Ngày 18-05-2024 Thứ Bảy Tuần VII – Mùa Phục Sinh

Ngày 18-05-2024 Thứ Bảy Tuần VII - Mùa Phục Sinh
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.(Ga 21,20-25)
Khi ấy, ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?”
Đức Giê-su đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.”
Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết.
Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” 
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.
Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

Gợi ý suy niệm
Kết thúc mùa Phục sinh, Phụng vụ cho chúng ta thấy Phêrô đã nhận chức vụ Mục tử thay thế Chúa Kitô, Gioan là chứng tá thường trực trong Hội thánh. Bài Tin mừng hôm nay là bài kết thúc Tin mừng thánh Gioan, trình bày về Gioan sẽ là chứng tá thường trực trong Hội thánh Chúa cho đến tận thế qua sách Tin mừng của ông.
“Thưa Thầy, còn anh này thì sao?”
Phải chăng khi Phêrô thắc mắc về Gioan như vậy là ông ngầm nói với Thầy mình rằng: anh Gioan cũng mến Thầy và được Thầy yêu cách riêng, thì sao? Nghĩa là Thầy sẽ trao cho anh ta nhiệm vụ gì? Hay tại sao Thầy lại không trao trách nhiệm chăn dắt Hội thánh cho anh ta có phải hơn không? Đó cũng là thắc mắc của nhiều người, khi đọc Tin mừng Gioan, bởi vì xem ra Gioan xứng đáng hơn Phêrô, vì ông đã không chối Chúa.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu không trả lời thẳng vào thắc mắc của Phêrô, mà lại nói khó hiểu hơn đối với Phêrô cũng như các môn đệ khác: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến anh”, rồi Chúa nói ngay: “Phần anh, hãy theo Thầy”.
“Nếu Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến…”
Câu này là câu vừa trả lời vừa là câu hỏi rất khó hiểu. Thực ra, ý Chúa Giêsu không nói là Gioan sẽ sống mãi không chết, nhưng Chúa muốn Gioan “ở lại”. Phải hiểu chữ “ở lại” này theo nghĩa của Tin mừng thứ tư: ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự thân thiết. Dù sau này Gioan sẽ chết đi, nhưng Chúa Giêsu muốn hình mẫu của Gioan như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ thường suy gẫm về Thầy tiếp tục tồn tại mãi trong Giáo hội.
“Chính người môn đệ này làm chứng về những điều đó”
Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi trong Giáo hội như một cách làm chứng, cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết: “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra”. Có lẽ không phải thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm rất sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.
Trong lịch sử Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi nhiều người và ban cho họ những ân sủng đặc biệt, để sống mãn đời trên trần thế. Họ là các thánh nam nữ đã được Thiên Chúa lựa chọn và trao cho các sứ mệnh đặc biệt ở những thời kỳ và hoàn cảnh khác biệt nhau. Có vị được gọi để trở thành các giáo phụ và tiến sĩ Hội thánh. Các ngài dùng ngòi bút và trí thông minh, để rao giảng Phúc âm và đem ánh sáng lời Chúa đến cho mọi người. Những vị khác thì được ơn gọi sáng lập các dòng tu với tinh thần tông đồ và hoạt động truyền giáo trong nhiều lãnh vực khác biệt nhau. Các sứ vụ tuy có khác biệt nhưng đều mang ý nghĩa và tầm mức quan trọng như nhau. Tất cả đều quy tụ vào cùng một mục đích duy nhất là làm chứng tá cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Như vậy, trong mỗi thời đại, ở mỗi xã hội khác nhau luôn cần có những chứng nhân, trách nhiệm khác nhau. Thiên Chúa luôn cần đôi tay, trái tim, khả năng của chúng ta, để tiếp tục sự hiện diện và hành động của Ngài. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng sự dấn thân đổ mồ hôi, có người làm chứng bằng nghĩa cử hy sinh phục vụ, có những chứng nhân trong âm thầm cầu nguyện. 
Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên một trong số chứng nhân đó. Chúa đang cần sự đóng góp của chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, tất cả mọi người được kêu gọi để theo Chúa. Có những bậc sống khác nhau. Trong mỗi bậc sống đó lại có từng hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người là mỗi phận. Chúa như đang cầm tay từng phận người mà dắt đi theo Chúa. Chúa đang nói với mỗi người chúng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa đang dẫn con đi theo Chúa bằng lối đi Chúa dành riêng cho con.
Khi Thánh Phêrô hỏi Chúa về số phận của Thánh Gioan, Chúa đã nói với Thánh Phêrô: “Việc đó liên quan gì đến con, phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa không bảo con đừng quan tâm đến anh chị em quanh con. Khi thấy anh em cần nâng đỡ đức tin, Chúa muốn con chạy tới đóng vai bàn tay của Chúa để đỡ nâng họ. Con sẽ đỡ nâng bằng gương sáng, bằng một lời động viên, bằng một lời nhắc nhở, và nhất là bằng những lời cầu nguyện. Rồi khi con gặp thử thách, con tin Chúa sẽ lại dùng anh chị em quanh con thay mặt Chúa mà ủi an, động viên con.
Tuy nhiên, Chúa muốn nói với riêng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa dạy con đừng phân bì ghen tỵ. Xin Chúa đừng để con so sánh phận mình với phận người mà chùn bước chân theo Chúa. Con biết mỗi đời người là một mầu nhiệm trong tình yêu quan phòng của Chúa. Mỗi đời người là một cuộc tình riêng với Chúa. Mỗi đời người đều có đủ thánh giá để vác theo Chúa. Đồng thời mỗi đời người đều được Chúa ban đủ niềm vui và ân sủng để theo Chúa cho nên: “Ơn Ta đủ cho con”.
Xin cho con vui với phận mình và tin tưởng bước theo Chúa. Amen.