cần thiết cho phần rỗi chúng ta. Chúng ta tôn kính Mẹ Maria, không phải vì Mẹ là Thiên Chúa, nhưng vì Thiên Chúa muốn chúng ta kính trọng Mẹ như là một bình rất quý giá Chúa dùng để ban nguồn ơn cứu độ, là Ðức Giêsu Kitô, cho chúng ta.”(nguồn: internet)
Đức Maria “như là một bình quý giá Thiên Chúa dùng”. Đúng vậy, Thiên Chúa đã dùng Đức Maria để cưu mang Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Thiên Chúa đã dùng Đức Maria như một người Mẹ, một người Mẹ để “sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Da-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Sự kiện này đã thật sự xảy ra. Xảy ra hơn hai ngàn năm trước đó. Và đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. Vâng, Tin Mừng thánh Luca ghi rằng: Vào thời hoàng đế Au-gut-tô. Ông hoàng này đã “ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.” Đó là lý do “ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.”
“Vì thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít”, thế nên thánh Giu-se đã “từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít, miền Giu-đê”. Ngài Giu-se lên đó là để “khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.”
Và rồi tại nơi này “thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trọ.”
Trong vùng ấy, “có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật”. Bất ngờ một biến cố thần hiện đã xảy ra. Sứ thần Chúa hiện đến “đứng bên họ và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh”.
Sự hiện đến của sứ thần đã khiến “họ kinh khiếp hãi hùng”. Trong nỗi kinh khiếp hãi hùng, những người chăn chiên nghe tiếng sứ thần Chúa bảo họ, rằng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David. Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (x.Lc 2, 10-12).
Khi lời sứ thần vừa dứt, “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. (Lc 2, 13-14).
Rồi, “khi các sứ thần từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người chăn chiên bảo nhau: Nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết”.
Nói là làm, “họ liền hối hả ra đi”. Những người chăn chiên đã đi đến Belem. Khi đến nơi, quả thật: “họ gặp bà Maria, ông Giu-se cùng với Hài Nhi được đặt trong máng cỏ” đúng như lời sứ thần đã loan báo cho họ.
Nhìn thấy sự thật hiển nhiên, những người chăn chiên đã không thể không “kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này”. Nghe họ nói “ai cũng ngạc nhiên”. Riêng Đức Maria, thánh sử Luca cho biết: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Sau những giờ phút viếng thăm, các người chăn chiên ra về. Trên đường về, họ “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”. (Lc 2, 20).
“Khi được đủ tám ngày”, tin mừng thánh Luca ghi lại, rằng: “Hài Nhi… đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.” (x.Lc 2, 21)
Allêluia! Allêluia! Dựa vào những lời trích thuật tin mừng Thánh Luca (nêu trên) không thể không xác tín rằng, quả thật “Thiên Chúa muốn chúng ta kính trọng Mẹ như là một bình rất quý giá Chúa dùng để ban nguồn ơn cứu độ, là Ðức Giêsu Kitô, cho chúng ta.”
Vâng, Giáo Hội hơn hai ngàn năm có lẻ, vẫn luôn “kính trọng Mẹ”. Và, hôm nay, 01/01/2023 một ngày của đầu năm mới, Giáo Hội long trọng cử hành lễ kính Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa.
Như đã nói ở trên, đây là một trong bốn đặc ân Thiên Chúa ban cho Đức Maria. Và đây cũng là tín điều buộc người Công Giáo phải tin. Vâng, phải tin.
Phải tin là bởi “Từ thời các thánh Tông Ðồ, các Kitô hữu đã tin rằng Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Nhập Thể. Vì thế, Người là Ngôi Hai Thiên Chúa với hai bản tính. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật.
Bản tính Thiên Chúa và loài người của Người không thể tách rời nhau được. Vì Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người (Colossians 2:9, Galatians 1:1,14), nếu Ðức Mẹ là Mẹ Ðức Kitô, thì Ðức Mẹ cũng đúng là Mẹ Thiên Chúa.
