Chúng ta phải sinh hoa trái…

 

Chúng ta phải sinh hoa trái…Trong  Phúc Âm Gio-an, tác giả có viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người, Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người, Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”.

Vâng, với những người am tường Kinh Thánh, đoạn Tin Mừng này không khó để hiểu rằng: Ngôi Lời chính là Đức Giê-su, một Giê-su đến thế gian, nhưng thế gian không nhận biết, cũng như “chẳng chịu” đón nhận Người.

Trong ba năm thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, quả thật là Đức Giê-su đã luôn phải đón nhận sự rẻ rúng, của người này người nọ. Đã có nơi, điển hình là tại Ghê-ra-sa, khi Ngài chữa một người bị quỷ ám bằng cách “cho phép chúng nhập vào những con heo”,  lập tức người dân địa phương thẳng thừng yêu cầu Ngài “rời khỏi  vùng đất của họ”.

Chẳng chịu đón nhận, hoặc coi thường, có thể nói, đó là chuyện xảy ra như “cơm bữa” đối với Đức Giê-su. Trước nan đề này, Ngài đã nhiều lần và bằng nhiều cách, khuyến cáo những con ngưới ấy. Câu chuyện dụ ngôn “những tá điền sát nhân”, được ghi trong Phúc Âm thánh Mát-thêu, như là một lời khuyến cáo điển hình.

Dụ ngôn được kể rằng: “Có gia chủ nhà kia trồng được một vườn nho,  chung quanh vườn ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi phương xa” (x.Mt 21, 33) Và rồi theo thời gian, khi “gần đến mùa hái nho”, chuyện kể tiếp rằng: “Ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi”.

Thu hoa lợi sao! Tất nhiên, vì đó là điều đương nhiên, đương nhiên của một ông chủ đã bỏ vốn đầu tư cho ngôi vườn của mình, rất hoàn hảo. Thế mà, nghĩ vậy mà không phải vậy… Hoa lợi đâu không thấy, chỉ thấy bọn tá điền như bày sói hung hãn hành hung đầy tớ của gia chủ.

Thánh sử Mát-thêu đã ghi rất chi tiết vụ hành hung như sau: “Bọn tá điền đến bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ” Với sự việc xấu như thế, nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Báo cho nhà chức trách ư! Có thể là vậy. Thế nhưng, với gia chủ vườn nho, ông đã không làm vậy. Ông ta làm gì? Thưa, thánh Mát-thêu cho biết: “ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước”.

Than ôi! tưởng rằng, với “số đông”, bọn tá điền sẽ không còn dám manh động, trái lại, bọn chúng “cũng xử với họ y như vậy”. Tới đây, lẽ ra gia chủ phải dùng vũ lực để trị đám tá điền bất nhân mới đúng. Thế mà, ông ta vẫn nhẫn nại. Chuyện kể rằng: “Ông sai chính con trai mình đến gặp chúng”. Vâng, ông nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta”.

Bọn tá điền có nể không? Thưa, không. Tại sao không? Thưa, theo chia sẻ của Lm Ansgar Phạm Tĩnh SDD, thì, “Họ muốn ăn trọn gói, muốn làm chủ và hưởng tất cả mọi hoa lợi của vườn nho. Chính lòng tham đã khiến cho họ trở thành những kẻ tàn ác và sát nhân. Bạn thấy có lý không? Bởi vì khi lòng tham nổi lên trong lòng con người ta, thì họ sẽ trở nên mù quáng, lòng tham sẽ khiến họ phạm những tội ác dã man không thể tưởng tượng được”.

Ngài Lm. này chia sẻ thêm: “Vì tham lam vườn nho của ông Na-vốt, hoàng hậu I-de-ven, vợ của vua A-kháp đã bày mưu lập kế vu oan cáo vạ cho ông Na-vốt tội nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua. Và ném đá cho chết” (x.1V 21, 9-10).

Quả thật, đúng là vì lòng tham, nên khi bọn tá điền “vừa thấy người con, thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó”. Và, bọn họ đã làm vậy. Bọn họ “bắt lấy cậu quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi”.

Vâng, với người Do Thái xưa, qua dụ ngôn này, có phần chắc họ hiểu được thông điệp mà Đức Giê-su muốn đưa ra.  Thì đây, thánh Mát-thêu có ghi lại phản ứng của những người đã nghe dụ ngôn này, rằng: “Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ”(x.Mt 22, 45)

Mà, đúng vậy, theo sự chú giải truyền thống, thì: “Những tá điền hung ác kia là ai? Họ là những thượng tế và kỳ lão được Thiên Chúa giao phó trách nhiệm chăm sóc vườn nho của Ngài; nhưng thay vì tìm cách mang hoa lợi về cho Ngài, họ lại muốn chiếm lấy vườn nho của Thiên Chúa làm của mình. Họ “đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác.” Ông chủ vườn nho sai hết nhóm đầy tớ này đến nhóm đầy tớ khác đông hơn, nhưng cũng xảy ra như thế. Cuối cùng, ông phải sai chính con trai thừa tự của mình đến với họ, may ra họ còn “một chút kính nể” chăng!

Nhưng họ “cũng bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết”. Đó là số phận của các ngôn sứ Thiên Chúa và là số phận của Con Một Thiên Chúa. Ông chủ kiên nhẫn, hiền lành, nhân hậu bao nhiêu, thì họ lại độc ác, lọc lừa, phản trắc bấy nhiêu. Sự yêu thương được đáp trả bằng sự phản bội!

Ông chủ vườn nho là hình ảnh Thiên Chúa nhân hậu, tha thứ và kiên nhẫn đợi chờ con người tìm được “một chút kính nể” mà hồi tâm trở về. Ngài không trừng phạt những kẻ chống đối Ngài nhưng kiên nhẫn đợi chờ con người sám hối sữa chữa lỗi lầm. Không nhận ra được lòng nhân từ của ông chủ, các tá điền đã giết chết những người đầy tớ này đến những người đầy tớ khác và ngay cả đến người con trai thừa tự.

Đó là thái độ cố chấp để sống trong con đường tội lỗi của chúng ta. Tội lỗi là sự bất tuân thánh ý của Thiên Chúa, cố ý đi theo con đường ý riêng của mình.”(nguồn: phaolomoi.net)

Kết thúc dụ ngôn, Đức Giêsu nói: “Kinh Thánh có câu: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta…  Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”. Vâng, qua thông điệp này, không quá khó để hiểu rằng, chúng ta (là một Ki-tô hữu), chính là “dân” được Thiên Chúa ban cho “Nước Thiên Chúa”.

Nói cách khác, hôm nay, chúng ta chính là “những người tá điền” của Thiên Chúa, những người tá điền được Thiên Chúa trao cho vườn nho –  “Vườn Nho Giáo hội”.  Trong ngôi vườn nho này, chúng ta có thể là tá điền trong vai trò là một “giám mục”. Có thể trong vai trò là một “linh mục – tu sĩ”. Có thể trong vai trò là một “ông chồng hoặc bà vợ… hoặc là anh chị em” v.v…

Có rất nhiều điều để nói đến những vai trò nêu trên. Nhưng, nên chăng, hôm nay chúng ta chỉ đề cập đến vai trò tá điền trong vườn nho gia đình?

Vâng, rất quan trọng. Trong vai trò là vợ hay chồng, ta sẽ chăm lo vun xới “vườn nho gia đình” bằng Thánh Kinh, Thánh Thể, Thánh Mẫu (kinh Mân Côi).. hầu đến mùa gặt, ta sẽ gặt hái được những trái nho ngon ngọt là  hạnh phúc với đàn con ngoan, là một tình yêu “yêu nhau chung sống trọn đời”!

Hay ta vun xới vườn nho gia đình mình theo ý riêng tư, theo “cái tôi” của mình, để rồi kết quả chỉ là gặt hái “những trái đắng” trái đắng của “ích kỷ, ghen tương, đố kỵ, kiêu căng, tự mãn, vô ơn bạc nghĩa”… và cuối cùng là “ly dị”!

Là tá điền được Chúa trao cho vườn nho của Ngài, nhiệm vụ của chúng ta là phải chăm sóc vườn nho để có được những trái nho ngọt trong vườn nho Giáo hội nói chung, và nơi vườn nho gia đình chúng ta, nói riêng. Đừng bao giờ để chúng ta trở thành những tá điền phá hoại hay muốn chiếm đoạt làm của riêng mình.

Đừng dại dội “giết chết” những đầy tớ của ông chủ vườn nho, đó là “chối bỏ ân huệ Chúa ban”, đó là khước từ những lời giáo huấn của Thiên Chúa cũng như của Giáo Hội, để chạy theo những chủ thuyết phù phiếm của thế gian, những chủ thuyết chỉ dẫn chúng ta đến “thung lũng âm u của nghi ngờ và chết chóc”.

Là một Ki-tô hữu, một cách nào đó, chúng ta đã là tá điền của Chúa, chúng ta đã được Chúa trao cho “Vườn Nho” của Ngài.nChúng ta đã làm được gì trên mảnh vườn đó? Chúng ta sẽ làm gì trên mảnh vườn đó? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, Thiên Chúa, là người trao vườn nho cho ta,  “(Người) trông mong nó thực hành điều chính trực… (Người) trông mong nó thực hành đức công bình” (x.Is 5, 7b). Nói tắt một lời, Thiên Chúa muốn chúng ta phải là “một dân biết làm cho… (ngôi vườn ấy) sinh hoa lợi”. (x.Mt 22, 43)

Thưa bạn, bạn đã nhận vườn nho Chúa trao, bao nhiêu năm rồi? Mười, mười lăm, hai mươi.. hay năm mươi năm? Chừng ấy năm… chẳng lẽ vẫn chưa sinh hoa trái sao? Là một Ki-tô hữu, là tá điền của Chúa, chúng ta phải “sinh hoa trái”.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận