Tòa Thánh kêu gọi loại trừ những bất công, nạn bóc lột, và thăng tiến sự tôn trọng nhân quyền và sự phát triển nhân bản toàn diện trong ngành du lịch.
Lập trường trên đây được Đức Hồng y Michael Czerny, Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện, trình bày trong sứ điệp công bố hôm 27 tháng Chín vừa qua, nhân Ngày Thế giới về Du lịch 2022, do Liên Hiệp Quốc đề nghị. Năm nay có chủ đề là: “Nghĩ lại ngành du lịch”.
Đức Hồng y Czerny nhận xét rằng du lịch là lãnh vực bị thương tổn nặng nhất trong thời kỳ đại dịch, nhưng nay nó có thể trở thành một trong những động cơ đẩy tái thiết một thế giới công bằng, bền bỉ và toàn diện hơn. “Vì thế, Giáo hội nhìn sự hồi sinh và canh tân ngành du lịch trong tinh thần hy vọng”.
Nhắc đến bộ luật luân lý thế giới về du lịch, Đức Hồng y Czerny kêu gọi cấp thiết thay đổi hướng đi, thực hiện một ngành du lịch trong đó những chênh lệch và bất công bị loại trừ: ví dụ “tôn trọng các quyền về lao động của các công nhân viên ở mọi cấp độ trong ngành này và tại mọi nước; du lịch cần được tiến hành trong sự hoàn toàn tôn trọng các quyền cơ bản và phẩm giá con người; những lợi nhuận được phân chia công bằng, chiến thắng những hành vi bóc lột, cướp bóc, nhất là đối với dân chúng và các vùng địa lý bị thử thách nặng nề vì những cuộc khủng hoảng đang làm chao đảo thế giới hiện nay”.
Đức Hồng y Czerny bày tỏ sự gần gũi của Bộ với tất cả những người làm việc trong lãnh vực du lịch, đang hành động theo lương tâm ngay thẳng và khả năng chuyên môn. Không thiếu những doanh nhân quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, và các công nhân dễ bị khai thác, bóc lột, đặc biệt những người thi hành những công việc khiêm hạ nhất, phục vụ các du khách. Nhưng Đức Hồng y nhấn mạnh rằng:
“Một lần nữa, cần tố giác khi có nhiều công nhân viên ngành du lịch đang phải làm việc trong những điều kiện bấp bênh và nhiều khi bất hợp pháp, với đồng lương bất công, bó buộc phải làm những công việc nặng nhọc, thường phải xa gia đình, có nhiều rủi ro, bị căng thẳng, phải tuân hành những quy luật cạnh tranh thái quá. Các Kitô hữu được yêu cầu liên kết với tất cả những người nam nữ thiện chí để điều này phải được thay đổi”.
Trong sứ điệp, Đức Hồng y Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện, cũng khẳng định rằng Giáo hội Công giáo rất muốn thăng tiến một cái nhìn đổi mới về ngành du lịch, trong viễn tượng phát triển toàn diện con người. Tiến trình công nghị đồng hành đang diễn ra trên toàn thế giới, từ các cộng đoàn hẻo lánh cho đến các trung tâm quyết định quan trọng nhất, biểu lộ một phương pháp lắng nghe và tham gia, cũng có thể mang lại cho xã hội dân sự và các tổ chức kinh tế một khả năng rộng lớn hơn để dung hòa các quyền lợi và quan điểm đối nghịch nhau. Những viễn tượng đó sẽ được bàn đến và suy tư sâu rộng hơn trong Hội nghị thế giới kỳ VIII về việc mục vụ du lịch, sẽ tiến hành từ ngày 05 đến ngày 08 tháng Mười tới đây tại Santiago de Compostela bên Tây ban nha, trong khuôn khổ Năm thánh Giacôbê hiện nay, về chủ đề: “Ngành du lịch và các cuộc hành hương; những con đường hy vọng”.
Đức Hồng y Czerny viết thêm rằng: “Chúng tôi hy vọng nhìn đến sự sinh động của lãnh vực này, tất cả những người liên hệ và những người có trách nhiệm. “Nhắc lại lời Đức Thánh cha Phanxicô, chúng tôi khích lệ tất cả mọi người hãy giữ cho ngọn lửa hy vọng luôn cháy sáng và làm tất cả những gì có thể để mỗi người đạt được sức mạnh và sự chắc chắn nhìn về tương lai với tâm hồn cởi mở, con tim tín thác và tâm trí sáng suốt”.
(Rei 27-9-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA