Chúa Ki-tô… Vua của đời tôi!

 

Chúa Ki-tô… Vua của đời tôi!Hôm nay, 22/11/2015,  chúng ta bước vào Chúa Nhật cuối cùng năm Phụng Vụ. Và theo truyền thống, Giáo Hội dành riêng ngày này kính trọng thể  Chúa Giê-su Ki-tô là Vua.

Thật ra, không đợi hôm nay, Chúa Giê-su mới được gọi là Vua. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình cứu độ,  Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ tên là Maria và báo tin rằng: “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33)

Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, có không ít người, dù chỉ là những lời nói gián tiếp, chẳng hạn như: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít”,  họ  đã tuyên xưng Đức Giê-su như là một vị Vua – Vua của họ.

Rõ nét nhất, đó là hôm Ngài cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem, chuyện kể rằng: “nghe tin Đức Giê-su tới… họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng Vua Ít-ra-en” (Ga 12, 12-13). Và cuối cùng là cuộc diện kiến của Đức Giê-su với  quan tổng trấn Phi-la-tô. Vâng, nếu được phép, nên chăng, gọi cuộc gặp gỡ này là thiên sử bi hùng truyện!

Hôm đó, Đức Giê-su, “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông”. Còn Phi-la-tô ư! Trên cương vị là quan tòa, ông ta buông lời hỏi rằng: “Ông có phải vua dân Do Thái không?”

Ô hay! Không phải là người Do Thái, làm sao quan tổng trấn có thể hiểu được vai trò và sứ mạng của Đức Giêsu khi Ngài đến thế gian!

Đức Giêsu đến thế gian để “làm gì” ư? Hơn bảy trăm năm trước, ngôn sứ Mikha tiên báo rằng, “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha… từ nơi ngươi… sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel ” (Mk 5, 1).

Vâng, đến thế gian, Ngài là Vua, mà sự thật là vậy, để thi hành sứ-mạng-thống-lĩnh-Israel. Thống lĩnh Israel nhưng Ngài không thống lĩnh quốc gia “thuộc về thế gian này” mà là thống lĩnh con dân Israel đem họ trở về với chân lý và sự thật.

Thế nên, trả lời cho câu hỏi của Phi-la-tô, Đức Giê-su dõng dạc tuyên bố: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”. Với lời giải thích rất rõ ràng, dường như Phi-la-tô hiểu ra sứ mạng của Đức Giê-su, vì thế,  ông ta đã hỏi tiếp: “Vậy ông là vua sao?”.

Là-vua-sao! Vâng, rất ngắn gọn, Đức Giê-su đáp lời: “Chính ngài nói… Chính ngài nói rằng tôi là vua”. Không quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau, tại  đồi Golgotha, nơi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng  và treo trên thập giá đó, tấm bảng ghi rằng: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do Thái”. Như vậy,  có gì không phải khi chúng ta gọi “Chúa Giê-su  Ki-tô là Vua”!

Chúa Giê-su Ki-tô là Vua. Tại sao Giáo Hội thiết lập Lễ Chúa Ki-tô Vua? Thưa, cách đây chín mươi năm, vào ngày 11 tháng 12 năm 1925. Để đối phó trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập một ngày lễ tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.

Tôn vinh Chúa Ki-tô là vua, Giáo Hội không chủ trương khôi phục lại loại vương quốc kiểu phong kiến như xưa, loại vương quốc chỉ sản sinh những vị vua  “thống trị (dân) một cách tàn bạo và hà khắc”, hoặc những hôn quân vô đạo “chỉ biết lo cho mình” (x.Ed 34,…8)

Tôn vinh Chúa Ki-tô là Vua, Giáo Hội muốn mời gọi người tín hữu hãy chỉ nhìn về một Giê-su, Ngài chính là một vị Vua mẫu mực, một vị Vua của tình yêu, một vị Vua “ưa sự nhân từ”, một vị Vua “hiền lành và khiêm nhường”, một vị Vua luôn “chạnh lòng thương xót”, một vị Vua không “dùng uy mà thống trị dân”, không  “lấy quyền mà cai trị dân”, một vị Vua “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”. Và trên hết tất cả, là một vị Vua “Làm chứng cho sự thật”. Lời mời gọi của Giáo Hội xưa kia, nên chăng,  cũng cần coi đó như là  lời mời gọi mỗi Ki-tô hữu chúng ta, hôm nay!

Thưa, đúng vậy, đúng là bởi, thế giới hôm nay, cũng không kém cạnh hơn thế giới xưa kia trong vấn đề tiêu diệt Thiên Chúa. Có thể nói, nó xuất sắc hơn xưa nhiều qua những chủ thuyết này, chủ thuyết nọ,  thoạt nghe, rất thuyết phục.

Về điều này, Lm Charles E. Miller cảnh báo: “Chủ thuyết thế tục quả quyết ‘vương quốc của cải’ là tại đây trên trần thế. Nó bác bỏ mọi hình thức tôn giáo về đức tin và phụng tự. Chủ nghĩa duy vật rao giảng một học thuyết, theo đó, tiện nghi, khoái lạc và tiền bạc là những mục tiêu  duy nhất và tối thượng của cuộc sống”. Cuối cùng, ngài nhấn mạnh “Các thần của hai chủ nghĩa này không phải chịu đóng đinh trên thập giá làm của lễ hy sinh, mà ngả ngớn trong chăn êm nệm ấm”.

Vâng, tiện nghi, khoái lạc và tiền bạc, rất lôi cuốn và quyến rũ, phải không, thưa quý vị?  Nhưng, đừng quên, Đức Giê-su có lời phán dạy, rằng:  “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”. Lịch sử đã cho chúng ta thấy, những ông vua, như vua-dầu-hỏa, vua-xe-hơi, vua-truyền-thông v.v… có mang được gì khi “về bên kia thế giới”.

Hãy luôn nhớ rằng, đã là người môn đệ của Chúa, dù đang “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian; sống ở giữa đời nhưng không sống như người đời”. Cho nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình, rằng: “Tôi đang là thần dân của nước nào? Của vương quốc thế tục hay vương quốc Nước Trời?”

Nếu là vương quốc thế tục, “hãy ra khỏi thành ấy đi, để khỏi thông đồng với tội lỗi của nó và hứng lấy những tai ương dành cho nó” (x. Kh 18, 4)

Ra khỏi đó, tất nhiên, đừng quên tìm đến vương quốc Nước Trời, nơi chúng ta sẽ có được sự sống đời đời. Muốn được như thế, vâng, ngay hôm nay, hãy chọn Đức Giê-su là “Vua của đời tôi”.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận