Sáng Chúa nhật 24 tháng Bảy năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã lên đường thực hiện chuyến tông du một tuần lễ tại Canada, cho đến ngày 30 tháng Bảy tới đây.
Ngày đầu tiên được dành cho cuộc hành trình dài cho chuyến bay dài hơn mười tiếng đồng hồ, vượt qua quãng đường 8.430 cây số, hơn một phần năm vòng trái đất.
Đây là chuyến tông du thứ 37 trong hơn chín năm triều đại Giáo hoàng của ngài. Ra tới phi trường Fiumicino của thành Roma, lúc 8 giờ 40, sau nghi thức tiễn biệt đơn sơ với các đại diện của hãng hàng không ITA, Đức Thánh cha đã dùng thang máy để lên máy bay. Tại đây đã có khoảng 80 ký giả Ý và nước ngoài, và như thường lệ, trong số 30 người thuộc đoàn tùy tùng của Đức Thánh cha, ngoài Đức Hồng y Quốc vụ khanh Parolin, và Đức Tổng giám mục Phụ tá Edgar Peña Parra, người Venezuela. Đặc biệt, có Đức Hồng y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám mục.
Máy bay cất cánh lúc 9 giờ 16 phút. Sau đó Đức Thánh cha dùng xe lăn, di chuyển trong hành lang nhỏ của máy bay để chào thăm các ký giả tháp tùng.
Chào thăm các ký giả
Trong lời chào thăm các ký giả thuộc hơn 10 quốc gia cùng đi, Đức Thánh cha nói:
“Chào tất cả anh chị em! Cám ơn anh chị em vì các hoạt động trong chuyến đi này: tôi coi đây như một sự đồng hành!
Hôm nay là Chúa nhật, không có buổi đọc kinh ở Quảng trường, nhưng chúng ta hãy đọc ở đây….
“Chúng ta hãy chú ý trong cuộc viếng thăm này, như ông [Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh] vừa nói: đây là một cuộc viếng thăm thống hối, chúng ta hãy thực hiện với tinh thần đó…
“Hôm nay là Ngày Thế giới các ông bà nội ngoại, là những người đã thông truyền lịch sử, các truyền thống, tập quán và bao nhiêu sự khác. Ngày nay chúng ta cần: trở về với các ông bà, theo nghĩa những người trẻ phải có những tiếp xúc với ông bà, học hỏi từ nơi họ, tìm lại những căn cội, không phải ở lại đó, nhưng để tiếp tục tiến bước, như cây phải kín múc từ cội lễ sức mạnh và để sinh hoa trái.
“Tôi vẫn luôn nhớ bài thơ của Berárdez: tất cả những gì cây đã sinh hoa trái đều đến từ những gì nó đã có từ đất, là các ông bà. Và tôi muốn nhắc nhớ rằng, trong tư cách là tu sĩ, những tu sĩ nam nữ cao niên, “những ông bà” trong đời tu: đừng giấu họ đi, họ là sự khôn ngoan của một gia đình dòng tu; và các tu sĩ trẻ, các tập sinh, nam nữ, chúng ta hãy có những tiếp xúc với họ: họ sẽ kể cho chúng ta những kinh nghiệm sống, giúp chúng ta tiến bước.
“Mỗi người chúng ta đều có những ông bà, một số đã ra đi, một số còn sống; ngày hôm nay chúng ta hãy đặc biệt nhớ đến các ông bà. Từ họ chúng ta đã nhận trước bao nhiêu điều, trước tiên là lịch sử. Xin cám ơn anh chị em!”
Máy bay trực chỉ phi trường thành phố Edmonton, thủ phủ của bang Alberta ở miền tây Canada. Bang này có tỷ lệ tương đối đông đảo các thổ dân bản xứ, vì mục đích chuyến viếng thăm này của Đức Thánh cha là để góp phần vào tiến trình chữa lành và hòa giải giữa các cộng đoàn thổ dân và Giáo hội Công giáo.
Vài nét về đất nước Canada
Với diện tích gần 10 triệu cây số vuông, Canada là nước rộng thứ hai trên thế giới, và lớn gấp 30 lần Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 38 triệu người, trong đó 84% là người da trắng, 10% là người Á châu, và các thổ dân bản xứ chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm nhượng với 4%. Về mặt tôn giáo, các tín hữu Công giáo đông nhất, với 44% dân số, các hệ phái Tin lành và Anh giáo 20%, Hồi giáo chỉ có 3%, nhưng số người không tôn giáo lên tới 24%.
Canada sử dụng hai ngôn ngữ chính cũng là hai tiếng nói thời thuộc địa, là tiếng Anh và Pháp. Từ đầu thế kỷ XVII, người Pháp đến định cư tại đây và chiếm phần lớn lãnh thổ. Nhưng sau khi thất trận hồi năm 1763 trong cuộc chiến tranh bảy năm giữa Pháp và Ấn Độ, Pháp phải nhường phần lớn lãnh thổ cho Vương quốc hiệp nhất của Anh.
– Về tương quan giữa Nhà nước Canada và các thổ dân. Từ năm 1993, đã có nhiều hiệp định và thỏa ước đã được ký kết để đáp lại những yêu cầu tự trị của ba tổ chức thổ dân là “các dân tộc đầu tiên” (First Nations), người Inuit, và người lai. Với những yêu cầu đó, một tiến trình dài được khởi sự để làm sáng tỏ sự thật và hòa giải về những sự kiện đau thương: 150.000 trẻ em thổ dân bị bứng ra khỏi gia đình và bộ lạc của họ, bị đưa vào trong các trường nội trú thổ dân được chính phủ, với tài chánh eo hẹp, ủy thác cho một số Giáo hội Kitô gồm Công giáo, Anh giáo và Tin lành, trong chính sách cưỡng bách đồng hóa do Nhà nước Canada theo đuổi trong hơn một thế kỷ. Năm 2008, sau khi ký một hiệp định bồi thường các nạn nhân, thủ tướng Canada bấy giờ là ông Harper đã chính thức nhân danh chính phủ Canada xin lỗi và thiết lập một Ủy ban toàn quốc đặc biệt để làm sáng tỏ sự thật và hòa giải. Năm 2015, sau bảy năm điều cứu, Ủy ban Sự thật và Hòa giải đã công bố phúc trình đầu tiên cho thấy chi tiết những ngược đãi và điều kiện sống tệ hại mà các học sinh thổ dân phải chịu, khiến cho hơn 3.000 em chết vì bệnh tật, vì đói, lạnh và bị lạm dụng. Phúc trình gọi hệ thống trường nội trú thực sự là một cuộc diệt chủng văn hóa thực sự. Vụ này lại nổi lên trong dư luận vào mùa hè năm ngoái, 2021, sau khi khám phá 215 ngôi mộ vô danh tại nơi trước kia là trường nội trú thổ dân ở thành phố Kamloops, bang Bristish Colombia. Trường này do Dòng thừa sai Hiến Sinh Đức Mẹ vô nhiễm (OMI) đảm trách. Sau đó người ta khám phá thêm di tích trong các trường Công giáo khác. Vì những vụ đó, tất cả các Giáo hội Kitô liên hệ đã xin lỗi. Giáo hội Công giáo cũng khởi sự một kế hoạch bồi thường.
Giáo hội Công giáo tại Canada
Đức tin Công giáo được truyền vào Canada sau khi người Âu khám phá lãnh thổ này hồi thế kỷ XVI. Ngày 07 tháng Bảy năm 1534, một linh mục người Pháp, tháp tùng nhà thám hiểm Jacques Cartier, đã cử hành thánh lễ đầu tiên trên bãi biển của bán đảo Gaspè tại miền bấy giờ được gọi là Tân Pháp. Sự thuộc địa hóa bắt đầu với việc thành lập thành phố Québec năm 1608 và thành phố Marie, nay là Montrél, vào năm 1642. Nhiều dòng tu người Pháp gửi tu sĩ nam nữ đến truyền giáo cho các thổ dân.
Sự chinh phục của người Anh tại Canada vào giữa thế kỷ XVIII, ban đầu gây khó khăn cho Giáo hội Công giáo, nhưng rồi con đường sống chung dân sự đã sớm được khởi sự, khi tại Anh quốc, các quyền của người Công giáo được công nhận và trong nửa đầu của thế kỷ XIX, Công giáo có thể được truyền bá tự do tại các lãnh thổ nói tiếng Anh.
Ngày nay, Công giáo là cộng đồng tôn giáo lớn nhất tại Canada. Các Giáo hội nghi lễ Đông phương cũng hiện diện và phát triển, trong đó đông nhất là Giáo hội Ucraina.
Về mặt tổ chức, 16 triệu 800.000 tín hữu Công giáo Canada thuộc 71 giáo phận, do 134 giám mục coi sóc, trong đó có hai giám mục gốc Việt Nam, với sự cộng tác của hơn 4.100 linh mục giáo phận và 2.100 linh mục dòng, tổng cộng là hơn 6.200 vị. Ngoài ra có 1.30 tu huynh và và 9.200 nữ tu. Giáo hội có 3.880 giáo xứ và gần 560 trung tâm mục vụ khác.
Đức Thánh cha Phanxicô là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm Canada. Thánh Gioan Phaolô II đã đến thăm nước này ba lần: lần đầu tiên hồi năm 1984, lần thứ hai ba năm sau đó, 1987, và sau cùng ngài đến Toronto năm 2002, nhân dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ tại đây.
Thách đố và vấn đề của Giáo hội tại Canada
Từ thập niên 1960, người ta thấy có sự xa lìa của các tín hữu đối với Giáo hội, ơn gọi giảm sút, nhất là tại bang Ontario và tại vùng Québec vốn là chiếc nôi của Giáo hội Công giáo Canada. Một dấu chỉ của hiện tượng này là hệ thống học đường ngày càng có đặc tính đời và có những chọn lựa khác trái ngược với đạo lý Công giáo. Có thể nói Canada ngày nay là một thực tại đi xa nhất trong các xã hội tây phương về phương diện tục hóa với các đạo luật về đạo đức sinh học, phúc chế người, về qui chế gia đình, hôn nhân đồng phái, phá thai, mang thai mướn, an tử hay làm cho chết êm dịu, và trợ tử. Trong bối cảnh này Giáo hội luôn lên tiếng bảo vệ sự sống từ lúc mới thụ thai cho đến lục chết tự nhiên, hôn nhân như sự kết hiệp tự nhiên giữa một người nam và một người nữ, dấn thân trong lãnh vực bênh vực nhân quyền, bảo vệ công lý và hòa bình, trợ giúp phát triển.
Đức Hồng y Parolin
Trở lại chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha; trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican trước khi lên đường cùng đi với Đức Thánh cha, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gợi lại bối cảnh và mục đích chuyến tông này: đây là một hành hương, một cuộc du hành được mong muốn, với trọng tâm là các cuộc gặp gỡ với các dân tộc bản xứ và với Giáo hội địa phương. Hướng đi của chuyến đi là hòa giải, hy vọng và tình huynh đệ.
– Đức Hồng y Parolin nhắc đến điều Đức Thánh cha đã quả quyết trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật tuần trước, 17 tháng Bảy. Ngài nói với nhân dân Canada: “Tôi sẽ đến giữa anh chị em, đặc biệt nhân danh Chúa Giêsu để gặp gỡ và bày tỏ lòng quí mến đối với dân chúng bản địa”.
Thực vậy, trong nhiều dịp ngài đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với các thổ dân, tôi nghĩ đến những cuộc viếng thăm của ngài, nhiều cuộc gặp gỡ tại Vatican và cả Tông huấn Querida Amazonia, Amazonia yêu quí. Đối với các thổ dân Canada, đây là một cuộc ‘hành hương thống hối’, nối tiếp các cuộc gặp gỡ tại Roma với một số đại diện thổ dân hồi cuối tháng Ba và đầu tháng Tư năm nay. Sau khi lắng nghe và cuộc gặp gỡ đầu tiên, giờ đây có cơ hội có một cuộc chia sẻ rộng lớn hơn: trong nhiều ngày, Đức Giáo hoàng sẽ đến các nơi khác nhau, rất cách xa nhau, với ước muốn viếng thăm các cộng đoàn thổ dân nơi họ sinh sống. Dĩ nhiên là ngài không thể đáp ứng tất cả những lời mời viếng thăm và viếng tất cả các nơi, nhưng chắc chắn là ngài hành động vì ước muốn biểu lộ sự gần gũi cụ thể. Vì thế ngài lên đường, để động chạm cụ thể đến những đau khổ của các dân tộc ấy, cầu nguyện với họ và trở nên một người hành hương với họ.
– Đức Hồng y Parolin nhắc lại rằng trong cuộc gặp gỡ ngày 01 tháng Tư vừa qua, tại Vatican với các đại diện thổ dân, Đức Thánh cha đã bày tỏ sự tủi hổ và phẫn nộ vì những hành động của không ít Kitô hữu, thay vì làm chứng về Tin mừng thì lại chiều theo não trạng thực dân và những chính sách trước đây của chính quyền đồng hóa thổ dân về văn hóa, gây thiệt hại nặng nề cho các cộng đoàn thổ dân. Đặc biệt đau buồn là vai trò của một số tín hữu Công giáo trong chính sách gọi là các trường nội trú thổ dân, đưa nhiều trẻ em ra khỏi ra đình. Bối cảnh lịch sử này định hình và nói lên đặc tính thống hối của cuộc hành hương này, trong đó chắc chắn có đề tài chữa lành các vết thương và hòa giải. Nhưng không phải chỉ có chiều kích này: tiếp theo các cuộc gặp gỡ nồng nhiệt ở Roma, cũng sẽ có những dấu hiệu huynh đệ và hy vọng, và có những suy tư về vai trò của các thổ dân ngày nay. Có thể là một điều ích lợi phong phú cho mọi người khi tái khám phá các giá trị và giáo huấn của các thổ dân. Ví dụ, sự quan tâm đến gia đình và cộng đoàn, sự chăm sóc thiên nhiên, tầm quan trọng dành cho linh đạo, mối liên hệ chặt chẽ giữa các thế hệ, sự tôn trọng người già. Với chủ đích đó, Đức Thánh cha đặc biệt muốn mừng lễ thánh Gioakim và Anna, ông bà ngoại của Chúa Giêsu, ngay trong bối cảnh cuộc viếng thăm này”.
– Cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha tại Canada cũng nhắm củng cố Giáo hội địa phương trong đức tin và đà tiến tông đồ. Về điểm này, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói rằng: “Trong mọi cuộc tông du, và tổng quát hơn trong sứ vụ của ngài, Đức Thánh cha không những củng cố cộng đoàn Kitô, nhưng cũng muốn tỏ ra là một người anh em trong đức tin, cùng với Dân Chúa, trở thành người hành hương tại những nơi ngài viếng thăm và những truyền thống tôn giáo ngài gặp. Vì thế, ngài rất muốn sống một buổi phụng vụ cạnh hồ thánh Anna, mà các thổ dân gọi là “Hồ của Chúa”. Tại đó từ hơn 100 năm nay, vẫn diễn ra các cuộc hành hương kính thánh Anna, bà ngoại của Chúa Giêsu, và trong hồ ấy nhiều bệnh nhân và những người bị thương tích trong thân xác hoặc tinh thần đã dìm mình xuống. Đặc biệt tại nơi đó, và trong bối cảnh thiên nhiên rất ý nghĩa, về phương diện loan báo Tin mừng, thật là đẹp khi trở về với những nguồn mạch đức tin, chúng ta nghĩ đến Chúa Giêsu đã giải khát và chữa lành bằng cách đổ vào trong các tâm hồn nước của Thánh Linh, nước vọt lên cho đời sống vĩnh cửu. Đồng thời, cũng như tại các chặng khác trong các chuyến viếng thăm khác, Đức Thánh cha sẽ không quên nhắc nhở về sự cấp thiết cần loan báo Tin mừng, trong bối cảnh rất tục hóa, trước những thách đố mà trào lưu tục hóa đề ra cho những ưu tiên mục vụ của chúng ta, cho các ngôn ngữ, và nói chung là cho cách thức sống như thành phần Giáo kội và làm chứng đức tin ngày nay”.
Đến Edmonton
Từ Roma, sau khi vượt qua không phận bảy nước, Ý, Thụy Sĩ, Pháp, Anh quốc, Iceland và đảo Groenland thuộc Đan Mạch ở gần bắc cực, máy bay chở Đức Thánh cha Phanxicô và đoàn tùy tùng tiến vào không phận Canada, rồi đáp xuống phi trường quốc tế Edmonton, một thành phố gần 950.000 dân cư, thủ phủ tỉnh Alberta, vào lúc 11 giờ 20 phút sáng giờ địa phương, tức là 7 giờ 20 phút chiều giờ Roma, vì miền này đi sau giờ Roma tám tiếng.
Về mặt Giáo hội, Edmonton là Tổng giáo phận có gần 489.000 tín hữu Công giáo Latinh và 125 giáo xứ, đồng thời cũng là trụ sở của Giáo phận Công Giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, với 5.000 tín hữu, 81 giáo xứ và gần 40 linh mục triều và dòng.
Đến nơi, Đức Thánh cha được bà Mary May Simon cùng với phu quân và thủ tướng Trudeau đón tiếp. Bà Simon là Toàn quyền Canada, đại diện của Nữ hoàng Anh, vì Canada vẫn nhận Nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia.
Cuộc đón tiếp đơn sơ, theo nghi thức ngoại giao, với phần giới thiệu hai phái đoàn, duyệt qua hàng quân danh dự nhưng không có phần trao đổi diễn văn. Sau cuộc hội kiến ngắn với hai vị lãnh đạo Canada, Đức Thánh cha về Đại chủng viện thánh Giuse của giáo phận Edmonton để nghỉ ngơi và dùng bữa tối. Đây cũng là nơi Đức Thánh cha qua ba đêm, cho đến sáng thứ Tư, ngày 27 tháng Bảy tới đây.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA