Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tố giác bách hại

 

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tố giác bách hạiTổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” tố giác rằng tại nhiều miền trên thế giới, việc tự do hành đạo bị giới hạn nhiều hoặc không thể thực hành.

Tổ chức bác ái này tái lên tiếng nhắc nhở như trên, nhân dịp Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân bạo hành vì lý do tôn giáo hoặc vũ trụ quan, cử hành hôm 22 tháng Tám.

Tổ chức này đặc biệt nói đến tình trạng các tín hữu Kitô ở vùng Sahel, bao gồm chín nước ở khu vực sa mạc Sahara. Ông Thomas Heine-Geldern, Chủ tịch tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nói rằng: “Không phải cứ bị giết thì mới trở thành nạn nhân của bạo lực chống tôn giáo. Chỉ cần bị giới hạn các quyền căn bản tự do thực hành đạo cũng đủ thành nạn nhân”.

Theo ông Heine-Geldern, các tín hữu Kitô tại các nước Mali, Niger, Nigeria, và Burkina Faso, trong thực tế, họ sống trong những ghetto-thù ghét, hoặc thực hành đức tin một cách kín đáo. Tổ chức bác ái này hoạt động tại 140 quốc gia trên thế giới, cũng ghi nhận ngày càng gia tăng những vụ bách hại hoặc kỳ thị chống các Kitô hữu tại nhiều miền trên thế giới. Xu hướng lan tràn hiện nay là hạn chế thêm việc biểu lộ các xác tín tôn giáo của mỗi cá nhân tại những nơi công cộng. Cũng có xu hướng lên án các quan điểm tôn giáo truyền thống, khi chúng xung đột với những quan niệm đời.

Thêm vào đó, có hiện tượng bạo hành tính dục chống các tín đồ tôn giáo thiểu số, qua những vụ bắt cóc để cưỡng bách kết hôn và buộc phải cải đạo, hoặc khai thác tình dục, như tại những nước như Pakistan, Ai Cập và Nigeria. Nhiều nạn nhân bạo lực vì lý do tôn giáo bị trục xuất khỏi gia cư của họ. Theo tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, có khoảng hơn 15 triệu người phải di tản, nguyên tại các nước Phi châu mà thôi.

Tại Mỹ châu Latinh, ngày càng có những vụ tấn công tôn giáo. Tình trạng đặc biệt đồi tệ tại Nicaragua, nơi mà Giáo hội Công giáo đã phải chịu 190 cuộc tấn công và bạo hành trong bốn năm qua. Có những cuộc tấn công chống Giáo hội và các tín hữu đến từ giới lãnh đạo cao nhất của nhà nước.

Tại những nước như Mêhicô, Colombia, Argentina và Chile, các nhóm cực đoan đã cố gắng giới hạn tự do ngôn luận của các cộng đồng tôn giáo và buộc các chức sắc của Giáo hội phải im lặng.

(Kathpress 21-8-2022)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA