Ngày 08-06-2024, Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, lễ nhớ bắt buộc

Ngày 08-06-2024, Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, lễ nhớ bắt buộc

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 2,41-51)

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nnhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

Gợi ý suy niệm

Ngày thứ Bảy tuần thứ hai sau lễ Hiện Xuống. Giáo Hội cho chúng ta mửng lễ Trái Tim của Đức Mẹ ngay sau khi chúng ta mừng lễ Trái tim Chúa Giêsu.

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6, 5). Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).

Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.

Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, trái tim Mẹ Maria là một trái tim biết yêu thương. Từ lúc nói lên lời “xin vâng” với sứ thần Gabriel, Mẹ đã từ bỏ tất cả ý riêng, và trọn đời tín thác vào Chúa. Bằng đủ mọi cách, Mẹ luôn lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Trái tim của Mẹ luôn cùng một nhịp đập với trái tim Chúa: vui với niềm vui của Chúa, và đau khổ với nỗi đau của Chúa. Loại trừ tất cả những gì không cần thiết, trái tim vô nhiễm của Mẹ luôn đập lên nhịp đập của tình yêu.

Lạy Chúa, hôm nay, cùng với Mẹ, con cần sống cuộc đời yêu thương. Trái tim vô nhiễm của Mẹ vẫn đang thổn thức vì yêu thương nhân loại. Vì là Mẹ của Chúa, nên Mẹ Maria đã có nhiều kinh nghiệm của tình mẫu tử, nên Mẹ cũng đang đau khổ vì mỗi người chúng con như những đứa con vô tâm, bội nghĩa trước tình thương của Chúa. Mẹ muốn chúng con cùng Mẹ lặp lại lời “xin vâng “ mỗi ngày: xin vâng trong mọi nơi mọi lúc, xin vâng để luôn lắng nghe Lời Chúa, xin vâng để biết quên mình và sống yêu thương người khác.

Lạy Chúa, khi làm những việc nhỏ mọn, tầm thường và rất âm thầm, là con đang đặt một viên gạch nền móng cho chương trình cứu độ của Chúa, và con tin rằng: lúc ấy, Thánh ý Chúa được thể hiện nơi con. Amen.