Ông Gióp, một nhân vật trong Cựu Ước, nhận định rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”. Thật vậy, nói đến sự cám dỗ, đó là nan đề không ai trong chúng ta, lại không hơn một lần đối mặt. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo ta như đỉa đói. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.
Có những cơn cám dỗ tuy nhẹ nhàng, nhưng cũng đủ làm cho ta mất phương hướng, không biết đâu là bến bờ của chân lý và sự thật. Cũng có những cơn cám dỗ như một trận cuồng phong, lôi thẳng ta xuống tận cùng địa ngục. Trong nhiều nỗ lực, chúng ta cầu xin cho mình “khỏi sa chước cám dỗ”. Thế nhưng, với bản chất “yếu đuối”, ta trở nên nhu nhược, thế rồi, ta vấp ngã.
Đâu là phương thế để chế ngự cơn cám dỗ? Vâng, thánh Phaolô, với sự từng trải, ngài có lời đáp, rằng “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25). Tác giả sách Do Thái cũng mạnh mẽ xác quyết: “Bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (x.Dt 2, 18)
Thật vậy, khi còn tại thế, Đức Giê-su cũng không thoát khỏi những thử thách của sự cám dỗ. Qua những cơn cám dỗ đó, Ngài đã để lại cho hậu thế phương cách tốt nhất để chiến thắng cơn cám dỗ, và thánh Mát-thêu đã ghi lại tỉ mỉ những gì Đức Giê-su đã làm để vượt qua sự cám dỗ như sau:
Chuyện ghi lại rằng: hôm ấy, Đức Giê-su “được Thần Khí dẫn vào hoang địa”. Người vào hoang địa không phải để sống đời “ẩn tu” như Gio-an Tẩy Giả, nhưng là “để chịu quỷ cám dỗ”.
Quỷ hay còn gọi là “satan”, quả là có xuất hiện. Nó xuất hiện sau khi Đức Giê-su “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày”.
Đúng với biệt danh là “tên cám dỗ”, nó đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” Hóa bánh ư! Tại sao lại là hóa bánh? Thưa, là bởi, tên cám dỗ rất sành tâm lý con người, đói thì ăn và khát phải uống. Và, Đức Giê-su lúc đó “thấy đói”…
Vâng, là chúng ta, nếu có quyền phép, chắc hẳn ta sẽ trổ tài cho satan nể mặt, phải không, thưa quý vị! Thế nhưng, với Đức Giê-su, thật không may cho tên cám dỗ, Ngài không phải là kẻ “háu đói”… (như sự háu đói của Esau xưa, hậu quả là mất chức trưởng nam về tay Gia-cóp).
Hôm đó, rất tỉnh táo, Ngài đã lớn tiếng quát thẳng vào mặt satan rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Và, quả thật, chính nhờ vào “mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”, Đức Giê-su đã làm cho quỷ thất bại trong phi vụ cám dỗ thứ hai.
Ở phi vụ thứ hai, “quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ”. Rất xảo quyệt, y dùng ngay chính lời Kinh Thánh để lèo bịp Đức Giê-su. Y nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.
Đức Giê-su đã làm gì? Thưa, Ngài dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông”. Hôm ấy, Đức Giê-su dùng ngay “cây gậy” Kinh Thánh đập gãy lời thách thức đầy kiêu ngạo của satan, rằng: “Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.
Bị hai cú “rờ ve” bất ngờ, thế nhưng tên cám dỗ vẫn không nao núng. Nó tiếp tục cám dỗ Đức Giê-su. Lần này, Satan tung chiêu độc, y mang “quyền lực, danh vọng, vinh hoa lợi lộc”, làm mồi nhử. Nó nhử Đức Giê-su: “Nếu ông sấp mình bái lạy tôi… tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó…”
Sấp mình bái lạy Sa-tan sao! Ôi! đó là việc không tưởng. Đức Giêsu, người vừa mới được chính Thiên Chúa Cha xác nhận tại sông Giodan rằng: “Con là Con của Cha”. Con là Con của Cha… có lẽ nào lại từ chối thờ phượng Người.
Đáp lại lời mời mọc đầy quyến rũ, Đức Giê-su nói: “Satan kia, xéo đi. Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
Ba lần cám dỗ đều được sa-tan nguỵ trang kín đáo bằng những lời phỉnh nịnh “nếu ông là Con Thiên Chúa”. Ba lần cám dỗ satan lấp liếm bằng những trích đoạn kinh thánh rất tinh vi: “vì đã có lời chép rằng” v.v… và v.v… Tiếc thay, tất cả sự phô diễn đó đều không khuất phục được Đức Giê-su. Không khuất phục được, là bởi, Ngài có bửu bối “Thánh Kinh – Lời Chúa”.
Thật ra, Đức Giêsu không non-tay-ấn. Không dùng quyền phép “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh” là bởi, nếu có làm ra, thì thứ bánh đó “ăn rồi cũng chết”. Điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.
Thách thức Ngài đứng đây mà gieo mình xuống ư! Không, Đức Giêsu đến thế gian không phải để biểu diễn ảo thuật. Ngài đến để dạy “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Sa-tan đã lầm lẫn giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa và một màn biểu diễn hô biến nhuốm mùi “mãi võ Sơn Đông”. Đức Giêsu không sập bẫy trước chiêu “khích tướng” của Satan “nếu ông là Con Thiên Chúa”.
Đúng, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”. Vào hoang địa, Đức Giêsu mở trường “dạy Kinh Thánh”. Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã làm sáng tỏ đâu là chân lý, đâu chính “Là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.
Nói tắt một lời, qua những cơn cám dỗ đó, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một bài giáo huấn sâu sắc, rằng “Kinh Thánh – Lời Chúa” chính là vũ khí, là sức mạnh, là bửu bối, để con người “chế ngự cơn cám dỗ”.
Giống như thời ông Gióp, ngày nay chúng ta cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ liên lỉ. Khác một điều, satan thời @ ngày nay, cám dỗ con người tinh vi hơn xưa, xảo quyệt hơn xưa, rất nhiều. Thời buổi kinh tế khó khăn, muốn kế hoạch hóa gia đình ư! Cứ tự nhiên “hút điều hòa kinh nguyệt”, chứ nào có phải là “phá thai”!
Làm suốt cả tuần vẫn không đủ ăn ư! Thì cứ tự nhiên “tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa Nhật”, chứ nào có phải là vi phạm điều răn thứ ba! Hôm nay, thứ tư ăn chay kiêng thịt, thì ăn tôm hùm, chứ nào có phải là ta “mê ăn uống”? Toàn là những lời cám dỗ có cánh, đầy mỹ từ, rất thuyết phục.
Làm thế nào để nhận ra những lời cám dỗ, nhuốm giọng điệu lừa phỉnh này? Thưa, thánh Phao-lô có lời khuyên: “hãy cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa”.
Đúng vậy, nếu chúng ta nghe và tuân giữ lời Đức Giê-su truyền dạy: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, liệu chúng ta có “sa vào những chước cám dỗ” nêu trên!
Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: đời sống tâm linh của tôi, ngoài việc được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, có còn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa (Thánh Kinh)?” Nói cách khác, tôi đã có một quyển Kinh Thánh cho mình? Tôi có đọc Kinh Thánh mỗi ngày? Tôi có xem Kinh Thánh như là “ngọn đèn soi ta bước… là ánh sáng chỉ đường ta đi?”
Nếu có, hãy để “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (x.Rm, 10, 8). Bởi vì, khi “bửu bối Lời Chúa” ở gần chúng ta, ngay trên miệng chúng ta, ngay trong lòng chúng ta, bất cứ một tên cám dỗ nào bén mảng đến gần chúng ta, gươm-của-Thần-Khí sẽ giúp chúng ta “chế ngự cơn cám dỗ”.
Đừng chần chờ gỉ nữa, hãy có một quyển Kinh Thánh, như là quyển sách gối đầu giường của mình, ngay hôm nay, bạn nhé. Bởi vì, Lời Chúa chính là “bửu bối chế ngự cơn cám dỗ”.
Petrus.tran