Việc sản xuất, phân phối và sử dùng các loại vaccine từ những tế bào bị phá thai là vấn đề đang gây tranh cãi trong lãnh vực đạo đức (ethics) và luân lý (morality).[1] Những loại chủng ngừa này (vaccines) có chứa những tề bào mầm vốn đã được khai thác từ dòng tế bào của phôi thai, sử dụng chuỗi các tế bào phôi thai đã bị phá để chế tạo ra các loại vaccine. Một trong loại vaccine như thế đã từng được sử dụng và phân phối rộng rãi khắp thế giới đó chính là vaccine chống lại dịch Rubella Đức (bệnh sởi Đức).
Lịch Sử Vấn Đề: Dịch Rubella và Thuốc Chủng Ngừa
Rubella là một loại bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây ra, thuộc họ Togavirus. Triệu chứng của bệnh này xuất hiện trên người những ban đỏ hoặc màu hồng ở đầu và mặt, rồi lan toàn thân. Nó có hình dạng tròn hoặc bầu dục, kích thước chứa 1-2 mm, và gây ngứa. Trẻ sơ sinh dễ bị lây nhiễm hơn người lớn, và không hề có những biểu hiện lâm sàng khi mang mầm bệnh; khi nhiễm thì tự khỏi.
Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, bệnh này gây ra biến chứng nguy hiểm đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu hoặc gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi như chứng đầu teo, chậm phát triển, tâm thần, điếc, mù lòa, và suy tim. Một thống kê cho thấy nguy cơ biến chứng của dịch bệnh này rất cao, khoảng 95%.[2] Chẳng hạn, vào năm 1964, bệnh dịch này đã lây lan khắp nước Mỹ và gây ra 20,000 ca nhiễm để rồi dẫn đến việc 11,250 ca phá thai, 2,100 trẻ em chết sau khi sanh, 11,600 ca bị điếc; 3,580 ca bị mù; 1,800 ca bị thiểu năng. [3]
Chính vì tình trạng này đã khiến các nhà y khoa nghiên cứu một loại chủng ngừa để chống lại bệnh dịch này hầu có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Có hai dòng tế bào lưỡng bội vốn được lấy từ những phôi thai bị phá (vào năm 1964 và 1966) và được dùng để điều chế vaccine chống lại sự lây lan của virus Rubella:
- Vào năm 1964, loại đầu tiên là dòng tế bào gốc với mã nguồn WI-38 (Winstar Institue 38), được Leonard Hayflick, giáo sư vi sinh học trường đại học Starford University of Medicine, USA, lấy từ thai nhi nữ bị phá bởi một gia đình có quá đông con. Ông đã tách tế bào này từ phổi thai nhi bị phá này để tạo ra loại kháng thể chống lại virus Rubella.[4]
- Vào năm 1966, S. P. Jacobs tạo ra một tế bào gốc thứ hai có mã nguồn MRC-5 (Medical Researtch Council cell strain 5) bằng việc ông sử dụng thai nhi nam, khoảng 14 tuần, bị phá từ một người phụ nữ khoảng 27 tuổi với lý do là thai nhi bị dị tật, thiểu năng.
Các nhà khoa học đã tạo ra những kháng thể được lấy từ trong hai mẫu tế bào này để sản xuất vaccine phòng ngừa các bệnh dịch bao gồm bệnh sởi, rubella Đức, bệnh dại, ho gà, bệnh zona và viêm gan siêu vi A. Các loại vaccine này đã được phân phối rộng rãi trên toàn thế giới.[5]
Lập Trường Luân Lý Liên Quan Đến Các Loại Vaccine Này
Với mục đích ban đầu là để ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh dịch Rubella, phải thừa nhận rằng việc chế tạo ra những loại vaccine như thế để ngăn chặn và phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là một “bước tiến” quan trọng của y khoa. Tuy nhiên, vì những vaccine này được điều chế từ những thai nhi bị phá bỏ một cách có chủ ý, và các loại kháng thể được dùng để chế tạo và thử nghiệm từ chính trong những dòng tế bào con người được lấy từ phôi thai, cho nên chúng ta phải đặt lại vấn đề đạo đạo đức và luân lý. Vì thế, rất cần có một sự hướng dẫn cụ thể cho các tín hữu Công Giáo. Nếu một người Công Giáo phò sự sống, thì chắn hẳn người đó sẽ không tự mâu thuẫn với chính mình qua việc sử dụng và cỗ võ với những loại vaccine như vậy?! Liệu việc sử dụng loại vaccine là một hành động cộng tác vào sự xấu?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu các hình thức và những cấp độ của việc cộng tác sự xấu là gì. Cộng tác làm điều xấu vẫn là một vấn đề nhức nhối vì luôn có một mối liên hệ giữa chính hành động của đương sự và hành động xấu của những người khác.[6]
Các Hình Thức và Cấp Độ của Việc Cộng Tác vào Sự Xấu
Cộng tác vào sự xấu là hành động của một người nào đó tham gia hay cộng tác vào cách này hay cách khác liên quan một hành động xấu về mặt luân lý của người khác.[7] Định nghĩa này đúng, nhưng xem ra chưa đủ vì nó chỉ cho thấy một loại cộng tác vào sự xấu mà thôi, trong khi thực tế thì có thể diễn tả ở nhiều hình thái khác nhau.
Ví dụ, sự cộng tác vào việc làm tiền giả có thể diễn ở nhiều hình thức khác nhau: tham gia in ấn các tờ tiền, cung cấp vật liệu giấy và mực in cho phù hợp mà đối tác đòi hỏi trong khi ta biết đối tác này dùng vào việc gì, mang những tờ tiền giả này tiêu thụ trong thị trường, biết tiền giả mà vẫn cứ dùng, hoặc dùng nó với bất kỳ hình thức gì.
Một dạng thức khác nữa đó là việc cộng tác vào sự xấu một cách thụ động, nghĩa là phớt lờ hành vi xấu của người khác đang khi mình biết mà không ngăn cản, không lên tiếng. Ngoài ra, còn có một loại cộng tác vào sự xấu tồn tại trong hệ thống xã hội, chính trị và kinh tế.[8]
Với tất cả những dạng thức đó, việc cộng tác vào sự xấu có thể được chia thành những cấp độ khác nhau. Đầu tiên, cộng tác vào sự xấu có thể diễn ra ở cấp độ mô thể và chất thể. Cộng tác mô thể xảy ra khi đương sự tham gia vào hành vi xấu của người khác, có cùng ý hướng xấu với người gây ra hành vi xấu đó. Trái lại, khi đương sự cộng tác vào hành động xấu của người khác, mà không biết hay chia sẻ ý hướng xấu của người đó, thì gọi là cộng tác chất thể. Hay nói khác đi, đó là một sự cộng tác miễn cưỡng vào một hành động xấu của người nào đó dẫn tới những hậu quả xấu.[9]
Cộng tác chất thể còn được chia thêm thành hai cấp độ khác: Trực tiếp và gián tiếp. Sự cộng tác trực tiếp khi đương sự tham gia vào hành động cụ thể về một hành vi xấu. Ví dụ, y tá hỗ trợ bác sĩ thực hiện hành vi phá thai. Sự cộng tác gián tiếp khi đương sự có sẵn những phương thế để làm một hành vi xấu hay tạo điều kiện hướng chiều về nó. Sự cộng tác gián tiếp có thể là xa hoặc gần. Sự cộng tác càng xa với hành động xấu bao nhiêu thì càng dễ được coi là tội nhẹ hoặc vô tội bấy nhiêu dựa sự hàm hồ liên quan đến hành vi của người cộng tác và hành vi của tác nhân chính. Ví dụ, cô ý tá phải khám tổng quát cho một người phụ nữ và bà này có ý định phá thai nhưng cô ý tá không hề biết hoặc không có ý là chuẩn bị xa cho việc phá thai.[10]
Cộng tác mô thể vào sự xấu thì luôn luôn trái luân lý. Cộng tác chất thể có thể đôi lúc trái luân lý (hệ tại ở điều kiện nguyên tắc song hiệu hay hành động hữu ý gián tiếp), nhưng khi việc cộng tác chất thể gián tiêp liên quan đến việc tấn công nguy hại đến sự sống con người, thì nó luôn luôn là xấu về mặt luân lý. Chẳng hạn, một binh sĩ có thể phản đối hành động từ cấp trên chỉ thị cho anh ta thực hiện một hành vi tội ác chiến tranh, như diệt chủng hay hành hình những công dân vô tội.[11]
Ở đây, cần phân biệt thêm đó là sự cộng tác chủ động và thụ động. Cộng tác chủ động vào sự xấu là việc cộng tác vào hành vi xấu mà người khác đang thực hiện; còn cộng tác thụ động vào sự xấu là hành động không tố giác hoặc can ngăn hành động xấu của người khác. Cộng tác thụ động có thể là chất thể, mô thể, xa hay gần. Rõ ràng, bất kỳ một loại cộng tác thụ động mô thể nào đều bị xem là trái luân lý, và kể cả việc cộng tác thụ động chất thể cũng nên tránh dù rằng trong thực tế phải thừa nhận rằng không có bổn phận rõ ràng để tránh việc cộng tác chất thể thụ động trong trường hợp nào đó mà xem ra ta không thể làm khác đi được.[12]
Áp Dụng vào Việc Sử Dụng Pfizer và Moderna COVID-19 Vaccine Hiện Nay tại Hoa Kỳ
Những Phản Ứng Trái Chiều
Đang khi dư luận hoang mang ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông về việc được phép dùng hay không hai loại vaccines chống covid-19 của hai hẵng dược Pfizer Inc. và Moderna, thì hai đức Đức Cha Kevin Rhoades of Fort Wayne, chủ tịch tín lý và Tổng Giám Mục Joseph Fr. Naumann, chủ tịch ủy ban ủng hộ sự sống, của hội đồng giám mục Mỹ đã khẳng định rằng không có trái luân lý khi chích ngừa bằng hai loại thuốc tiêm chủng này.[13] Bản thông cáo từ hai ủy ban này như sau:
Cả hai loại vaccine Pfizer và Moderna không liên quan đến việc sử dùng các dòng tế bào được lấy từ mô thai bị phá để nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Tuy nhiên, chúng không hoàn toàn không dính dáng đến việc phá thai, vì cả hai loại chủng ngừa này đều dùng những dòng tế bào bị phá hủy để thử nghiệp và sản xuất. Vì thế cả hai đều có một sự dính dáng, nhưng ở cấp độ cộng tác xa.
Vì có sự cộng tác xa như vậy, cho nên có ý kiến cho rằng nếu một loại chủng ngừa nào có dính dáng đến bất kỳ dòng tế bào từ bào thai bị phá, thì việc tiêm chủng loại vaccine đó là trái luân lý và đạo đức.[14] Chẳng hạn như vào ngày 16 tháng 11, đức Giám mục Joshep E. Strickland Tyler, Texas, đã ghi nhận rằng vaccine Moderna sản xuất không hợp với luân lý. Những trẻ em chết trong những vụ phá thai, và những cơ thể của chúng được dùng mẫu thí nghiệm. Do đó, nếu bất cứ ai cho rằng sự sống là thánh thiêng, thì hẳn người đó sẻ phải loại trừ những vaccine được tạo ra từ những điều trái luân lý như vậy.[15]
Cũng cùng một ý tưởng, đức Giám mục Joshep V. Brenna of Fresno, Califronia, đã nhận định những loại vaccines này như sau: “Tất cả chúng ta đều muốn có sức khỏe cho mình và cho người khác. Chúng ta cũng muốn cổ võ cho điều đó…nhưng không bao giờ được phép dùng mạng sống của người khác để có được sức khỏe cho mình.”[16]
Hướng Dẫn Từ Huấn Quyền
Với những phản ứng trái chiều như thế chắc hẳn sẽ hoang mang và thắc mắc với những người tín hữu. Vậy đâu là câu trả lời từ Tòa Thánh? Học viện Sự Sống của Phủ Giáo hoàng cũng như Ủy Ban Tín Lý Đức Tin của Tòa Thánh đã đưa ra sự hướng dẫn như sau liên quan đến những loại vaccine này dựa trên những cấp độ của việc cộng tác vào sự xấu. Có ba dạng người liên quan đến đến việc cộng tác sự xấu:
1) những người điều chế vaccines sử dụng các dòng tế bào lấy từ những vụ phá thai cố ý;
2) những người tham gia vào việc phân phối ra thị trường những các loại vaccine đó;
3) những người cần dùng nó vì lý do sức khỏe.[17]
Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng rằng mọi hình thức cộng tác mô thể (ví dụ như có cùng ý hướng xấu) với những người cố ý phá thai, không bao giờ được phép về mặt luân lý và đạo đức.[18] Bởi vì khi phá thai, người ta dùng những mô thai để điều chế các loại chủng ngừa. Do đó, bất cứ ai — bất kể thuộc dạng nào trong ba dạng người trên — cộng tác một cách nào đó, có cùng ý hướng, cùng thực hiện hành vi cố tình phá thai để nhắm đến những loại vaccines như trên, thì những người cộng tác vào việc đó đều có cùng một mức độ tội như nhau. Việc cộng tác ấy cũng tương tự cho những việc mà ta, cùng ý hướng với người phá thai, đã không chịu lên án và phản đối những hành vi xấu như thế, dù có bổn phận luân lý phản làm như vậy (cộng tác mô thể thụ động).
Trong trường hợp những người không có cùng ý hướng xấu với những người đã thực hiện hành vì phá thai, thì bất kỳ hình thức cộng tác nào cũng được xem là chất thể. Điều này sẽ dùng các tiêu chí sau đây để thẩm định:
Liên quan đến việc điều chế sản xuất, phân phối và bán ra thị trường từ các loại vaccine lấy từ những tế bào phôi thai bị phá, thì trái đạo đức và luân lý, bởi vì nó có thể khuyến khích người ta phá thai, vì mục đích là sản xuất vaccine để cứu người. Tuy nhiên, điều này cũng cần phân biệt rằng trong một chuỗi liên kết như sản phẩm — phân phối — tiêu thụ, thì những tác nhân cộng tác vào việc đó lại có những trách nhiệm luân lý khác nhau.[19]
Theo Huấn Thị Phẩm Giá Con Người (Dignitas Personae), các công ty mà người ta dùng dòng tế bào bất hợp pháp để điều chế vaccine, thì trách nhiệm thuộc về việc người quyết định cho phép dùng nó khác với những người không có tiếng nói trong việc quyết định ấy.[20] Theo nghĩa này, việc người dân sử dụng vaccine Moderna không lỗi luân lý (tức là khi vaccine “sạch” chưa có sẵn cho các bác sĩ, dược sĩ và bệnh nhân; hay khi việc phấn phối trở nên khó khăn hơn vì cần đến việc bảo quan đặc biệt và điều kiện chuyên trở đặc biệt; và khi những loại vaccines này được phân phối trong cùng một quốc gia nhưng không có một sự trọn lựa nào khác). Trong trường hợp này, Ủy Ban Tín Lý Đức Tin cho phép ta tiêm chủng covid-19 vaccine lấy từ những dòng tế bào từ các phôi thai bị phá hủy trong khi nghiên cứu và điều chế.[21]
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng trường hợp cộng tác chất thể thụ động từ những nhà sản xuất vaccine này, nếu họ không từ chối một cách công khai về hành vi tự nó là xấu này (việc phá thai cố ý), và nếu họ không cùng nhau tìm cách thức chọn lựa nghiên cứu khác để tạo ra những sản phẩm chủng ngừa cùng dịch bệnh, thì việc cộng tác chất thể thụ động đó cũng trái luân lý.[22]
Liên qua đến đối tượng thứ ba, chẳng hạn như bác sĩ, những người đầu nghành, và bệnh nhân có bệnh lý nền, là những người cần dùng những loại vaccines này vì lý do sức khỏe. Khi dùng vaccine lầy từ phôi thai, thì rơi vào trường hợp cộng tác chất thể gián tiếp từ xa.[23] Bổn phận luân lý phải tránh trong trường hợp cộng tác ấy sẽ không buộc nếu ở trong tình trạng khẩn cấp nguy hiểm. Ví dụ, vì hoàn cảnh không thể ngăn chặn sự bùng phát đại dịch Covid 19 bằng phương thuốc khác, cho nên tất cả những loại vaccine được xem là an toàn và hiệu quả về mặt lâm sàng có thể được sử dụng nhưng với một lương tâm ngay thẳng; đó là, ta ý thức rằng khi dùng các loại vaccine này, chúng ta không cộng tác mô thể vào hành động phá thai để lấy tế bào cho việc điều chế vaccine. Tuy nhiên, việc sử dụng hợp pháp trong trường hợp điều kiện đặc biệt như vậy, tự nó không phải là một sự hợp thức hóa, dù là gián tiếp, về việc thực hiện phá thai, và người sử dụng nhất quyết phải lên tiếng phản đối chuyện đó.[24]
Kết Luận và Nhận Định
Thế giới vẫn còn trong cuộc khủng khoảng đại dịch về sức khỏe. Con số lây nhiễm và chết vì Covid-19 lên đến hàng triệu trên toàn thế giới. Trong một bối cảnh khẩn cấp như vậy, việc chọn lựa các loại vaccine vẫn còn rất khan hiếm, và thực tế là những vaccine có dính dáng đến việc phá thai đã xảy ra cách đây hàng thập kỷ và ngày nay việc tiêm chủng các vaccine như thế là sự cộng tác từ xa. Trong trường hợp khẩn cấp nguy kịch như vậy, việc tiêm chủng những loại vaccine Covid 19 có thể được chấp thuận về mặt luân lý.
Tuy nhiên, về phần chúng ta, là những linh mục, tu sĩ, người công giáo có thiện chí, chúng ta phải cổ võ bao nhiêu có thể để đảm bảo sự phát triển, sản xuất, phân phối những loại vaccine không liên quan đến những tế bào từ bào thai bị phá để rồi có nguy cơ dễ dẫn đến việc thay đổi những chuẩn mực đạo đức và luân lý trong việc nghiên cứu y khoa.[25]
Từ những gì đã trình bày ở trên, xin tóm lại bốn điểm quan trọng như sau:
Thứ nhất, người Công Giáo phải có bổn phận chọn lựa những vaccines khi có thêm các loại khác không liên quan đến bào thai bị phá, và phải loại trừ tất cả những hình thức liên quan những loại vaccine như thế.
Thứ hai, trong trường hợp không có sự chọn lựa nào khác, thì chúng ta nên cổ võ nghiên cứu các loại vaccine khác đồng thời cũng xem xét những khía cạnh hợp luật của những loại vaccine hiện hành, xét vì mức độ cần thiết để tránh lây nhiễm nghiêm trọng đến sức khỏe của toàn dân.
Thứ ba, việc sử dụng những loại vaccine từ bào thai bị phá không đương nhiên tuyên bố sự hợp pháp sản phẩm, sử dụng, buôn bán của các hãng dược phẩm, nhưng đúng hơn, xét về sự cộng tác chất thể có tính cách thụ động, xa và nhẹ, thì trong trường hợp này có thể lý giải về mặt luân lý vì lý do bổn phận tuyệt đối (extrema ratio) của chúng ta là phải bảo vệ sức khỏe cho những người có thể trạng dễ lây nhiễm, người có bệnh lý nền, người dễ gặp nguy hiểm, và người già yếu.
Thứ tư, việc cộng tác trong bối cảnh bắt buộc như thế sẽ dẫn gây khó cho lương tâm của người sử dụng, nghĩa là buộc phải chọn để thực hiện một hành vi ngược với lương tâm của mình hoặc nếu không gây nguy hiểm đến công ích sức khỏe cộng đồng, buộc đương sự rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Do đó, sự chọn lựa này là điều bất công và buộc phải loại trừ càng sớm càng tốt qua việc cổ võ những vaccine không lấy từ bao thai. [26]
Với bốn điểm chính như trên, xin đưa ra hai nhận định như sau: Một điều không ai phủ nhận là những người dùng các loại vaccine có sẵn trên thị trường hay do hệ thống y tế của chính phủ cung cấp chỉ có ý hướng là điều trị. Hơn nữa, trong thực tế, đại đa số không biết những loại vaccine này đã được chế xuất như thế nào.
Cuối cùng, luôn luôn nhớ rằng chúng ta là những người luôn rao giảng về sự sống thì không bao giờ được phép chấp nhận việc người ta coi phôi thai hay thai nhi bị phá như một sự vật dùng để sản xuất, trao đổi, hay nghiên cứu. Điều này chắc chắn đi ngược lại với giá trị của Tin Mừng Sự Sống. Tất cả những viện nghiên cứu sinh học tôn trọng sự sống là điều đáng ca ngợi và cổ võ. Đồng thời, người tín hữu đều có bổn phận cộng tác vào điều đó để bảo đảm rằng việc điều chế các loại vaccine phải luôn hợp với phẩm giá, ngôi vị và quyền sống của con người.[27]
Toàn Ninh, OP
Tài Liệu Tham Khảo
Asher, Julie. “Use of Pfizer, Moderna Covid-19 Vacines Is Morally Acceptable,” https://www.ncronline.org/news/coronavirus/use-pfizer-moderna-covid-19-vaccines-morally-acceptable-say-bishops.
Chairmen of the Committe on Doctrine and the Comitte on Pro-life Activities of USCCB. “Moral Considerations Regarding the New Covid-19 Vaccines” (December 11, 2020): 1-7.
Congregation for the Donctrine of the Faith. “Note on the Morality of Using Some Anti-Covid-19 Vaccines.” https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20201221_nota-vaccini-anticovid_en.html.
Hellegers, Andre E. “Fetal Development.” Theological Studies 31 (1970): 3-9.
Hayflick, L. “The Limited In-Vitro Life- time of Human Diploid Cell Strains.” Experimental Cell Research 37 (March 1965): 614– 636.
Jacobs, J. P., C. M. Jones, and J. P. Baille. “Characteristics of a Human Dip- loid Cell Designated MRC-5.” Nature 227.5254 (July 11, 1970): 168–170.
John Paul II. Evangelium Vitae. The Vatican, March 25, 1995. http://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_25031995_evangelium-vitae.html.
Luño, Angel Rodríguez. “Ethical Reflections on Vaccines Using Cells from Aborted Fetuses.” The National Catholic Bioethics Quarterly 6, no. 3 (Aut 2006): 453-59.
Pontifical Academy for Life. “Moral Reflections on Vaccines Prepared from Cells Derived from Aborted Human Foetuses.” The Linacre Quarterly 86, no. 2–3 (May 2019): 182-87.
Stiltner, Brian. Toward Thriving Communities: Virtue Ethics as Social Ethics. New York: Anselm Academic, 2010.
[1] Đạo Đức là môn học nghiên cứu các nguyên tắc, hệ quả, nhân đức và tiêu chí chuẩn mực để xác định hành động nào phải làm hoặc nên tránh. Ngược lại, luân lý nhấn mạnh đến khía cạnh là làm sao áp dụng những nguyên tắc đạo đức đó vào những trường hợp cụ thể. Một đời sống luân lý bao gồm: quy tắc, mục đích và bối cảnh. Nói khác đi, đạo đức trả lời cho câu hỏi “cái gì” đang khi luân lý trả lời cho câu hỏi “như thế nào.” Xc., Brian Stiltner, Toward Thriving Communities: Virtue Ethics as Social Ethics (New York: Anselm Academic, 2010), 21.
[2] Pontifical Academy for Life, “Moral Reflections on Vaccines Prepared from Cells Derived from Aborted Human Foetuses,” The Linacre Quarterly 86, no. 2–3 (May 2019): 182.
[3] Ibid.
[4] L. Hayflick, “The Limited In-Vitro Life- time of Human Diploid Cell Strains,” Experimental Cell Research 37 (March 1965): 614– 636. Cũng nên biết rằng, khi thai kỳ ở tuần thứ 14 trở đi, thì hình dạng của thai nhi đã được định hình: tay chan bắt đầu hình thành, não bộ đã phát triển trọn vẹn. Thai nhi trong gia đoạn này đã cân nặng khoảng một pound (453,5 Gram). Xc. Andre E. Hellegers, “Fetal Development,” Theological Studies 31 (1970): 8.
[5] J. P. Jacobs, C. M. Jones, and J. P. Baille, “Characteristics of a Human Dip- loid Cell Designated MRC-5,” Nature 227.5254 (July 11, 1970): 168–170.
[6]Angel Rodríguez Luño, “Ethical Reflections on Vaccines Using Cells from Aborted Fetuses,” The National Catholic Bioethics Quarterly 6, no. 3 (Aut 2006): 455.
[7] Ibid.
[8] Ibid.
[9] Pontifical Academy for Life, “Moral Reflections on Vaccines,” 184.
[10] Ibid.
[11] Ibid.
[12] Ibid.
[13] Chairmen of the Committe on Doctrine and the Comitte on Pro-life Activities of USCCB, “Moral Considerations Regarding the New Covid-19 Vaccines” (December 11, 2020): 4-5.
[14] Ibid.
[15] Julie Asher, “Use of Pfizer, Moderna Covid-19 vacines is morally acceptable,” https://www.ncronline.org/news/coronavirus/use-pfizer-moderna-covid-19-vaccines-morally-acceptable-say-bishops.
[16] Ibid.
[17] Pontifical Academy for Life, “Moral Reflections on Vaccines,” 184.
[18] Ở đây có một việc cần ghi nhận rằng mọi vấn đề phá thai ngài nay xem ra càng được hợp thức hóa nhiều hơn và sử dụng những loại mô thai lấy từ việc phá thai. Chẳng hạn, mới đây Argentina, quê hương của Đức Giáo Hoàng, chính phủ đã cho phép nới rộng luật pháp phá thai với trường hợp thai kỳ ở tuần thứ 14. Một trong những điều đáng kinh tởm đó là, người ta ăn mừng nhảy múa chuyện hợp thức hóa việc phá thai.
Hơn nữa, những phương pháp kỹ thuật hỗ trợ cho việc sinh sản cũng dẫn đến việc bảo quản hàng ngàn hàng ngàn phôi thai, mà những phôi thai này để lâu sẽ phải bị hủy hoặc người ta dùng nó để nghiên cứu. Vì thế, một thứ văn hóa phi nhân đã xuất hiện: sự sống con người ở trong giai đoạn phôi thai bị biến thành sự vật, tức là một thứ hàng hóa của người khác nhắm đến những mục đích khác nhau, mặc cho nó những ý hướng “tân tiến” để hợp thức việc buôn bán trao đổi phôi thai vốn được xem là trái đạo đức và luân lý. Xc. Luño, “Ethical Reflections,” 456.
[19] Catholic Medical Association, “Pontifical Academy for Life,” 184..
[20] Congregation for the Donctrine of the Faith, “Note on the Morality of Using Some Anti-Covid-19 Vaccines,” https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20201221_nota-vaccini-anticovid_en.html.
[21] Ibid.
[22] Pontifical Academy for Life, “Moral Reflections on Vaccines,” 184.
[23] Ibid., 185.
[24] Congregation for the Donctrine of the Faith, “Note on the Morality”; Về điều này, cũng xin hết sức thận trọng bởi vì người ta dễ rơi vào thuyết âm mưu (conspiracy theories) khi đó mọi người sẽ rơi vào tình huống biện minh như thế này: Thấy lợi ích của việc phá thai chưa?! Để rồi đánh mất đi ý thức về một hành động tự nó xấu.
[25] Chairmen of the Committe on Doctrine and the Comitte on Pro-life Activities of USCCB, “Moral Considerations.”
[26] Pontifical Academy for Life, “Moral Reflections on Vaccines,” 185.
[27] John Paul II, Evangelium Vitae, the Vatican, March 25, 1995, no. 63, http://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_25031995_evangelium-vitae.html. Từ ngữ “sự sống” bao gồm phẩm giá, ngôi vị, và quyền bất khả xâm phạm của con người. Những phẩm tính này không thể dựa trên thuần túy vào khoa học, nhưng trên những chuẩn mực đạo lý và cảm thức chung của nhân loại. Xc. Hellegers, “Fetal Development,” 9.