GIÊ-SU: nơi tiếp cận “lời hay ý đẹp”

 

GIÊ-SU: nơi tiếp cận “lời hay ý đẹp”Ước mong và khao khát về một Đấng Messia sẽ đến, đó là ước mong và khao khát suốt chiều dài lịch sử của Israel, xưa. Đấng Messia đó là ai? Vâng, với chúng ta hôm nay, người đó chính là Đức Giê-su Ki-tô.

Thế nhưng, với người Do Thái xưa, dẫu cho có là Đức Giê-su xác nhận, người đó chính là Ngài, họ cũng không tin, không chấp nhận. Thật vậy, điều đó đã xảy ra trong một lần Ngài trở về Nazareth, quê hương của mình.

Tại sao dân Do Thái xưa, không tin, không chấp nhận? Thưa, chuyện là thế này: Sau bao nhiêu ngày rong duỗi đường gió bụi, “đi khắp miền Galile, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân”, Đức Giê-su trở về Galile. Về Galile, “… Đức Giê-su đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng”.

Hôm đó, vì là ngày sa-bát, và như một thông lệ, Ngài vào hội đường. Tại nơi đây, cũng giống như ở khắp vùng lận cận khác, người ta đã phải “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”.

Người đã nói gì khiến cho mọi người phải thốt lên như thế! Xin thưa, khi được mời lên đọc Sách Thánh, Đức Giêsu đã đọc một đoạn trích sách ngôn sứ Isaia.

Vâng, lời ngôn sứ Isaia, qua giọng đọc của Đức Giê-su, như một bản tình ca ngân vang khắp hội đường, nó như nổ tung nơi cung lòng cử tọa một giai điệu của tình yêu, của hồng ân khi chàng nghệ sĩ Giêsu cất tiếng hát lên: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Hôm đó, khi “tiếng hát” của chàng nghệ sĩ Giê-su chấm dứt, toàn thể cử tọa đồng loạt đứng lên lớn tiếng “tán thành và thán phục”.

Nhưng buồn thay! Những lời tán thành và thán phục đó, không đầy ba mươi giây, ngay lập tức vỡ tan… vỡ tan như bọt bong bóng xà phòng. Vì sao ư! Thưa rằng, vì họ chợt nhận ra một điều gần như là không thể… Thì đây, Giêsu, người mà họ đang diện đối diện “Không phải là con ông Giuse đó sao?”

Một ông Giuse thợ mộc, sao lại có thể sinh ra một ông Giêsu được “Thiên Chúa xức dầu tấn phong” như chính ông ta tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”… Một sự thất vọng hiện rõ trên từng khuôn mặt của tất cả cử tọa, hôm đó.

Thật vậy, họ thất vọng, trước hết là vì gia thế của Đức Giê-su. “Con vua thì lại làm vua. Con sãi nhà chùa thì quét lá đa”, vậy mà, con của một ông thợ mộc lại dám vỗ ngực xưng tên là “Đấng Messia”!

Tiếp đến, nếu là Đấng Messia ư! Vậy thì, “những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphacnaum, ông cũng hãy làm tại quê ông xem nào”? Tệ thật, đúng là một sự thách thức, một thách thức lớn khiến cho Đức Giê-su, như lời kể lại của thánh sử Mác-cô, rằng: “Người không thể làm được phép lạ nào tại đó” (x.Mc 6, 5)

Quả là thật đáng tiếc, đáng tiếc là bởi, bản tình ca yêu thương của Đức Giê-su đã bị “biến tấu”, biến tấu khi từng khuôn mặt chân chất của những chàng nông dân Nazareth “biến dạng”, biến dạng giống như khuôn mặt hung hãn, đầy căm thù của những “người nông dân nổi dậy” thời Xô-Viết Nghệ Tĩnh, mà lịch sử đã ghi lại.

Vâng, theo lời kể lại của thánh sử Luca, câu chuyện Đức Giê-su về Nazareth đã để lại một kết thúc buồn. Chuyện kể rằng: Khi “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”(x.Lc 4, 28-29)

Thế nhưng, đâu có “dễ ăn” như vậy. Hôm đó, Đức Giêsu đã “băng qua giữa họ mà đi”. Hành động của họ, quả đúng như lời Ngài nói: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. (Lc 4, 24).

Đức Giê-su từng tuyên bố: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Với lời tuyên bố nêu trên, có thể nói rằng: cư dân thành Nazareth đã không ý thức đúng về cái gì là giá trị, cái gì là quan trọng trong đoạn Kinh Thánh, mà Đức Giêsu đã đọc cho họ nghe.

Cái giá trị và quan trọng đó, không nằm ở những phép lạ, nhưng là ở chính “Tin Mừng”, Tin Mừng, rằng “một năm hồng ân của Chúa”, nay đã đến và sẽ được thực thi qua Con Một của Người là chính Đức Giê-su.

Người Con Một đó, như lời sấm ngôn của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, nay đã đến “Ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1, …19) . Người Con Một đó, như chính Đức Giê-su công bố, “đến hầu cho chiên được sống và được sống sung mãn”. Thế nên, hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi lòng mình, rằng: tôi đã đón nhận Đức Giê-su, như là một hồng ân, hồng ân của Thiên Chúa, cứu rỗi đời tôi?

Hãy để thêm một phút nữa trong thinh lặng và tự hỏi lòng mình, rằng: qua Kinh Thánh, tôi đã đón nhận những “lời hay ý đẹp” của Đức Giê-su, như là “ngọn đèn soi tôi đi”, như là “ánh sáng chỉ đường tôi đi”?

Về điều này, nhà bác học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20 là A. Einstein thú nhận: “Khi còn bé, tôi đã học cả Kinh Thánh và sách Talmud. Là người Do Thái, nhưng tôi đã bị khuôn mặt sáng ngời của Đức Giê-su Na-da-rét mê hoặc… Chưa ai đọc các sách Tin Mừng mà không cảm thấy sự hiện diện thật sự của Đức Giê-su. Tính cách của Ngài rung lên trong mỗi từ ngữ. Một đời sống như vậy không huyền thoại nào chứa hết được.” (nguồn: 5/phút cho Lời Chúa) Vâng, sẽ thật kỳ lạ nếu ta không đón nhận Đức Giê-su như là Cứu Chúa đời ta, nhưng lại than phiền rằng “ông Trời không có mắt” mỗi khi ta gặp hoạn nạn, tai ương nào đó!

Và sẽ thật là “dị hợm” nếu ta đã đón nhận những “lời hay ý đẹp” của Đức Giê-su, như là “ngọn đèn soi tôi đi”, như là “ánh sáng chỉ đường tôi đi”, nhưng rồi lại thách thức Ngài bằng một lối sống hiện sinh thác loạn, hoặc bằng một lối sống vô thần, coi như ”ông Trời” đã chết rồi! Một lối sống như thế, có phần chắc, Đức Giê-su, Người cũng sẽ “băng qua” chúng ta mà đi…

Hiểu được như thế, sẽ chẳng bao giờ chúng ta “kéo Người lên tận đỉnh núi”, những đỉnh núi: hận thù, gian ác, tư lợi, ghen tương, vênh vang, tự đắc…v.v…, một lần nữa.

Hiểu được như thế, chúng ta sẽ nhận ra, sống đức tin phải là một cuộc sống thấm đậm những “lời hay ý đẹp” của Đức Giê-su.

Thế nên, mỗi ngày, đừng quên lật quyển Kinh Thánh ra, bởi vì, chỉ có nơi đó, chúng ta mới có thể, tiếp cận những “lời hay ý đẹp”, những lời đem đến sự cứu rỗi, cho chính bản thân của mình..

Petrus.tran

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận