Hãy yêu thương nhau như Thầy
Albert Camus có nói “Tôi chỉ biết một nghĩa vụ, đó là yêu thương”.
Tình yêu thương ! Vâng, đó là điều không thể thiếu trong cuộc sống của nhân loại. Suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, con người không ngớt định nghĩa về tình yêu thương. Có biết bao là tư tưởng, là danh ngôn ca tụng tình yêu.
Sách Diễm ca nói rằng “Tình yêu mãnh liệt như tử thần… đam mê dữ dội như âm phủ”. Khi lửa tình bừng cháy, “nước lũ không dập tắt nổi, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8, 6-7).
Thế nhưng, có người khi đã đón nhận tình yêu thì lại cất tiếng thở than : “đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn”(1), để rồi ngao ngán nhận ra rằng “Yêu là chết ở trong lòng một ít… Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu. Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết ” (2).
Tình bạn hữu, tình yêu gia đình và đẹp nhất đó là tình yêu đôi lứa, tất cả đều là quà tặng của Thượng – Đế, thế mà tại sao lại phải than thở, phải thổn thức bằng những lời ca thán nêu trên! Phải chăng vì nhân loại đến với tình yêu bằng phong cách “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” ?
Tình yêu như thế… chết là cái chắc… vạn lần buồn là điều không tránh khỏi.
…..
Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu bền vững. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu với những đặc tính : đi bước trước, dâng hiến và trao ban.
Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, qua những lời giáo huấn, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy rõ một thứ tình yêu với những đặc tính được nêu trên.
Nếu người xưa dạy rằng : “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” thì Đức Giêsu đã lớn tiếng dạy rằng “Còn Thầy, Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”(Mt 5, 43-44).
Nếu người xưa dạy rằng “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” (3) thì Đức Giêsu đã dạy cho mọi người phải tích cực hơn trong cách biểu lộ tình yêu thương đồng loại, bằng lời dạy rằng “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12).
Nếu người xưa dạy rằng “mắt đền mắt, răng đền răng” thì Đức Giêsu khuyên dạy: “còn Thầy, Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”.
Trong khung cảnh của lễ Vượt Qua, những giờ phút linh thiêng nhất. giờ phút chuẩn bị bước vào cuộc tử nạn, Đức Giêsu đã đóng khung tình yêu của Thiên Chúa bằng câu nói quyết liệt rằng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13).
Có thể nói, lời tuyên bố trên của Đức Giêsu như một lời tỏ tình của một người đang yêu đến với người mình yêu. Nó tác động rất mạnh lên lời truyền dạy các môn đệ “hãy yêu thương nhau”. Nó củng cố niềm tin nơi các môn đệ, là những người được Đức Giêsu gọi là “bạn hữu của Ngài” và cuối cùng, lời tuyên bố đó như một chiếc cầu ân sủng nối kết các môn đệ với tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu như lời Ngài đã phán : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15, 9).
Đức Giêsu gọi đó là “Điều răn của Thầy” và ngài truyền dạy “Hãy yêu thương nhau như Thầy”.
Một chút tâm tình…
Kết thúc bài diễn từ “cây nho thật” Đức Giêsu nói “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau ”. “Hãy yêu thương nhau”,. Vâng, đây là một lệnh truyền.
“Ai không yêu thương”, tông đồ Gioan nói, người ấy “không biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 8). Có thể nói ngược lại chăng ! Không biết Thiên Chúa – không thể yêu thương…
Đúng như vậy. Hãy nhìn xem, trong một xã hội người ta hô hào “Thiên Chúa chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người” như xã hội chúng ta đang sống hôm nay, điều gì đã và đang xảy ra !?
Thưa rằng, tình yêu thương như là một thứ xa xỉ, như bị đóng băng. Tội ác mỗi ngày một gia tăng. Vâng, xin phép không liệt kê nơi đây.
Là một Kitô hữu, không ai được phép từ chối thực thi lệnh truyền này. Và cũng đừng để từ ngữ hãy-yêu-thương-nhau ngày một lạ lẫm , ngày một xa cách với chúng ta.
Hành động chạnh-lòng-thương-xót của người Samaria nhân hậu trước nạn nhân bị cướp đánh đập giữa đường – không tránh qua lối khác mà đi – nhưng đã đứng lại cứu giúp, phải là tấm gương mẫu mực cho mỗi chúng ta.
Và có lẽ, là Kitô hữu, không ai trong chúng ta muốn “thủ vai” ông nhà giàu trong câu chuyện “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó”.
“Hãy yêu thương nhau”. Vâng, thật giản dị “Đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (Hc 4 : 31). Đó cũng là điều thánh Phaolô khuyên : “Cho có phúc hơn nhận”.
Một blogger trẻ có thơ rằng: “Kinh Thánh dạy một tình yêu thuần khiết; Là tình yêu không vị lợi cho mình. Là thực hành một nghĩa vụ thiêng liêng, Để ánh sáng Tin Mừng soi… thế giới” (nguồn : internet).
Phải chăng những lời thơ trên gợi cho chúng ta nhớ tới lời Đức Giêsu đã nói : “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái…”( Ga 15, 16).
Khi chúng ta sinh nhiều hoa trái, hoa trái “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy sự chân thật…”(1Cor 13, 4-6). v.v…
Vâng, những hoa trái đó chính là cầu nối để chúng ta “Yêu thương nhau như Thầy”.
Một phút suy tư…
“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Một số người nghĩ rằng lệnh truyền này khó thực hiện.
Thật ra không nhất thiết chúng ta phải “hy sinh mạng sống mình” như trường hợp linh mục Maximiliano Kolbe tình nguyện chết thay cho một bạn tù, thì mới được coi là làm trọn lệnh truyền trên.
Chỉ cần thực thi môt trong những hoa trái nêu trên cũng là phương cách chúng ta “yêu thương nhau như Thầy”.
Ví dụ, trong phạm vi gia đình, một người chồng, nếu tâm hồn luôn coi việc “không làm điều bất chính” là điều chân chính, chắc chắn chàng ta sẽ chẳng bao giờ dám nói rằng “vợ cả, vợ hai… cả hai đều là vợ cả”.
Nới rộng ra trong phạm vi cộng đoàn, chỉ cần mỗi thành viên mặc lấy tinh thần “không vênh vang, không tự đắc, không tìm tư lợi, không nóng giận…”, vâng, nếu có được tất cả hoa trái đó, ai dám nói cộng đoàn đó không có tình yêu thương !
Những hoa trái tình yêu, tông đồ Phaolô gọi là “đức mến”. Một lần nữa xin mượn đôi lời thơ của một blogger để khép lại phần suy tư, thơ rằng “Mọi năng tài sẽ đi vào… mai một, Trên đời này chỉ tồn tại ba điều: Là đức tin, hy vọng, và tình yêu. Nhưng tình yêu được kể là trọng nhất!” (nguồn : internet)
Tình Yêu làm sao không được kể là trọng nhất cho được. Bởi vì “tình yêu” chính là điều răn của Chúa, và đó cũng là lệnh truyền của Ngài “Hãy yêu thương nhau như Thầy”.
Petrus. tran
…….
(1) nhạc Trúc Phương.
(2) thơ Xuân Diệu.
(3) Luận ngữ.