Đức Hồng y Koch: Chiến tranh Ucraina là một thảm họa cho Kitô giáo

 

Đức Hồng y Koch: Chiến tranh Ucraina là một thảm họa cho Kitô giáoĐức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên bố rằng chiến tranh tại Ucraina là một thảm họa đối với Kitô giáo, nhất là Chính Thống giáo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Domradio.de của giáo phận Koeln bên Đức, hôm 28 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng y Koch, người Thụy Sĩ, nhận định rằng tại Ucraina, “Kitô hữu chiến đấu chống Kitô hữu; thậm chí người Chính thống giáo đánh nhau với người Chính thống giáo. Đó là một sứ điệp kinh khủng đối với toàn thể Kitô giáo trên thế giới”.

Theo Đức Hồng y, ngày nay cuộc đối thoại với Chính Thống giáo trở nên khó khăn: “Đó là một thảm trạng đặc biệt, chính vì Tòa Thượng phụ Chính thống Nga vẫn luôn nói rằng chúng tôi cảm thấy bị bó buộc phải bảo vệ các tín hữu Kitô, chúng tôi buộc lòng phải có lập trường đứng trước những cuộc bách hại”.

Đức Hồng y Koch cũng nói rằng vấn đề ở đây là tìm lại sự đồng thuận, theo đó chúng ta phải phục vụ hòa bình, như Đức Thánh cha Phanxicô đã nói: Thiên Chúa Kitô là một Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của chiến tranh. Tôi không thể nhân danh Thiên Chúa để cổ võ hoặc hỗ trợ chiến tranh. Đó là một lập trường không phải của Kitô giáo”.

Trả lời câu hỏi về cuộc đối thoại với Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Mascơva, Đức Hồng y Koch nhắc lại lời Đức Thánh cha Phanxicô, theo đó “Chúng ta không phải là những công chức nhà nước, nhưng chúng ta là những mục tử của dân, và chúng ta không có sứ điệp nào khác ngoài sứ điệp chấm dứt cuộc chiến tranh này”.

Về tương quan giữa Giáo hội và nhà nước, Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, nói: “Ở đây chúng tôi có một quan niệm hoàn toàn khác. Tại Tây phương, chúng tôi đã phải học điều này, qua các cuộc cách mạng, đó là tương quan thích đáng giữa Giáo hội và nhà nước là sự tách biệt nhưng có thể có sự đối tác với nhau. Quan niệm này không được biết đến ở Đông Phương, trong Chính Thống giáo, họ nói về sự “đồng âm” giữa Giáo hội và nhà nước. Quan niệm này rất hiển hiện trong hậu trường chiến tranh tại Ucraina”.

(cath.ca 29/4/2022)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA