Cn 07 A : Tha thứ để được thứ tha …
“Cái tát mạnh đến nỗi mãi mười ba năm sau tôi mới gượng dậy được. Quả nhiên đó không phải là một cái tát bình thường, và để giáng cái tát đó vào mặt tôi, họ đã xúm lại khá đông…” (trích đoạn tác phẩm : Papillon – Người tù khổ sai).
“Cái tát” đó chính là bản án khổ sai chung thân dành cho Herry Charrière vì tội giết người; căn cứ vào lời khai của một nhân chứng đã được cảnh sát “mớm” cung.
Herry Charrière với biệt danh là “Papillon”; quyết chí chuẩn bị vượt ngục ngay từ khi bị tống giam. Anh quyết chí tìm mọi cách thoát ra khỏi trại khổ sai để trả thù.
Papillon đã thuật lại trong cuốn tự truyện của mình rằng; ông rất oán hận lão biện lý kết tội oan cho ông thấu đến tận xương ! Rằng ông căm thù tên ma cô làm chứng gian đến tận tủy… Ông chỉ mong thoát khỏi ngục tù để xử tội hai tên khốn kiếp này.
Trong phòng biệt giam; Papillon đã vẽ trong trí tưởng tượng của mình những hình thức trả thù; chậm chạp nhưng hoàn hảo; để khiến cho những kẻ hại ông phải đau đớn gấp vạn lần nỗi đau mà ông đã hứng chịu trong ngục tù khổ sai.
Trả thù !Trả thù ! Đó là điều mà Papillon luôn nghĩ tới. Điều đó hiển nhiên; bởi người xưa; hay đúng hơn là luật Mose xưa có dạy rằng : “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng”(Xh 21,24).
……
Với Đức Giêsu; đó không phải là điều Ngài khuyến khích.
Khi bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng; Đức Giêsu đã làm cho nhiều người kinh ngạc về những gì Ngài đã giảng dạy. Họ đã phải bàn tán với nhau rằng : “Giáo lý thì mới mẻ. Người dạy lại có uy quyền”.
Thật vậy, những lời giảng dạy của Đức Giêsu đầy quyền uy. Qua Ngài; mọi người đã nhìn thấy hình ảnh một Thiên Chúa tràn đầy tình yêu thương; lòng bao dung và sự tha thứ. Qua Ngài, hình ảnh một Thiên Chúa “chậm giận và giàu lòng thương xót” tỏ lộ.
Tình yêu; lòng bao dung và sự tha thứ chính là một thứ giáo lý mới, một lề luật mới. Một lề luật với tên gọi mới : “luật mặc dù”…
Trên đỉnh núi cao; sau bài giảng tám mối phúc thật. Đức Giêsu đã kiện toàn lề luật mới với những lời công bố đầy quyền uy…
“Anh em đã nghe luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em rằng v.v…”
Vâng, Còn Thầy, Thầy bảo anh em rằng : măc dù ai đó “vả má bên phải” anh em…“Đừng chống cự”. Trái lại; “hãy giơ cả má bên trái ra nữa”.
Mặc dù ai đó không phải là người lân cận của ta… Vẫn cứ phải biểu lộ tình yêu thương đối với họ. Bởi vì luật của Thầy không phải là luật : “có qua có lại mới toại lòng nhau”…
Mặc dù ai đó là kẻ thù của ta… Thầy bảo anh em rằng: “Hãy yêu kẻ thù”. Hơn nữa; vẫn cứ phải “cầu nguyện” cho họ; cho dù họ “ngược đãi anh em”…
Một chút tâm tình…
“Hãy yêu kẻ thù”. Khi truyền dạy điều này; hẳn nhiên Đức Giêsu không hoan nghinh tội ác mà kẻ thù đã gây ra. Bằng chứng là trước dinh thượng hội đồng; Đức Giêsu; thay vì đưa tiếp má bên kia; Ngài đã phản ứng lại một cách mãnh liệt khi “một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Ngài” (Ga 18,…22).
Yêu-kẻ-thù không có nghĩa là “phớt lờ” trước bất công do kẻ thù gây ra. Lại càng không thể im lặng khiếp nhược trước bạo lực của kẻ thù. Cũng tại dinh thượng hội đồng, Đức Giêsu đã lên tiếng đáp trả lại bạo lực rằng : “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi” (Ga 18,23).
Dạy các môn đệ hãy yêu kẻ thù. Đức Giêsu muốn nói đến sự tha thứ. Sự tha thứ chính là chất xúc tác làm cho quên đi hận thù.
Một khi quên đi hận thù… Vâng, chắc hẳn rằng; chẳng ai còn cần thiết đến gặp kẻ thù để đòi cho được “mắt đền mắt, răng đền răng”…
Một khi đã quên đi hận thù… Vâng, sẽ được ích gì khi đòi “mạng đền mạng”. Hơn nữa; khi đã không còn hận thù “giết người đi thì ta ở với ai” !?
Nói tắt một lời; “yêu kẻ thù” chính là tha thứ kẻ thù. Không chỉ tha một lần mà là; theo lời dạy của Đức Giêsu; phải tha “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).
Có nghĩa là phải tha thứ suốt cả cuộc đời mình… Cho tới chết…
Một phút suy tư…
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Lời truyền dạy này phải chăng cũng là lời truyền dạy cho mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay !?
Đúng vậy. Đã là một Kitô hữu; chúng ta phải thực thi lời truyền dạy này. Có như vậy; Đức Giêsu nói : “Anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”.(Mt 5,45).
Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyện-Văn-Thuận khi ở trong ngục tù đã nói với những người giam giữ Ngài rằng : “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy; tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.
Đức Giêsu; trên thập giá tại đồi Golgotha ; Ngài đã yêu kẻ thù bằng sự tha thứ với lời cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, xin tha cho họ”.
Có quá khó để mà thực thi lời truyền dạy này !? Thưa không…
Một khi tâm hồn ta có “lòng xót thương người”; chúng ta sẽ không ngần ngại mà từ bỏ ý nghĩ trả thù.
Một khi tâm hồn ta ấp ủ “xây dựng hòa bình”. Vâng, chúng ta sẽ không ngần ngại để mà sẵn sàng “tha thứ”.
Sau khi đào thoát tới đảo Curacao . Papillon đã gặp vị Giám Mục Iréné de Bruyne và nhận được lời khuyên rằng : “Con phải là một vị cứu tinh cho những người khác, chứ không phải là một người sống để làm hại người khác. Dù con có đủ lý do để làm điều ác (trả thù) một cách công bằng”.
Và trước đó; khi còn bị giam ở nhà tù Conciergerie. Sau khi Papillon kể lại nỗi oan ức và ý định trả thù. Vị Linh mục tuyên úy của nhà giam cũng đã nói với Papillon rằng : “Con hãy tha thứ cho những kẻ đã làm con đau khổ đến như vậy”. Ngài còn nói tiếp rằng : “Rồi sau này; con sẽ từ bỏ ý định trừng phạt và trả thù”.
Herry Charrièe đã viết trong cuốn tự truyện của ông rằng : “Ba mươi bốn năm sau; tôi đã nghĩ đúng như ông linh mục nói”…
Hãy nhớ rằng; thánh Phanxico Assisi cũng đã nói : “chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.
Chỉ khi chúng ta biết “tha thứ cho những người có lỗi với chúng ta” như Chúa đã “tha thứ cho chúng ta”. Vâng, chỉ khi đó; chúng ta mới có thể “trở nên hoàn thiện, như Cha (chúng ta) trên trời là Đấng hoàn thiện”
Là một Kitô hữu; hôm nay, chúng ta sẵn sàng đón nhận lời truyền dạy của Đức Giêsu như là chân lý cho cuộc sống đức tin của mình !? Hay là phải đợi đến “ba mươi bốn năm sau…”
petrus.tran