Hãy “ngồi thành từng nhóm” trong nhà thờ

 

Hãy “ngồi thành từng nhóm” trong nhà thờ“Thiên Chúa là tình yêu”,  tông đồ Gio-an nói tiếp: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (x.1Ga 4, 9-10).

Kinh Thánh nói rất nhiều về tình yêu của Thiên Chúa, một thứ tình yêu (luôn) đi bước trước. Mà, thật vậy, khi Đức Giê-su xuống thế làm người,  Ngài thể hiện thứ  tình yêu đó một cách ngoạn mục, và đã gây chấn động khắp Giê-ru-sa-lem cùng những vùng phụ cận. Câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều” được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca, như một điển hình.

Vâng, theo lời thánh Luca thuật lại, thì: chuyện xảy ra tại một thành kia gọi là Bết-xai-đa. Hôm ấy, Đức Giê-su cùng với nhóm Mười Hai âm thầm  trở về nơi ngôi thành đó.

Trở về trong âm thầm, thế mà không rõ vì sao dân chúng lại biết đến. Thế là người này rỉ tai người kia, và kết quả là có rất đông người “liền đi theo Người”.

Trước sự nhiệt tình của dân chúng, Đức Giê-su tiếp đón họ. Và, chương trình tiếp đón được mở đầu bằng những lời giảng dạy về “Nước Thiên Chúa”. Kế đến, Ngài đã “chữa lành những ai cần được chữa” (x.Lc 9, 11)

Như người ta thường nói vui: “Hết ngày dài rồi lại đêm thâu. Chúng ta đi leo núi Phi Châu”. Thế nhưng, hôm ấy tại Bết-xai-đa, mặc cho “ngày đã  bắt đầu tàn”, nhưng đám đông dân chúng không ai bận tâm đến chuyện “đi leo núi Phi Châu”, họ vẫn cứ thản nhiên quây quần bên Đức Giê-su. Chính vì lý do đó, các môn đệ của Đức Giê-su bắt đầu lo lắng.

Họ lo lắng về điều gì? Thưa, đó là vấn đề ẩm thực. Chính vì việc lo ngại dân chúng sẽ ăn gì và ngủ nghỉ ra sao, Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa (với) Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”.

Đức Giê-su có chấp thuận những lời hiến kế của các môn đệ? Thưa, không chấp nhận. Hôm ấy, khi các ông dứt lời, thì Đức Giêsu nói một cách quyết liệt rằng: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13).

Nghe thế, các ông (tranh nhau) đáp: “Chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”.  Cả đám dân này “có tới chừng năm ngàn (người) đàn ông”, Thầy ơi!

Mặc cho các môn đệ lúng túng vì số lương thực quá ít ỏi, mà người thì đông, Đức Giê-su vẫn bình thản truyền lệnh: “Anh  em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”.

Các ông có vâng lệnh truyền của Đức Giê-su? Thưa có. Chuyện kể rằng: “Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống”. Thế rồi, Đức Giê-su: “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9, 16).

Thật kinh ngạc, phép lạ đã xảy ra. “Mọi người đều ăn, và ai nấy đều no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng”.

Vâng, “người ta thu lại được mười hai thúng”, một dấu chỉ nói về một Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, là một Thiên Chúa luôn đi bước trước: “đến là để chiên được sống và sống dồi dào”.

Phải chăng Đức Giêsu dùng quyền phép mình, hóa năm chiếc bánh và hai con cá, nuôi năm ngàn người chỉ với ý nghĩ là để cứu họ trên lãnh vực “thuộc thể”! Thưa, nếu chỉ có thế, thì phép lạ này, sau hơn hai ngàn năm, đã đi vào quên lãng.

Thật vậy, theo thánh Gio-an kể lại, đã có lần Đức Giê-su khiển trách một số người tìm đến Ngài chỉ để “được ăn bánh no nê”. Sau lời khiển trách ấy,  Đức Giê-su đã gửi đến họ một thông điệp, thông điệp rằng: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương hực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh…” (x. Ga 7, 27)

Vâng,  nếu Đức Giê-su làm phép lạ chỉ để “cứu đói” cho năm ngàn người ăn, thì cũng chẳng khác gì phép lạ manna xưa thời Mosê, dân chúng “đã ăn… và đã chết”.

Chúng ta đừng quên, bốn mươi ngày trong hoang địa, ăn chay và cầu nguyện, sau đó là cảm thấy đói, thế nhưng, Đức Giê-su vẫn không bị Satan cám dỗ về cái ăn.

Trái lại, Ngài đã cho tên cám dỗ thấy (và bây giờ là mỗi chúng ta), thiếu ăn phần thuộc thể không quan trọng bằng thiếu ăn phần thuộc linh. Thế nên, đáp trả lời cám dỗ của Satan, Ngài đã nói rằng: “Đã có lời chép rằng: Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Đức Giêsu, khi thực hiện phép lạ này, Ngài như muốn chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ, để sau này ngay tại bàn tiệc trong lễ Vượt Qua, các ông hiểu được ý nghĩa của việc “hóa Bánh” một tấm bánh mang đến sự sống đời đời.

Thật vậy, tại bữa tiệc Vượt Qua, cũng vẫn là những cử chỉ quen thuộc. Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy…” (Mt 26, 26).

Giờ đây, bánh không còn là bánh nữa. Nhưng là “Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Cũng vậy, rượu không còn là rượu. Nhưng là “Máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội”. Một Giao Ước mới được lập ra. “Cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (x.Lc 22,18).

Và đó là lý do, hôm nay, toàn thể Giáo Hội cử hành Thánh Lễ mừng kính trọng thể Mình Máu Chúa Ki-tô.

Khi cử hành Thánh Lễ mừng kính trọng thể Mình Máu Chúa Ki-tô, Giáo Hội đã tuân theo lời truyền dạy của Đức Giê-su rằng “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”.

“Khi cử hành Thánh Lễ mừng kính trọng thể Mình Máu Chúa Ki-tô”, Lm Giu-se Đinh Lập Liễm chia sẻ: “Giáo Hội đã tái diễn và làm sống lại Thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Chính Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54-55). Ngay cả khi Đức Giêsu biết rõ ràng, rằng: Khi Ngài nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi. Ngài vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Đức Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.”

Vâng, rất quan trọng và rất cần thiết cho đời sống của mỗi Ki-tô hữu chúng ta. Bởi Mình Máu Chúa Ki-tô chính là bảo chứng cho “sự sống đời đời” của chúng ta.

Thế nên, hãy để một phút hồi âm và tự hỏi, sau bao nhiêu năm “cầm lấy mà ăn”, chúng ta đã thực sự “được no nê”? (tất nhiên là no nê phần thuộc linh). Và, một câu hỏi nữa, sau bao nhiêu năm, đón nhận Mình Máu Chúa Ki-tô vào tâm hồn mình, chúng ta có trở nên “đồng hình, đồng dạng” như Ngài?

Tại sao phải tự đặt cho mình câu hỏi như thế? Thưa, là bởi, nếu chúng ta không cảm thấy “no nê”, điều ấy có nghĩa là, chúng ta vẫn chỉ là một Ki-tô hữu chưa trưởng thành, “lùn tâm linh, thiểu năng tâm hồn”.   Mà, một con người thiểu năng tâm hồn cũng như lùn tâm linh, có phần chắc, xã hội cũng như Giáo Hội, chỉ rặt những con người, những con người theo “chủ nghĩa mackeno”, sống chết mặc bay – tiền thầy bỏ túi.

Nếu chúng ta không trở nên “đồng hình, đồng dạng” như Đức Giê-su, điều ấy có nghĩa là, chúng ta là những Ki-tô hữu giả.

Làm thế nào để biết chúng ta  được no nê và đồng hình đồng dạng như Đức Giê-su? Thưa, về điều này, Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời. Vâng, Ngài đã trả lời rằng: “Xem quả biết cây”.

Đúng vậy. Nếu cuộc sống hằng ngày của chúng ta là một cuộc sống đem lại kết “quả” cho người khác sự công bằng,  những lời chân thật, tình yêu thương,  điều đó chứng tỏ chúng ta đã được no nê và đồng hình đồng dạng như Đức Giê-su.

Nếu cuộc sống hằng ngày của chúng ta là một cuộc sống tạo ra những kết “quả” ngọt ngào, những quả ngọt ngào của sự hiền hòa, khiêm nhường, những quả ngọt ngào của sự trung tín, tiết độ, do chúng ta đem lại, điều đó chứng tỏ chúng ta đã được no nê và đồng hình đồng dạng như Đức Giê-su.

Cuối cùng, và là điều rất quan trọng, đó là chúng ta có nghe lời các tông đồ (mà ngày nay được gọi là linh mục),  “ngồi thành từng nhóm”, tất nhiên là không phải là ngồi ở “thành kia gọi là Bết-xai-đa”, nhưng là ngồi trong một ngôi giáo đường nào đó, để các ngài (linh mục) “dọn ra cho chúng ta”, nói rõ hơn, “dọn ra  Mình Máu Chúa Ki-tô”, cho chúng ta được ăn, và ai nấy được no nê?

Không phải là toán học, nhưng chúng ta có thể nói rằng: điều kiện ắt có và đủ để chúng ta được  no nê và đồng hình đồng dạng như Đức Giê-su, đó là đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội “ngồi thành từng nhóm” trong nhà thờ vào ngày Chúa Nhật.

Vâng,  chúng ta phải “ngồi thành từng nhóm” trong nhà thờ, mà thôi.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận