Đã có nhiều phản ứng mạnh mẽ từ nhiều giới đối với bài diễn văn đầu tiên của Đức Thánh cha Phanxicô trên đất Canada, sáng ngày 25 tháng Bảy vừa qua, tại Maskwacis, gần thành phố Edmonton, Canada.
Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau cũng hiện diện tại cuộc gặp gỡ đầu tiên này, đã chào mừng Đức Thánh cha nhân danh Giáo hội Công giáo, xin lỗi các cộng đoàn thổ dân, vì một số tín hữu Kitô đã cộng tác với chính quyền thực dân ở Canada trong chính sách đồng hóa văn hóa các thổ dân, đặc biệt qua chế độ các trường nội trú thổ dân.
Trong thông cáo của chính phủ, ông Trudeau nói: “Qua lời xin lỗi đó, Đức Giáo hoàng đã đáp ứng yêu cầu của Ủy ban toàn quốc Canada về sự thật và hòa giải hồi năm 2015”.
Ủy ban này đã đưa ra 95 đề nghị. Số 58 kêu gọi Đức Giáo hoàng “Xin lỗi những người sống sót, gia đình và cộng đoàn của họ vì vai trò của Giáo hội Công giáo trong những vụ lạm dụng về tinh thần, văn hóa, cảm xúc, thể lý và tính dục… trong các trường nội trú Công giáo… Cuộc gặp gỡ hôm nay tại Maskwacis đã không thể xảy ra nếu không có sự can đảm, vận động và kiên trì của những người sống sót thuộc các sắc dân đầu tiên, người Inuit và người lai, họ chia sẻ ký ức và kinh nghiệm đau thương của họ”.
Phái viên hãng tin AP của Mỹ đã phỏng vấn một số vị lãnh đạo thổ dân về lời xin lỗi của Đức Thánh cha:
Ông Phil Fontaine, một cựu học sinh trường nội trú, và cựu thủ lãnh Hội đồng các “dân tộc đầu tiên”, nói rằng: “Đây là một thành đạt về phía cộng đồng thổ dân trong việc thuyết phục Đức Giáo hoàng Phanxicô đến cộng đoàn chúng tôi và hạ mình trước những người sống sót, như ngài đã làm hôm nay. Thật là đặc biệt. Và tôi biết rằng điều này rất có ý nghĩa đối với nhiều người. Và mỗi lần ngài nói xin lỗi thì dân chúng vỗ tay”.
Tù trưởng Desmond Bull, thuộc bộ lạc Lous Bull, tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng: “Có thể chúng ta cần tất cả thời gian để thấu hiểu sự quan trọng của lúc này… Nếu bạn muốn giúp chúng tôi chữa lành, thì hãy ngưng nói với chúng tôi hãy bỏ qua đi… Chúng tôi không thể bỏ qua khi mà những chấn thương liên thế hệ ảnh hưởng trên mỗi người trẻ và mỗi thành viên, mỗi gia đình đã có một cựu học sinh trường nội trú. Thay vì bỏ qua, tôi xin bạn hãy học hỏi về lịch sử, văn hóa, dân tộc chúng tôi”.
Về phần tù trưởng Tony Alexis của dân tộc Alexis Nakota Sioux, ông nói: “Lời Đức Giáo hoàng là một sự xác nhận những gì thực sự xảy ra. Nhưng Đức Giáo hoàng cần tiếp tục bằng những hành động, chứ không thể chỉ nói tôi xin lỗi, rồi ra đi”.
Evelyn Korkmaz, một người sống sót, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi đã đợi 50 năm lời xin lỗi này, và sau cùng tôi đã nghe được lời này. Rất tiếc là nhiều người gia đình và cộng đoàn không còn sống để thấy như vậy, vì đã tự tử hoặc vì nghiện ngập. Tôi hy vọng được nghe vài kế hoạch hành động, cách thức Giáo hội sẽ trao các văn kiện, tài liệu và có những bước cụ thể”.
Tù trưởng Vernon Saddleback, thuộc sắc dân Samson Cree, tuyên bố trong một cuộc họp báo: “Tôi nghe nhiều người sống sót trong cộng đoàn tôi phấn khởi khi nghe ĐGH đã đến để xin lỗi. Những lời hôm nay không thể diễn tả ngày nay tầm mức quan trọng của hành trình chữa lành mà nhiều thành phần dân tộc đầu tiên đã trải qua. Đức Giáo hoàng xin lỗi ngày hôm nay là một ngày mà mỗi người trên thế giới cần ngồi lại và lắng nghe”.
Bà Sandi Harpers, ở Saskatoon bang Saskatchewn, đã tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Giáo hoàng nhân danh bà mẹ quá cố của mình, một cựu học sinh trường nội trú thổ dân, nói rằng “Lời Đức Giáo hoàng hôm nay là điều cần thiết, không những để dân chúng được nghe nhưng còn cho Giáo hội lãnh nhận trách nhiệm của mình. Tuy nhiên một số thổ dân vẫn chưa sẵn sàng hòa giải: Chúng ta cần dành cho họ thời gian để chữa lành. Điều này đòi thời gian dài”.
(AP 26-7-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA