Ngày 25-02-2024, Chúa Nhật Tuần 2 Mùa Chay, Năm B

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô thNgày 25-02-2024, Chúa Nhật Tuần 2 Mùa Chay, Năm Beo thánh Mác-cô.(Mc 9,2-10 )

Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

Gợi ý suy niệm

Bài Tin mừng Thánh lễ hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor trước mặt ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Việc biến hình này có ý nghĩa gì ? Chắc chắn nhờ việc chứng kiến vẻ vinh quang tương lai của Chúa, Ngài muốn chuẩn bị cho các ông đối diện với biến cố khổ nạn của Ngài sẽ xảy ra sau này.

Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải theo gương các môn đệ mà trèo lên núi, bất chấp khó khăn, can đảm dấn thân bước theo Đức Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài. Cuộc đời của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều gian nan thử thách và có hàng ngàn lý do khiến chúng ta bỡ ngỡ, bối rối trước những hoàn cảnh éo le. Chúng ta sẽ không hiểu tại sao lại có những thử thách ấy! Chúa không thương yêu chúng ta sao ? Không thắc mắc, chúng ta hãy bắt chước ông Abraham hoàn toàn tin tưởng phó thác đời mình trong tay Chúa quan phòng, vâng theo thánh ý Chúa, Ngài sẽ lo liệu, và ta hãy tâm niệm rằng: “Khi Chúa đóng cửa chính thì Ngài sẽ mở những cửa sổ”. Ngài sẽ có cách giải quyết.

Khi đi theo Đức Giêsu, các Tông đồ có cùng hoài bão của người Do thái là Đấng Cứu thế của họ sẽ là Đấng Cứu thế vinh thắng oai hùng tái lập vương quốc của Đavít và Salomon. Nhưng khác với cái nhìn trần tục của các ông, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng Thiên sai sẽ là một “tôi tớ đau khổ và khiêm tốn đã được các tiên tri phác hoạ”.

Để củng cố niềm tin cho các môn đệ trước cuộc thương khó đầy sỉ nhục của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ lên núi Tabor, biến hình trước mặt các ông để các ông thấy khuôn mặt sáng ngời của Ngài hầu củng cố niềm tin cho các ông trước những ngày đen tối sắp tới. Theo gương các tông đồ, chúng ta cũng phải có một niềm tin như vậy trước gian nan thử thách trong cuộc sống của một Kitô hữu. Hẳn nhiên, cũng như các tông đồ, Chúa cũng dành cho chúng ta những giờ phút sáng tươi hoan hỉ nội tâm để giúp chúng ta đi tới tận cùng điểm dốc Canvê.

Biến hình giúp môn đệ vững tin: Khi nghe Đức Giêsu báo cho họ biết là Ngài sẽ lên Giêrusalem để chịu chết, họ bàng hoàng, bối rối lo sợ vì bao điều mơ tưởng của họ sẽ bị tiêu tan, tương lai của họ trở nên bấp bênh, đen tối. Tuy thế, những gì đã xem thấy trên núi biến hình cho họ có cơ hội bám chặt lấy ngay khi họ chẳng hiểu gì. Cho dù có thập giá hay không, họ vẫn được nghe tiếng của Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu là Con Ngài. Ngoài ra, việc Chúa biến hình trên núi khiến họ trở thành các chứng nhân cho sự vinh hiển của Chúa Cứu thế theo một ý nghĩa đặc biệt. Xác tín rằng mình là chứng nhân trước sự vinh hiển của Chúa Cứu Thế, sau này khi có dịp, họ đã có sẵn câu chuyện đang giấu kín trong lòng, sẽ kể lại cho mọi người nghe.

Lời mời gọi biến đổi: Việc Chúa biến hình nhắc cho các môn đệ và chúng ta phải thay hình đổi dạng linh hồn mình. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta phải cởi bỏ con người cũ tội lỗi, để mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện hơn: “Hãy lột bỏ con người cũ mặc lấy con người mới. Hãy để Thần khí Thiên Chúa canh tân tận tâm linh anh em” (Ep 4,22).

Thánh Tông đồ còn khuyên nhủ chúng ta hãy làm một cuộc canh tân toàn diện, để cho con người nội tâm của ta biết nghe theo luật của Chúa mà bỏ đường lối của xác thịt. Vì thế, trong thư gửi tín hữu Êphêsô Ngài đã viết: “Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xa xưa, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Hãy để Thần khí canh tân đổi mới thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã được tạo dựng nên theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật” (Ep 4,22-24). Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta phải đổi mới toàn diện, phải đổi từ con người cũ sang hẳn con người mới tốt lành. Đổi mới toàn diện là phải đổi mới tận căn, chứ không phải chỉ đổi mới nửa vời hoặc đổi mới hời hợt một số cái, hoặc chỉ đổi mới cái bên ngoài. Đức tin cần được thử thách Trong những lúc bị thử thách, chúng ta không biết bám víu vào đâu vì những người chung quanh đều bất lực không thể giúp chúng ta. Lúc đó, chúng ta chỉ còn biết dựa vào đức tin để phó thác cho Chúa, xin Ngài đến cứu giúp. Đức tin cũng cần phải được thử thách thì mới có giá trị. Nếu ở trên núi Tabor, ông Phêrô thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Elia và một cho Maisen” (Mc 9,5). Các ông muốn đăng ký thường trú trên đỉnh núi Tabor, ngủ yên trong hào quang rực rỡ, bỏ lại dưới núi bạn đồng môn, muốn hưởng thụ đầy đủ ánh hào quang của Chúa, thì các ông sẽ nói thế nào ở vườn Cây Dầu và ở đồi Golgotha?

Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta phải có đức tin vững mạnh. Tuy thế đức tin không phải lúc nào cũng ở đỉnh cao, đức tin có lúc lên cao, có lúc xuống thấp theo nhịp điệu vui buồn, sướng khổ, may mắn hay trắc trở. Khi lên tinh thần, đức tin của chúng ta cũng vững mạnh và xán lạn như đức tin của các tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay. Khi đức tin ở đỉnh cao, chúng ta thấy gần gũi Đức Giêsu đến độ chúng ta tưởng rằng có thể đụng sờ được Ngài. Chúng ta cảm thấy gần gũi Thiên Chúa Cha đến độ dường như đôi tay của Ngài đang bao bọc chung quanh ta, và Thánh Thần dường như đang nói với chúng ta. Trái lại, khi xuống điểm thấp, đức tin của chúng ta yếu ớt như muốn mất hẳn, giống như đức tin của các môn đệ ở vườn Cây Dầu.

Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một: Ngài là Đức Giêsu sáng láng trên núi Tabor, cũng là Đức Giêsu mướt máu trong vườn Cây Dầu, và cũng là Đức Kitô đau khổ trên thập giá ở đồi Golgotha. Hai đỉnh núi Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ, con đường vượt qua: Đường Tình yêu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã tỏ vinh quang của Chúa để tăng sức cho các môn đệ. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con, để khi gặp gian nan, thử thách, chúng con không ngã lòng thất vọng nhưng sẵn sàng đón nhận và can đảm dấn thân theo Chúa. Amen.