Công Ðồng Êphêsô (năm 431) công bố rằng Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa để bảo đảm thiên tính của Ðức Kitô, lúc đó đang bị Nestoriô, Giám Mục Constantinople đả kích. Ông ta dạy rằng Ðức Kitô có hai cá thể với hai bản tính khác nhau, và Mẹ Maria chỉ là mẹ của con người Ðức Kitô mà thôi.” (nguồn: https://www.giaoly.org/vn/cac-tin-dieu-ve-duc-me)
Lutherô, Calvin, và những nhà sáng lập các giáo phái Tin Lành chính thống đều đồng ý về tín điều này. Martinô Lutherô, người sáng lập đạo Tin Lành viết: “Thật là chính đáng khi gọi Mẹ không những là mẹ con người, nhưng còn là Mẹ Thiên Chúa… Chắc chắn rằng Ðức Maria là Mẹ của Thiên Chúa thật.” (source: Jaroslav Pelikan, ed., Luther’s Works, (St. Louis: Concordia), 24:107.)
Thế nên, vấn đề của chúng ta hôm nay đó là: không cần tranh cãi nữa. Điều quan trọng đó là; hãy ghi khắc trong con tim mình lời dạy dỗ, dạy dỗ rằng: “Nhưng Ðức Mẹ cũng là một tạo vật như chúng ta, và đạo Công Giáo không thờ Ðức Mẹ như một nữ thần. Chúng ta kính Ðức Mẹ vì vinh dự khôn lường của Mẹ là được Thiên Chúa chọn để cưu mang và nuôi dưỡng Ngôi Lời Nhập Thể.” (nguồn: giaoly.org) . Chúng ta không thờ Đức Maria. Chúng ta chỉ “kính” Mẹ Maria, mà thôi.
Kính Mẹ Maria như thế nào? Thưa, chúng ta biết rồi. Lần chuỗi mân côi. Kiệu Đức Mẹ. Chưa hết… còn nữa, đó là: hãy “trông lên Mẹ là gương mẫu của đời ta”.
Vâng, hãy trông lên Mẹ và hãy lấy hai chữ “xin vâng” của Mẹ “xin Chúa hãy làm cho tôi như lời sứ thần nói”, và hãy lấy sự “khiêm nhường” của Mẹ, khiêm nhường trở nên “nữ tỳ của Chúa”, xem đó như là hành trang cho cuộc sống đức tin của mình.
Hai chữ “xin vâng” của Mẹ, đã đem lại cho Mẹ điều gì chúng ta biết rồi, chẳng phải là Mẹ Thiên Chúa, đó sao! Sự khiêm nhường của Mẹ đã đem lại cho Mẹ điều gì, chẳng phải là Mẹ đã được Thiên Chúa: “Người đoái thương nhìn tới”, đó sao!
Là một Ki-tô hữu, có phần chắc ai trong chúng ta cũng đều muốn “Chúa đoái thương nhìn tới” mình, phải không, thưa quý vị! Thế nên, đừng quên học sự vâng lời và sự khiêm nhường của Mẹ, nha!
Hôm nay, về mặt xã hội, thật tình mà nói, mình không muốn nói nữa. Nói ra, sẽ có người bảo rằng: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng về mặt Giáo Hội, nên nói lắm chứ!
Vâng, Giáo Hội của chúng ta đang khủng hoảng đức vâng lời. Giáo Hội Đức là một ví dụ điển hình. Mà, không có đức vâng lời lấy đâu ra đức khiêm nhường. Không có đức khiêm nhường, giáo dân đôi khi chỉ vì một chút “bức xúc” cũng có thể lôi ông cha sở (nếu không muốn nói là ngay cả Giám Mục) ra mắng mỏ lăng nhục, làm clip tung lên mạng không chút ngại ngùng. “Vụ việc” này đã xảy ra hơi bị nhiều, không tiện nêu nơi xảy ra, ở đây.
Thế nên, thưa quý ông bà và anh chị em, hôm nay, chúng ta hãy để cho tâm hồn mình một phút trong thinh lặng và tự hỏi lòng mình rằng: đức vâng lời và đức khiêm nhường đã có trong gói hành trang, hành trang cho cuộc sống đức tin của mình, chưa!
Có rồi hả! Quá tốt. Tạ ơn Chúa. Còn nếu chưa! Thà muộn còn hơn không bao giờ. Ngay hôm nay, bây giờ, hãy ngước mắt lên Thánh Mẫu Đức Maria, và hãy “nức nở” nguyện cầu với Mẹ rằng: Mẹ ơi! “xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng.”
Petrus.tran