Chỉ là những tháng ngày lánh riêng…

 

Chỉ là những tháng ngày lánh riêng…Trong gần hai tháng vừa qua, Việt Nam đang phải gồng mình trước thảm cảnh dịch bệnh Corona Virus mỗi ngày một bùng phát mạnh. Nhiều tỉnh thành đã bị lây nhiễm. Nhiều quận huyện đã trở thành ổ dịch. Và đó là lý do chính phủ đã phải ban hành nhiều chỉ thị để giãn cách xã hội. Nhiều cá nhân đã phải cách ly tập trung. Nhiều phường xã đã bị phong tỏa. Tất nhiên, đó là biệt pháp tốt, tốt cho việc khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, nó cũng đem lại đôi chút sự u buồn.

Buồn vì phải hạn chế đi lại. Buồn vì mất một số thói quen hằng ngày, như uống cà phê ngoài quán, đi shopping, đi làm nail, đi thẩm mỹ và nhất là “đi nhà thờ” v.v… Có thể nói, nỗi buồn này dẫn đến nhiều nỗi buồn khác. Nếu kể ra đây, chắc hẳn phải tốn đến vài trang giấy.

Nếu… nếu có kể, đó là nên kể đôi chút cái “kết quả” mà nỗi buồn đem tới. Vâng, kết quả là đã có người bị trầm cảm, đã có người bị tâm thần và đã có người tự vẫn.

Là một Ki-tô hữu, làm thế nào để chúng ta không bị trầm cảm, không bị tâm thần hay tệ đến nỗi nghĩ đến tự vẫn, khi phải đối diện với những nỗi buồn do bị cách ly hoặc bị giãn cách?

Thưa, không gì tốt hơn là hãy nhìn Đức Giê-su như là mẫu mực cho chúng ta noi theo. Thật vậy, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, dù phải đối diện với rất nhiều áp lực từ chính quyền La-mã, cũng như giáo quyền Do Thái. Dù phải đối diện trước những phút giây của phản bội, của bắt bớ, của chết chóc… Đức Giêsu vẫn vượt qua được những áp lực đó. Vượt qua được, chính là nhờ Ngài đã có những phút giây tĩnh lặng của tâm hồn, trong một nơi thanh vắng và luôn nguyện cầu. Kinh nghiệm này đã được Đức Giê-su truyền dạy cho các môn đệ.

Thật vậy, theo Tin Mừng Mác-cô ghi lại thì, một ngày nọ, sau những ngày nhận “bài sai” ra đi khắp thôn làng rao giảng Tin Mừng, mười hai người môn đệ trở về “tụ họp chung quanh Đức Giêsu”. Các ông thay nhau “kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy”.

Sau khi nghe lời tường trình của các môn đệ, Đức Giê-su nói gì nhỉ!  Thưa, Ngài khuyên các ông rằng, “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút.”

Đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi ư! Tại sao lại là thế! Thưa, vì “kẻ lui người tới quá đông,  nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa”.

Hơn nữa, khuyên các môn đệ vào nơi thanh vắng, là bởi, theo quan niệm Do Thái giáo, đó là nơi, “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa” và “Thiên Chúa tỏ ra gần gũi với dân Người”. Mà, các môn đệ, trong vai trò là một “nhà truyền giáo”, có lý nào lại không truyền dạy các ông vào nơi thanh vắng để “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa”!

Thế nên, hôm đó Đức Giê-su đã cùng với các môn đệ “xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”. Vâng, tất cả diễn biến (nêu trên) được ghi lại trong Tin Mừng Mác-cô.(Mc 6, 30-34)

Lm. Charles E.Miller, sau khi đọc trích đoạn bài Tin Mừng này, ngài có lời chia sẻ, rằng: “Hầu như ai cũng công nhận là cần thiết phải có một sự cân bằng trong cuộc sống. Một kẻ hướng ngoại, vốn thích ra trước đám đông, đôi lúc cũng mong được một mình trong tĩnh lặng. Còn người sống nội tâm tuy chuộng những giờ phút đơn độc, thỉnh thoảng cũng phấn khích được hòa mình trong đám đông cuồng nhiệt”.

Và rồi, ngài Charles kết luận: “Chúa Giê-su cho ta một điển hình về sự cân bằng cần thiết cho cuộc sống thiêng liêng của chúng ta. Người có thói quen đến hội đường mỗi ngày sa-bát để tham gia vào việc phụng tự cộng đồng… Chúa Giê-su cũng hay đi ra một mình để cầu nguyện thâu đêm với Chúa Cha”.

Lời chia sẻ của ngài Charles phản ảnh đúng như những gì thánh sử Mác-cô ghi lại. Hôm ấy, Đức Giê-su đã “cân bằng cuộc sống thiêng liêng” không chỉ cho Ngài nhưng còn cho cả các môn đệ của mình.

Sự cân bằng đó được minh chứng khi Thầy và trò “ra khỏi thuyền”, và “thấy một đám người rất đông”… Vâng, đám người này khi “thấy Ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.”

Hôm ấy, khi nhìn thấy họ, Đức Giê-su “chạnh lòng thương”, một cử chỉ chứng minh “Thiên Chúa tỏ ra gần gũi với dân Người”.Và cuối cùng, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ biết “tận dụng mọi cơ hội”, dù đó là cơ hội nghỉ ngơi, để “biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50, 4).

Thì đây, thánh sử Mác-cô cho biết, Đức Giê-su đã “dạy dỗ họ nhiều điều”. Vâng, tuy ngài Mác-cô không nói rõ Đức Giê-su đã dạy gì, nhưng chúng ta có thể tin, Ngài đã dạy họ phải biết vào “nơi hoang vắng và cầu nguyện”.

 

Như dân Do Thái xưa, ngày nay, chúng ta cũng thích “cùng nhau theo đường bộ chạy đến” nơi đền thánh này, đền thánh nọ hầu biểu lộ lòng tin của mình.

Điều này không có gì sai trái. Và cũng chẳng ai cấm đoán. Tuy nhiên, phải cẩn thận và dè chừng, bởi những cuộc “theo đường bộ chạy đến” mà ngày nay chúng ta gọi là “hành hương”, có vẻ như ngày càng bị trần tục hóa, trần tục hóa bởi một rổ danh từ, đại loại như “hành hương tâm linh” hoặc “du lịch tâm linh” v.v… Vâng, có một ít nơi rất là trần tục hóa, trần tục hóa qua việc “buôn thần bán thánh”. Mà, những nơi bị trần tục hóa thì làm sao chúng ta gặp được Đức Giê-su!

Xưa, Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ “lánh riêng ra đến một nơi thánh vắng”. Và, hôm nay có phần chắc Ngài cũng sẽ truyền cho chúng ta như thế. Vì đó chính là nơi 100% chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa.

Thế nên, chúng ta đừng bỏ qua lời khuyên của  Lm. Charles E. Miller, khuyên rằng: “Đôi lúc ta cũng phải ra nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình với Chúa Giê-su trong yên lặng và tĩnh tâm. Ta cần có dịp cầu nguyện theo cách ý riêng của mình”.

Trong “yên lặng và tĩnh tâm” chúng ta mới có thể gặp gỡ Đức Giê-su, và khi đã gặp gỡ Ngài,  chúng ta mới có thể “trở nên những người ở gần Chúa”. Thánh Phao-lô, qua thư gửi tín hữu ở Ê-phê-sô, có lời chia sẻ với nội dung gần như thế. “Trước kia, anh  em là những người ở xa, nhưng nay trong Đức Ki-tô Giê-su… anh  em đã trở nên những người ở gần”(Ep 2, 13)

Là những người ở xa… nay trong Đức Ki-tô Giê-su… trở nên những người ở gần… có khác gì vào nơi thanh vắng cầu nguyện  với Chúa và được gặp gỡ Đức Ki-tô Giê-su!

Samuel,  hẳn chúng ta còn nhớ, trong tĩnh lặng của đêm khuya, ông ta đã gặp gỡ và nghe được lời Đức Chúa gọi: “Samuel! Samuel!”. Cuối cùng, là vua David, David đã nhận được lời truyền dạy của Thiên Chúa, truyền rằng: “Hãy dừng lại trong thinh lặng và chúng con sẽ nhận biết Ta là Thiên Chúa” (x.Tv 45,11).

Vua David cảm nghiệm được lời truyền từ Thiên Chúa, và ông ta thưa với Đức Chúa rằng: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (x.Tv 90, 12) Thật… thật khôn ngoan khi hôm nay chúng ta cũng có lời cầu nguyện như thế.

Thật khôn ngoan khi hôm nay chúng ta có lời nguyện rằng: Xin dạy chúng con đếm tháng ngày bị cách ly, bị phong tỏa, bị giãn cách xã hội, ngõ hầu tâm trí được hiểu rằng, đó như là lời Chúa truyền dạy chúng con, rằng: “hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng”.

Thật khôn ngoan khi chúng ta tin rằng, nếu xưa kia Đức Giê-su đã “xuống thuyền” cùng đi với các môn đệ, thì hôm nay, Ngài cũng sẽ xuống thuyền, con-thuyền-cuộc-đời (của chúng ta) cùng đi với chúng ta.

Thế nên, chúng ta chớ run sợ, chớ kinh khủng khi phải ngồi đếm những tháng ngày, những tháng ngày mà chúng ta không mong muốn, của hôm nay. Bởi vì, Đức Giê-su cùng đi lánh riêng với chúng ta.  Và đó là lý do chúng ta hãy xem những tháng ngày này, chỉ là những tháng ngày chúng ta lánh-riêng-ra-một-nơi-thanh-vắng, mà thôi. Vâng, chỉ là “những tháng ngày lánh riêng”.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận