Công bố sứ điệp Đức Thánh cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56

 

Công bố sứ điệp Đức Thánh cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56Sáng hôm 24 tháng Giêng năm 2022, lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng giới ký giả Công giáo, Đức Thánh cha Phanxicô đã cho công bố Sứ điệp của ngài nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56, sẽ được cử hành vào ngày 29 tháng Năm tới đây, với chủ đề: “Lắng nghe với tai của con tim”.

Đề tài này tiếp nối chiều hướng của đề tài năm ngoái, là cần phải “đi và xem” để khám phá thực tại, hầu có thể thuật lại từ cảm nghiệm về các biến cố và từ sự gặp gỡ con người. Đề tài năm nay tiếp tục con đường đó, và Đức Thánh cha đề nghị một động từ khác là “Lắng nghe”, vốn là một yếu tố quyết định trong việc truyền thông và là điều kiện để có một cuộc đối thoại chân thực.

Đức Thánh cha nhận xét rằng con người ngày nay đang đánh mất khả năng lắng nghe người đối diện, trong những tương quan thường nhật, cũng như trong các cuộc thảo luận về những đề tài quan trọng nhất của đời sống dân sự. Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Chỉ khi nào chú ý tới người chúng ta lắng nghe, điều chúng ta lắng nghe, và cách thức chúng ta nghe, chúng ta mới có thể tăng trưởng trong nghệ thuật truyền thông, với trung tâm không phải là một lý thuyết hay một kỹ năng, nhưng là “khả năng của con tim làm cho sự gần gũi trở thành điều có thể thực hiện” (Evangelii gaudium 171). Sự lắng nghe không phải chỉ liên hệ tới thính giác, nhưng trọn con người. Trung tâm thực sự của lắng nghe là con tim. Vua Salomon, tuy rất trẻ, nhưng đã tỏ ra khôn ngoan vì đã xin Chúa ban cho mình “một con tim lắng nghe” (1 Vua 3,9). Thánh Augustinô cũng đã mời gọi hãy lắng nghe bằng con tim (corde audire), đón nhận các lời nói không phải bằng tai bên ngoài, nhưng với con tim trong tinh thần: “Anh em đừng có con tim trong đôi tai, nhưng hãy có đôi tai trong con tim” (Sermo 380,1).

“Vì thế, sự lắng nghe là điều đầu tiên cần tái khám phá khi ta tìm kiếm một sự truyền thông đích thực là lắng nghe bản thân, những đòi hỏi chân thực nhất, được ghi khắc trong thẳm sâu của mỗi người. Ta chỉ có thể tái khởi hành bằng cách lắng nghe điều làm cho chúng ta trở thành có một không hai trong các công trình tạo dựng, đó là ước muốn ở trong tương quan với tha nhân và Thiên Chúa. Chúng ta không được dựng nên để sống như những nguyên tử, nhưng là cùng với nhau”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha cũng đặc biệt nhắn nhủ giới ký giả hãy lắng nghe những người di dân. Ngài viết: “Tôi lập lại rằng, để vượt thắng những thành kiến về những người di dân và gỡ bỏ sự cứng lòng của chúng ta, cần cố gắng lắng nghe lịch sử của họ. Mang lại một tên và một lịch sử cho mỗi người trong số họ. Nhiều ký giả giỏi đã làm như vậy. Nhiều người khác muốn làm nếu họ có thể. Chúng ta hãy khuyến khích họ! Hãy lắng nghe tiểu sử của họ! Rồi mỗi người sẽ tự do ủng hộ những chính sách di trú họ thấy là thích hợp nhất đối với đất nước của họ. Nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta cần có trước mặt không phải là những con số, hay là những người xâm lăng nguy hiểm, nhưng là những khuôn mặt, những tiểu sử con người cụ thể, những cái nhìn, mong đợi, đau khổ của những người nam nữ cần lắng nghe”.

(Rei 24-1-2022)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA