Đâu là lời hy vọng mà Giáo hội trao tặng cho các gia đình ở Âu châu ngày hôm nay ? Giáo hội có một định nghĩa rất hay về gia đình, trích từ sách Giáo lý Hội thánh Công giáo : “Một người nam và một người nữ, kết hiệp với nhau bằng hôn nhân, với các con cái của họ, hình thành nên một gia đình” (§ 2202). Nhưng trong thế giới thực, các gia đình thể hiện dưới muôn vàn hình thức. Một số trong các gia đình này được xây nên từ những người không kết hôn. Có những gia đình chỉ có mẹ hoặc cha, những gia đình ly dị, gộp lại con cái từ những cha mẹ khác nhau, những gia đình không con cái, hay nhận con nuôi, những gia đình đồng tính. Mặt khác, lại còn những gia đình mà cha mẹ có những niềm tin khác nhau, hay một người có niềm tin, còn người kia thì không.
Cần phải thừa nhận rằng các gia đình đã thay đổi rất nhiều trong những thế kỷ qua. Gia đình hạt nhân hiện đại được tập trung trên tình yêu lãng mạn giữa hai người tự do cam kết với nhau , không phụ thuộc sự khác biệt về giai cấp và chủng tộc. Nhưng trong quá khứ, gia đình thường là kết quả của những khế ước được thương lượng để củng cố phe phái hay dòng họ. Đó là những mạng lưới rộng lớn bao gồm hàng trăm người. Mẫu thức thông thường của gia đình trong Giáo hội có phải là mẫu thức Kitô giáo, hay chỉ là một ý niệm hiện đại, tây phương và lãng mạn, hoặc đang trên đường biến mất ?
Giáo hội có thể nói gì với các gia đình này ? Nếu chúng ta bảo vệ lý tưởng của Giáo hội, tức là cặp hôn nhân trung thành cho đến chết, và mong ước có con cái, thì chúng ta có thể nói gì với đa số các gia đình hiện không còn phù hợp với mẫu thức này ? Phải chăng chỉ có những gia đình không mong muốn hay ít nhiều thất bại ? Hay liệu họ có phải trao tặng cho Giáo hội điều gì đó đặc biệt ? Họ có phải là phúc lành cho chúng ta không ?
Đức giáo hoàng Phanxicô đã triệu tập hai Thượng hội đồng Giám mục để trả lời cho những vấn nạn cấp thiết này. Tôi nóng lòng muốn biết ngài nói gì ! Tài liệu này sẽ được công bố trong 3 ngày nữa, vào ngày 8 tháng tư… . Chúng ta cùng cầu xin cho Đức giáo hoàng đồng ý với tôi ! Có lẽ tôi phải lập tức gởi bản văn này cho ngài để ngài có thể sử dụng !
Tôi sắp phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn : một bên là yêu thích gia đình lý tưởng, nói khác đi, là các cặp hôn nhân muốn có con cái. Tôi tin, đó là bối cảnh tốt nhất có thể, ở đó con người có thể triển nở và con cái lớn lên trong hạnh phúc; nếu chúng ta nhân nhượng trước lý tưởng này, những hệ quả đối với nhân loại có nguy cơ trở thành thảm họa. Mặt khác tôi cũng muốn làm nổi bật những gia đình khác, những gia đình chỉ có cha hay chỉ có mẹ, ly dị, tái hôn, v.v.v… Những gia đình này cũng có thể là những nơi của ân sủng. Họ cũng có thể trở thành những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa. Một tài liệu tuyệt vời, được các giám mục công giáo Hoa Kỳ công bố, Theo con đường tình yêu – Suivre le chemin de l’amour…, đã bàn đến những người có hôn nhân thất bại. Xin trích dẫn : “Có lẽ họ cho rằng gia đình của họ thì quá “ốm yếu” để có thể được sử dụng vào việc phục vụ những kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng, xin anh chị em hãy nhớ, một gia đình thánh thiện, không phải bởi vì gia đình ấy hoàn hảo, nhưng bởi vì ân sủng của Thiên Chúa đang hoạt động trong đó, giúp gia đình ấy ngày qua ngày giành lại con đường tình yêu. Mọi gia đình, dù dưới bất cứ hình thức nào, đều có thể là một món quà cho toàn Giáo hội”. Đây là thách đố chúng ta đối diện, tối hôm nay : hết lòng tôn trọng gia đình lý tưởng, đồng thời cũng quảng đại chấp nhận hết mọi gia đình, với tất cả những khác biệt của họ.
Chúng ta đi từ điểm khởi đầu. Chúng ta đọc trong sách Sáng Thế rằng:“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ”(1, 27). Hình ảnh của Thiên Chúa, đó là cặp nam- nữ. Trong chính những mối tương quan của chúng ta, chúng ta là dấu chỉ của cộng đoàn Ba Ngôi. Truyền thống Do thái Kitô giáo luôn phản đối chủ nghĩa cá nhân của xã hội Tây phương hiện đại. Xin tha lỗi cho tôi nếu tôi có bắt đầu bằng một người Pháp, mà người Anh thì lại thích châm chọc người Pháp. Descartes đã có công thức nổi tiếng: “cogito ergo sum”(tôi suy tư nên tôi hiện hữu). Sự hiện hữu của tôi bén rễ trong ý thức chủ quan về cái tôi của tôi. Điều thật sự tạo nên tiền giả định tiêu biểu của thời hiện đại, đó là trước khi là một hữu thể xã hội, tôi là một cá nhân riêng tư. Nếu tôi thắt nối những tình cảm bè bạn hay kết hôn với X, “người tôi là” về căn bản vẫn không có gì thay đổi. Chính Timothy có thể thắt nối hay cắt đứt tình bạn, kết hôn hay ly dị, bởi vì nói cho cùng, tôi là một cá thể đơn độc, đứng bên lề mọi mối tương quan.
Nhưng đối với truyền thống Do thái Kitô giáo, điều ấy không là chi hết. “Chúng ta là, vì thế tôi là”. Summus ergo sum. Nơi những người Zoulous, khi gặp ai đó, họ nói : “Tôi ở đó để được nhìn thấy”. Và người kia trả lời : “Tôi đã thấy anh”, Sawubona. Charles Taylor, triết gia Cadana, xem như đó chính là tâm tình tôi phải có để trở nên vô hình, không được ai biết đến, loại tâm tình sản sinh ra hầu như mọi hình thức bạo lực và chiến tranh. Châu Âu hiện đại có hàng triệu con người cảm thấy mình vô hình, và tự hỏi mình có thực sự hiện hữu không.
Chủ nghĩa cá nhân ở Tây phương thực sự có giá trị và chân lý của nó, bởi vì nó kháng cự cơn cám dỗ muốn nuốt chửng kẻ kia, đối với một bên trong một cặp đôi. Thánh Tôma Aquinô đã có lý khi viết rằng, “trong tình yêu, hai người trở nên một, nhưng vẫn phân biệt nhau”. Tình yêu lành mạnh ở tâm điểm của cuộc hôn nhân liên kết hai người có căn tính không thể tách biệt, tuy nhiên mỗi người vẫn còn là một nhân vị riêng biệt (personne individuelle) : dù thực tế hai người trở nên một, nhưng vẫn phân biệt.
Nhưng phải nói gì về các gia đình với những cặp nam nữ không kết hôn? Ở Pháp, 20% số gia đình chỉ có cha hoặc mẹ. Có lẽ là do hậu quả của cuộc ly dị, ly thân, hay cái chết. Hay có lẽ cha hoặc mẹ kia không được biết đến. Phải chăng những gia đình này là một quà tặng đặc biệt cho chúng ta ? Các giám mục Hoa Kỳ, trong tài liệu đã đề cập, Theo con đường tình yêu, nói với các bậc làm cha mẹ trong những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ : “Chúng tôi nhìn nhận lòng can đảm và sự cương quyết của những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ để nuôi dạy con cái, như gia đình anh chị em. Một cách nào đó, anh chị em đã thực thi ơn gọi của mình trong việc xây dựng gia đình, chăm sóc con cái, làm một công việc, và cáng đáng những trách nhiệm trong xóm làng và trong Giáo hội. Anh chị em thể hiện quyền lực của đức tin, sức mạnh của tình yêu, và sự chắc chắn rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta khi những hoàn cảnh làm cho người ta phải một mình đảm nhiệm chức năng làm cha mẹ”.
Vì thế chúng ta phải đón nhận giá trị của những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ bởi vì họ có điều gì đó đặc biệt để nói với chúng ta về lòng can đảm và sự bền vững của tình yêu. Có lẽ cần trở về với cha/mẹ đơn thân để trở nên cả cha và mẹ. Trong bức tranh nổi tiếng của Rembrandt, đứa con hoang đàng quì gối trước người cha của mình, người cha này có một bàn tay rất nam tính, bàn tay kia rất nữ tính ! Cha/mẹ đơn thân có điều gì dạy chúng ta về Thiên Chúa, Đấng vừa là Cha và là Mẹ của chúng ta. Có thể gắn kết với lý tưởng về cặp đôi mà tuyệt đối không hạ giá gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.
Thứ đến, trong trung tâm của nó, gia đình lý tưởng có một sự cam kết bền vững. Đó là dấu chỉ của sự hợp nhất của Đức Kitô với nhân loại trong Giáo hội. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Êphêxô : “Vì thế người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ, mà gắn bó với vợ mình, và cả hai cùng nên một thân thể. Mầu nhiệm này thật là cao cả ; Tôi muốn nói về Đức Kitô và Giáo hội” (Ep 5,31.32).
Một cặp nam nữ có sự can đảm điên rồ, cứ gọi là thế, khi dám hứa trung thành với nhau cho đến chết. Một tra cứu nhanh trên mạng Internet nói rằng là 55% các cuộc hôn nhân ở Pháp kết thúc bằng ly dị. Trước những đổ vỡ đó, tại sao người ta lại vẫn hứa trung thành với nhau? Người ta nghĩ rằng đôi khi sẽ hợp lý hơn nếu hứa cho một thời gian nào đó, rồi đều đặn đổi mới lại nếu muốn. Nhưng nhờ dấu chỉ về phẩm giá của chúng ta như là con cái của Thiên Chúa, mà chúng ta dám cam kết cho đến chết. Thiên Chúa đã hứa trung tín với chúng ta, và theo đó, chính chúng ta có thể hứa trung thành với nhau. Mỗi Thánh lễ, chúng ta nhắc lại rằng Đức Giêsu đã ban cho chúng ta “chén máu Người, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ được đổ ra vì chúng ta”. Mỗi lời hứa trong hôn nhân là dấu chỉ của “giao ước mới và vĩnh cửu này”.
Hầu như mọi cuộc hôn nhân đều trải qua những cơn khủng hoảng, trong đó người ta có cảm tưởng rằng mối tương quan đang trên bờ tan vỡ. Nhưng đó lại chẳng phải là điều đã xảy ra vào Bữa Tiệc Ly ? Đó là cơn khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử Giáo hội, thời điểm đen tối nhất, khi mà tất cả mọi người chuẩn bị chạy trốn, lúc Đức Giêsu sắp phải chịu đau khổ và chết. Cộng đoàn nhỏ bé của Người, tức là Giáo hội, có vẻ như không còn thấy tương lai. Và vì thế, chính trong cơn khủng hoảng này, cơn khủng hoảng sâu sắc nhất, mà Người thiết lập giao ước mới. “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em”. Thánh thể là dấu chỉ người ta vẫn có thể hy vọng, ngay cả khi dường như không có tương lai nào cho một cuộc hôn nhân, khi hôn nhân bị bào mòn bởi thất bại và phản bội.
Không có lý do gì để sợ hãi cơn khủng hoảng cùng với những người thân thiết nhất của chúng ta. Rất thường, chính khủng hoảng lại dẫn chúng ta đến sự đổi mới. Toàn bộ lịch sử Israel là lịch sử của những cơn khủng hoảng nối tiếp nhau. Trục xuất khỏi vườn địa đàng để bắt đầu, đại hồng thủy, tháp Babel, lưu đày, phá hủy Vương quốc và Đền thờ, và cuối cùng là Thập giá. Tất cả thường có vẻ như đang trên bờ vực tàn lụi. Nhưng từ cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác, Thiên Chúa tỏ ra gần gũi hơn.
Tất cả chúng ta đều biết đến khủng hoảng trong cuộc đời. Vấn đề là chúng có khả năng sinh hoa trái với ân sủng của Thiên Chúa không? Vì điều này, chúng ta ta dám hứa trung thành, thậm chí trong khi khủng hoảng đang diễn ra, chúng ta biết điều đó. Tôi nói điều này với các anh em Đa Minh ở Hoa Kỳ, và lập tức, họ tặng tôi một cái áo Tshirt với dòng chữ : “Chúc anh có cơn khủng hoảng tốt”. Than ôi, sau mấy lần giặt, nó có vẻ như co lại, và tôi không còn có thể chui đầu vào được nữa! Nghiêm túc hơn. Tại trung tâm cuộc cam kết giữa hai người, người ta tìm thấy lời tha thứ. Vào lúc đọc Kinh nguyện Thánh thể, chúng ta tưởng nhớ “máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Cặp đôi trung tín là chứng từ cho lời hứa tha thứ này.
Nhưng mọi cuộc hôn nhân không thể tồn tại trong cơn khủng hoảng này; chúng gãy đổ. Biết bao người, đầy tin tưởng và hy vọng, cưới nhau và hứa chung thủy, thế mà hôn nhân của họ không bền vững. Cũng vậy, nhiều linh mục và tu sĩ đáng kính đã tuyên khấn cho đến chết, usque ad mortem, nhưng đã hồi tục. Tuy nhiên, các lời khấn không vì thế mà mất đi ý nghĩa. Nếu chúng ta dám đọc nên lời hứa, thì đó không phải là chúng ta xác tín vào sức mạnh của mình, nhưng là chúng ta khao khát sống trung tín, vốn là tâm điểm của toàn bộ tình yêu. Tình yêu là một sự tham dự vào Thiên Chúa, Đấng trung tín với chúng ta mãi mãi ; mọi tình yêu đích thực đều khao khát sự vĩnh cửu. Thậm chí tình yêu của chúng ta có lụi tàn, có lẽ không có lỗi từ phía chúng ta, thì những lời khấn của chúng ta diễn tả điều gì đó đã là và đang là chân thật.
Lịch sử của mối tương quan yêu đương của Thiên Chúa với Israel chỉ cho thấy một Thiên Chúa luôn trung tín với chúng ta, ngay cả khi chúng ta không trung thành với Thiên Chúa. Đức Giêsu ký kết giao ước vĩnh cửu của Người với chúng ta vào chính lúc các môn đệ đang từ chối Người. Giuđa phản bội Người, và Phêrô sắp chối bỏ. Các môn đệ khác sắp phân tán. Cũng vậy, viên đá mà trên đó Giáo hội được xây dựng là Phêrô, người mà trước tiên là bất trung với Đức Giêsu, rồi, dần dần, học trung tín với lời của Người. Phêrô là dấu chỉ của niềm hy vọng cho tất cả chúng ta. Giáo hội là cộng đoàn của con cái Chúa, mà chúng ta là thành phần, ngay cả khi chúng ta vẫn thường bất trung với nhau và với Chúa.
Jean Paul Vesco, tu sĩ Đa Minh người Pháp, là giám mục địa phận Oran, Angeria. Trong cuốn sách nhỏ tuyệt vời, Tout Amour véritable est indissoluble – Mọi Tình Yêu đích thực thì bất khả phân ly, ngài khẳng định rằng những người có cuộc hôn nhân đầu tiên bất hạnh và những ai tái hôn có thể là dấu chỉ của niềm hy vọng cho Giáo hội. Hôn nhân của họ không tồn tại, có thể không hay ít do lỗi của họ. Tuy nhiên, họ thành công trong việc xây dựng lại và tìm thấy phương thế sống mới trong tình yêu. Xin trích dẫn: “Người ta không chỉ chọn việc tái hôn, người ta chọn tìm lại con đường sống sau một thất bại đau đớn của con người mà trong đó người ta có thể có một phần trách nhiệm”.
Thay vì nhìn những người tái hôn như những người Kitô hữu thứ cấp, chúng ta phải vui mừng vì sự thất bại đau đớn này đã không phá hủy họ. Với ân sủng của Thiên Chúa, họ đã tìm lại được tình yêu, và tình yêu thứ hai này có những cơ hội kéo dài và có được tính bất khả phân ly riêng của nó. Đối với Giáo hội, họ là dấu chỉ cho thấy đau khổ và sự tỉnh ngộ không phải là điều cuối cùng. Chúng ta phải xem họ như điều quý báu và quan trọng. Như tất cả chúng ta, họ cần đến phương dược là Thánh Thể. Chúng ta có thể niềm nở đón tiếp những người tái hôn, và tôn trọng bản cam kết thứ hai của họ, không phải vì thế mà hạ giá những cuộc hôn nhân bền vững. Trong truyền thống Chính thống giáo, người ta có thể chấp nhận và chúc lành cho những cuộc hôn nhân thứ hai, nhưng không trình bày chúng như những bí tích, xét như là dấu chỉ về cuộc hôn nhân giữa Đức Kitô và Giáo hội. Theo tôi, dường như đó là một con đường tốt để chúng ta đi theo.
Đôi vợ chồng giới thiệu đặc tính thứ ba, xứng đáng với một cuộc hội thảo, thậm chí là một cuốn sách. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ”(St 1,27). Chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa trong sự hiểu biết của chúng ta về sự khác biệt giới tính.
Các tài liệu chính thức của Giáo hội lặp lại rằng hôn nhân là sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ. Tôi tin điều đó. Nhưng vấn đề ở đây có điềi gì khác hơn với mối liên hệ đơn giản trong một cặp khác giới. Có những điều còn sâu sắc hơn nữa. Tôi không phải là nhà khoa học, nhưng tôi tin rằng người ta có thể ghi nhận sự sinh sản hữu tính (reproduction sexuelle) từ hơn một tỉ năm trước. Đó là một trong những động lực của sự tiến hóa. Toàn bộ sự sống phức tạp là kết quả của sự khác biệt giới tính. Đó cũng là một trong những cách thức chúng ta dùng để giới thiệu sự sáng tạo của Thiên Chúa.
Xã hội của chúng ta có khuynh hướng đánh giá thấp ý nghĩa của sự khác biệt giới tính. Có thể vì khuynh hướng Tây Phương làm cho chúng ta suy nghĩ rằng thực tế, chúng ta là những tinh thần. Descartes nói : “Cogito ergo sum. Tôi suy tư, nên tôi hiện hữu”. Hệ quả là: từ sâu thẳm nhất của chính tôi, tôi là tinh thần, và điều đó làm cho thân xác tôi không có tầm quan trọng to lớn. Nói khác đi, căn cước tính dục của tôi không còn quan trọng nữa. Tôi không là thân xác của tôi.
Nhưng thánh Đa Minh đã sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết cách nay 800 năm, để chống lại học thuyết của những người xứ Albi, những người khinh ghét thân xác và tin chắc rằng thân xác được dựng nên bởi một vị Thần dữ. Kitô giáo lại xác tín rằng thân xác là tốt lành. Phần lới giáo lý của Kitô giáo khẳng định sự tốt lành của thân xác. Lương thực thánh thiêng nhất của chúng ta là chính thân xác của Đức Kitô, và niềm hy vọng của chúng ta là sự phục sinh của thân xác. Vì vậy hoàn toàn tự nhiên, sự khác biệt giữa người nam và người nữ tỏ ra đẹp đẽ, thánh thiện và sống động. Điều này không có ý phủ nhận cuộc chiến can trường của những “người chuyển giới – transgendres”, như người ta nói, những người không cảm thấy thoải mái tự nhiên với căn cước giới tính họ đã được gán cho khi chào đời. Cũng chính họ là những người đòi hỏi sự nâng đỡ và tình thương của chúng ta.
Lý do thứ hai khiến tôi tin rằng sự khác biệt giữa người nam và người nữ bị đánh giá thấp trong xã hội chúng ta, là sự khác biệt này làm chúng ta sợ hãi. Theo Richard Sennet, vì sự bất bình đẳng gia tăng và một xã hội thay đổi trong đó người ta chuyển đổi nhanh chóng từ công việc này sang công việc khác, và từ nơi ở này sang ở nơi khác, nên chúng ta không học được nghệ thuật hòa nhập xã hội với những người khác biệt với chúng ta. Chúng ta phát triển một tinh thần bộ lạc (tribal) ở mức độ cao . Theo ông, chủ nghĩa bộ lạc (tribalisme) kết hợp với sự liên đới với những người giống chúng ta về thái độ cư xử hung hăng đối với những người khác chúng ta. Internet cho phép chúng ta thiết lập những mối liên hệ với những ai có cùng sở thích và quan điểm như chúng ta. Ở đâu có bất đồng, thì chỉ một giây cũng đủ để xoá bỏ giao ước. Theo Zygmunt Bauman, tính chuyển động của xã hội hiện đại “khuyến khích bản năng muốn trốn tránh sự phức tạp nguy hiểm để rút vào nơi yên ổn của tính đồng đều”.
Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Nhưng nếu chúng ta coi điều này là quan trọng, và đặt nó làm trung tâm của hôn nhân Kitô giáo lý tưởng, thì điều đó có nghĩa là đối với các cặp đồng tính không có giá trị gì sao ? Câu hỏi được đặt ra tại Thượng hội đồng Giám mục về gia đình lần thứ nhất. Tài liệu này đặt vấn đề như sau : “người đồng tính có những ơn và phẩm tính để trao tặng cho cộng đoàn Kitô giáo ; liệu chúng ta có khả năng niềm nở đón nhận những người này một cách tốt đẹp, trong khi vẫn bảo đảm cho họ một không gian huynh đệ giữa những cộng đoàn của chúng ta ? Họ thường bày tỏ ý muốn được gặp gỡ một Giáo hội như mái nhà đón tiếp”. Nhiều lần theo kinh nghiệm, tôi có quen biết những cặp đồng tính cho thấy những chứng từ tuyệt vời về lòng trung tín với nhau, và một tình yêu đại lượng chắc chắn đó là tình yêu Thiên Chúa. Vào lúc khởi đầu cơn khủng hoảng Sida, tôi hết sức cảm động trước tình yêu trung thành tận tuỵ mà tôi nhận thấy trong cộng đoàn những người đồng tính. Họ sẵn sàng liều mình vì người họ yêu thương. Đó chẳng phải là dấu chỉ về hiện diện của Thiên Chúa tình yêu giữa chúng ta hay sao ?
Vậy, chúng ta đi đến vấn đề con cái. Trọng tâm của gia đình, đó chính là sự chăm sóc con cái. Thiên Chúa trước tiên xuất hiện dưới hình dáng một đứa trẻ dễ bị tổn thương. Một trong những hình ảnh trung tâm của niềm tin của chúng ta là hình ảnh của một Thiên Chúa Hài nhi trong cánh tay người mẹ. Và Đức Giêsu đã ra buộc chúng ta đón tiếp các trẻ nhỏ với trái tim nhân hậu. Khi chúng đến gần Người và các môn đệ định ngăn cản chúng, Người nói với các ông : “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng ; vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Quả thực Thầy nói với anh em : ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ thì không được vào. Và Người ôm hôn và chúc lành cho chúng” (Mc 10,13-16).
Thế giới cổ xưa nhìn các trẻ nhỏ như những hữu thể chưa hoàn thành, đang trên đường hướng về tuổi trưởng thành. Thế nên Đức Giêsu đã gây tai tiếng khi đặt trẻ nhỏ lên hàng đầu và nói rằng chúng ta phải trở nên như chúng để được vào Nước Thiên Chúa.
Đối với Kitô giáo, gia đình không phải là cái máy sản xuất trẻ con. Làm cha mẹ không phải đơn giản là một hoạt động sinh học. Vui mừng nơi con cái là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa. Cho phép tôi được trích dẫn một trong những cuốn sách của mình, Faites le plongeon : “Trẻ nhỏ diễn tả điều gì đó cốt yếu của con người chúng ta, khả năng làm mới của chúng ta. Hannah Arendt gọi đó là “thân phận con người khi sinh ra… Với mỗi cuộc hạ sinh mới, cái gì đó của sự hoàn toàn mới mẻ cách triệt để đến trong thế giới này… Mỗi đứa trẻ là một kẻ xa lạ khi sinh ra, ngay cả đối với cha mẹ nó. Ta chỉ có thể suy đoán về những gì mà đứa trẻ này sẽ trở thành”. Bà nói: đối với mỗi đứa trẻ, câu hỏi được đặt ra là “Con là ai ?” Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được sự mới mẻ là chính Đức Kitô, căn nguyên tuyệt đối của Thiên Chúa. Chúng ta rửa tội cho các trẻ nhỏ theo cách mà, như chi thể của nhiệm thể Đức Kitô, chúng có thể đối diện với những tình huống mà chúng ta không thể đoán trước, và xây dựng một Giáo hội mà chúng ta không thể hình dung. Nói khác đi, chúng ta rửa tội cho trẻ em, theo cách mà chúng không giống như chúng ta.
Trong thế giới buôn bán của chúng ta, người ta không luôn coi trẻ em như một món quà, nhưng như một sản phẩm mà người ta tự do xử lý như đồ vật sở hữu. Theo Bonnie Miller-McLemore, trong thế giới tiêu thụ, “trẻ em không phải là một món quà, trái lại chúng trở thành những đồ vật đơn giản, đúng là những sản phẩm, đối tượng mặc cả trong buôn bán, tài sản cần được quản lý, chăm sóc, đầu tư. Việc xử lý chúng như sản phẩm thì đặc biệt đáng lo ngại, bởi vì người ta đá qua đá lại, hướng đến mục đích hoàn toàn xa lạ với chúng”.
Như thế, Giáo hội không bằng lòng khi nói rằng các gia đình phải được mở ra để có con cái, nhân danh nghĩa vụ mang tính sinh học của họ. Các Kitô hữu phải đưa ra mẫu gương của sự yêu thương con cái trong tất cả sự dễ tổn thương và tiềm năng của đứa trẻ. Đứa trẻ là biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Vì thế những sự lạm dụng tình dục trẻ em do các giáo sĩ gây ra là một tội ác ghê gớm, và tuyệt đối không thể dung thứ.
Nhưng mâu thuẫn ở đây là : nếu con cái là quà tặng của Thiên Chúa, và không phải là đồ vật sở hữu, chính vì yêu thương con cái mà phải để cho nó ra đi. Một ngày nào đó, cô hay cậu bé này sẽ tìm thấy một người khác mà nó muốn chia sẻ cuộc sống với người ấy; đối với nó, người ấy còn quan trọng hơn cả cha mẹ nữa. Và ngày đó, tuyệt đỉnh của tình yêu sẽ là để con cái được tự do . Quà tặng tôi đón nhận từ Thiên Chúa là quà tặng chính tôi phải cho đi. Gia đình Kitô giáo không thực hiện yêu sách tối hậu trên con cái. Chúng phải được tự do tìm thấy con đường riêng của chúng, như Thánh Giuse và Mẹ Maria phải để cho trẻ Giêsu tự do chọn lựa số phận bí nhiệm của mình như là Con Thiên Chúa. Theo nghĩa nào đó, các Tin Mừng đầy những lời bác bẻ những yêu sách của gia đình, vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa.
Khi gia đình Chúa Giêsu đến , Người nói, “Đây là mẹ Tôi, đây là anh em Tôi ! Bất cứ ai thực thi ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh, chị em và mẹ Tôi” (Mc 3,33-35). Mâu thuẫn, đó là Kitô giáo tôn vinh gia đình như nơi lý tưởng để sinh ra và giáo dục con cái. Thế nhưng lại phải vượt khỏi gia đình, bởi vì chúng ta là anh chị em với nhau trong Đức Kitô. Người Anh chúng tôi có câu thành ngữ “máu dày hơn nước – một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nghĩa bóng là : “Gia đình là trên hết” ; nhưng đối với các Kitô hữu, giếng rửa tội chính là lòng mẹ sinh ra chúng ta.
Những gia đình nhận con nuôi là dấu chỉ đặc biệt của tình yêu Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu là con nuôi của thánh Giuse. Thiên Chúa được sinh ra giữa chúng ta như một đứa bé được nhận làm con nuôi. Thánh Giuse có ơn gọi tuyệt vời để yêu thương một đứa bé không phải là con ruột của mình. Và chúng ta là những nghĩa tử của Thiên Chúa. Vậy nên một gia đình có con nuôi không phải là một gia đình hạng hai, hay cực chẳng đã khi người ta không thể có con đẻ. Đó chính là một biểu tượng mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đi đến với chúng ta để nhận tất cả chúng ta như con cái của Người.
Cuối cùng : còn những gia đình không con cái thì sao? Có lẽ bởi vì cặp vợ chồng không thể, hay không muốn, có con ? Điều gì đó để nói cho chúng ta ? Ở thời Cổ đại, hiếm muộm là thảm họa. Không có người nối dõi tông đường, không có người lưu giữ ký ức sống động về tên tuổi, không còn ai cầu nguyện cho bạn. Không con cái thì không có tương lai. Đức Giêsu đã là chướng kỳ đối với những người cùng thời bởi vì Người không lập gia đình và không có con cái, mặc kệ Dan Brown viết gì trong Da Vinci Code.
Nhưng Kitô giáo thực sự nói ngược lại tất cả mọi nền văn minh truyền thống khi ủng hộ việc không con cái không phải là một thảm họa. Nếu chúng ta trung thành bước đi trên con đường của Chúa, thì Đức Giêsu nói với chúng ta, chúng ta sẽ được tháp nhập vào một gia đình to lớn. “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu” (Mc 10,28-31).
Tôi phải dừng lại ở đây ! Điều tôi muốn nói rất là đơn giản. Lý tưởng Kitô giáo truyền thống về gia đình, về vợ chồng, người nam và người nữ, hôn nhân với con cái thì thật tuyệt vời. Bằng mọi cách cần phải cổ võ điều đó. Đó chính là nơi tuyệt vời nhất có thể để học hỏi nghệ thuật yêu thương và đón nhận quà tặng là con cái. Nhưng chúng ta quý mến tất cả mọi hình thức gia đình, trong toàn bộ sự khác biệt lạ lùng của Âu châu hiện đại. Mỗi hình thức đó có thể làm nơi của ân sủng và phúc lành, nơi biểu lộ tình yêu là chính Thiên Chúa. Mỗi hình thức đó có thể là một cách diễn tả của Thánh Gia. Trong gia đình của Thiên Chúa, không gì có thể xếp hạng thứ yếu !
Ngày 6 tháng tư năm 2016 vừa qua, Decere đón tiếp cha Timothy Radcliffe, nguyên Bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh. Vài ngày trước khi công bố tông huấn hậu thượng hội đồng “Amoris Laetitia” về gia đình của Đức giáo hoàng Phanxicô, cha Timothy chia sẻ với chúng ta cái nhìn của ngài về tình hình gia đình ở châu Âu hiện tại. (Bản chính tiếng Pháp có thể tìm thấy trên web site : http://www.decere.eu/?p=361) Trên đây là toàn văn bài thuyết trình của ngài