Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi gia đình nhân loại hiệp nhau cầu nguyện để qua các hội nghị thượng đỉnh sắp tới, thế giới quyết liệt đương đầu với hai cuộc khủng hoảng về khí hậu và suy thoái sự đa dạng sinh học đang đe dọa nghiêm trọng trái đất.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp công bố hôm 21 tháng Bảy năm 2022, tại cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh do Đức Hồng y Michael Czerny, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, chủ tọa, nhân dịp Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình tạo dựng, 01 tháng Chín sắp tới, với chủ đề: “Hãy lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên”.
Ngày đó cũng là ngày khởi đầu Mùa Công trình tạo dựng, kéo dài cho đến lễ thánh Phanxicô, ngày 04 tháng Mười tới đây. “Đây là thời điểm đặc biệt, trong đó tất cả các Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện và cùng nhau chăm sóc căn nhà chung”. Ý tưởng này bắt đầu từ Tòa Thượng phụ chung của Chính thống giáo ở Constantinople, và đây là cơ hội để vun trồng “sự thay đổi, hoán cải” của chúng ta trong cách thức đối xử với thiên nhiên.
Thảm trạng trái đất
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhắc đến tiếng kêu than của trái đất, đang là nạn nhân sự tiêu thụ thái quá của con người, trái đất rên xiết và kêu xin chúng ta hãy ngưng những lạm dụng và tàn phá. Cả những người nghèo cũng kêu than vì họ phải chịu đau khổ nhiều nhất vì hạn hán, lụt lội, cuồng phong, những làn sóng nóng nực cùng cực ngày càng gia tăng cường độ và thường xuyên hơn. Cả các anh chị em thổ dân cũng kêu than, vì do những lợi lộc kinh tế thúc đẩy, người ta chiếm đất đai của tổ tiên họ và tàn phá khắp nơi. Sau cùng là tiếng kêu của con cái chúng ta, đang bị đe dọa vì thái độ ích kỷ thiển cận, tiếng kêu của các thiếu niên lo âu xin những người lớn chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để phòng ngừa hoặc ít là hạn chế sự sụp đổ của hệ thống môi sinh trên trái đất.
Thay đổi lối sống
Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh cha tái kêu gọi các tín hữu và dân chúng quyết liệt thay đổi lối sống gây hại cho thiên nhiên, thực hiện một “Sự hoán cải sinh thái”, cá nhân và cộng đồng.
Ngài đặc biệt nhắc đến hai biến cố lớn trong lãnh vực này: trước tiên là hội nghị thượng đỉnh COP27 sẽ nhóm tại Ai Cập vào tháng Mười Một năm nay. Đó là cơ hội gần nhất để tất cả cùng nhau thực hiện hữu hiệu Hiệp định Paris, đạt tới mục tiêu giới hạn sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C, giảm bớt thán khí gây ra hiện tượng lồng kính, thay đổi lối tiêu thụ và sản xuất.
Tiếp đến là Hội nghị thượng định COP15 về đa dạng sinh học (biodiversità) sẽ nhóm tại Canada vào tháng Mười Hai năm nay. Đây là một cơ hội để các chính phủ chấp nhận một hiệp định đa phương mới hầu chặn đứng sự tàn phá các hệ thống sinh thái và sự tuyệt chủng của các chủng loại.
Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Để chặn đứng, không để “mạng sự sống”, tức là “sự đa dạng sinh học” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta bị sụp đổ thêm, chúng ta hãy cầu nguyện và mời gọi các quốc gia hãy thỏa thuận với nhau về bốn nguyên tắc nền tảng.
Thứ nhất: kiến tạo một nền tảng luân lý đạo đức rõ ràng để thực hiện sự biến đổi chúng ta đang cần, hầu cứu vãn sự đa dạng sinh học.
Thứ hai: Chiến đấu chống sự biến mất đa dạng sinh học, hỗ trợ sự bảo tồn và phục hồi chúng, đáp ứng nhu cầu của con người một cách bền vững.
Thứ ba: Thăng tiến tình liên đới hoàn vũ, dưới ánh sáng điều này: sự đa dạng sinh học là một thiện ích chung của nhân loại, đòi sự dấn thân chung.
Thứ tư: Đặt con người ở trung tâm các tình trạng dễ bị tổn thương, kể cả những người bị tổn thương nhất vì sự mất mát đa dạng sinh học, như các thổ dân, người già và người trẻ.
Sau cùng, Đức Thánh cha “tái nhân danh Thiên Chúa kêu gọi các công ty lớn khai thác quặng mỏ, dầu hỏa, rừng cây, bất động sản, canh nông lương thực hãy ngưng phá rừng, ngưng tàn phá những vùng ẩm ướt và núi non, ngưng làm ô nhiễm sông ngòi và biển khơi, ngưng làm cho các dân tộc và lương thực bị ngộ độc”.
(Rei 21-7-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA